Ngã rẽ cuộc đời
Bước qua tấm biển “Nắng cuối trời”, chúng tôi bước vào sân trước của trung tâm phòng chống HIV/AIDS. Một người phụ nữ, trạc ba mươi tuổi, dáng cao gầy ra tiếp chúng tôi. Đó là chị Nguyễn Thúy Hằng - nhóm trưởng của trung tâm phòng chống HIV/AIDS.
Nếu hỏi khu vực này ai bị ma túy và bệnh tật đày đọa nhiều nhất, người dân nói rằng đó là Hằng. Nếu hỏi ai là người nghị lực nhất khu vực, bà con cũng nói là Hằng. Trước mặt tôi, khuôn mặt Hằng hốc hác, gầy rộc. HIV là thủ phạm lấy đi tuổi xuân của chị, nhưng suy cho cùng, chính Hằng và những bất hạnh cuộc đời đã tàn phá tuổi xuân của chị.
Hằng vốn là con út trong gia đình công nhân và lớn lên là một cô gái xinh đẹp, thông minh, được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng. Năm 17 tuổi, Hằng chịu cú sốc đầu đời khi bố bỏ mẹ đi lấy vợ hai. Hằng tuyệt vọng, xao nhãng học hành và bắt đầu lao vào chơi bời. Nhưng vốn thông minh, sau khi tốt nghiệp cấp ba, Hằng vẫn thi đỗ vào Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Học xa gia đình, không còn ai quản lý, Hằng càng dấn thân sâu vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng trong các quán bar, vũ trường.
Và rồi Hằng học đòi theo những cô “chiêu”, cậu “ấm” dùng thuốc lắc để thoát khỏi nỗi phiền muộn trong giây lát. Khi thuốc lắc không còn mang lại cảm giác bay bổng, Hằng bắt đầu tìm đến ma túy. Cuộc đời Hằng bắt đầu bước sang ngã rẽ mới. Đắm chìm trong ma túy, tiền mẹ chắt chiu gửi ra cho Hằng ăn học không thể làm thỏa cơn nghiện thuốc hàng ngày. Bởi thế, để có tiền mua ma túy Hằng tự biến mình thành “kiều nữ”, sống dưới sự che chở của những đại gia.
Năm 2002 khi chỉ còn sáu tháng nữa là tốt nghiệp, Hằng bị bắt khi đang sử dụng ma túy và bị buộc phải vào trại cai nghiện ở Ba Vì (Hà Nội).
Một năm sau Hằng trở về với gia đình. Tuy nhiên, ngựa quen đường cũ, Hằng lại đến với ma túy như chưa từng đi cai. Tháng 6/2004 Hằng lại bị bắt và đưa trở lại trại cai nghiện. Hai năm sau Hằng lại được trở về gia đình, nhưng rồi ma túy vẫn chưa buông tha. Sau khi tiêu tán hết tài sản của gia đình, Hằng rơi vào cảnh túng thiếu.
Do nhiều lần dùng chung kim tiêm với “bạn nghiện”, năm 2009, Hằng bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Từ đó Hằng buông xuôi mọi thứ. Những tháng ngày sau đó Hằng bị mọi người kỳ thị. Chị chưa bao giờ hình dung được sự kỳ thị lại đáng sợ đến vậy. Hằng hồi tưởng: “Tất cả mọi người đều tránh xa tôi. Có những khi cố gắng lắm mẹ mới tìm mua được cho tôi bát phở. Tôi vừa ăn xong, họ cầm chiếc bát đập luôn vì sợ bị lây”.
Hằng đang tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS tại CLB Nắng cuối trời |
Những ngày tháng sống lay lắt đợi chờ cái chết đến như một sự giải thoát. Nhưng tình yêu đã hồi sinh Hằng trong lúc tuyệt vọng nhất. Năm 2004, khi Hằng xuống Hà Nội để mua ma túy, Hằng gặp Phan Hải (sinh năm 1977, trú tại Giáp Bát, Hà Nội), lúc đó cũng là “con nghiện” lâu năm.
Họ gặp nhau trong một lần hút thuốc “bầy đàn” tại Giáp Bát. Nhìn Hằng, Hải bỗng dưng thấy quý mến và tự đặt ra câu hỏi vì sao một cô gái có khuôn mặt xinh xắn như vậy lại vướng vào ma túy. Còn Hằng, trong cơn phê thuốc không biết phía đối diện có một đôi mắt đang hướng theo mình.
Mọi chuyện chỉ dừng ở đó, cho đến tận hai năm sau khi họ gặp lại nhau trong một cuộc tọa đàm “Phòng chống ma túy và lây nhiễm HIV”. Nhớ lại cuộc gặp gỡ định mệnh, Hằng chia sẻ: “Trước đó, trong khi tôi đang lang thang tìm thuốc ở Hà Nội, tôi bất ngờ gặp một “bạn nghiện” cũ tên Minh, hiện làm việc cho “Dự án Quỹ Toàn Cầu phòng chống HIV/AIDS”.
Rồi anh ấy khuyên tôi tham gia vào dự án xã hội giúp cai nghiện và phòng chống lây nhiễm HIV. Khi tôi đến đó, tôi vô cùng sửng sốt khi gặp lại anh Hải. Anh ấy đã cai được ma túy và khuyên tôi nên bỏ. Anh ấy là một người nghiện nặng, nhưng giờ lại bỏ được. Điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều”.
Những ngày tháng tiếp theo, Hải không ngừng khuyên nhủ Hằng bỏ ma túy và dần dần Hằng cũng xuôi lòng. Những khi Hằng lên cơn nghiện, Hải luôn túc trực bên cạnh. Dù có đôi lúc cơn thèm thuốc làm Hằng trở nên điên dại, cắn xé đôi tay của Hải nhưng Hải vẫn không bỏ cuộc.
Nhờ có sự tận tâm của Hải mà Hằng dứt hẳn được cơn nghiện, cuộc sống dần trở nên bình thường nhưng mặc cảm về HIV thì vẫn còn đeo đẳng Hằng: “Tôi biết Hải yêu tôi và tôi cũng vậy nhưng tôi không thể nào gạt bỏ được mặc cảm mình bị nhiễm HIV. Mỗi đêm khi nhắm mắt lại, tôi lại mơ thấy hình ảnh chết chóc. Tôi thấy sợ chết, tôi sợ phải xa anh, xa gia đình - cái cảm giác sợ mà bao năm qua tôi chưa từng thấy”- Hằng nói.
Để có thể chăm sóc Hằng cả đời, Hải quyết định cầu hôn với Hằng dù biết Hằng nhiễm HIV. Ban đầu Hằng nhất định từ chối bởi sợ sẽ lây HIV sang Hải. Nhưng bằng tình cảm chân thành, Hải đã thuyết phục cô đồng ý. Sau khi kết hôn, Hải theo Hằng trở về căn nhà ở Vĩnh Yên – nơi lưu giữ quá khứ kinh hoàng của Hằng hai năm trước.
Hàng ngày, Hằng ở nhà học cách sử dụng máy vi tính và liên hệ với các tổ chức phòng, chống ma túy, lây nhiễm HIV ở địa phương. Còn Hải chạy xe ôm kiếm tiền sinh hoạt và lo chuyện cơm áo cho hai vợ chồng. Cuộc đời Hằng bước sang một trang mới. Tháng 9/2010, Hằng chính thức làm việc trong “Dự án Quỹ Toàn Cầu phòng chống HIV/AIDS”. Đến tháng 1/2011, Hằng được Dự án cử về hoạt động tại địa bàn Vĩnh Phúc, quê hương cô.
Ngày 12/8/2011, Nguyễn Thúy Hằng thành lập nhóm “Nắng cuối trời” với mục đích tuyên truyền về tác hại của ma túy cũng như những cách phòng chống lây nhiễm HIV. Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng trên đường Hùng Vương trở thành nơi sinh hoạt nhóm, tổ chức các sự kiện truyền thông về ma túy và HIV/AIDS.
Chia sẻ về những ngày đầu hoạt động, Hằng cho biết: “Thời gian đầu bọn mình hoạt động rất khó khăn. Số thành viên ban đầu của CLB là 10 người. Họ đều là đối tượng nghiện nặng, trong đó có 4 người đã nhiễm HIV. Chính vì thế, khi họ đến đây học cách cai nghiện, cách phòng chống lây nhiễm HIV, hàng xóm, người dân trong khu phố đều dị nghị, tỏ ra lo lắng và sợ hãi. Ngay như việc phát bơm kim tiêm để phòng tránh tác hại cho đến nay vẫn còn bị nghi ngờ là “tiếp tay cho nghiện”. Thậm chí khi vừa dựng tấm biển “Nắng cuối trời” lên, công an đến bắt dỡ xuống vì nghi ngờ là điểm tụ tập của nhóm nghiện”.
Sau hai năm kiên trì hoạt động, Hằng và các thành viên trong nhóm đã từng bước mang tới cái nhìn khác cho người dân địa phương về người nghiện ma túy để họ bớt kì thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng. Nhóm cũng đã hỗ trợ tư vấn cho nhiều người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV – một loại thuốc ức chế, giảm sự phát triển của HIV; cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm và thu hồi bơm kim tiêm bẩn; kết nối được với nhiều người nghiện ma túy, nhiễm HIV trong địa bàn, cung cấp được nhiều con số khảo sát, đánh giá cho Trung tâm Phòng, chống ma túy và lây nhiễm HIV...
Riêng Hằng đã có bề dày thành tích, từng tham gia nhiều hội nghị, tập huấn kiến thức về ma túy, từng sang Mianma để chia sẻ kinh nghiệm. Hiện tại, CLB “Nắng cuối trời” của Hằng có hơn 600 thành viên, trong đó có 10 thành viên là các phó nhóm làm nhiệm vụ tiếp cận đối tượng nghiện, tuyên truyền, cấp phát bơm kim tiêm.
Vượt qua bao gian nan, Hằng và Hải đến với nhau và có một mái ấm hạnh phúc |
Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, Hằng đưa tay lên lau vội những giọt nước mặt hạnh phúc. Chị ôm chặt đứa con vào lòng và nói với chúng tôi: “Cuộc sống có biết bao ngả đường, nếu lỡ vấp ngã, nếu lỡ sai lầm thì mong mọi người đừng để mình rơi vào tuyệt vọng mà hãy đứng dậy làm lại từ đầu, bởi ngoài kia vẫn còn nhiều người yêu thương mình, còn cơ hội cho mình làm lại”.
Và sau những giọt nước mắt đắng cay tủi nhục, Hằng đã có những giọt nước mắt khóc vì hạnh phúc…