Như một mảnh vườn hoang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bây giờ tôi không nhớ là đã biết Giáo sư Từ Chi từ khi nào. Làm ở ngành xuất bản, việc tiếp xúc với giới trí thức, các nghệ sĩ đàn anh gần như thường xuyên. Vì công việc cả hai bên đều cần nhau.
Như một mảnh vườn hoang

1. Năm 1981, tôi được phái vào Sài Gòn trông nom việc in một tập sách ảnh. Khi ấy ngoài Bắc cũng có vài nơi có máy in óp xét (offset) nhỏ 4 trang mua lại từ trong Nam, nhưng loại máy 16 trang thì chưa có.

Tôi ở tại 170 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 là địa chỉ chi nhánh phía Nam của Bộ Văn hóa.

Một hôm đang ngồi dưới tầng trệt, không nhớ làm gì, nhưng thấy giáo sư Từ Chi lạch cạch đi xuống. Ông có một đặc điểm rất dễ nhớ là có bộ áo khoác cẩu thả, đầu tóc cẩu thả và bộ râu cũng cẩu thả nốt. Con người ông như mảnh vườn hoang không có bàn tay người chăm sóc.

Tôi vui vẻ chào ông và hỏi: Anh đi đâu bây giờ. Giáo sư bảo: mình đi mua bao thuốc. Hết thuốc hút nhạt mồm quá. Tôi chìa bao thuóc Mai ra mời: Anh hút được loại này không? 

Ông vui vẻ cầm điếu thuốc, và bảo đây là loại thuốc mình quen hút, tôi liền biếu giáo sư luôn hai bao còn lại vì trót mua, nặng quá không hút nổi.

2. Bữa ấy ngồi nói chuyện khá lâu. Ông bảo, mình đang đọc bút kí của một thủy thủ Hà Lan nói về vua nhà Nguyễn. Ông bảo: Lịch sử sau này sẽ phải đánh giá lại công lao và vai trò nhà Nguyễn cậu ạ. Không phải như cái người ta cho vào giáo khoa, nhồi vào đầu học trò từ nhỏ là: Nguyễn Ánh "cõng rắn cắn gà nhà" như sự quy kết dễ dãi thế đâu.

Ông kể bút kí ghi lại chuyện một ngày của vua Gia Long: Buổi sáng, nhà vua thức dậy từ 4 giờ đọc các tấu trình và phê duyệt văn thư. 8 giờ Ngài cùng 12 lính lệ mặc thường phục vi hành qua các xưởng thợ tận mắt quan sát lao động của thợ. Rồi sau 12 giờ cùng tùy tùng mở cơm nắm mo cau ra ăn trưa. Nghỉ ngơi chút lại tiếp tục đến một nơi khác. Bốn giờ chiều nhà vua hồi cung nghỉ ngơi tắm rửa, sau đó dùng bũa ngự thiện. Soát xét lại ít công việc rồi sau 8 giờ tối Ngài đi nghỉ. 

Tôi không nhớ chính xác lời ông kể là bữa ngự thiện có 6 hay 8 món là những món gì nhưng nhớ là khá đạm bạc. Con người vua Gia Long theo lời ông kể lại qua bút kí là Ngài rất bình dị lo toan việc nước. Sau cuộc chiến giành vương quyền, Nhà vua xuống chiếu miễn sưu thuế ba năm, sức cho các địa phương chăm sóc các cô nhi quả phụ để xã hội bình yên dần.

Cũng quên không hỏi, chắc sách ấy giáo sư mượn từ thư viện. 

3. Ông là người của công việc, lúc nào cũng dịch và viết. Thời gian này giáo sư đã hoàn chỉnh hồ sơ nghiên cứu “Cạp váy Mường”, một công trình đồ sộ, và đã được in thành sách.

Thực tình tôi chưa bao giờ gặp Giáo sư Từ Chi trong bộ đồ hộp comple cà vạt. Nhìn vẻ ngoài ông khó đoán đây là nhà khoa học lỗi lạc, mà giống một người lao động bốc vác hoặc bác đạp xích lô. Con người ông luôn toát ra sự bình dị của hàng thứ dân.

Một buổi sáng đang ngồi ở phòng làm việc tại 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm thì giáo sư bước vào. Ngồi uống ngụm trà xong, giáo sư quay sang tôi: Em có hai đồng không, cho anh xin. Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì ông nói luôn: Anh đang cần hai đồng để mua một quả trứng và chén rượu.

Ngay lúc ấy thì Đăng Nam - Phó giám đốc xuất bản bước vào, nghe rõ mọi chuyện, ông rút tờ mười đồng đưa cho giáo sư: Tiền đây anh. Ông cầm và bảo, mình chỉ cần hai đồng thôi. Hai anh em xuống quán cóc trước nhà. Tôi ngồi tiếp ông uống trà, ông nhâm nhi chén rượu với trứng luộc và quả dưa chuột. Chừng nửa tiếng sau lên phòng, ông đưa lại Đặng Nam 8 đồng, bảo mình chỉ cần hai đồng thôi, nhất định không cầm tiền thừa! Đấy là giữa những năm 80 đất nước cam go sau ngày thống nhất.

Không nhớ chính xác năm nào, nhưng cũng vẫn thập kỉ 80 thôi, lần ông được thỉnh giảng tại trường Đại học Xooc bon (Sorbonne) bên Pháp về, tôi lại có dịp ngồi với ông ở quán cóc ven đường. Lúc ấy ai đi nước ngoài về, ai cũng nghĩ là sẽ sắm sanh được thứ gì. Tôi cũng không ngoại lệ, hỏi, thì ông bảo: Sang Pháp ba tháng, anh ngày nào cũng được say rượu Tây, ở nhà cuốc lủi cũng chẳng bao giờ được say!

Rồi ông nói tiếp: Cậu hỏi mua sắm hả? ông cười đùa:  Không, mình chẳng mua gì. Sống hôm nay biết ngày mai còn sống không mà mua với sắm. Cả quy định số tiền 20% lương bên Pháp trả phải nộp lại nhà nước, mình cũng cho vào rượu tất!

4. Những năm ấy, việc đi nước ngoài rất khó. Hình như người ta sợ đi rồi không ai quay lại. Nghe bảo việc Giáo sư Từ Chi được đi cũng vậy. Bên Pháp họ phải có mẹo, mời viện trưởng sang đó thăm một tuần, sau mới đặt vấn đề mời giáo sư, việc mới được thông thoát. Đây cũng chỉ là tin ngoài luồng chưa kiểm chứng nhưng có lẽ là thế thật.

Giáo sư Từ Chi sinh năm 1925, mất 1995 thọ 70 tuổi. Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu nhưng cả đời nghèo khổ cho đến lúc mất. …

Giáo sư Từ Chi được coi là nhà dân tộc học hàng đầu Việt Nam thế kỷ XX. Ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm 4 công trình: "Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ", "Hoa văn Mường", "Hoa văn các dân tộc Giarai - Bana", "Người Mường ở Hoà Bình".

Đọc thêm