Nhức nhối chuyện nữ công nhân vứt bỏ "hậu quả tình yêu"

Xa gia đình, lại thiếu thốn vật chất và tình cảm, không ít cuộc tình chóng vánh của nam nữ công nhân đã xảy ra. Để tiết kiệm chi phí, họ đã chọn giải pháp sống chung như vợ chồng. Không có tiền để đi các bệnh viện, họ chọn giải pháp tới các phòng khám tư để giải quyết “hậu quả tình yêu”...rồi sau đó là đầy rẫy những hậu quả khó lường.

[links()] Xa gia đình, lại thiếu thốn vật chất và tình cảm, không ít cuộc tình chóng vánh của nam nữ công nhân đã xảy ra. Để tiết kiệm chi phí, họ đã chọn giải pháp sống chung như vợ chồng. Không có tiền để đi các bệnh viện, họ chọn giải pháp tới các phòng khám tư  để giải quyết “hậu quả tình yêu”...rồi sau đó là đầy rẫy những hậu quả khó lường.

Công nhân chờ khám tại phòng mạch tư (Làng Bầu- Kim Chung)
Công nhân chờ khám tại phòng mạch tư (Làng Bầu- Kim Chung)

Từ những mảnh tình chắp vá

Gần trưa, chúng tôi tìm đến một dãy trọ ở làng Bầu (xã Kim Chung- Đông Anh) nơi có đến 2/3 số công nhân KCN Bắc Thăng Long ở trọ. Hôm nay là ngày nghỉ nên công nhân ở nhà khá nhiều, đa phần mỗi phòng một nam một nữ đang tấp nập chuẩn bị cơm trưa. Bên ngoài sân giếng, một đôi nam nữ đang nhặt rau chuẩn bị nấu cơm  gọi nhau là vợ chồng, qua câu chuyện thì được biết họ đều là công nhân làm việc trong KCN mới yêu nhau chứ chưa làm đám cưới gì.

Nhìn vào một phòng gần đó cửa đang hé mở, một đôi nam nữ đang âu yếm rất tình từ bên nhau, cô bạn tôi bảo: “Chuyện công nhân sống thử có từ lâu rồi, nhưng hậu quả thì mình nữ công nhân chịu thôi”.

Dẫn tôi tới một phòng trọ xập xệ, rộng khoảng 12m2, cô bạn cho biết, đó là nơi ở của Tình, công nhân một công ty trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Trong phòng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cũ, bộ đồ nấu bếp và một chiếc quạt nhỏ, trên bàn có vài từ báo cũ được in từ năm 2008. Tiếp chúng tôi là một cô gái khoảng 22 tuổi, da trắng, gương mặt ưa nhìn nhưng đôi mắt sâu chứa đầy u uất.

Nhà nghèo, học hết lớp 12, Tình rời quê xuống Hà Nội với mong ước kiếm tiền gửi về giúp đỡ gia đình nhưng sự đời không như cô nghĩ. Đi làm đã được hơn một năm nhưng lương công nhân quá thấp, tính cả tăng ca cũng chỉ được 2,2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó tiền thuê nhà đã mất 500 ngàn, rồi ăn uống, quần áo đã chiếm gần hết tiền lương. Không có tiền, không ti vi, không báo đài, tối tối đi làm về cơm nước xong là đóng cửa đi ngủ, chỉ có cô bạn cùng phòng thi thoảng chia sẻ câu chuyện cuộc sống với cô.

Những tối thứ 7, thấy cô bạn nắm tay người yêu đi chơi cô lại thấy buồn, một mình với 4 bức tường lạnh lẽo. Cô đơn, buồn chán, một anh trong cùng công ty có cảm tình mời đi uống nước. Sau vài buổi đi chơi, Tình nhận lời yêu và cả hai quyết định thuê nhà trọ sống chung. "Xa nhà, đồng cảnh ngộ, sống chung để nương tựa vào nhau và giảm bớt chi phí, sau này hợp ý thì tiến đến hôn nhân", Tình nói.

Không có kiến thức sinh sản, mới sống cùng nhau 4 tháng, Tình đã 2 lần phải đến phòng mạch tư P.N trong làng Bầu nạo phá thai, khi được hỏi về các biện pháp tránh thai Tình cho biết: “Chỉ biết tránh bằng cách canh ngày cho đỡ tốn kém.”

Những chuyện tình của công nhân thường diễn ra chóng vánh nhưng kết thúc cũng rất chóng vánh nhưng nỗi đau còn dai dẳng trong lòng nữ công nhân. Chỉ sau hai tháng quen nhau  Dung (quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc) và Tài (22 tuổi, ở Hải Dương đã dọn về ở chung. Hàng ngày, cả hai chở nhau đi làm, hết giờ lại chở nhau về, tranh thủ tạt qua chợ mua con cá mở rau thổi cơm. Nhìn cảnh hạnh phúc của đôi bạn trẻ ai cũng mừng cho họ và đồn đoán không sớm thì muộn cũng sẽ thành vợ thành chồng.

Từ “góp gạo thổi cơm chung” đến chuyện “ăn cơm trước kẻng” là chuyện không tránh khỏi. Chỉ sau 3 tháng, Dung đã có bầu. Khi nghe thông báo "có em bé" và muốn nhanh chóng tổ chức đám cưới, Tài không nói gì và lẳng lặng bỏ đi, tìm đến công ty Tài thì được biết "chồng" đã chuyển chỗ làm ở đâu không ai biết.

Dung không dám về nhà sợ làng xóm lời ra tiếng vào, sợ "bôi tro trát trấu" vào mặt bố mẹ cô, đành chọn giải pháp "bỏ". Nhưng đi bệnh viện chi phí rất cao, lại thủ tục rườm rà, cô đành nhắm mắt vào các phòng khám tư trong làng giải quyết. "Biết thực hiện ở phòng tư không an toàn như bệnh viện nhưng không không có tiền đành chấp nhận thôi, không biết sau này có ảnh hưởng đến sinh nở không nữa", Dung chia sẻ.

Đến các phòng mạch tư…

9h sáng ngày thứ 2, chúng tôi có mặt tại phòng khám đa khoa K.C (làng Bầu), thời điểm này hầu hết công nhân đã đi làm nhưng số bệnh nhân đến khám vẫn đông, nhiều người còn vẫn khoác trên mình bộ đồ quần áo công nhân. Bên cạnh tôi là hai cô gái còn mang đồng phục công nhân đang chờ khám bệnh, một cô cúi gằm mặt xuống tỏ vẻ đau khổ, thi thoảng lại sờ lên bụng. Một cô tỏ vẻ sành sỏi khuyên “Mới 2 tháng nên còn dễ, giải quyết chỉ 30 phút là xong thôi, chi phí hết 200 ngàn, làm xong thì đến công ty nhé. Tao đi làm trước đây”. Nói rồi cô dúi vào tay bạn một nắm tiền lẻ rồi nhanh chóng rời phòng khám. 

Nắm bắt được nhu cầu khám chữa bệnh của công nhân, chỉ trong một làng Bầu nhỏ đã có hàng chục phòng mạch tư hoạt động như K.C, P.N, A.B… và luôn đông khách. Được biết, giá cả ở đây giá thấp hơn nhiều so với đi khám tại các bệnh viện nên được nhiều công nhân lựa chọn. Bác sĩ H.A. L, làm việc ở phòng khám đa khoa K.C cho biết, phòng khám có đủ các dịch vụ từ khám chữa bệnh thông thường, siêu âm đến nạo, hút thai.

Đối tượng chính của các phòng khám chủ yếu là công nhân, mỗi ngày có hàng trăm lượt công nhân tới khám chữa bệnh, riêng nạo hút thai chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo bác sĩ này mỗi tuần có từ 30- 40 bệnh nhân xin hút thai. “Biết các em không có tiền, chúng tôi chỉ thu từ 100- 200 ngàn cho một lần giải quyết hậu quả, thấp hơn đến một nửa so với việc đi giải quyết ở bệnh viện", bác sỹ H.A.L có vẻ thông cảm với bệnh nhân của mình. Tuy nhiên, chất lượng như thế nào bà cũng không dám khẳng  định

Bị người yêu bỏ, thai lại lớn quá không thể giải quyết được, nhiều công nhân không đủ can đảm để về nhà mà chờ sinh xong rồi bỏ lại với lời nhắn “không đủ khả năng nuôi dưỡng”. Bà Trần Thị Bưởi, cán bộ Hội Phụ nữ xã Kim Chung cho biết, thời gian qua Hội Phụ nữ xã đã nhặt được 5 đứa trẻ bị bỏ rơi trong một thùng nhỏ, Hội đành đưa đến trại mồ côi hoặc làm thủ tục cho những gia đình hiếm muộn nhận nuôi.

Khu CN Bắc Thăng Long là nơi thu hút hàng chục ngàn công nhân từ các tỉnh thành khác tới làm việc trong đó 2/3 là phụ nữ. Tuy nhiên, các công ty chỉ quan tâm đến sản xuất mà chưa thực quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Bà Nguyễn Thị Thu Đông, Trưởng phòng Đào tạo công ty Ohara, khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, công ty chú trọng vào sản xuất và chất lượng sản phẩm và nâng cao đời sống vật chất cho công nhân.

Các chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản cho công nhân hầu như công ty không có, nên hầu hết công nhân không nắm được các biện pháp phòng tránh thai. "Biết nếu làm tốt sẽ có lợi cho công nhân nhưng các ông chủ nước ngoài chỉ chú ý đến sản phẩm và lợi nhuận nên chúng tôi cũng chẳng biết làm sao", chị Đông tâm sự.

Ông Nguyễn Điện Nam, Phó trưởng Công an xã Kim Chung cho biết: Chỉ riêng số công nhân khai báo tạm trú đã chiếm tới 2,2 vạn, chủ yếu làm việc ở KCN Bắc Thăng Long với thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Để giảm bớt chi phí sinh hoạt, một số công nhân chọn giải pháp chung sống với nhau như vợ chồng. Hạnh phúc hay tiết kiệm thế nào thì không biết, chỉ biết, khi nữ phát hiện mình mang thai chỉ có người nữ đi giải quyết, nhưng cũng không dám đi bệnh viện mà chỉ vào mấy phòng khám tư trong làng, còn người chồng "hờ" mất hút ở đâu cũng không thấy, anh Nam xác nhận.

Hội LHPN xã Kim Chung thường xuyên tổ chức tuyên truyền sức khỏe sinh sản, về lối sống lành mạnh trong giới công nhân nhập cư dưới hình thức "Sân khấu hóa". Các vở kịch, các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng nhằm phản ánh các tệ nạn xã hội rất gần gũi với cuộc sống thường ngày đã thu hút được đông đảo công nhân tham gia.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm phát triển nhân lực (CD) tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề sức khỏe sinh sản vào các ngày nghỉ. Tuy nhiên, cái khó là số lượng công nhân quá đông, lại đi làm cả ngày nên thời gian dành cho sinh hoạt là rất khó hơn nữa để làm tốt công tác truyền thông cần có sự phối của các cấp, các ngành, các công ty trong khu vực và quan trọng nhất công nhân cần hiểu được cái giá phải trả khi sống chung mà nạo phá thai là điều dễ thấy nhất, bà Bưởi cho biết thêm.

N. Ngọc

Đọc thêm