Chị nhớ cái không khí Tết đã chộn rộn từ tháng Một, tháng Chạp. Nhớ cái nao nức, hân hoan càng gần đến mùa Xuân không khí Tết càng hối hả, dập dồn. Và cảm nhận Tết rõ nhất là từ rằm tháng Chạp, rồi chớp mắt sang 23 ông Công ông Táo thì dường như Tết đã đến về cổng làng rồi…
Ôi nhớ sao phiên chợ ngày 30 Tết mỏi mắt mong mẹ về chợ mà bao giờ mẹ cũng về nhà khi trời quá ngọ, vầng trán mẹ lấm tấm mồ hôi, đôi má ửng hồng như uống rượu trong tiết trời giá lạnh cuối năm. Người ta nói phiên chợ ngày 30 là phiên chợ của nhà nghèo, của người nghèo. Vì nhà giàu đã rục rịch sắm Tết từ tháng Chạp. Ngày đó các bà nội trợ mua tích trữ dần đỗ xanh, gạo nếp, miến, măng từ đầu tháng Chạp chứ đâu phải như bây giờ chỉ ra siêu thị một vòng hoặc thậm chí nhấc điện thoại lên là mọi thứ đều đầy đủ, sẵn sàng. Nhưng đó là nói Tết nhà người ta. Còn những nhà nghèo như nhà chị, phải đợi đến 30 mới có tiền đi sắm Tết, hoặc có thể do tâm lý nhà nghèo nghĩ rằng chợ 30 người ta sẽ bán rẻ cho bằng hết để về nhà sum họp tất niên.
Vậy nên trong gánh hàng từ phiên chợ ngày 30 Tết của mẹ luôn đầy ắp nào quần áo mới cho các con, bánh kẹo, thực phẩm mua từ chợ huyện, và mẹ cũng không bao giờ quên mua mấy nắm hương trầm để cúng giao thừa và thắp hương tổ tiên năm mới.
Ngẫu hứng năm Tân Sửu (Tranh của Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh). |
Nhắc lại nhớ sao là nhớ cái mùi hương trầm thoảng trong gió bấc ám ảnh đến mức chỉ nói đến thôi là lại quay quắt nhớ Tết xưa, nhớ những tháng ngày thơ bé ấm êm trong vòng tay cha mẹ, bên anh chị em nhà mình. Ôi làn hương trầm gợi về những cái Tết nghèo xa lắc, nhớ tuổi thơ đầu trần chân đất chạy phăm phăm trên cánh đồng ngày cuối năm. Nhớ bạt ngàn gốc rạ âm thầm trên cánh đồng chiều xám nhạt, bình thản và an yên sau khi đã dâng hiến cho mùa màng no ấm, hồn hậu an lành như những người dân quê mình…
Nhớ nồi bánh chưng cha cần mẫn, cẩn trọng gói cả chục chiếc đều như một, rồi bắc bếp ninh cả ngày trời, cứ như là tâm huyết cả năm trời của cha dồn vào đó. Nhớ cả nồi nước tắm thả hoa mùi già chị nấu cho cả nhà “tẩy trần” đón năm mới.
Nhớ chiều 30 chị em mỗi người một việc xăng xái dọn dẹp, quét tước cho nhà cửa sân vườn sạch sẽ, phong quang đón chào năm mới. Đến cả cái chuồng trâu góc vườn cũng được anh quét dọn, che chắn cho kín gió rồi quét vôi sáng choang lên như con trâu có nhà mới, trông mới bỡ ngỡ làm sao.
Nhớ nhất là mâm cơm tất niên chiều ba mươi bao giờ cũng đầy đủ, sum vầy hạnh phúc. Ngày Tết, bàn thờ tổ tiên được dâng cỗ hàng ngày, con cháu được thưởng thức cỗ bàn, những con vật nuôi như chó, mèo, lợn, gà cũng được ăn ngon; đến cả con trâu cũng được "bồi dưỡng" cám ngô no nê trong dịp Tết. Rồi cha nói về những mục tiêu, những dự định trong năm mới của cả nhà và cho từng anh chị em; mẹ dặn chị em những điều kiêng kỵ gìn giữ cho năm mới suôn sẻ, an lành…
Rồi theo lẽ tự nhiên, các con ngày một khôn lớn, trưởng thành, cha mẹ ngày một già đi. Nếp nhà xưa cha mẹ chị cũng đã bán để theo các con ra thành phố “con đâu, cha mẹ đấy”. Không còn nữa bữa cơm tất niên sum họp cả gia đình như trước, dường như không khí Tết cũng đã phai nhạt đi ít nhiều…
Bao năm xa quê rồi, vậy mà ấn tượng và những cái Tết quê và tháng ngày ấu thơ vẫn vẹn nguyên trong tim chị. Đến nỗi có khi trong những giấc mơ chập chờn lo toan phố thị, chị vẫn giật mình thảng thốt nhớ cái chuồng trâu góc vườn và thấp thỏm thương con trâu đắp mảnh chăn chiên rách không biết có đủ ấm không khi ngoài kia gió mùa đông bắc vẫn ù ù thổi? Nhớ cây bưởi trước hiên nhà năm ấy xuân về sớm, đã nghe ngan ngát vài chùm hoa e ấp sau kẽ lá trong khi quả vàng lúc lỉu trên cành chờ bày mâm ngũ quả cuối năm...
Chị bảo nhớ Tết, chị mới nhận ra rằng trong sâu thẳm tâm hồn mình vẫn là cái chất “người nhà quê” chân phương, hồn hậu, là bùn đất rơm rạ, là cỏ xanh mây trắng trên đồng…
Ngoài kia, mùa Xuân khe khẽ bên thềm…