Nhớ thương mùa nhót

(PLO) - Chiều trên phố, thảng thốt nhìn những đốm lửa đỏ rung rinh theo nhịp đi của gánh hàng rong. Đã quá xuân rồi, giàn nhót trong vườn nhà ai đã chín đỏ, để nay xuống phố theo từng bước chân. 
Nhớ thương mùa nhót

Trẻ con ngày nay không thích nhót, như tuổi thơ ngày xưa mơ ước mà không có nổi một thanh kẹo cao su. Không có kẹo nên không biết thế nào là niềm vui thổi trái bóng thơm bằng kẹo trên đôi môi chúm, không thích nhót nên cũng không hiểu thế nào là sự hãnh diện khi mài được một trái nhót đúng điệu 

Này nhé, mẹ đi chợ về mua cho mấy quả nhót, mà cũng có khi là vặt trộm từ vườn nhà hàng xóm, nhưng dù xuất xứ từ đâu đi nữa thì cũng phải cố chọn cho được quả chín, quả lành để mài cho khỏi vỡ. Còn nhớ hồi đó, đứa học trò nào có được cái quần may bằng vải pho mà mài nhót thì thích lắm, vì nó ráp dễ làm cho mày nhót rơi ra. 

Chẳng may hôm nào đi học, mẹ bắt mặc bộ đồ may bằng vải tê tơ rông xoăn tít thò lò thì hôm đó chỉ còn nước năn nỉ đứa bạn và thậm chí phải chìa cho nó một vỏ giấy kẹo đẹp (thời xưa đồ chơi ít, kẹo hiếm nên trẻ con có mốt sưu tầm giấy gói kẹo) có thể để quả nhót lên cái… ống quần của nó mài nhờ .

Mà mài nhót cũng là một nghệ thuật đấy nhé. Nhẹ quá thì mày không đi hết mà mạnh quá thì nát quả, rách vỏ. Nhót thường chín vào tầm quá xuân, cuối tháng 3 đầu tháng 4, lúc trời đôi khi hửng nắng. Lũ trẻ ngồi mài nhót bên ô cửa sổ, ánh nắng xiên xiên chiếu vào, mày nhót bay bay lên theo từng nhịp  phủi của bàn tay sau mỗi cữ mài, trông cứ như bụi vàng trong câu chuyện Bông hồng vàng của Pautopxki.

Đi qua giàn nhót nhà ai chín đỏ, lại nhớ lời cha dặn ngày nào. Rằng con ơi, lá nhót nửa xanh nửa bạc như cuộc đời nửa bạc nửa xanh. Nhưng, dù cho cuộc đời bao xanh bạc thì con hãy là trái nhót, luôn đỏ đắn và như một nốt nhạc đẹp mang đến cho đời. 

Cha ơi, cha xa con cũng vào một mùa nhót chín. Đã bao nhiêu mùa nhót đi qua, nhưng trái tim con vẫn thắp đỏ chờ cha một ngày nào đó gõ cửa cất lời, như sau bao chuyến cha công tác xa nhà xưa ấy: Con gái ơi, mở cửa cho ba nào…

Đọc thêm