Những băng đảng một thời khét tiếng Hà Thành – Kỳ 6: Độc chiêu đòi nợ kiểu "rung cây dọa khỉ"

(PLVN) - Kì trước đã kể, năm 1995, Nghĩa “đại” (tức Nguyễn Trung Nghĩa, SN 1972, ngụ Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) là du đãng khu vực Ô Cầu Dền, đã nhận vụ đòi nợ ở Cầu Diễn. Giang hồ đánh giá, Nghĩa "đại" đòi được nợ gần như không tưởng, trăm vụ đều hiệu quả...

Chuyện là cặp đôi Hương và Tuấn cùng xuất khẩu lao động ở Đức. Tin tưởng người yêu, khi Tuấn về nước trước, Hương giao cho Tuấn cả tiền và hàng giá trị khoảng 500.000 Mark (tương đương khoảng 3 tỷ đồng). Ai ngờ Tuấn phản bội, lấy vợ sinh con, rồi khi người cũ trở về, Tuấn phủ nhận tất cả. Quá đau khổ, Hương đành nhờ cậy tới Nghĩa “đại”.

Vác mìn đi đòi nợ

Những kẻ trong nghề đều biết đòi nợ không giấy nợ khó đến thế nào. Nhưng sau khi tìm hiểu cặn kẽ về Tuấn, Nghĩa “đại” cũng tìm ra phương án cho mình. Và chắc là phải rất tự tin, gã mới mạnh miệng mặc cả sẽ đòi được hơn cả mức chủ nợ yêu cầu. Thời điểm ấy, Tuấn đang “phất”. Anh ta có 3 cửa hàng, vài căn nhà đều ở những vị trí đắc địa trong nội đô.

Riêng gia đình Tuấn thì sống trong biệt thự cả 200m2 tại Cầu Diễn, tức là anh ta dư sức đáp ứng yêu cầu của người cũ, có điều, máu tham đã khiến con người “cạn tàu ráo máng” với nhau. Sau khi nắm khá rõ về con nợ, Nghĩa mới hẹn gặp Tuấn. Người này có tiền, biết làm ăn, lại đã từng lăn lộn kiếm sống xứ người, không phải dạng dễ bị dọa dẫm.

Biết thế, Nghĩa chọn “tiên lễ”, xưng là em họ Hương, gã nhẹ nhàng nhắc chị mình đã hy sinh tuổi xuân thế nào, đã tin tưởng giao phó cho Tuấn cả tình và tiền ra làm sao, giờ bị phụ bạc, chấp nhận đổ cho duyên số đi nhưng không lẽ lại thành tay trắng? Nghe Nghĩa “thao thao bất tuyệt”, nhìn những hình xăm vằn vện, Tuấn thừa hiểu kẻ đối diện là ai. Tỏ ra “rắn mặt”, Tuấn vẫn phủ nhận, cho rằng không hề có chung chạ gì với Hương về tiền nong.

Nói xong, anh ta xô ghế đứng dậy, muốn bỏ đi. Nghĩa không hề giận dữ, vẫn cười nhạt, bảo: “Hôm nay nhắc đến tình xưa nghĩa cũ, chỉ mong anh thương cảm phần nào cho chị tôi mà suy nghĩ thật kỹ về yêu cầu của chị ấy. Tốt nhất, anh đừng nói gì vội, chỉ suy nghĩ thôi. Vì tôi còn gặp anh nhiều lần nữa”. Nói vậy thôi, Nghĩa đoán chắc con nợ sẽ tránh mặt mình. Quả nhiên, vài lần hẹn Tuấn đều không đến.

Dự đoán được, Nghĩa vẫn bình thản như không. Tầm một tuần sau cuộc gặp đầu, khi Tuấn đến một trong những cửa hàng xem xét việc làm ăn, Nghĩa bất thần xuất hiện. Gã nhăn nhở cười: “Anh trốn đi đâu được. Anh có bao nhiêu cửa hàng, mấy cái nhà, tôi biết hết. Cả đống của ấy, có phần không nhỏ của chị tôi, phải không?”. Bị “điểm huyệt”, Tuấn bực tức to tiếng, xua đuổi vị khách không mời. Nghĩa vẫn điềm nhiên, nhưng giọng gã thì lạnh băng: “Mấy ngày anh dò hỏi, chắc cũng biết tôi là ai rồi. Đúng tôi đòi nợ giúp chị Hương.

(Hình minh họa).  

Nếu anh cứ cạn tình thế này, chị tôi đau lòng quá, không cần tiền nữa mà cần cái mạng anh, thì anh tính sao? Loại người như anh, tôi sẵn sàng làm miễn phí cho chị ấy luôn”. Buông xong câu “độc”, Nghĩa quay lưng bỏ đi. Chiêu đó quả nhiên hiệu nghiệm, vài ngày sau, qua một kênh giang hồ, con nợ bắn tin muốn gặp Nghĩa tại nhà riêng ở Cầu Diễn. Dấu hiệu con nợ lùi một bước, nhưng gặp tại nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, con nợ giống như muốn “thử” Nghĩa “đại’ vậy. Cân nhắc suy tính cặn kẽ, Nghĩa quyết “dàn quân” chơi trận cuối.

Đó là dịp gần tết năm 1995, Nghĩa cùng một đàn em đến theo hẹn. Trong nhà, ngoài con nợ còn có vài gã cũng xăm rổng trổ phượng, mặt mũi gằm ghè. Ý định dằn mặt đã lộ rõ, Tuấn ngồi khệnh khạng nói chuyện, tỏ thái độ “cửa trên”. Ý của Tuấn vẫn vậy, không nhận nợ nần gì cả, tuy nhiên nể mặt Nghĩa đã mất công, cho riêng gã một số tiền gọi là chi phí đi lại.

Nghe thế, Nghĩa trả lời giọng lạnh tanh: “Ý ấy cũng hay. Bọn tôi dạo này cũng khó khăn lắm. Như thằng em tôi đây, giờ phải kiếm ăn bằng nghề đánh cá. Mà anh biết nó đánh cá bằng gì không?”. Thấy câu chuyện chả ăn nhập gì, cả bọn Tuấn ớ ra, không hiểu. Bấy giờ, đàn em Nghĩa buông gọn lỏn: “Đánh cá bằng mìn”, rồi thao thao về cách chế tạo một khối thuốc nổ.

Đàn em nói xong, không để con nợ kịp phản ứng Nghĩa tiếp luôn: “Đấy, chế tạo dễ lắm. Mày cho anh ấy xem sức công phá đi”. Hiểu ý, đàn em Nghĩa đứng dậy đi ra ngoài mất hút. Chỉ vài phút sau, ở khu đất trống cách nhà con nợ vài trăm mét có tiếng nổ khá lớn, ánh đỏ rực lên. Con nợ tái mặt. Ngay lập tức, Nghĩa bật dậy rũ bỏ vẻ nhẹ nhàng giả tạo, trở về đúng giọng dân du đãng: “Tuấn à, mày vợ đẹp con khôn, lắm tiền nhiều của. Mày sung sướng còn chị tao tiền hết tình tan. Đàn em tao đặt thuốc nổ quanh nhà rồi. Mày có sẵn sàng chơi sát ván với tao không?”.

Vừa chứng kiến uy lực của quả mìn, biết Nghĩa không nói chơi, con nợ run cầm cập. Suy cho cùng, Tuấn chỉ là người làm ăn, có nhiều thứ để mất, đâu thể đấu tay đôi cùng Nghĩa. 

Tàn đời vì dọa người bằng súng giả

Vụ điều đình diễn ra ngay sau đó. Nghĩa bảo, Hương tính toán số tiền chung khoảng 500 ngàn Mark, giờ đã sinh sôi nảy nở, để công bằng, Tuấn phải trả 300 ngàn Mark. Mặc cả qua lại, Tuấn chấp nhận trả 250 ngàn Mark. Vài ngày sau, hợp đồng được thanh lý. Nghĩa “đại” đã đúng, gã đòi còn hơn cả số chủ nợ yêu cầu. Nghe tin, “thế giới ngầm” ngả mũ bái phục. Gã du đãng khu Ô Cầu Dền quá cao tay, “chơi dữ” nhưng có chừng mực.

Mãi sau này, giang hồ đoán già đoán non, không biết Nghĩa có cài mìn thật hay chỉ là đòn khủng bố. Kiếm mớ tiền to, sau khi chia chác một phần cùng băng nhóm cũ, Nghĩa “đại” tách ra làm riêng. Tên tuổi gã giờ đã nổi như cồn, dư sức bảo đảm cho nhóm đàn em dưới trướng. “Thương hiệu” của gã cũng được khẳng định “đòi nợ bằng khủng bố tinh thần”, “rung cây dọa khỉ” là chính. Quan điểm của gã thể hiện rõ khi nói chuyện cùng đàn em.

 

Đầu tiên, để đòi được nợ thì chính con nợ đó, phải có khả năng chi trả. Nếu vì lý do nào đó mà con nợ đã trắng tay, thì dù có sợ đến đâu, cũng làm gì có tiền mà trả. Tiếp đến, gã thường dặn đàn em, đòi nợ quan trọng nhất đương nhiên là... tiền. Dọa dẫm, khủng bố gì cũng có giới hạn, ví như làm con nợ sợ quá bỏ trốn mất tăm mất dạng, thì ai là người trả tiền? Đây là điểm lộ rõ sự ranh ma của Nghĩa “đại”. Gã không bao giờ dồn con nợ vào đường cùng.

Tuy thế, dù khôn ngoan đến đâu, bản chất Nghĩa vẫn là côn đồ máu lạnh. Với những con nợ chây ỳ, không biết điều, Nghĩa sẵn sàng ra tay tàn bạo. Năm 1998, một vụ việc như thế đã khiến gã sa lưới luật pháp. Cay cú khi con nợ là chủ quán ăn ở phố Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng) liên tục khất lần, Nghĩa xua đàn em đến đập quán dằn mặt. Chủ nhà cùng các nhân viên chống trả quyết liệt dẫn đến xô xát lớn.

Hậu quả khiến một người nhà con nợ mất mạng. Với vai trò chủ mưu, Nghĩa trả giá 10 năm tù. Năm 2007, Nghĩa trở về xã hội. Không còn vây cánh nhưng tự tin vào “số má” trước đây, gã vẫn đứng ra nhận đòi nợ thuê. Có điều thời thế đổi thay, quãng thời gian quá dài sau song sắt đã khiến gã cùn nhụt đi nhiều.

Năm 2008, Nghĩa đòi một món nợ khá lớn ở phố Trương Định (quận Hoàng Mai). Vẫn dùng chiêu “khủng bố tinh thần”, Nghĩa mang theo một khẩu súng giả, ý định dọa dẫm là chính. Con nợ cũng là dân anh chị nhưng tất nhiên, không thể so “số má” với Nghĩa. Và có lẽ do quá sợ, khi Nghĩa phanh áo khoe cái báng súng đen ngòm, chưa biết thật giả gì, con nợ đã kêu cứu ầm lên. Người nhà con nợ ập vào, dao kéo vung túi bụi.

Thoắt cái, du đãng lại thành bị hại. Một nhát dao ác hiểm trúng vùng sống lưng, Nghĩa may mắn còn mạng nhưng thành tật với dáng đi vẹo sang một bên. Sau vụ việc, Nghĩa “đại” thành Nghĩa “vẹo”. Đó cũng là dấu chấm hết cho đời du đãng của gã. Đi đứng còn khó khăn, sức đâu mà cầm dao cầm búa. Nhìn Nghĩa “vẹo” sau này, không ai dám tin gã đã từng khét tiếng đòi nợ thuê trong “thế giới ngầm”.

Đọc thêm