Nhức nhối cảnh biến tượng thành... hành khất

Tín ngưỡng, tâm linh là một nét văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Việt nói chung và của người dân Thủ đô nói riêng. Một trong những nét văn hóa đó là đi lễ ở các đình, chùa miếu mạo với gắn với tín ngưỡng thờ Phật, thánh, thần…, nhưng đi lễ thời nay có những biến tướng khi tri thức thánh thiện bị những tri thức thô thiển giẫm lên một cách bi hài.

Tín ngưỡng, tâm linh là một nét văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Việt nói chung và của người dân Thủ đô nói riêng. Một trong những nét văn hóa đó là đi lễ ở các đình, chùa miếu mạo với gắn với tín ngưỡng thờ Phật, thánh, thần…, nhưng đi lễ thời nay có những biến tướng khi tri thức thánh thiện bị những tri thức thô thiển giẫm lên một cách bi hài.

Hình minh họa
Những đồng tiền lẻ như thế này làm mất vẻ uy linh chốn chùa chiền.

Sát sinh cúng tiến Phật    

Hà Nội chúng ta có nhiều chùa, phủ rất nổi tiếng, chẳng hạn như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền thờ Bà Chúa Kho…Đến những địa chỉ văn hóa tâm linh này mới thấy hết những buồn vui của văn hóa đi lễ của người dân Hà Thành. Và nếu dành một khoảng lặng để quan sát sẽ thấy sự phân cấp văn hóa rõ nét với cái gọi là tri thức thánh thiện và tri thức thô thiển trong văn hóa ứng xử của người dân với các hiện tượng đi cúng cầu.

Phật giáo không chủ trương đốt vàng mã, không chủ trương cúng bái linh đình với mâm này cỗ nọ. Sự giải thoát cho chúng sinh khỏi những khổ ải trầm luân bằng con đường chân tu, hướng thiện là điều Phật giáo hướng đến.

Theo đó, đi lễ chùa cần phải có sự chay tịnh và thanh khiết từ trong tâm. Một nén nhang, một bó sen trắng muốt lễ Phật xưa nay vẫn là một ứng xử văn hóa đẹp của những người mộ đạo, tìm đến Chùa như một sự thỉnh an cho những nỗi lo toan trong lòng mình.

Nhưng cạnh đó, tri thức thô thiển là nhiều người đi lễ chùa vàng mã đốt hoành tráng và trên mâm cỗ những oản, xôi là một con gà vàng ươm mỏ ngậm một bông hoa hồng.

Trong lúc không được sát sinh là một trong những điều cấm của nhà Phật, có vị Phật nào lại đi chứng lòng thành của một tín đồ sát sinh rồi đến cúng những tạp phẩm, tạp niệm nơi thanh cao, nhân ái của Đạo?.

Hay đó là một sử phỉ báng khó lòng chấp nhận?. Cũng may nhân ái, vị tha vốn dĩ là sự từ bi như cái gốc của đạo Phật nên không ai nỡ trách những đệ tử thô thiển vì sự thiếu hiểu biết mà mạo phạm nơi cửa thiền…

Hối lộ cả Thánh, Thần

Nếu Thánh, Mẫu… tiêu tiền thì cũng là tiền cõi âm. Cũng để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng này mà có hẳn một “Ngân hàng địa phủ” xuất hiện, chuyên in tiền cho những người đi lễ.

“Trần sao âm vậy”, từ quan niệm này nên các mệnh giá tiền thật đến ngoại tệ đều được in để người dân “hóa” sau khi hành lễ. Người cõi âm “xài” tiền âm, cứ cho như vậy là tạm thời hợp với logic của văn hóa lễ hội, văn hóa thờ thánh, mẫu và tục thờ cúng tổ tiên, nhưng lạ là tri thức thô thiển một lần nữa thể hiện trong văn hóa ứng xử của những người đi lễ.

Ở đây tạm gọi là một sự “hối lộ thần thánh” khó lòng chấp nhận được của một phần lớn người dân Hà Thành. “Cái tật” của nhiều người đi lễ lại lễ bằng… tiền thật.

Không chỉ có có lễ Thánh, Mẫu mà lễ Phật nhiều người cũng cúng cả tiền thật lên ban thờ, tiền thật “vãi” lung tung, thậm chí nó còn được bỏ vào tượng, nhét vào tay Thánh, và cả… hai vị hộ pháp hai bên cổng chùa cũng được tín đồ “hối lộ” nhét vào tay cơ man nào là…bạc lẻ.

“Hối lộ thần thánh” kiểu này xuất phát từ tư duy thô thiển của con người thời thị trường hiện đại. Cách nghĩ có tiền việc gì cũng xong từ cuộc sống xô bồ “nhiễm” luôn cả vào lễ hội, tín ngưỡng như một nét phản văn hóa cần loại bỏ.

Tiền để công đức, tu bổ chùa chiền, đình thờ, miếu mạo… thì luôn cần những tín đồ hảo tâm. Đồng tiền này bỏ ra có ý nghĩa và là những nghĩa cử văn hóa để bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể mà cha ông chúng ta để lại.

Còn cái sự cúng gà luộc hay nhét tiền thật vào tay Hộ pháp ở chùa chiền hay những địa chỉ tâm linh khác chỉ là một biến tướng xấu của tín ngưỡng. Điều này hoàn toàn xa lạ với những người dân Thủ đô văn minh và có chiều sâu văn hóa tâm linh…

Vứt tiền như vứt rác    

Rồi xa hơn thủ đô, đầu năm làm một cuộc du xuân lễ Phật, từ các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Phật Tích… nghịch cảnh đau lòng khi nhiều người thiếu ý thức và không hiểu biết về văn hóa Phật giáo vẫn mải miết hối lộ chư thần chư Phật.

Tiền lẻ vung vãi ở cáp treo Chùa Hương
Tiền lẻ vung vãi ở cáp treo Chùa Hương.

Không chỉ đặt tiền vào tượng Phật, các linh vật, những pho tượng, những di tích lịch sử cũng bị rải tiền lẻ, biến ao chùa, giếng chùa thành những thùng lớn đựng tiền lẻ mà người đi lễ coi đó là “thành tâm”.

Tệ hại hơn các chặng cáp treo lên chùa Hương cũng vung vãi tiền lẻ trên mặt đất, tha hồ cho người đi qua giẫm đạp lên đó. Không biết khi đi lễ chùa và ném tiền kiểu này, họ có biết trên hình tiền có in ảnh Bác Hồ?. Làm vậy, không biết họ có nghĩ chính mình ngoài xúc phạm thánh thần thì còn xúc phạm lãnh tụ và phá hủy đồng tiền vốn là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm?.

Tất cả cảnh tượng này làm cho “tượng không khóc nhưng cũng vã mồ hôi”. Nhìn chư thần, chư Phật tôn nghiêm bị bá tánh biến thành “người hành khất”, nhìn đồng tiền bị giẫm đạp và phá hoại mà không khỏi đau lòng. Thấy báo chí tốn quá nhiều giấy mực, các nhà văn hóa học tốn biết bao nhiêu lời, các cơ quan quản lý văn hóa tốn biết bao nhiêu “quyết tâm dẹp bỏ”, nhưng cứ đến hẹn lại lên, đầu năm đi lễ thì ai ai cũng gặp lại những chuyện phim buồn đã chiếu từ mấy thời năm trước.

Hà Trần

Đọc thêm