Nhức nhối chất thải rắn xây dựng tại đô thị

(PLVN) - Chỉ riêng Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 2.500-3.000 tấn rác thải rắn xây dựng, chưa kể phát sinh từ những dự án giao thông trong dân sinh. Trong khi đó, đầu ra cho chất thải rắn xây dựng vẫn bỏ ngỏ…
Chất thải rắn xây dựng đang là vấn đề nhức nhối ở các đô thị
Chất thải rắn xây dựng đang là vấn đề nhức nhối ở các đô thị

“Bí” đầu ra

Ông Nguyễn Văn Dũng (phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội) mấy hôm nay đau đầu vì sửa nhà mà không biết đổ chất thải rắn xây dựng (CTRXD) ở đâu. Toàn bộ mái proximăng được thay thế bằng mái tôn cùng gạch vữa đã thải ra một khối lượng khổng lồ CTRXD chiếm dụng lối đi chung. Cuối cùng ông Dũng phải chọn phương án thuê người mang đi. “Chỉ tiền thuê đổ đi còn hơn tiền mua tôn mới thay thế!” - ông Dũng nói. Còn CTRXH được mang đi đâu ông không biết.

Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết tuyến phố nào trên địa bàn Thủ đô cũng có những đống gạch, đồ phế thải vứt vương vãi. Thậm chí nhiều nơi xuất hiện những đống rác thải mới chất lên đống rác trước đó, khiến đoạn đường trở nên nhếch nhác.

Đổ trộm CTRXD đang là hiện tượng phổ biến hiện nay bởi người dân cũng không biết đổ đi đâu, còn chủ xây dựng cũng không loại trừ đổ trộm CTRXD để giảm chi phí. “Thực tế, chủ đầu tư khi thuê xây dựng chỉ tính trả tiền thuê việc xây dựng, không tính đến việc xử lý CTRXD…” - nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân phát biểu tại Hội thảo do Viện Hỗ trợ Pháp lý và bảo vệ môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức hôm qua (5/6).

Tại Hội thảo này, các chuyên gia cho rằng, các điểm trung chuyển CTRXD thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm dường như là điều hiển nhiên. Một thực tế là hiện nay công tác xử lý CTRXD chủ yếu là chôn lấp. Điều này đòi hỏi có những bãi chôn lấp lớn, tốn diện tích, chưa kể, chất thải xây dựng rất khó phân hủy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.

Ngày 24/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Trên cơ sở đó, ngày 16/5/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-BXD quy định về quản lý CTRXD. Trong đó, quy định CTRXD phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng.

Theo Luật sư Lê Minh Công – Trưởng Văn phòng Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Thông tư của Bộ Xây dựng có nhiều điểm mới ưu tiên tập trung quản lý, xử lý CTRXD tốt ngay từ nguồn phát thải xây dựng. Tuy nhiên thực tế, CTRXD vẫn đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn.

Khi tìm kiếm cụm từ “điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý CTRXD của Hà Nội ở đâu” thì không có kết quả (!?). Đã có nhiều trường hợp đổ trộm phế thải bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý nhưng vẫn như “muối bỏ bể”, không kiểm soát được hết. Hệ lụy nhãn tiền là không ít tuyến đường đã trở thành “điểm đen” với hàng trăm khối phế thải chình ình.

“Về các giải pháp khắc phục vi phạm mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền các hộ gia đình, cá nhân khi cải tạo, xây dựng công trình có phương án xử lý, vận chuyển CTRXD đến đúng nơi quy định. Đồng thời, điều tra, xác minh đối tượng vi phạm; xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại… nhưng hiệu quả chưa cao” - nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân chia sẻ.

Dùng công nghệ để tái chế 

“Thực ra CTRXD là một nguồn tài nguyên nếu chúng ta sử dụng đúng cách!” - ông Hồ Duy Diêm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường quả quyết.

Dẫn công trình phá dỡ 4 tòa nhà tại địa chỉ số 138 phố Giảng Võ, Hà Nội, thay vì vận chuyển các khối bê tông cũ ra các bãi tập kết vật liệu xây dựng chủ đầu tư đã sử dụng công nghệ nghiền, tái chế CTRXD được lắp đặt ngay tại chân công trình.  Các khối bê tông có kích cỡ tới 60x80cm được chuyển sang hệ thống nghiền và tự động phân loại riêng các loại vật liệu từ sắt đến hạt cỡ 3x4cm và cát mịn. Công nghệ cho phép tận dụng 100% CTRXD, các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ để tái sử dụng vào các nhu cầu sử dụng khác nhau, như hạt to có thể làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng…, thậm chí có thể chế tạo bê tông tươi.

Theo ông Đỗ Văn Toan, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ sản xuất Toàn cầu, DN mang công nghệ nghiền, tái chế CTRXD về Việt Nam cho biết, đây là công nghệ được nhập khẩu từ CHLB Đức. Thiết bị có công suất từ 120 tới 250 tấn/giờ, có thể hoạt động ở các khu vực đông dân và phù hợp với nhiều loại công trình cần phá vỡ. Hệ thống có lưới sàng nên có thể điều chỉnh kích cỡ theo nhu cầu sử dụng… “Với việc sử dụng công nghệ nghiền, tái chế CTRXD giá thành chỉ bằng 30% so với thuê đổ CTRXD…” - ông Toan cho hay.

PGS.TS.Nguyễn Thanh Sang, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng đây là công nghệ của toàn cầu rất hay nhưng thực tế ở Việt Nam chưa được các công trình lớn, nhất là công trình tiền của Nhà nước sử dụng.

“Chưa có căn cứ xác định giá đối với các công trình của Nhà nước nhưng với công trình tư nhân sử dụng công nghệ này và sử dụng chính phế thải phá dỡ công trình cũ đưa vào đổ món đã tiết kiệm được 70% so với việc phải chở rác thải đi đổ…” - chuyên gia này cho hay.

Đọc thêm