Ngày nay, mạng xã hội đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội để nói lên tiếng nói của mình. Thế nhưng, lại có nhiều người vô tình tạo “khẩu nghiệp” vì lời nói trên mạng xã hội tuy là ảo nhưng tổn thương là có thật…
Những trái tim tan nát vì... bàn phím
Trong lúc chờ người thân làm vài thủ tục xét nghiệm, tôi gặp một người đàn bà dáng khắc khổ, gầy gò đang cố dìu đứa con gái độ 14, 15 tuổi bước ra từ phòng bác sĩ. Cô bé có mái tóc ngắn và khuôn mặt vô hồn, bước đi chệch choạng như người say khiến tim tôi tự dưng nhói lại. Tôi hỏi chuyện, chị kể, con bé là con gái thứ 2 trong nhà, đang học dở lớp 7, ngoan và học giỏi lắm.
Đang tuổi cập kê nên có thích một bạn cùng lớp, rồi cũng thư từ, nhắn tin qua lại. Cuộc sống nhà nông bận rộn, chị không để ý nhiều cho đến một hôm chị phát hiện con bé đang cố uống thuốc ngủ tự tử, may mà cấp cứu kịp thời nhưng cũng là lúc con bé thành người lúc tỉnh, lúc mê. Cực chẳng đã, chị thu xếp công việc rồi đưa con lên viện trên Hà Nội, điều trị cả tháng rồi nhưng tình hình vẫn chưa khả quan.
Tôi gặng hỏi lý do, chị cũng ái ngại chia sẻ rằng con bé bị sốc khi những tin nhắn tình cảm của nó bị đưa lên nhóm facebook của trường, lại càng tổn thương hơn khi đọc những lời chửi bới, mỉa mai của các bạn trên đó.
Ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa đến, cô bé chỉ còn cách tự tước đi sinh mạng của mình để giải thoát, để lại cho những người làm cha, làm mẹ sự đau đớn. Họ bất lực khi nhìn đứa con mình sinh ra lành lặn, chăm bẵm bao ngày bỗng thành người ngẩn ngơ, tương lai mờ mịt.
Câu chuyện của con gái chị thật đau lòng nhưng không hiếm trong xã hội nhất là ở giới trẻ, những người có đủ sự trang bị và hiểu biết về công nghệ nhưng lại chưa đủ vững vàng đương đầu với miệng lưỡi thiên hạ. Chuyện chẳng đâu xa lạ khi bản thân tôi cũng từng là một nạn nhân của mạng xã hội.
Dù tôi có vắt óc suy nghĩ cũng không thể tìm ra lý do vì sao họ lại đem mình lên mạng với những câu chuyện vô lý như vậy, nhưng không đau đớn, tủi hổ bằng việc đọc những comment nói mình là “loại ăn cháo đá bát”, “loại không có não”, “vô ơn thế rồi sẽ chịu quả báo”… của những người không quen biết, nhưng lại dễ dàng quy chụp, lăng mạ mình như vậy.
Thật buồn khi một số người chửi bới, công kích thậm tệ chỉ vì hưởng ứng theo phong trào, chửi vì thích, chửi cho sướng miệng chứ chẳng hề quen biết, cũng chẳng quan tâm nội tình sự việc.
Hàng ngày trên facebook, zalo, hội nhóm vẫn có những câu chuyện “bóc phốt” được kể, ngày càng nhiều lên những trường hợp tìm cách tự tử, giết người, trầm cảm, bế tắc, tuyệt vọng khi đột nhiên bị công kích trên mạng xã hội. Và những kẻ “anh hùng bàn phím” vẫn không hề biết rằng, lời nói của mình đã tạo nên khẩu nghiệp, một trong loại nghiệp báo nặng nhất của đời người.
Ngưng… khẩu nghiệp
Có một câu chuyện ngụ ngôn, đại ý rằng có một người thợ săn nhặt được một con gấu nhỏ và đem về nuôi. Một ngày nọ, con gấu ăn trộm đồ của nhà hàng xóm, người thợ săn biết chuyện đã rất tức giận, đánh chú gấu và chửi mắng “súc sinh rốt cuộc vẫn là súc sinh” và đuổi nó đi. Một lần, anh ta vào rừng và gặp con hổ dữ, tình thế ngàn cân treo sợi tóc không còn cách thoát thân. Anh ta nghĩ mình sẽ chết.
Con gấu đột nhiên xuất hiện, nó đánh nhau với hổ và cứu mạng anh. Gặp lại gấu, anh ta vui mừng lắm tiến đến vuốt ve con gấu, rồi nói: “Thật tốt quá, lần trước ta đánh mày có còn đau không? Theo ta trở về nhé!” nhưng con gấu nói: “Tôi đã sớm không còn đau nữa, nhưng lời người nói vẫn còn khiến tôi đau, hơn nữa rất đau, rất đau”.
Anh ta luôn lấy làm thắc mắc vì gấu không nhớ những ngày tháng anh ta nuôi nấng gấu như nào mà lại đau lòng vì mấy câu nói đơn giản ấy. Có một vị tăng nhân biết chuyện, liền nói anh ta đóng mấy cây đinh vào thân cây rồi lại lấy đinh ra. Vị tăng nhân tiến đến dấu đinh còn lưu lại trên thân cây và nói: “Đinh đã gỡ rồi, nhưng có thể làm được gì chứ? Trên thân cây không phải còn lưu lại vết thương thật sâu hay sao? Nói lời tổn thương người khác, giống như cây đinh này vậy, dù anh có thể thu hồi lại, nhưng tổn thương đã gây ra như vết sẹo trên thân cây, vĩnh viễn không thể xóa nhòa”.
Người thợ săn đã hiểu những lời nói nóng giận nhất thời của mình đã gây hậu quả thật nghiêm trọng, dù rất ân hận nhưng mọi sự đã quá muộn, gấu đã mang trong lòng vết thương không thể nào bù đắp. Anh ta đã khiến chú gấu tổn thương, nảy sinh sự thù hận và chính anh ta lại là người hứng chịu khi mang về cho mình sự ân hận, nuối tiếc.
Trong Phật giáo, khẩu nghiệp là một loại nghiệp chướng được phát sinh từ lời nói thốt ra, gồm có 4 loại là nói dối, nói hai lời, nói lời thô tục, nói lời khiêu khích… Và là một trong những nghiệp nặng nhất vì nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến sự đổ vỡ, sự đau khổ tột cùng, dẫn tới mọi sự phiền não…
Một lời nói tuy vô tình cũng có thể làm mình, người khác đau khổ, tổn thương cả cuộc đời. Việc đưa ra những nhận xét vô tình, thậm chí là ác ý trên mạng xã hội tuy không nói ra bằng miệng nhưng nó xuất phát từ những suy nghĩ tùy tiện, thích phán xét, vô tâm cộng với công cụ là chữ viết, bàn phím, mạng xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến một hoặc thậm chí nhiều người theo hướng tiêu cực thì đó cũng chính là khẩu nghiệp.
Chúng ta tự ý thức được, luật nhân quả, thường bảo nhau sống tốt thì gặp nhiều chuyện may mắn, làm việc thiện để tăng dày phước đức nhưng nhiều người chưa biết rằng những hành động đơn giản chỉ là một cái click chuột, nhấn một nút like, một nút share hay comment của mình trên mạng xã hội cũng đã góp phần tạo nên khẩu nghiệp.
Mọi sự khởi phát từ tâm, người chỉ quen nói lời ác độc, nói cho sướng miệng, thích chửi bới và nhục mạ người khác là người ít nhiều có tâm ác. Tâm ác thì khẩu ác, nói ác rồi sẽ làm ác nên quả báo sẽ không xa. Phật giáo gọi điều này là nghiệp, mà đã là nghiệp thì nó sẽ chi phối đối với đời sống của tự thân người đó. Vì thế, một lời ác khẩu, ác ngữ đều có thể đưa đến hậu quả khó lường.
Phàm là con người, ai cũng muốn được nghe những lời hay ý đẹp, bản thân chúng ta cũng vậy, hà cớ gì lại đi chửi bới, lăng mạ, nói những lời không hay cho người khác đau lòng? Các cụ xa xưa cũng đã đúc kết kinh nghiệm “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” hay “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, trước khi đặt tay xuống bàn phím gõ những lời xấu xí, chúng ta nên tự hỏi “liệu mình nói vậy có khiến mình thoải mái, hạnh phúc hơn không?
Người nghe có cảm thấy muốn nghe hay không?” nếu câu trả lời là không thì hãy ngưng lại, tránh gây thêm vết thương lòng cho người khác. Bên cạnh đó, chúng ra cũng tập cho mình suy nghĩ hạnh phúc, tập nói những câu nhẹ nhàng, dễ nghe, khiến người khác được tiếp thêm sức mạnh.
Thay vì like, share, comment những thông tin tiêu cực thì hãy hướng đến những thông tin tích cực, lan tỏa tình yêu thương là một cách để giảm bớt nghiệp quả, tăng phước đức đơn giản nhất mà nhiều người có thể làm được.
Phật giáo hay nhiều giáo lý khác đều dạy con người phải đi tìm trí tuệ và hãy có lòng từ bi để tiếp tục vận động cho một cuộc sống tích cực. Nhân quả là thứ luôn hiện hữu trong cuộc sống của con người thông qua hành vi và các mối quan hệ của cá nhân.
Việc xây dựng cho mình một lối sống tốt, hòa hợp từ tâm hồn, lời nói và hành động sẽ làm cho nhân cách phẩm hạnh ngày càng sáng ngời, tạo ra năng lượng ảnh hưởng tích cực tới nhiều người. Nếu mỗi người góp phần xây dựng từ những ý niệm tốt đẹp, thì dù là đời sống thực hay bàn phím ảo, ở đâu cũng sẽ luôn là nơi chứa đựng và lan tỏa yêu thương, giúp con người sống hạnh phúc và an vui.