Nhức nhối tình trạng tội phạm "núp bóng" tâm thần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hai vụ việc gây rúng động dư luận mới đây là “động bay lắc” trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và kẻ có bệnh án tâm thần vẫn điều hành đường dây bảo kê, tín dụng đen, điều này lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý người tâm thần. Vậy có hay không việc lợi dụng bệnh án tâm thần để thoát tội?
(Hình minh hoa).
(Hình minh hoa).

“Tâm thần” nhưng thủ đoạn tinh vi

Phòng CSHS Công an TP Hà Nội vừa khởi tố bị can Nguyễn Việt Dũng (còn gọi là “Dũng Ốt”, 39 tuổi, ngụ phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và 6 người khác để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; đồng thời tiếp tục làm rõ các hành vi phạm tội bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc…

Trước thông tin Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bác bỏ bệnh nhân tên Nguyễn Việt Dũng trốn khỏi bệnh viện để điều hành đường dây bảo kê bến bãi, lãnh đạo Phòng CSHS Công an TP Hà Nội khẳng định, đơn vị đã có cả quá trình điều tra, xác minh và có đủ tài liệu chứng minh vụ việc.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Nguyễn Việt Dũng là bị can trong vụ án giết người xảy ra tại quận Cầu Giấy từ năm 2011. Sau khi gây án, Dũng bỏ trốn, rồi có bệnh án tâm thần và ra cơ quan công an đầu thú.

Đối tượng Nguyễn Việt Dũng từng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.Đối tượng Nguyễn Việt Dũng từng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Nhờ bệnh án này, Dũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Tuy nhiên, thời gian này Dũng vẫn ra ngoài, gặp gỡ và quan hệ với các đối tượng xã hội.

Dũng câu kết với Ngô Quang Trung (41 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) tập hợp đàn em lấn chiếm các khu đất trống sát với các dự án xây dựng, dựng nhà tôn, nhà container để ăn ở, sinh hoạt, dùng diện tích đất đó để trông giữ xe, buôn bán vật liệu xây dựng, tổ chức đánh bạc, chốt sổ công nợ, thu tiền lãi cho vay hàng ngày…

Dũng đưa cho Trung 1 tỷ đồng để điều hành đàn em hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất 3.000 - 5.000 đồng/triệu đồng/ngày. Hàng ngày, Trung đưa danh sách khách vay tiền cho đàn em, đến 18h nhóm đàn em về nộp tiền để Trung chốt sổ sách.

Ở những nơi lấn chiếm đất, Dũng và đàn em còn cất giấu nhiều dao kiếm, vũ khí thô sơ phục vụ việc đi đòi nợ, bảo kê… Nếu người vay tiền không trả, nhóm này nhắn tin, gọi điện đe dọa, đổ chất bẩn để khủng bố.

Sau 6 tháng thu thập tài liệu, ngày 24/5 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã triệt phá đường dây bảo kê, tín dụng đen do đối tượng Nguyễn Việt Dũng cầm đầu.

Một vụ án khác, cuối tháng 3 vừa qua, đối tượng Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, ngụ thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) bị cơ quan công an bắt giữ về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, Quý đang là bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Theo tài liệu của cơ quan công an, ngày 10/6/2018, Quý bị bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và bị tạm giam. Ngày 30/10/2018, Viện Pháp y tâm thần Trung ương có kết luận giám định pháp y tâm thần đối với Quý theo quyết định trưng cầu giám định ngày 24/7/2018 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì.

Đối tượng Nguyễn Xuân Quý cũng từng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1

Đối tượng Nguyễn Xuân Quý cũng từng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1

Ngày 7/11/2018, VKSND huyện Thanh Trì ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Ngày 8/11/2018, Quý nhập Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 điều trị.

Trong thời gian điều trị, Quý nhiều lần rời khỏi bệnh viện. Đầu tháng 1/2021, Quý bị Công an quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng do có bệnh án tâm thần nên được trả về bệnh viện để điều trị.

Kết quả điều tra xác định, do thời gian ở bệnh viện lâu, Quý đã tạo quan hệ thân thiết với một số cán bộ tại đây và được tạo điều kiện tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu. Quý đã cải tạo phòng điều trị thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Quý cùng đàn em mời bạn bè, trong đó có cả cán bộ bệnh viện sử dụng ma túy ngay tại phòng điều trị của mình. Thậm chí, Quý đưa cả những cô gái làm “dịch vụ” đến đây để cùng sử dụng ma túy.

Không những thế, Quý còn tổ chức mua bán ma túy ngay tại bệnh viện. Những người đến mua ma túy thường giả danh là người nhà chăm sóc bệnh nhân để thực hiện các giao dịch mua bán ma túy.

Quý không trực tiếp đưa hàng”, mà sai đàn em mang giao cho khách hoặc hẹn ở khu vực sân tennis, bãi đỗ xe phía sau khu điều trị trong bệnh viện, rồi ném ma túy qua cửa sổ phòng bệnh từ tầng 2 xuống.

Để tránh bị phát hiện, Quý bố trí Nguyễn Trung Nguyên và Nguyễn Công Thường ngụy trang thành lái xe taxi, xe ôm công nghệ túc trực tại cổng bệnh viện làm nhiệm vụ cảnh giới và đi giao ma túy.

Bệnh án tâm thần - “kim bài” thoát tội?

(ảnh minh họa).

(ảnh minh họa).

Những vụ án trên khiến dư luận bàng hoàng, song đây không phải lần đầu xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Hồi đầu tháng 8/2018, dư luận xôn xao khi Công an TP Hà Nội khởi tố bác sĩ chuyên khoa II Thân Thái Phong (Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi) và kỹ thuật viên Nguyễn Tuấn Sơn (Trưởng khoa Dinh dưỡng) vì đã làm hồ sơ bệnh án giả nhằm giúp đối tượng phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.

Sau đó, tòa tuyên phạt bị cáo Thân Thái Phong 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Nguyễn Tuấn Sơn 24 tháng tù về tội “Môi giới hối lộ”.

Mở rộng điều tra, Công an TP Hà Nội phát hiện 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả, trong số đó có tới 41 bộ hồ sơ bệnh án tâm thần của đối tượng hình sự cộm cán.

Theo các chuyên gia tội phạm học, tội phạm hình sự thường dùng hồ sơ tâm thần để làm “kim bài” thoát tội hoặc giảm tội đến mức thấp nhất, có những vụ việc dẫn tới chết người nhưng vẫn không bị xử lý hình sự.

Thượng tá Nguyễn Quang Hiền - Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội cho biết, các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy thường “dựng” hồ sơ bệnh án tâm thần để không phải chịu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, tội phạm do sử dụng các loại ma túy tổng hợp có thể xuất hiện ảo giác, loạn thần, có biểu hiện giống tâm thần. Trong khi việc giám định hiện nay, nếu kết luận đối tượng bị tâm thần thì cơ quan công an không xử lý được mà phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

“Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về thời gian chữa bệnh bắt buộc, khi khỏi bệnh mới chấm dứt được. Nếu như có sự tiếp tay của các bác sĩ thì bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị rất dài, ngoài điều trị nội trú thì bệnh nhân cũng có thể điều trị ngoại trú, càng khó kiểm soát”, Thượng tá Hiền nói.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, bệnh án tâm thần đã đem đến cho các đối tượng phạm tội 2 “cánh cửa” đầy hứa hẹn. Thứ nhất, đối tượng phạm tội có thể thoát án tử hình nếu được xác định bị bệnh tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

“Đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình, nếu có căn cứ xác định người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì tòa án không áp dụng hình phạt tử hình”, Luật sư Tiền cho hay.

Thứ hai, người phạm tội được rút ngắn hoặc thậm chí có thể không phải chấp hành hình phạt tù. Bởi lẽ, khi kẻ phạm tội bị bệnh tâm thần, ở giai đoạn điều tra, vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

“Nếu thấy bệnh tâm thần của bị can ổn định thì cơ quan điều tra mới tiếp tục phục hồi điều tra, xử lý vụ án theo thủ tục tố tụng chung. Khi đó, thời gian chữa bệnh của bị can sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù sau này khi tòa tuyên án (ở giai đoạn xét xử là bị cáo) được quy định tại Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015”, Luật sư Tiền lập luận.

Đọc thêm