Nhọc nhằn đời người, đời nghề nơi phố Hội

(PLO) - Sông Hoài (TP Hội An, Quảng Nam) không chỉ được du khách biết đến như là điểm du lịch hấp dẫn của khu phố cổ mà còn là nơi mưu sinh của những người dân nghèo của khối phố Thanh Nam Đông phường Cẩm Nam. Đặc sản hến sông Hoài nổi tiếng gần xa được nhiều du khách ưa chuộng, nhưng ít ai biết rằng, cái nghề nhọc nhằn “đi hôm về sớm” nơi miền sông nước của một bộ phận người dân, vẫn tồn tại song hành như một nét quê vốn có…
Gánh hến theo các mẹ, các chị dọc phố Hội những buổi sớm mai.
Gánh hến theo các mẹ, các chị dọc phố Hội những buổi sớm mai.

Nghề lúc nửa đêm

Quan sát công việc của những người cào hến, khách mới cảm nhận được nỗi khó khăn, vất vả của đời hến. Dụng cụ để “hành nghề” cũng hết sức đơn giản, chỉ cần sắm một con đò, một chiếc cào bằng sắt được nối với một sợi dây để cào hến... Ngày nào cũng vậy, công việc của người “phu hến” bắt đầu từ lúc bắt đầu từ lúc12 giờ đêm. Đến lúc đó, trong ánh sáng lờ mờ giữa khuya, mấy chục hộ “ăn nhờ sông nước” mới í ới gọi nhau, bắt đầu ngày làm việc của mình.

Theo một cao niên của làng thì “chẳng biết từ đời mô làng đã có nghề hến. Sinh ra đã thấy làng có nghề từ đời ông cố. Công việc bận rộn cả ngày, cánh đàn ông khỏe mạnh thì đi cào hến. Cánh đàn bà ở nhà đợi ghe về đãi hến rồi cho vô lò nấu. Bữa tối đi ngủ vài ba giờ. Tới khuya thì dậy nấu hến, đến sáng bỏ cho các đầu mối, còn bao nhiêu thì chở đi bán dạo. Ruột hến thì bán người ta ăn, vỏ hến bán người ta nấu làm vôi, tro thì dùng làm nguyên liệu làm bánh ú tro, cũng là đặc sản của đất Hội An”. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng (62 tuổi), trước đây dân làng chỉ khai thác thủ công với cây cào. Lội xuống sông, nước có khi ngang vai, có khi chỉ lúp xúp trên dưới đầu gối, người cào đi thụt lùi. Mỗi lần giở cào lên, không chỉ có hến mà lẫn lộn trăm thứ như: sạn, vỏ ốc, cây gỗ mục... phải nhọc công lọc lấy riêng thứ mình cần. Sau này, thấy kiểu làm này tốn sức mà hiệu quả không cao, mấy năm gần đây người làm hến “phát minh” cây cào được thả xuống đáy sông, một người khỏe đứng phía sau lái thuyền, ghì sát cào xuống mặt đáy. Thuyền chạy, hến cứ thế bị xúc vào đụt lưới. Mỗi thuyền với một người đi cào từ khuya đến sáng. 

Hến có quanh năm, nhưng nhiều nhất vào khoảng tháng 4, khi con sông cạn nước, con hến qua một mùa mưa sinh sôi nảy nở cũng là lúc người cào hến trúng nhất. Mùa này, hến căng to và thịt cũng ngon dai hơn. Nhờ vậy, rất được giá do các “mối” từ nhiều nơi đến lấy thường xuyên và đều đặn. Mỗi năm người dân như ông chỉ “đi hến” từ tháng 11 đến tháng 7 âm lịch. Đến mùa mưa (khoảng tháng 8, 9, 10 âm lịch), trong lòng sông Hoài chỉ sót lại những con hến nhỏ, thịt không thơm ngon bằng những mùa khác nên phải gác ngư cụ, chờ ai thuê gì làm nấy, “cầm cự” cho đến mùa tiếp theo. Thế nhưng, thỉnh thoảng cũng có người vì nghèo quá mà đi cào, trời thương vẫn cho được loại hến to còn sót lại từ năm trước. 

Lo lắng tương lai nghề

Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Lê Huy (85 tuổi) đã từng một thời ngang dọc trên nhánh sông Hoài này để tìm hến mưu sinh. Ông tâm sự, có 3 người con trai nhưng không ai theo nghiệp cha vì cái nghề quá khổ. Nhớ về ký ức thời trai trẻ của mình, ông Huy cho biết, ngày xưa ở đoạn sông Hoài này nhà nhà làm hến, người người làm hến, cả làng buôn hến. Cứ ở đâu nhiều hến là xuôi thuyền theo dòng nước để cào. Cả làng hết thẩy mấy chục hộ làm nghề, bây giờ số còn lại đếm trên đầu ngón tay chỉ còn dăm, ba hộ.

Những người lâu năm bám theo nghề làm hến như ông Huy, ông Hùng ngao ngán kể: “Ngày xưa đi cào hến là tự mình xuống nước, kéo cái nhủi (dụng cụ cào hến) đi thụt lùi. Đáy nhủi có khe vừa cho cát lọt xuống sông, chỉ giữ lại con hến. Cứ thế mà cào thưa cho đến cào dày, chỉ cào hến lớn, hến bé thì lọt sàng qua khe xuống sông trở lại tiếp tục sinh sôi nảy nở. Còn chừ thì đi cào hến sướng hơn nhiều, cứ chạy ghe máy rà rà dọc sông, rồi chống cái cào hến bằng máy xuống nước mà cào, hến lớn hến bé chi cào hết một lượt. Về lọc ra thấy hến lớn thì để nấu bán. Hến nhỏ cũng để làm thức ăn cho gà vịt, rồi đổ đó. Khoẻ thì khoẻ hơn nhiều thiệt đó là cứ cào kiểu nớ nên hến dưới sông cứ ít dần. Cứ đà tận diệt thế này thì chỉ vài năm nữa chắc không còn hến mà cào” - ông Hùng chua chát nói.

 Dù cực khổ thức khuya dậy sớm là vậy, nhưng thu nhập của nghề này cũng chẳng đáng là bao, theo chị  Lê Thị Thúy một kilôgam hến thịt có giá dao động từ 30 đến 35 ngàn đồng. Ngoài ruột, vỏ hến cũng được bán với giá 150 đến 200 ngàn đồng/m3 cho những người quanh vùng sử dụng làm nguyên liệu chế vôi hoặc làm thức ăn bổ sung chất xơ cho vịt đẻ. Từ vỏ hến đến ruột hến, tất cả đều được tận dụng, quy đổi ra tiền, tăng thêm thu nhập cho những con người sống dựa vào nghề. Trừ mọi chi phí dầu máy, củi lửa, công cán… nghề hến cũng chỉ đem lại cho mỗi gia đình gần 120 ngàn/ngày. 

Nghề hến lênh đênh vì những lẽ đó. Ở làng hến Thanh Nam Đông bây giờ không còn mặn mà với nghề cha truyền con nối của làng. Dẫu con hến Cẩm Nam vẫn giữ tiếng là ngon nhất vùng. Con hến bán được giá hơn ngày trước nhưng hến ven sông Hoài đang cạn kiệt dần. Nhiều hộ trong làng chuyển sang đi ghe xuống biển lấy ốc về bán hay kéo nhau đi làm phụ hồ… để kiếm kế sinh nhai.

Chia tay những con người làng hến giản dị, mộc mạc, khách không khỏi xót xa nghĩ đến những con người một đời mưu sinh dựa vào sông nước này. Văng vẳng đâu đây câu hát mà người làng hến vẫn hay nghêu ngao cho quên đi nỗi cơ cực nhọc nhằn: “Anh ơi mua giúp hến sông/Để em mua thuốc cho chồng đau lung”.

Đọc thêm