Giữa chốn thâm sơn cùng cốc với muôn vàn khó khăn, không thể đếm được những bước chân băng rừng lội suối của những người thầy, người cô ở những nơi điểm trường vùng cao xa xôi, hẻo lánh. Vì khát vọng mang đến ánh sáng, xua đi cái nghèo khổ cho những bản làng xa xôi, các thầy cô giáo nơi đây đang mang tâm huyết của mình để gieo chữ nơi vùng cao gian khó.
Gieo chữ trên đỉnh núi cheo leo
Ngược thành phố Cao Bằng theo hướng bắc đến huyện Hà Quảng chừng 40km, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt gần 30km lên xã Quý Quân, từ trung tâm xã đến điểm trường mất gần 15km đường đá mấp mô và gồ ghề. Vượt chặng đường đầy gian truân đó, chúng tôi mới thấy được nỗi vất vả, nhọc nhằn của đồng bào dân tộc nơi đây cũng như các thầy cô giáo đang mang sứ mệnh “gieo chữ” ở điểm trường trên đỉnh núi Lũng Xàm.
Học sinh ở bản Lũng Xàm hầu hết là người dân tộc Mông, Dao, đi bộ từ nhà đến trường mất hơn một giờ đồng hồ vì họ sống không tập trung một nơi mà nằm rải rác khắp các sườn đồi núi. Phụ huynh học sinh nơi đâu 100% đều không biết chữ và việc giao tiếp bằng tiếng Kinh cũng khá khó khăn. Do trình độ dân trí còn rất thấp, cuộc sống nghèo khổ đã khiến việc học hành cũng trở nên khó khăn hơn, học sinh quá tuổi thì ngại đi học, còn những em học sinh nhỏ tuổi lại bị phụ huynh bắt ở nhà phụ bố mẹ làm việc, những đứa trẻ được bố mẹ gùi lên nương là hình ảnh thường thấy khi đến các bản làng vùng cao dân tộc Dao, Mông. Chính bởi vậy, bên cạnh công tác giáo dục, các thầy cô giáo ở vùng cao nói chung và ở điểm trường Lũng Xàm nói riêng còn kiêm luôn vai trò cán bộ “tuyên vận”.
Thầy giáo Hoàng Ngọc Hưng (34 tuổi), quê ở xã Ngũ Lão, huyện Hòa An (Cao Bằng) đã đến nhận công tác tại điểm trường xóm Lũng Xàm (Trường Tiểu học Quý Quân) từ năm 2010, được giao chủ nhiệm lớp ghép 1.4 (một tiết học, cả hai nhóm lớp 1 và lớp 4 sẽ cùng học chung) cho biết: “Khi đến mùa trồng hoặc thu hoạch ngô, lạc học sinh thường xuyên nghỉ học không có lý do, chúng tôi đi mất cả buổi đi vận động các em đến lớp nhưng khi đến nơi thì nhà nào cũng đóng cửa im ỉm.Vào mùa thu hoạch ngô, cả nhà học sinh làm lán ở trên nương nên rất vất vả khi tìm đến gia đình khuyên học sinh đến trường, việc thuyết phục cũng rất khó khăn vì phụ huynh luôn có cái lý “học cái chữ có ăn được đâu” một mực bắt con cái ở nhà phụ việc, không cho con đến lớp. Việc thu ngô có khi mất cả tháng mới xong, như vậy thì các em sẽ bị chậm chương trình học, kiến thức bị hổng rất nhiều... Chúng tôi phải tìm mọi cách để thuyết phục phụ huynh. Vận động trên nương không được thì lại tìm đến nhà học sinh nói chuyện, động viên phụ huynh. Nhiều khi phải tâm sự mất cả ngày đêm thì phụ huynh mới hiểu và đồng ý cho con đến lớp”.
Những hạn chế về giao thông nên đời sống sinh hoạt của người dân và các thầy cô giáo gặp rất nhiều khó khăn. Ở Lũng Xàm muốn lấy nước phải đi hàng cây số và đợi hàng tiếng đồng hồ mới được một xô nước mang về. Hơn nữa, cứ mỗi đầu tuần chúng tôi lại phải xuống chợ để gùi đồ dùng, thức ăn lên… Mùa đông thì còn đỡ, vào mùa hè phải dùng đồ khô như lạc rang, cá mắm, thịt muối mới bảo quản được lâu ngày và tự trồng thêm rau xanh để tự cung, tự cấp.
“Đối với học sinh tiểu học, buổi sáng các em phải mang theo cơm trắng hoặc mèn mén với canh rau rừng. Nhà nào có điều kiện thì có quả trứng gà, còn không phải đợi đến ngày chợ phiên mới có được miếng thịt lợn để ăn khi đến trường. Thỉnh thoảng, các thầy cô giáo lại mang thêm gạo để nấu cho các em học sinh cùng ăn khi có buổi học phụ đạo giữa tuần. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng khi chứng kiến cuộc sống của người dân, học sinh nơi đây, đặc biệt là trong những ngày đông lạnh buốt thấu xương mà họ chỉ mặc duy nhất tấm áo mỏng manh, chân đi đất, người co ro run cầm cập… khiến tôi vừa thương lại vừa khâm phục, và tự dặn mình sẽ không rời bỏ nơi này”, thầy Hưng chia sẻ.
Những nỗi niềm trăn trở
Cô Triệu Thị Tấm, giáo viên của phân trường Lũng Xàm cho hay: “Khó khăn đầu tiên là trang thiết bị phục vụ học tập như sách giáo khoa, bút chì, thước kẻ... còn thiếu nhiều. Mỗi năm, nhà trường vẫn được cấp văn phòng phẩm để phục vụ cho việc dạy và học, thế nhưng số lượng cấp phát còn hạn chế, thậm chí nhiều đồ dùng vài năm mới được cấp phát. Như vậy, nhiều khi phải nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện còn không thì các thầy cô phải bỏ tiền túi ra mua đồ dùng học tập cho học sinh. Thứ hai là cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lớp học nằm cheo leo trên đỉnh núi, khu trường nhỏ hẹp, mấp mô nên rất khó khăn trong việc dạy và học, chứ chưa nói gì đến đường đi lại khó khăn, xa xôi…”.
Việc dạy học ở Lũng Xàm không có lịch trình, thời khóa biểu như nơi khác mà được tính theo thời tiết, vì trời mưa học sinh đều nghỉ học. Do vậy, thầy cô phải tranh thủ những ngày khô ráo để tăng thêm tiết mới kịp giáo trình giảng dạy. Vất vả hơn, họ phải đứng lớp tới 2 đến 3 chương trình sách giáo khoa thì việc học tập để nâng cao năng lực chuyên môn là cả một việc khó khăn. Hơn nữa, giáo viên vùng cao còn đối mặt với nỗi lo về lán lớp và sĩ số học sinh hàng ngày. Mặc dù như vậy, việc sinh hoạt chuyên môn của giáo viên ở các điểm trường vùng cao hàng tuần vẫn được duy trì đều đặn.
Phần lớn trẻ em dân tộc Mông, Dao ở đây đều không biết nói tiếng phổ thông và việc dạy lớp ghép mẫu giáo từ 3-5 tuổi càng khó khăn hơn. Lý do vì học sinh đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian nên việc bố trí biên chế lớp học khá phức tạp. Vì vậy, không thể phân cấp, phân lớp như ở khu trường trung tâm. Với sỹ số lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay nên giáo viên phải ghép hai lớp thành chung một lớp, và giáo viên cùng một lúc có thể dạy 3 đến 4 chương trình sách giáo khoa của lớp học.
Trải nghiệm cuộc sống của đồng bào vùng cao, đến thăm những bản làng người dân tộc thiểu số mới thấu hiểu sự thiếu thốn, nỗi khổ sở của họ. Và càng khâm phục hơn những giáo viên tại các điểm trường miền núi đã đối mặt với khó khăn, vất vả vì sự nghiệp cao cả “cõng chữ” lên non cao. Không thể đếm được những bước chân băng rừng vượt núi của họ, những hi sinh to lớn khi chọn những nơi điểm trường xa xôi để cống hiến. Tất cả họ đều vì khát vọng mang ánh sáng tri thức đến những bản làng vùng cao, và các thầy cô giáo ở Lũng Xàm nói riêng cũng đang mang tâm huyết đó để “gieo chữ” nơi vùng gian khó.