2 tuần trôi qua nhưng người dân ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định vẫn day dứt bàng hoàng bởi hình ảnh 3 cháu bé bị chết đuối vớt lên từ dưới ao vẫn cố siết chặt tay nhau như vẫn cố chống lại thủy thần.
Sự ra đi đột ngột của các cháu như một lời cảnh tỉnh với những người làm cha làm mẹ rằng họ phải luôn đặt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ con mình lên hàng đầu, bên cạnh việc bươn chải mưu sinh để lo cho con miếng cơm manh áo.
|
Chiều chiều anh Ngọc thẫn thờ ra ngồi bên bờ ao nhìn dòng nước đã lấy đi sinh mạng 3 người con. |
Buổi chiều định mệnh
Nhà anh Lâm Văn Ngọc và chị Phan Thị Thùy Trinh ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) có 6 miệng ăn gồm 2 vợ chồng và 4 đứa con “trứng gà trứng vịt” chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán nên anh chị phải “giật đầu cá, vá đầu tôm”, khéo lắm các con mới không đứt bữa. Đàn con của anh chị đều khỏe mạnh, dễ thương như những thiên thần nhỏ.
Con gái lớn của anh chị là Lâm Thị Mỹ Ngà năm nay 6 tuổi, tiếp đến là hai bé gái song sinh Lâm Thị Mỹ Tiến và Lâm Thị Mỹ Hậu cùng 4 tuổi, bé trai Lâm Tiến Đạt vừa lên 2. Chị Trinh giãi bày trong nước mắt: “Nhà quá nghèo nên các con tôi từ nhỏ tới giờ chưa từng biết mùi vị hộp sữa hay quà bánh là gì. Nhưng nhờ trời, các cháu đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn và hay ăn chóng lớn”.
Nhà nghèo, lại con đàn nên vợ chồng chị cứ bươn chải mưu sinh, để lũ trẻ ở nhà đứa lớn trông đứa bé. Chiều 7/7 vừa qua, trong lúc bố mẹ đi làm thì cô chị 6 tuổi dắt díu đàn em qua nhà bà nội chơi như mọi khi. 4 chị em ở nhà bà nội một lúc, bé Ngà nảy ý định dắt các em đến khu vực ao nước nằm giữa xóm cho thay đổi không khí.
Trong lúc vui đùa, bé Ngà chẳng may trượt chân ngã xuống ao. Thấy chị vùng vẫy kêu cứu, cô bé 4 tuổi cùng em trai út 2 tuổi liền nhảy xuống cứu mà quên rằng mình chỉ là những đứa trẻ. Ao sâu, 3 chị em nhanh chóng bị thủy thần nuốt chửng. Lúc này trên bờ chỉ còn lại bé gái 4 tuổi cuống quýt, hoảng hốt chạy vào nhà những người dân gần đó kêu cứu.
Đến lúc mọi người tới nơi thì mặt ao chỉ còn là một màn nước phẳng lặng như chưa từng xảy ra sự việc thương tâm. Khi 3 cháu bé được tìm thấy và đưa lên bờ, những bàn tay nhỏ xíu của các cháu vẫn còn nắm chặt lấy nhau như tập trung sức mạnh đoàn kết để cố gắng giành giật sự sống. Chứng kiến cảnh tượng thương tâm đó, những người dân có mặt không ai cầm được nước mắt; còn cha mẹ các cháu thì ngất lịm...
Anh Ngọc - người cha bất hạnh kể lại cơn ác mộng: “Khi tôi đang đi làm đồng thì nghe có người chạy tới gọi: “Ngọc ơi! Mày về đi. Các con mày chết rồi!”. Buông chiếc cuốc, tôi chạy thục mạng về nhà. Thấy thi thể các con, tôi chỉ khuỵu xuống, sự thật thật nghiệt ngã!”.
Nỗi đau mất đàn con thơ quá đột ngột khiến chị Trinh suy sụp nặng nề. Chị nói trong ân hận, giày vò: “Tôi không biết phải trách ai bây giờ. Chỉ trách mình nghèo khổ quá, không thể ở bên cạnh các con để chở che, bảo vệ cho con được. Tội nghiệp các con tôi, nhà nghèo đến mức các cháu chẳng mấy khi được ăn một miếng ngon. Giờ các con bỏ vợ chồng tôi mà đi, không biết những ngày tiếp theo chúng tôi sẽ phải sống thế nào đây?”.
Đến đây, lời nói bị thay thế bằng tiếng khóc hờ đau đớn nỉ non của chị...
Nỗi đau không nói thành lời
Hơn 2 tuần kể từ sau cái chết của 3 đứa trẻ, anh Ngọc vẫn thẫn thờ câm lặng ngồi ngắm di ảnh của các con. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh vốn tuềnh toàng nay càng thêm hoang vắng với tiếng cầu kinh đều đều phát ra nghe thật ảm đạm, thê lương và chua xót.
Mấy tuần nay, chiều nào anh Ngọc cũng ra bờ ao nơi các con tử nạn, ngồi thất thần hàng giờ nhìn xuống đáy ao như tìm kiếm. Anh tâm sự như người mộng du: “Mới đây vợ chồng tôi còn đang tính với nhau cố gắng làm ăn chăm chỉ, có thêm chút tiền để lo cho bé Ngà vào lớp 1, hai bé nhỏ cũng đi mẫu giáo. Mình ăn gì cũng được nhưng cố gắng mua cho mấy đứa nhỏ mấy lốc sữa và ít đồ đẹp cho con vào năm học để bằng bạn bằng bè. Những dự định ấy đều chưa làm được, vậy mà...”.
|
Chiều chiều anh Ngọc thẫn thờ ra ngồi bên bờ ao nhìn dòng nước nơi đã lấy đi sinh mạng 3 người con |
Bàn thờ 3 cháu bé được lập giữa căn nhà chật chội, nghi ngút khói hương. Tuy nhiên, trên bàn thờ chỉ có di ảnh của 2 cô bé chị, vì cậu út mới 2 tuổi thì gia đình chưa từng được cha mẹ cho chụp tấm hình nào.
Người cha phân trần: “Vợ chồng tôi nghèo quá, đến sinh nhật con cũng chẳng có tiền mà tổ chức, nói gì đến chụp ảnh chơi. Hai đứa chị nhờ đi mẫu giáo nên mới có được tấm hình chụp trên lớp làm di ảnh, chứ cháu Đạt mới 2 tuổi thì không có. Khổ thân con tôi, đến khi mất đi, đến cái ảnh cũng không có mà thờ!”. Nói đến đây thì anh Ngọc khóc nức nở như trẻ con.
4 đứa con chỉ con duy nhất một bé sống sót, và đó cũng là nguồn sống duy nhất giúp vợ chồng anh Ngọc vượt qua nỗi đau này. Nhưng vì bé còn quá nhỏ nên không cảm nhận hết được nỗi đau đớn, mất mát của gia đình. Những câu hỏi của bé như vết dao cứa sâu vào lòng người lớn: “Chị Ngà đi đâu rồi bố ơi?. Sao chị Ngà và em chết lâu về thế?”.
Người dân hoang mang, bất bình
Sự việc xảy ra làm rúng động xóm nghèo, ai cũng đau lòng cho vợ chồng anh Ngọc, người lớn không muốn ra đồng, trẻ con cũng chẳng thiết đi chơi. Đặc biệt là không ai dám bén mảng đến gần “hố nước tử thần”. Điều đáng nói là cái ao này nằm ngay giữa xóm, cách khu dân cư có vài chục mét.
Trong suốt câu chuyện, tuyệt nhiên chúng tôi không nghe thấy ai nhắc đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giải quyết bồi thường hoặc chia sẻ nỗi đau với người dân.
Một người dân địa phương cho biết: “Cái ao này không phải là ao nước tự nhiên. Trước đây nền ao là đất canh tác của dân, chính quyền địa phương lấy đất này giao cho một người ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn thuê làm lò gạch.
Trên lý thuyết, chủ lò gạch chỉ được phép lấy đất sâu không quá 1m, nhưng họ lại múc sâu đến 5-6m, có nơi tận 10m, tạo nên một ao nước màu xanh lè trông rất đáng sợ. Sau khi bị người dân trong thôn ngăn chặn việc múc đất, chủ lò đã chuyển đi nơi khác, để lại cái “hố bẫy người” đã 5 năm nay. Hiện tại, một người dân trong xóm thuê lại diện tích này làm ao nuôi cá.
Nằm giữa khu dân cư, ao nước sâu nhưng lại không có bờ bao, rào chắn hay bất kỳ một biển báo nào. Đừng nói là con người, nếu quỷ thần không may lọt xuống ao này chắc chắn sẽ phải nằm lại”.
Luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, cũng như nhiều vụ trẻ em bị đuối nước khác, vụ việc này có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự nhưng buồn thay, đây lại là một khoảng trống pháp lý khi vấn đề này dường như chưa từng được cơ quan điều tra quan tâm. Dấu hiệu của tội danh trên thể hiện ở chỗ một số người vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây ra cái chết cho người khác. Bởi vậy, cơ quan điều tra phải có trách nhiệm điều tra, xem xét tính chất hành vi vụ việc, làm rõ ai là người chịu trách nhiệm gây ra cái chết oan khuất của 3 em bé và khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm. “Trường hợp cơ quan điều tra xác định không có hành vi phạm tội, gia đình nạn nhân có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu phía gây ra thiệt hại phải bồi thường”, Luật sư Khỏe nói. |
Dịu Thu