Dù chỉ diễn ra trong vòng hơn nửa tháng, nhưng công việc cấy thuê là một trong những cách điều tiết lao động tự phát theo thời vụ khá hiệu quả theo phương châm hai bên cùng có lợi.
Nguyên tắc nghề cấy thuê
4h sáng khi đa số mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì chị Trần Thị Thanh (30 tuổi, ngụ xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã vội vã theo nhóm người đi cấy lúa thuê. Hôm nay, chị sang cánh đồng làng bên để cấy lúa tại một thửa ruộng khá rộng đã liên hệ từ trước.
Tại địa điểm được thuê, chị Thanh và nhóm 3, 4 người phụ nữ nhanh chân xuống ruộng để làm cho kịp tiến độ. Vừa làm, chị chia sẻ bản thân đã có “thâm niên” hơn 3 năm làm nghề cấy lúa thuê. Dãi nắng dầm mưa nhiều nên nước da của chị đã đổi màu đen nhẻm. Dưới cái nắng nóng gay gắt của xứ Nghệ những ngày cao điểm mùa hè nhưng đôi bàn tay của chị vẫn thoăn thoắt cấy và chuyện trò rôm rả với mọi người.
Lau vội những giọt mồ hôi bằng vạt áo, chị Thanh cho biết: vốn là con nhà nông nên việc cấy dắm đối với tôi đã rất quen thuộc, nhưng đi cấy thuê kiếm tiền thì phải chăm chỉ, chịu khó hơn. Mỗi buổi cấy thuê, tôi và các chị em ra đồng từ sáng sớm và chỉ được nghỉ khi trời đã tối muộn, hoặc lúc công việc hoàn thành.
Người cấy thuê như tôi không những phải cấy đều tay, thẳng hàng mà còn phải cấy nhanh nữa. Việc đi cấy vào mùa hè càng vất vả hơn khi thời tiết nóng nực. Vất vả là vậy, nhưng khi đã nhận lời ai thì phải làm việc hết mình để giữ uy tín và đảm bảo quyền lợi cho người thuê.
Chị Trần Thị Hiên, một thợ cấy tiếp lời: Cấy cho ruộng nhà mình thì muốn nghỉ lúc nào thì nghỉ, cấy lúc nào thi cấy, nhưng đã cấy lấy tiền người ta thì phải làm cho chỉn chu. Mình vừa phải cấy đẹp, cấy nhanh mới được chủ nhà thuê tiếp những ngày sau, có khi được thưởng thêm tiền. Có ngày nhận khoán cả cánh đồng mà chỉ có 3 chị em, còng lưng cả ngày, trời tối om om mới về đến nhà...
Thợ cấy thường tập trung thành nhóm nhỏ để nhanh hoàn thành công việc |
Bên cạnh đó, công việc cấy thuê đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe. Cả ngày phải cúi khom lưng, chân tay ngâm nhiều dưới bùn nên cứ xong mùa vụ là lưng lại đau ê ẩm, nhiều khi bị mỏi gối đêm về nhức không ngủ được. Tuy vậy, đến hôm sau, họ vẫn tiếp tục đi làm để kiếm thêm thu nhập. Khi vụ cấy kết thúc cũng là lúc cuộc sống của họ bớt phần khó khăn hơn, đó còn là cơ hội kiếm thêm tiền mua sách vở, đóng học phí cho các con chuẩn bị bước vào năm học mới.
Những ngày nắng nóng gay gắt, những thợ cấy vẫn lầm lũi với công việc của mình. Nhiều chủ nhà tốt bụng mua hoa quả, nước mát ra tận ruộng bồi bổ cho chị em, khiến ai nấy vui phấn khởi. Mặc dù vậy, có một số hộ do bận làm ăn, buôn bán, không có thời gian ra đồng giám sát, các thợ cấy phải tự chuẩn bị cơm trưa, nước uống để có sức làm việc... “Những hôm nay thời tiết nắng nóng cộng với gió Lào khiến việc ra đồng càng vất vả hơn. Do đó, chúng tôi phải trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, khầu trang bịt mặt để đảm bảo sức khỏe”, chị Thanh tâm sự.
Hai bên cùng có lợi
Theo khảo sát, giá dịch vụ cấy thuê tại thời điểm này đang chạm đỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Tại huyện Quỳnh Lưu, hiện giá giao động mỗi ngày công từ 250.000 đến 270.000 đồng/ngày. Huyện Diễn Châu nếu như các năm trước trong khoảng 250.000 đồng/ngày thì nay đã tăng lên từ 300.000 – 350.000 đồng/ngày.
Mặc dù vậy, việc tìm được thợ cấy vào thời điểm này không hề đơn giản dù trả giá cao. Một phần vì công việc này đòi hỏi sự chịu khó nên hầu hết chỉ có phụ nữ trung tuổi làm. Mặt khác vì hiện nay hầu hết các lao động đã vào thành phố làm việc tại các khu công nghiệp, hay chọn một nghề khác ngoài đồng ruộng. Do vậy, việc tìm người đi cấy thuê ngày càng khó khăn. Hơn nữa, công việc này chỉ làm theo mùa vụ thời gian ngắn nên ít người chọn làm.
Để thuận tiện cho công việc, hầu hết những người đi cấy thuê không đi một mình mà làm theo nhóm. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn mong kiếm thêm chút ít để cải thiện cuộc sống. “Mình chịu khó làm vài chục ngày cũng có khoản tiền kha khá để trang trải cuộc sống, lo cho gia đình. Vì đối với những người phụ nữ ở nông thôn như chúng tôi không có lương, đó là khoản tiền bằng mấy tạ lúa”, chị Thanh tâm sự.
Dù ngày công khá cao nhưng khi vào cao điểm vụ cấy, nhiều gia đình có ruộng không dễ tìm được thợ cấy. Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ, huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Nhà tôi gần mẫu đất nhưng chỉ có 2 chồng làm, các con đứa đi học, đứa đi công ty hết nên vụ nào cũng phải đi thuê người cấy. Từ khi gieo mạ, tôi đã phải chạy khắp các nơi để đặt hàng người cấy. Vụ này tôi thuê được 4 người cấy, tính ra mất khoảng gần 3 triệu đồng tiền công. Vẫn biết số tiền này khá lớn so với những người làm nông nhưng vẫn phải thuê để đảm bảo tiến độ gieo cấy".
Sau mỗi mùa vụ, mỗi thợ cấy sẽ kiếm cho mình khoản tiền kha khá để trang trải cuộc sống |
Theo chia sẻ của một số hộ nông dân, nhiều gia đình do không có người làm nên để ruộng không vì làm nông nghiệp vất vả mà thu nhập lại chẳng đáng là bao, khó có thể đảm bảo được đời sống. Sau khi thu hoạch người nông dân phải tính đến những khoản trang trải cho hạt thóc như tiền cày bừa, tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê phương tiện thu hoạch lúa... chưa kể đến phải đối diện với những lúc được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Vì vậy, nhiều người không còn mặn mà với đồng ruộng, thậm chí có gia đình cho mượn hoặc bán hẳn ruộng cho người khác sản xuất để làm những nghề tuy gọi là phụ nhưng lại có thu nhập cao hơn làm ruộng. Thực tế đó đặt ra cần có giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, quy vùng sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, từ đó nâng cao được giá trị trên một đơn vị canh tác.
Trưa nắng gắt nhưng trên khắp cánh đồng, hình ảnh những dáng người khom lưng bên những đám mạ non vừa được cấy xong lẫn trong tiếng cười nói vui vẻ như hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Và trong khung cảnh đó còn là mơ ước của những người lao động về cuộc sống no đủ...