Những ẩn số 'ma quỷ' chỉ đường tới kho báu ở đồi Lim

(PLO) -Mảnh đất Lục Ngạn, Bắc Giang được coi là vựa vải của cả nước bởi giống đặc sản ngon nổi tiếng. Tìm về vùng đất này, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện không chỉ liên quan đến vải mà có cả những huyền tích kỳ lạ về kho báu chôn giấu trong lòng đất…
Đồi Lim bây giờ
Đồi Lim bây giờ

Chuyện kỳ lạ về kho báu ở đồi Lim

Không biết từ bao giờ, trên khắp các sườn đồi thuộc xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) câu chuyện về việc nông dân chăm sóc, vun vén cây vải mà nhặt được vô số đồ giá trị đã không còn làm xôn xao làng xóm nữa. Không xôn xao bởi đó đã là chuyện thường mà phần nhiều trong số bà con gắn bó với mảnh đất này, ai cũng đã từng nhìn, nhặt và sở hữu cho mình những cổ vật riêng. 

Từ sau đập Đá Mài được hoàn tất ở xã Hồng Giang từ năm 1968 nhằm dự trữ một phần nước ngọt cho các vùng sản xuất nông nghiệp và trồng cây ăn quả thì nghiễm nhiên, một nhánh của sông Lục Nam đã bị cắt đi khi chảy qua địa phương này. Khi nhánh sông Lục Nam chảy qua xã Hồng Giang bị ngăn lại trước khi chảy về sông Thương thì lúc đó cũng bắt đầu mở ra hàng loạt các sự kiện người dân đào được “của”.

Chúng tôi tìm về thôn Chính, xã Hồng Giang gặp ông Trương Văn Minh (60 tuổi), một trong những người dân đầu tiên của làng khi thành lập. Nhấp chén trà nóng, ông bắt đầu câu chuyện: “Ở mảnh đất Hồng Giang này, có người ở như bây giờ có lẽ chỉ được vài chục năm đổ lại đây.

Đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc Sán Dìu, đã ít nên trước đây còn ít hơn khi chủ yếu địa hình là đồi núi và rừng rậm. Khi đó, tôi vẫn còn nhỏ nhưng được ông bà và người cao tuổi kể lại rằng, trên khắp mảnh đất Hồng Giang, đâu đâu cũng là những đồi núi cây cỏ um tùm nhưng riêng có một đồi Lim thì mọc riêng.

Khu đất ấy hình tròn, cả khu ấy chỉ trồng lim, thân cây to phải vài người ôm mới xuể. Lim ấy không ai rõ là tự nhiên hay có ai chủ ý trồng mà tách biệt. Tôi không thấy ai kể lại sự tích đồi Lim ra đời như thế nào cả, chỉ biết nó ở đó lâu rồi. Vùng đất này cũng là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhưng riêng đồi lim ấy thì ai vào đến nơi đều cảm thấy rất dễ chịu và thư thái.

Thế nhưng sau này, đồi lim bị tàn phá, đến thời bố mẹ tôi chỉ còn trơ lại những gốc cây bị mục và đến bây giờ thì biến mất hẳn, nhường chỗ cho những gốc vải của người dân làm kinh tế”.

Nơi tìm thấy tượng đồng đen
Nơi tìm thấy tượng đồng đen

Theo lời ông Minh chỉ, đồi Lim xưa kia nay đã được thay thế hoàn toàn và vết tích còn lại chỉ là mô đất nhô ra phía đập Đá Mài do người dân đến định cư, khai hoang. Chính mảnh đất này trước khi khai hoang, không ít lời đồn rằng có người đã nhặt được những cục vàng nhỏ.

Ông Minh kể: “Lời đồn đại ấy có từ khi tôi còn bé, ấy là một người ở làng Trong khi đi chơi vào đồi Lim lúc ngồi xuống nghỉ chân đã vô tình nhìn thấy một cục đất ánh ra màu vàng. Cẩn thận xoa hết lớp đất phủ bên ngoài, người ấy đã trầm trồ khi biết đó là một cục vàng.

Tuy nó không lớn nhưng khiến người làng đổ xô đến đó tìm kiếm nhưng chẳng có ai có cơ may được như thế. Còn bản thân rất nhiều người bảo có chuyện đó nhưng lại chưa hề nhìn thấy cục vàng như thế nào. Phần nhiều là kể lại”.

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Minh lại quả quyết một điều kỳ lạ, nặng thiên hướng tâm linh. Ông quả quyết: “Khu đất cạnh đập Đá Mài là một khu đất dữ. Tôi biết nhiều hộ dân ở đấy hay gặp những tai nạn bất ngờ như cháy nhà, dịch bệnh… Có người ác ý bảo tại một số người mới đến không biết nên định cư trên phần đất có người âm. Người thì bảo khu đó có nhiều điều bí ẩn về của cải nên bị yếm khí mới gây ra những chuyện như vậy”.

Một điều trùng hợp xảy ra đối với hầu hết những người trong “danh sách” có được “của trời ban” tại thôn Chính, xã Hồng Giang đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khó khăn đến nỗi có trường hợp cái ăn chạy vạy từng bữa, nhà quanh năm dột nát bỗng chốc được ấm no, đủ ăn đủ mặc.

Vô tình nhặt được vật quý

Người đầu tiên chúng tôi tìm đến trong danh sách là gia đình anh Đào Văn Duyên (51 tuổi, cũng ở làng Chính). Nhà anh Duyên ở cách phía đập Đá Mài cũng không xa. Chỉ khoảng vài phút đi bộ nên nếu tính phần đất như ông Minh nói là “dữ” thì gia đình anh Duyên nằm trọn trong đó.

Câu chuyện về những vật quý tìm được bắt đầu từ thời bố anh Duyên là ông Thành. Nghe nói, mỗi khi có sự lạ hay tìm được một vật quý, ông Thành thường cất giữ rất cẩn thận và đem đi hỏi tường tận mới thôi.

Trong khu vườn vải thiều tới vài trăm gốc, vợ anh Duyên chỉ cho chúng tôi một lò luyện gốm ngày xưa vẫn còn tồn tại. Theo lời bố chồng kể lại cho chị thì lò luyện gốm này phải có tuổi ít nhất vài trăm năm. Do mưa gió và nhiều lần gia đình chị san vườn, lò gốm này đã nằm sâu trong lòng đất. 

Thế nhưng, năm ngoái, trong một lần dọn vườn, chị nhặt được một chiếc ấm pha trà có hoa văn rất đẹp và tinh tế. Anh Duyên kể lại: “Vợ tôi nhặt được đưa cho tôi xem thì quả thực là một vật rất đẹp. Tôi chưa từng thấy chiếc ấm nào tinh xảo đến như vậy, dù đã qua thời gian nhưng khi đánh rửa lại thì rất sáng và sờ vào ấm thấy rất mịn. Tuyệt nhiên chiếc ấm không hề có bất cứ một vết xước nào. Đó chắc chắn phải là vật trong một gia đình quyền quý và giàu sang mới có được chứ gia đình bình thường chắc không bao giờ có đâu!”.

Điều đáng tiếc khi gia đình anh Duyên xây cất nhà mới, trong lúc thu dọn đã làm thất lạc chiếc ấm quý đó. Do chưa có điều kiện để chụp lại hình ảnh nên không ai rõ chiếc ấm đó có niên đại như thế nào. Cùng thất lạc trong đợt dọn nhà, anh Duyên tiếc nhất là một vật gia truyền mà cha anh để lại đã bị kẻ gian trộm mất.

Theo lời anh kể, khi gia đình vun gốc vải cổ năm 1996 (có tuổi thọ gần 60 năm, là một trong những gốc vải lâu đời nhất ở đất Lục Ngạn) thì bố anh phát hiện có một vật gì đó như chiếc gai bưởi nhô khỏi mặt đất. Do sơ ý, ông bị cắm vào chân nên vội vàng tìm cách kéo chân mình ra khỏi chiếc gai. Định hình nhìn kỹ, ông thấy đó như là một thanh kim loại màu đen.

Dùng dao và cuốc đào sâu xuống khoảng 20cm, ông Thành đã thẫn thờ trước một pho tượng nhỏ. Pho tượng hình một người đàn ông cưỡi một con hạc, tay người này cầm một chiếc kiếm (kiếm này đâm vào chân ông Thành). Cả pho tượng chỉ cao chưa đầy 10cm nhưng sáng bóng và rất đẹp. Ông Thành đã đem vào nhà và lau chùi sạch sẽ thì thấy người khỏe mạnh như chưa hề làm vườn.

Càng ngắm pho tượng nhỏ lâu, ông càng thích thú nhưng băn khoăn nói với anh Duyên không hiểu vì sao pho tượng nhỏ thế mà rất nặng. Ước chừng phải đến hơn 1kg là ít. Anh Duyên lúc đó đã lấy một con dao nhỏ cạo thử lớp bề mặt bên ngoài pho tượng thì thấy ánh vàng chóe lóe lên.

Cả nhà ai nấy đều kinh ngạc liền không dám cạo nữa mà để đấy thì khoảng mười phút sau, chỗ cạo của pho tượng đen trở lại như chưa hề có vết xước. Ông Thành bấy giờ tin mình đã đào được một pho tượng bằng đồng đen rất quý hiếm.

Sau khi cha qua đời, anh Duyên giữ gìn vật này rất cẩn thận. Có một vài người đến hỏi mua nhưng nhất định anh không bán, bảo đó là vật gia truyền. Tuy nhiên, khi ai cũng nghĩ pho tượng sẽ gắn bó và ở lại nhà anh Duyên thì bất ngờ xảy ra một sự cố. Anh Duyên nhớ lại: “Năm 2003, tôi có một người hàng xóm mới chuyển đến.

Anh ta hay lân la sang nhà tôi chơi. Thế rồi, bỗng dưng có ngày tôi kiểm tra chiếc tủ kính đựng pho tượng thì nó đã không cánh mà bay. Chỉ một tuần sau khi pho tượng bị mất, gia đình hàng xóm bỗng nhiên mua rất nhiều thứ sang trọng, từ xe máy đến loa đài, ti vi. Thú thực, ngày đó ở Hồng Giang có những thứ như vậy là giàu lắm! Tôi bị mất đồ thì nghi vậy thôi chứ nào dám nói ra. Sau này gia đình anh ta cũng chuyển đi nhưng pho tượng thì mãi mãi chả bao giờ có thể tìm lại được”.

Tiền xu được tìm thấy tại gia đình ông Du Van Bẩy
Tiền xu được tìm thấy tại gia đình ông Du Van Bẩy

Tại vị trí tìm thấy pho tượng đồng đen, anh Duyên kể lại việc một người cháu của mình tên Biên đã dùng máy dò kim loại tìm thấy một bọc vải đựng một số thỏi bạc dài gần 15cm. Chỗ tìm thấy các thỏi bạc này cách chỗ pho tượng đồng đen khoảng 1m nhưng nằm ở độ sâu hơn. Các thỏi bạc được xếp ngay ngắn nằm cạnh nhau. 

Có số bạc này, Biên đã đưa cho chị gái một thỏi để đánh dây chuyền, một thỏi trả công người cho thuê máy, còn lại anh bán để lấy tiền trang trải nợ nần. Khi chúng tôi có ý định tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện này bằng cách đến nhà anh Biên nhưng anh Duyên cho hay gia đình thanh niên này đã chuyển xuống Hà Nội.

Anh Duyên tâm sự: “Người ta cứ bảo trong vườn nhà tôi còn nhiều vật quý lắm vì có thể người xưa chôn giấu ở đây nên sẵn sàng đưa các thiết bị tới hợp tác tìm kiếm nhưng tôi từ chối. Kho báu của tôi là mấy trăm gốc vải kia. Chăm sóc tốt để thu quả bằng đôi bàn tay lao động là thứ tài sản vững bền nhất chứ tôi chưa bao giờ màng tới kho báu nào cả, dù nó có thật 100% ở ngay chính chỗ tôi đang đứng”.

Tiền xu được tìm thấy nhiều vô kể

Tiếp tục lần tìm những thực hư về kho báu tại khu vực đồi lim, chúng tôi tìm đến nhà anh Hoàng Văn Mão (50 tuổi), một hộ dân sống tại khu đất “dữ” như lời ông Minh kể lại. Ở làng Chính, anh Mão nổi tiếng không chỉ bởi gia đình anh tuy nghèo khó nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả để các con mình được ăn học đàng hoàng mà còn bởi chính vợ chồng anh khi xây nhà đã đào được hai thúng tiền xu cổ.

Vừa tan buổi chợ về, anh Mão tiếp chúng tôi rất niềm nở. Khi biết ý định của phóng viên hỏi về chuyện đào được một đống tiền xu, anh tươi cười cho biết: “Ngày tôi đào được tiền xu cả một đống như vậy, dân làng đều biết cả, chuyện đó cũng không có gì là bí mật bởi trước đó, làng Chính có bác Triệu cũng đào được gần 100kg tiền xu cổ”.

Dừng lại một lát, anh Mão hồi tưởng: “Tôi xây nhà năm 1999, cũng vào tầm tháng 7 như bây giờ thì bắt đầu đổ móng. Ngoài nhờ anh em, bạn bè, tôi còn phải thuê thêm nhân công để đảm bảo tiến độ. Khi vợ chồng tôi vừa cuốc sâu xuống nền đất khoảng 60cm thì bất ngờ thấy lộ một âu sành vuông, màu nâu úp lên một bọc gì đó.

Âu này có hai cái, một cái ở dưới, một cái úp trên. Khi cẩn thận đỡ âu xành phía trên ra, ai cũng ồ lên kinh ngạc khi bên dưới là những xâu tiền xu bằng đồng được xếp ngay ngắn với nhau. Tôi không nhớ rõ cụ thể là bao nhiêu nhưng phải hàng chục xâu.

Điều đặc biệt là dây xâu tiền được làm từ một loại thân cây leo trong rừng không hề bị đứt một xâu nào. Thấy sự lạ, mỗi người có mặt hôm ấy đều xin vợ chồng tôi một vốc, người nhiều thì xin hẳn một túi to. Chả biết họ xin làm gì nhưng cuối cùng vợ chồng tôi xếp lại được hai thúng đầy đem cất vào trong nhà. Lúc ấy, đồng tiền còn có giá, không ít người hỏi mua.

Nhưng rồi, làm nhà lại có bao nhiêu thứ phải chi, chần chừ mấy lần, cuối cùng tôi bán cả hai thúng tiền xu cổ ấy. Tổng cộng là 37 cân được hơn 600.000 đồng cho một người cùng làng tên là Ba Ngọc. Số tiền ấy tôi đủ chi trả cho công thợ hôm làm móng. Sau khi bán đi rồi, tôi mới hay vợ mình giữ lại được một túi, giờ ở nhà vẫn còn giữ lại rất nhiều”. 

Cẩn thận lấy từ trong tủ kính, anh Mão đưa cho chúng tôi xem một số đồng tiền xu cổ vẫn còn sáng bóng. Anh cho hay, hầu hết những xâu tiền phía trên còn giữ lại được chữ in trên đó và còn mới. Những xâu tiền ở phía dưới thì lại hoen gỉ nhiều. Sau lần đào được cả một “đống tiền” ấy, anh Mão than phiền việc cứ dăm bữa nửa tháng lại có người về hỏi anh chuyện đào được tiền như thế nào. 

Những đoàn người lạ với sơ đồ kho báu?

Gia đình anh Mão sống ở địa phận gần đồi Lim, từ nhà anh có thể đi bộ qua đập là đến khu đất được cho có nhiều của cải đang cất giữ. Anh bảo: “Nói khu đồi Lim có kho báu không phải là chuyện tin đồn thất thiệt đâu. Nó có cơ sở cả đấy nên người ta mới bán tín bán nghi mà truyền tai nhau như vậy. Năm 1994, khi tôi bắt đầu cùng vợ con ra đây định cư, không ít lần đi đêm về hôm nghe nhiều tiếng rì rầm khó hiểu.

Tôi không biết là ma hay là người vì mình đi đến gần là âm thanh đó im bặt. Tính tôi lại hay la cà vào trong xóm khuya khuya mới về nên nhiều hôm về nhà muộn lắm. Cũng mùa hè năm 1994, tôi về nhà như mọi lần vào khoảng lúc canh bốn (1-3h sáng) thì bắt gặp một tốp người đi từ phía nhà tôi đi ra. Họ nói với nhau rất nhỏ và bằng một ngôn ngữ riêng tôi không nghe rõ.

Sợ quá nên tôi chờ họ đi qua rồi về nhà. Vài hôm sau, tôi lại đi về muộn vì có chút việc. Khi qua khu đồi Lim, tôi phát hiện có một đoàn người, đông hơn đoàn người hôm trước và đi rất nhanh. Họ không đốt đuốc, không mang theo đèn nhưng có cuốc, xẻng và cả thuổng nữa.

Thấy tôi, họ cũng không nói gì cả mà coi như không thấy, tôi hỏi theo: “Các bác đi đâu mà đêm hôm khuya thế này vậy?”, tức thì người đi cuối cùng trả lời tôi: “Chúng tôi đi bốc mộ tổ thôi”. Tức thì cả đoàn người dừng lại, người đi đầu hỏi người vừa nói với tôi bằng ngôn ngữ gì đó tôi không hiểu. Lát sau họ mới đi tiếp. Sau đó, tôi quan sát thấy họ căng dây và nhìn chăm chăm vào một tờ giấy đã nhàu nát rồi mới bắt đầu cuốc và hì hục đến gần sáng mới rút đi. Khi ra khỏi khu vực đồi Lim, họ đi nhanh y như lúc đến”. 

Chúng tôi tò mò hỏi anh Mão liệu đó có phải là việc bốc mộ như lời người khách đó nói không thì anh Mão lắc đầu: “Không phải, bốc mộ không hẳn là như vậy. Thường bốc mộ người ta hay làm lúc âm dương giao hòa (tức 0h – PV) chứ đây gần sáng mới thấy họ xong và bỏ cả hiện trường đó đi ngay chứ không lấp lại. Không chỉ tôi mà nhiều người trong xóm còn lên xem khi họ đã rời đi hẳn.

Trên nền đất cạnh một gốc vải bị xới tung lên khoảng 4m vuông, giữa khu đất có in dấu chôn của hai chiếc chum đặt cạnh nhau. Mỗi chiếc chum cách nhau khoảng 30cm. Tôi nghi đó là của cải được chôn cất từ xưa và đến nay mới có người căn cứ theo sơ đồ vẽ lại hoặc truyền lại mà đến lấy đi thôi”.

tiền xu được tìm thấy rất nhiều tại xã Hồng Giang_Lục Ngạn.
tiền xu được tìm thấy rất nhiều tại xã Hồng Giang_Lục Ngạn.

Cách đó khoảng hai km, theo lời chỉ dẫn của ông Minh, chúng tôi tìm đến cánh đồng Từ Hả để tìm lại dấu vết xưa về câu chuyện một chiếc chum khác đã được đem đi từ đây. Nằm cạnh đền Từ Hả thờ Phò mã, Tướng quân nổi tiếng nhà Lý Thân Cảnh Phúc là chín thửa ruộng có nét rất đặc biệt.

Ông Minh kể lại rằng, ngày ông còn nhỏ hay theo cha đi đánh cá tại thôn Kép thường đến đây. Nơi đây có chín mảnh ruộng cùng có một gốc, nghĩa là từ một mô đất nổi lên, chín thửa ruộng này tỏa ra xung quanh như hình một chiếc quạt. Điều đáng nói ở chỗ, ông Minh bảo vào một đêm trăng sáng, không ai rõ một đoàn người ở đâu tìm về đây bảo đi tìm mộ tổ.

Họ đến cánh đồng Từ Hả nói chuyện một hồi rồi ngắm nghía và bắt đầu đào bới. Đến gần sáng, một chiếc chum, bên trong có gì chẳng rõ đã được đem đi ngay chính giữa mô đất nổi lên rất đặc biệt đó. Dấu vết của chiếc chum còn in trên tường đất chỗ nó được lấy ra nên ai cũng biết chuyện đó cả.

Duy chỉ có điều, ai cũng nghi chiếc chum này có cùng kích cỡ với hai chiếc chum ở đồi Lim bởi đường kính của chôn chum gần như nhau.

Những câu chuyện về những đoàn người lạ tìm về xã Hồng Giang đào và tìm kiếm những chiếc chum cổ không ai rõ họ từ đâu, đến như thế nào và họ đi ra sao. Tất cả đều diễn ra rất nhanh chóng nên càng làm rộ lên chuyện kho báu được chôn cất tại đây từ lâu lắm rồi.

Ông Minh bảo, dân làng cho rằng đó có thể là người Hoa (Trung Quốc). Hơn nữa, cách họ ăn mặc, ngôn ngữ, cử chỉ phần nhiều giống như những thương nhân về Lục Ngạn mua bán vải thiều.

Chúng tôi được gặp bác Nguyễn Thế T. (56 tuổi, người làng Bình Nội, xã Trù Hựu) (xin được giấu tên theo yêu cầu của người kể) kể lại: “Ngày tôi còn bé hay chăn trâu cùng chúng bạn đã hai lần gặp một nhóm người ăn vận lịch sự dẫn theo một vài người nữa hỏi về địa danh Gốc Gạo Gù ở địa phương tôi.

Tôi không chỉ cho họ được vì chả biết nó chỗ nào dù nghe cái tên rất đỗi quen. Quen bởi ngày còn nhỏ, tôi có nghe cụ cố kể lại rằng, ở làng Bình Nội xưa kia có một cây gạo mọc không thẳng mà cong queo trông không khác một người gù nên mọi người gọi là cây Gạo Gù.

Cạnh đó có một cái áo nhỏ, dân làng vẫn hay gọi đó là Ao Cây Gạo. Khi đoàn người lạ đó hỏi tôi về Gốc Gạo Gù, tôi mới nhớ và kể lại như vậy chứ nào biết nó ở đâu”.

Theo lời ông T, tận mắt ông nhìn thấy sơ đồ mà mấy người lạ mặt đem ra để nhìn và trao đổi. Trong sơ đồ đó, có một chữ X khoanh tròn bằng mực đỏ ở gần góc trên tấm bản đồ. Dấu X này nằm dưới một gốc cây có hình cong, được chú thích bằng chữ Hán.

Hỏi về địa danh Gốc Gạo Gù, chắc chắn đó là hình cây cong trong bản đồ và dưới gốc cây này có chôn một vật gì đó mà đoàn người đang tìm kiếm. Sau sự kiện đó, ở làng Bình Nội cũng đổ xô đi tìm địa danh trên nhưng ngay cả những người hăng hái nhất cũng nhanh chóng nản chí vì “khó hơn lên trời” khi không biết đích xác địa danh đó ở đâu. Bẵng đi đã được vài chục năm, dần mọi người ít còn ai nhắc lại chuyện kho báu được chôn dưới gốc cây gạo năm nào nữa.

Đọc thêm