Nhọc nhằn phụ nữ dậm trìa trên phá Tam Giang

(PLO) - Với diện tích khoảng 52km², trải dài từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, phá Tam Giang là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, thuộc địa phận của bốn huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mỗi ngày tại nơi đây, có hàng chục người phụ nữ nghèo sống ven phá Tam Giang phải dầm mình trong nước lợ để dậm bắt trìa (ngao nước lợ) mưu sinh.

Bắt dậm trìa là nghề mưu sinh nhọc nhằn và cô độc của những phụ nữ trên phá Tam Giang. Ngay từ sáng sớm, nước trên phá Tam Giang, đoạn qua huyện Quảng Điền bắt đầu rút dần. Những phụ nữ “chân yếu tay mềm” lại bước vào một ngày “lặn lội thân cò” trên vùng sóng nước Tam Giang để dậm bắt trìa mưu sinh. Tại đây họ ngâm mình trong nước, dùng chân sục sạo bùn để tìm trìa đưa lên.

Chị Hồ Thị Vân cho biết: Tôi làm nghề bắt trìa hơn tám năm nay. Tôi đi từ sáng sớm đến chiều, mỗi ngày kiếm được khoảng 50 đến 70 ngàn để trang trải cho cuộc sống. Tiền kiếm được cũng chẳng là bao nhưng vì cuộc sống, vì tương lai của các con nên những người phụ nữ nghèo như chúng tôi phải “bám” nghề”.

Giữa cái nắng gắt của mùa hè, những chiếc nón đội đầu của những người phụ nữ nơi đây đã tả tơi như chính cuộc đời khốn khó ấy vẫn mải miết ngụp lặn giữa vùng sóng nước để mò trìa. Để chống lại cái lạnh do ngâm mình trong nước nhiều giờ đồng hồ, họ mặc nhiều quần áo để chống rét hay uống nước mắm nhĩ như những thợ lặn. 

Mùa trìa ở phá Tam Giang thường bắt đầu từ đầu mùa xuân và kéo dài tới hết tháng 7 hàng năm. Mỗi ngày, những người phụ nữ cũng như trẻ nhỏ ở đây bắt đầu ra phá dậm trìa từ khoảng 8h sáng đến 2h chiều, công việc của họ diễn ra liên tục và phải ngâm mình hàng giờ liền dưới nước lợ. Trìa hiện tại bán cho thương lái với giá chỉ 1.500 đến 2.000 đồng /1kg. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày họ có thể bắt được khoảng 50 cân trìa, kiếm từ 70 đến 80 nghìn đồng một người. Nếu không bán tươi mà đưa về luộc thấy thịt bán thì giá sẽ cao hơn.

Trong số những người này, có nhiều người đã bước sang tuổi 70, cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, nhưng họ vẫn phải ngày ngày ngụp lặn trên đầm phá kiếm tiền trang trải cho gia đình. Bà Lê Thị Ngạn (năm nay đã bước sang tuổi 70) cho hay: “Tôi làm nghề dậm trìa kiếm sống ở đây từ khi còn rất trẻ, tính ra cũng hơn 20 năm ngụp lặn với con nước nơi đây. Tuy có tuổi rồi nhưng làm nghề lâu cũng quen rồi, bây giờ còn sức thì vẫn phải đi để kiếm sống. Nếu bỏ thì cũng không biết làm nghề gì để sống”.

Cũng như bao người phụ nữ sống xung quanh vùng sông nước này, nhiều bé gái ở đây đã theo chị, theo mẹ đi dậm trìa từ nhỏ. Nghề này dẫu nhọc nhằn nhưng ít nhiều mang lại cơm áo cho những người nghèo.

Đọc thêm