Nhu cầu lao động thời vụ tăng đột biến những ngày cận Tết

(PLO) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu lao động thời vụ càng trở nên rầm rộ. Mặc dù thị trường lao động thời vụ tăng đột biến thế nhưng một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.
Lao động tìm việc trong một phiên giao dịch việc làm

Cùng với đó, để tránh trở thành nạn nhân của những đơn vị tuyển dụng lừa đảo, về phía người lao động cũng cần hết sức tỉnh táo…

Khan hiếm lao động thời vụ

Theo khảo sát của người viết, tại một số phiên giao dịch cuối năm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đa số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng thời vụ trong dịp Tết, hoặc nhân viên kinh doanh, bếp, phục vụ... với mức lương dao động từ 3-7 triệu đồng/tháng. Điều này trùng lặp với thông lệ hàng năm. 
Chẳng hạn, theo thống kê từ các phiên giao dịch việc làm tháng 12/2015, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu vào nhóm ngành dịch vụ, thương mại. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ dịp Tết tăng mạnh như: Bán hàng hội chợ, giao hàng, bảo vệ, giúp việc theo giờ, đóng gói hàng hóa với mức lương dao động từ 10.000-50.000 đồng/giờ; nhân viên kinh doanh, bếp, phục vụ… mức lương dao động từ 3-7 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, trái với mọi năm hiện số người đến tham gia tuyển dụng đã giảm nhiều so với các phiên giao dịch thời điểm trước đó. Một  số chuyên gia nhận định, việc lao động ít đến các phiên giao dịch chưa hẳn là tín hiệu buồn.

Bởi năm 2014, mỗi tuần chỉ có một phiên giao dịch việc làm thì năm nay mỗi tuần có tới hai phiên vào thứ ba và thứ năm hàng tuần, ngoài ra Trung tâm còn tổ chức nhiều phiên giao dịch lồng ghép, chuyên đề như phiên giao dịch việc làm cho lao động từ Hàn Quốc trở về, lao động hưởng bảo hiểm y tế… nên số lao động có việc làm đã tương đối ổn định.

Cẩn trọng với những mánh khóe lừa đảo

Khi mà công việc thời vụ đang có nhu cầu tuyển dụng cao với mức lương hấp dẫn thì cũng có những “điểm đen” mà người có nhu cầu xin việc, đặc biệt là sinh viên cần hết sức cảnh giác. Chẳng hạn, hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là đăng tuyển những công việc nhẹ nhàng, lương hấp dẫn. 

Theo đó, khi người có nhu cầu đến đăng ký thường sẽ được “đơn vị tuyển dụng ảo” yêu cầu đóng phí giới thiệu, tiền đặt cọc nhưng sau đó họ không kết nối được công việc và cũng không được hoàn trả lại tiền.

Đa số “nạn nhân” rơi vào tình cảnh này là các bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm hoặc lao động tự do có trình độ thấp. Trường hợp chị Đinh Thị Lanh, 43 tuổi, quê Thanh Hóa là một ví dụ.

Theo người phụ nữ này thuật lại, cách đây ít ngày khi đang ở “chợ lao động” thuộc khu đô thị Định Công (Q Hoàng Mai, Hà Nội), chị may mắn được một người đàn ông thuê về dọn dẹp nhà cửa. Giá thỏa thuận giữa chị và người thuê là 210.000 đồng. Đồng ý, chị được người này chở về một ngôi nhà ở khu tập thể Nam Đồng (Đống Đa – Hà Nội).

Tuy nhiên, khi làm xong mọi việc, chị thẫn thờ vì chỉ nhận được 100.000 đồng cùng lời nhiếc móc từ người chủ nhà khi gán ghép cho chị tội lấy trộm đồ. Đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” cầm 100.000 đồng đi về.

Những ngày cuối năm này, dọc các ngã tư đường phố Hà Nội, người lao động phổ thông thường ngồi tập trung một chỗ để đợi việc. Phần lớn họ là những người từ các vùng quê lên Hà Nội để tìm việc làm thêm vào dịp Tết. Có người xin làm cửu vạn bốc vác, có người xin làm người giữ trẻ và cũng có người xin làm dọn dẹp nhà cửa cuối năm. 

Dẫu biết rằng dịp Tết là cơ hội để nhiều người lao động có thêm việc làm, có thêm thu nhập. Nhưng trên hết họ cũng cần phải đề phòng với những chiêu trò lừa đảo, bịp bợm của những đối tượng “đục nước béo cò”.

Đọc thêm