Khi “bồ dao găm” vô cảm
Theo từ điển Tiếng Việt do GS. Hoàng Phê làm chủ biên thì chửi hay phán xét là hành động “thốt ra những lời xúc phạm cay độc để làm nhục cho hả giận”. Người chửi hay phán xét có thể là xì xầm sau lưng, chửi vu vơ trên mạng, thậm chí là khó chịu cũng chửi suông trước mặt…
Khi chữ “nhẫn” trở nên bất lực, người bị chửi cảm thấy bản thân bị xúc phạm nặng nề, không thể chịu đựng được nữa thì tiến đến giai đoạn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Hai bên xô xát nhau: Đàn ông thì dùng sức mạnh cơ bắp để đánh cho máu chảy đầu rơi; đàn bà thì túm tóc, lột quần xé áo. Cho đến khi có người can ngăn hoặc xảy ra thương vong nặng nề mới ngừng hẳn…
Thực tế hiện nay, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng lạm dụng phán xét tới mức “chửi” vu vơ: Chửi mọi lúc, mọi nơi, chửi chỉ để thể hiện ta đây là ngầu lòi, chửi cho sướng miệng mặc dù người kia không làm gì mình.
Nguyên nhân một phần là do thời đại đã thay đổi. Lối sống nhanh, sống gấp theo kiểu mì ăn liền cũng khiến cho tiếng chửi cũng “mì ăn liền hóa”. “Mồm thì lúc nào cũng tỏ ra hiểu biết, thật tiếc cho cái mặt xinh nhưng trí thông minh lại không có, nhân cách méo mó mà thích làm chó trước mặt người ta”.
“Băng vệ sinh đổ nước còn thấm, cớ sao cái loại mày nói mãi mà không chịu ngấm?”; “Cái lưỡi mày không xương nhưng sức sát thương thì hơi bị lớn đó”; “Tiền rách nếu dán đúng cách thì vẫn còn giá trị. Nhân cách thối tha dù xịt nước hoa thì vẫn nặng mùi” (Thích Rượu Mận)…
Một nam ca sĩ trẻ vì bị chê bai về hình thức, phải đi phẫu thuật lại hoàn toàn khuôn mặt. Sau khi trở lại với hình ảnh chuẩn kiểu diễn viên Hàn Quốc, cậu vẫn bị nhục mạ vì “mặt đơ”, “mồm không khép lại được”…
Một cô hoa hậu bị đem ra so sánh với cá dọn bể. Một cô khác mới đăng quang thì lại bị dè bỉu, xúc phạm thậm tệ vì màu da của mình. Chưa bao giờ sự nhẫn tâm của con người lại được công khai thể hiện ra nhiều như hiện nay.
Phía sau những ồn ào trong dư luận hay mạng xã hội, theo TS Đặng Hoàng Giang, dường như con người được thỏa mãn sự nhục mạ, coi thường người khác mà không ai biết. Chẳng hạn khi chiến sỹ giao thông bị một thanh niên tông thẳng khi đang làm nhiệm vụ, là những bình luận hả hê, ác ý…
Ngay cả với những thương vong tức tưởi bởi tai nạn giao thông họ cũng buông lời “Ngu thì chết chứ tội tình gì”… Với nhiều người, họ bất chấp cả lòng trắc ẩn, không che giấu được bản thân bởi những cay nghiệt, xúc phạm ấy.
Đành rằng, người ta có thể lên án thực trạng xã hội, lên án hành vi xấu xí, bày tỏ quan điểm và có hiệu ứng tốt cho xã hội. Thế nhưng nếu là xúc phạm hay gây tổn thương cho người bị bình phẩm, “ném đá” thì lại vô cùng xấu xí trong xã hội văn minh. Trong khi họ có thể bình luận và thóa mạ về hình thức của bất kỳ ai, nếu họ thấy không vừa mắt.
Có thể nói, ranh giới giữa tự do biểu đạt và sự lộng ngôn rất đỗi mong manh. Một lời phán xét cảm tính, thiếu khách quan và không dựa trên sự thiện lương, sẽ luôn là miếng mồi ngon cho tâm lý đám đông “tát nước theo mưa”. Trong khi, đối với những thất bại của người khác cũng vậy, bạn có thể rút được kinh nghiệm cho bản thân với sự cảm thông và lòng trắc ẩn.
Đừng nên phán xét, soi mói, chửi bới người khác. (Ảnh minh họa) |
Và bạn sẽ mất niềm tin vào người khác, bởi chính bạn cũng không thể bao dung. Tuy vậy, phần lớn họ luôn cho rằng, mình ở “chiếu trên” để rao giảng đạo đức cho người khác. Họ không ý thức được, những lời nói, lời nhận xét độc địa luôn là “một bồ dao găm”…
Không đặt mình vào người khác
Có một nghịch lý, ngày nay, từ người trẻ đến người lớn tuổi, đều thường nói về Phật pháp, chùa chiền, nhân quả. Thế nhưng, những giá trị tâm linh, tín ngưỡng đề cao đạo đức lại dần bị quên lãng và lệch lạc, khó làm dịu bớt ngọn lửa đố kỵ của con người. Thay vì tin rằng cái gì là của mình thì sẽ là của mình, những gì không là của mình thì dù bất chấp cũng không có được.
Người ta lại tin rằng mình có thể có được mọi thứ của người khác bằng mọi giá, bởi tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”. Người xưa tin vào số phận, vào nghiệp đức, nên ai hạnh phúc hơn người được xem là vì kiếp trước họ đã ăn ở tốt. Người ta từ đó sẽ giảm bớt sự đố kỵ, ghen ghét mà khuyên răn nhau làm việc tốt để được phúc báo.
Các tín ngưỡng cổ xưa đều hướng con người ta đến cái thiện, mà một biểu hiện của thiện chính là biết đặt mình vào vị trí người khác, nghĩ cho người khác. Thế nên, trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy đã viết: Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng, khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét, đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồi Loan, tính tôn ti trật tự dòng tộc đã dẫn tới mặt trái: tính gia trưởng, trọng nam khinh nữ, đặc biệt là tâm lý địa phương, cục bộ. Ngày nay văn hóa làng xã không chỉ ở nông thôn mà còn ảnh hưởng tới đời sống đô thị, khiến đời sống đô thị Việt Nam phảng phất những nét phong cách của nông thôn.
Nhiều người cho rằng, có lẽ chưa khi nào cái ác hiển lộ mạnh mẽ đến thế. Bên cạnh những sự ác độc hồn nhiên bởi phông văn hóa, ý thức thì có những sự ác độc tinh vi khởi sinh từ mặc cảm thua kém, tự ti. Những cơn “mưa đá”, những chiến dịch bóc mẽ, dìm hàng trên mạng xã hội là minh chứng sinh động.
Trong gia đình, không hiếm ông bố ngược đãi con cái chỉ vì mặc cảm thua kém trước bà vợ quá giỏi giang, mọi ấm ức không thể đối thoại với người kia được trút hết vào đứa trẻ. Không hiếm các cặp vợ chồng đã cạn tình với nhau nhưng quyết không ly hôn chỉ vì không muốn kẻ kia tìm được hạnh phúc mới trước mình.
Ngoài xã hội, không hiếm người nghiện cảm giác thỏa mãn khi phô bày sự may mắn trước người bất hạnh. Nhiều người làm từ thiện chỉ để phô trương, giải toả mặc cảm nghèo đói trong quá khứ. Và vì những ẩn ức của mình, mặc cảm tự ti khiến con người tự giam mình trong hoài nghi, mất đi khả năng thụ hưởng điều đẹp đẽ và khả năng hân hoan, xúc động trước sự tử tế, trước cái đẹp.
Nhà văn Tạ Duy Anh tổng kết rằng, thói tự mãn, nói dối và đố kỵ là ba thứ khiến nhiều người Việt không thể lớn. Sở dĩ, người Việt đố kỵ vì cộng đồng không có tiêu chí về đạo đức, tài năng. Đó là một cộng đồng trọng tuổi “sống lâu lên lão làng” hơn là trọng tài, thích được ve vuốt hơn là nói thật. Có câu “chết cả đống còn hơn sống một mình” là vì thế.
Học giả Trần Trọng Kim trong cuốn “Việt Nam sử lược” đã viết: “Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở.
Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi qủy quyệt và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.
Theo Nhà phê bình Văn học Vương Trí Nhàn thì nhiều người Việt mang mặc cảm tự ti từ đó sinh ra tâm lý tự huyễn hoặc “không có cái phần hơn hẳn thiên hạ nhưng mình lại có cái khác”. Tâm lý và cách tư duy của người Việt mang tính tiểu nông.
Người Việt còn tùy tiện, thiếu khả năng hợp tác, ít có khả năng đặt mình vào vị trí người khác, kiêu ngạo, thấy mình là trung tâm. Người Việt nặng về bản năng và tự phát, ít lý trí, suy nghĩ, tầm nhìn của người Việt rất ngắn hạn, chỉ biết trước mắt, hiện tại. Người Việt nặng óc hư danh, tâm lý mang nhiều ảo tưởng, chỉ thích được người khác khen. Ngay cả khi người khác chê mình hợp lý, người Việt cũng thấy khó nghe...
Trong khi đó, nói như nhà văn hóa M. Twain (Mỹ) thì: “Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen”. Câu nói đó có ý nghĩa tích cực là con người hãy luôn làm cho ánh hào quang của vầng trăng thêm rực rỡ và xóa dần màu xám xịt của đám mây đen. Cũng như, có không ít người ngộ ra rằng: Khi đã thực sự trưởng thành, tôi đã ngưng phán xét người khác. Bởi trong nhịp sống hiện đại, giữa những mong manh được mất, ai cũng có “lý do” của họ…