Những 'bông hồng thép' Trường Sơn

(PLVN) - Người ta thường nói chiến tranh không nên mang gương mặt người phụ nữ bởi sự khốc liệt, chết chóc của nó. Nhưng ở Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện xúc động về cách những người phụ nữ bé nhỏ đã vượt qua bom đạn, vượt qua nỗi sợ hãi để trở thành những “bông hồng thép” góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của Tổ quốc. Trên dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã có rất nhiều những “bông hồng” như thế…
Những cô gái anh hùng trên dãy Trường Sơn lịch sử.
Những cô gái anh hùng trên dãy Trường Sơn lịch sử.

Ở nơi những cảm xúc luôn là tận cùng…

Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn, hôm qua (16/5), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai mạc triển lãm lớn nhất trong năm nhằm tôn vinh những “bông hồng thép” trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn. Sự độc đáo của triển lãm này đó là  những câu chuyện xúc động về cách những người phụ nữ bé nhỏ đã vượt qua bom đạn, vượt qua nỗi sợ hãi rất nữ tính làm bất cứ người xem nào cũng phải thán phục.

Nữ bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu – Đoàn 730B (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện quân y 108, phu nhân của GS. Nguyễn Lân Dũng) nhớ lại kỷ niệm ngày nhập ngũ. Tháng 10/1971 chị lập gia đình và năm 1972 khi biết mình có thai nữ bác sĩ vẫn không muốn bỏ qua cơ hội được vào chiến trường. “Tôi đã giấu đơn vị để đi. Sau 1 tháng hành quân, chúng tôi vào đến Quảng Trị. Dù đang mang thai nhưng tôi vẫn tự đào hầm, gùi gạo, chăm sóc, khám chữa cho thương bệnh binh hàng ngày” – chị kể.

Ngoài cứu chữa thương binh ngay tại chiến trường khốc liệt, nữ bác sĩ vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học để rút kinh nghiệm trong xử lý vết thương ở chiến trường và điều trị sốt rét ác tính. Vừa làm vừa nghiên cứu, chị đã bảo vệ thành công đề tài “Điều trị sốt rét ác tính và sốt rét sơ nhiễm” ngay tại chiến trường và được đơn vị đánh giá cao, đưa vào ứng dụng để cứu chữa cho bộ đội.  

Đó là chị Hoàng Thị Kim Vinh, C812, N43, Thanh niên xung phong Đoàn 599, khi con trai duy nhất mới được 2 tuổi, chồng đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam nhưng vì chứng kiến cảnh  máy bay Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, gia đình bị cháy hết mọi tài sản, chị đã làm đơn tình nguyện xin gia nhập thanh niên xung phong, phục vụ trong chiến trường với mong muốn “nước nhà không còn cảnh gia đình chia cắt và đứa con yêu của tôi không phải đi sơ tán”. 

Dũng cảm là thế, quyết tâm là để có thể đi vào nơi chiến trường đầy rẫy bom rơi đạn lạc, hàng ngày đối mặt với hiểm nguy rình rập, nhưng ở một góc nhìn khác các chị “vẫn là con gái” bởi chết không sợ, thế mà lại sợ trăm thứ linh tinh khác, sợ vắt, sợ xấu, thậm chí phát khóc lên khi thấy con trăn trườn qua trong lúc hái rau rừng….

Chị Nguyễn Thị Thu Yến – D16 Bộ Tham mưu Đoàn 559 rưng rưng kể lại câu chuyện về đồng đội của mình là chị Lương Thị Chúc khi đi thu dây thì gặp bom tọa độ bị thương cụt một chân, máu chảy nhưng vẫn tỉnh táo. Khi các anh ở phòng thông tin lao đến đưa đi cấp cứu chị còn hỏi: “Các anh ơi em bị thương thế này khi nào hòa bình thì có lấy chồng được không?”. Ngay sau đó chị đã hy sinh vì vết thương quá nặng…

Có thể nói cung đường Trường Sơn huyền thoại ngày ấy đã thực sự là thước đo của lòng quyết tâm, sự hy sinh, lòng dũng cảm. Và họ, những nữ thanh niên xung phong thời đó, cũng đã trải qua những cảm xúc đến tận cùng yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường… mà đôi khi giờ đây, có sống cả đời người cũng ít có cơ hội trải nghiệm hết .

“Huyền thoại của huyền thoại”

Kiêu hãnh Trường Sơn - tại sao cái tên này lại được chọn cho triển lãm, lý giải của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết khi bắt tay thực hiện cuộc triển lãm này, Ban Tổ chức đã rất băn khoăn về tên gọi của chương trình. Nhiều phương án được đưa ra nhưng cuối cùng đã quyết định chọn tên gọi “Kiêu hãnh Trường Sơn” như sự khẳng định và tôn vinh công lao của các nữ chiến sỹ Trường Sơn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Con đường Trường Sơn dài 20.000 km đã vận chuyển hơn 1 tấn vũ khí, đưa hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ vào chiến trường. Đây là con đường huyết mạch để chi viện cho chiến trường miền Nam nên thường xuyên chịu sự đánh phá của bom Mỹ đến nỗi có những con sông nước chuyển từ màu xanh sang màu máu đỏ sau những trận bom như ở ngầm Ta Lê trên Đường 20 Quyết thắng nối Trường Sơn Đông với Trường Sơn Tây (bắt đầu từ Phong Nha, Quảng Bình đến Khăm Muộn, Lào).

Các lực lượng trên tuyến lửa Trường Sơn bao gồm 10  lực lượng như cầu đường, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; lực lượng vận tải; quân y… Có 18.000 nữ giới đã tham gia trên tuyến đường Trường Sơn; hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân đã hy sinh và hơn 30 triệu người bị thương 

Một người phụ nữ bé nhỏ có thể gùi trên mình những thùng hàng cao hơn người và leo trên những con dốc đứng. Họ phải giữ thùng hàng đó trong nhiều tiếng đồng hồ, trải qua những chặng đường khó khăn, gian khổ mới tới nơi tập kết. Nếu không bằng ý chí và quyết tâm cao, không một ai có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Chị Nguyễn Thị Huân – Tiểu đoàn 232 Cục Hậu cần Quân khu V kể: “Năm 1969, có khẩu pháo nặng gần 100kg, cả 4 đại đội đều không dám nhận do nó cồng kềnh. Tôi đã xung phong đảm nhận, ngày đêm suy tính cách vận chuyển. Tôi lấy một tấm ván làm mặt phẳng, cột khẩu pháo vào và nhờ đồng đội khiêng lên vai. Có hai đồng đội đi theo phát quang đường rừng, làm chỗ vịn khi tôi leo dốc và khi nghỉ. 4 ngày ròng gùi pháo, tôi ăn, nghỉ ở tư thế đứng vì nếu ngồi phải tháo hàng ra sẽ rất khó để nâng lại lên vai”.

Còn nhớ khi nói về đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn, cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng thán phục: “Trên chiến trường Trường Sơn, trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại có đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn “huyền thoại của huyền thoại” có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi công tác, mọi binh chủng. Công tác, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mang trên mình khí phách Bà Trưng, Bà Triệu”.

“Những con người gang thép” là cụm từ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm Trung đội B3 Đoàn 559 đã dành tặng cho các cô gái vào tháng 3/1973. “Đại tướng đã nói: “Các cô không phải là người thường, ở nơi thế này chỉ có gang thép mới chịu được” và đặt tên cho B3 là Trung đội nữ công binh thép” – chị Dương Thị Trinh – Trung đội trưởng kể lại.

Họ là những anh hùng, cả trong chiến tranh lẫn đời thường. Khi chiến tranh đã lùi xa, họ bước ra từ cuộc chiến tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đó là PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu từ nữ bác sĩ chiến trường trở thành Phó Giám đốc Bệnh viện 108; đó là Lê Thị Phương Thảo từ nữ  Thanh niên xung phong N 25 Đoàn 559 trở thành Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia HCM; đó là chị Tạ Thị Hạnh Tiểu đội 4 Đại đội 3 Trung đoàn 573 Đoàn 559 đã dành mỗi năm 4 triệu, rồi 6 triệu để mua bảo hiểm cho người đồng đội của mình là chị Phạm Thị Báu có hoàn cảnh khó khăn (mẹ già, em trai tâm thần), chị Hạnh đã mua bảo hiểm cho đồng đội được 20 năm nay…

Một cán bộ Bảo tàng Phụ nữ đã cho biết: “Thật trân trọng những đóng góp của các cô, bởi để cho ra đời triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” là một chặng đường với nhiều sự đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi của các cán bộ bảo tàng và đồng hành cùng chúng tôi trên chặng đường ấy chính là những cựu nữ thanh niên xung phong từ việc tìm, kết nối nhân vật, hiến tặng hiện vật hay hiệu đính nội dung.

Các cô dù đã lớn tuổi nhưng vẫn mang trong mình lòng nhiệt huyết, niềm hăng say trong công việc và hơn cả là ý chí, quyết tâm làm đến cùng – ý chí của người chiến sĩ Trường Sơn. Có thể nói, cho đến tận ngày hôm nay, trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm kiêu hãnh Trường Sơn”. 

Đọc thêm