Những bức tâm thư tìm đồng đội

(PLO) - Có thể là cơ duyên, cũng có thể là may mắn, nhưng cao hơn hết, bằng tình yêu và trách nhiệm của mình, vị chiến binh già ấy đã không quản tuổi cao, sức yếu, đường xa, vượt núi, băng rừng đi tìm đồng đội với một mong ước cháy lòng: đưa các đồng chí của mình về nhà.
Bác Xuất (bên phải) tại Nghĩa trang Đồng Tháp Mười
Bác Xuất (bên phải) tại Nghĩa trang Đồng Tháp Mười
Nỗi đau ở lại
Thời trẻ, bác Phạm Như Xuất (SN 1949, quê xã Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình) từng xẻ dọc Trường Sơn qua Lào, Campuchia, vượt qua nhiều căn cứ địa cách mạng. Sang đó, bác Xuất được bổ sung về đơn vị địa phương quân huyện Mỹ An, tỉnh Kiến Phong (nay là huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). 
Đây là một trong những vùng trọng điểm của địch để thực hiện chiến lược bình định gom dân lập ấp chiến lược.  Lúc ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh, nhưng các chiến sỹ vẫn xông pha khắp mọi chiến trường chiến đấu với quân thù với tinh thần không lùi bước. 
Vượt qua cuộc chiến sinh tử đó, bác Phạm Như Xuất tự cho mình là người may mắn khi “nằm trong số ít những đồng đội còn may mắn khi chỉ mang trong người một vết thương phần mềm chạm đốt sống cổ, một vết thương ở đầu và một vết thương xuyên qua mũi phải xuống hàm trái và phải “gửi lại” kênh Xẻo Quýt gần nửa hàm răng...”.  
Sau khi miền Nam được giải phóng, bác chuyển ngành ra khỏi Quân đội, ra Bắc học tập và làm việc tại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam. Suốt trong những tháng năm của thời bình đó, thăng trầm lắm, thành công cũng nhiều nhưng trong tâm khảm của người thương binh, cựu chiến binh ấy, hình ảnh chiến trường Đồng Tháp Mười khói lửa và những đồng đội đã nằm xuống mảnh đất kiêu hùng, đau thương đó vẫn ám ảnh khôn nguôi. 
Năm 2009, sau khi được nghỉ chế độ, bác đã thực hiện cuộc viễn du xuyên Việt thăm chiến trường xưa bằng những đồng tiền tiết kiệm trong suốt quá trình công tác. Qua Nghĩa trang Cao Lãnh, Nghĩa trang Đồng Tháp với hàng nghìn ngôi mộ, trong đó có biết bao đồng đội quê miền Bắc đang yên nghỉ, bác không ngăn nổi hai hàng nước mắt. 
Nhìn đồng đội đang yên nghỉ trong nghĩa trang, bác xót xa tự hỏi: “Người thân của họ ai còn, ai mất?”; “Có người thân nào của những đồng đội nằm đây biết được họ đã anh dũng hy sinh và nằm lại mảnh đất gần cuối cùng của Tổ quốc này?”; “Ai là người sẽ đưa tin về thân nhân của họ?”… 
Những câu hỏi đó cứ dồn dập trong đầu bác. Không thể lãng phí thời gian, tiền bạc vượt trên hai nghìn cây số chỉ để thăm thú, tìm về ký ức, người chiến binh già đã nung nấu quyết tâm “lục tìm quá khứ để tìm các đồng đội trả về cho người thân của họ”…
Những bức tâm thư
Nhìn những bức ảnh chụp bia mộ chỉ có họ, tên, đơn vị, ngày hy sinh của liệt sỹ không nói lên điều gì, nhưng với bác Xuất, nó thật đáng quý biết bao. Những tư liệu này cộng với bản photo những thông tin “trích danh sách liệt sỹ quê miền Bắc” lập ngày 26/3/1976 do Chủ nhiệm Chính trị Phan Văn Đấu ký và dấu của Tỉnh đội Sa Đéc gồm trên 200 liệt sỹ và cuốn “Lịch sử Tiểu đoàn 502” ghi dấu tích những trận chiến của Tiểu đoàn, những ghi chép, sổ tay, nhật ký của một số đồng đội cùng thời; đặc biệt bằng phương pháp đối chiếu chéo và loại trừ từ những tư liệu trên, cộng với các tài liệu, bút tích, lời kể của những nhân chứng sống, của cô bác du kích, cơ sở thời đó qua các chuyến thăm lại chiến trường xưa,  bác Xuất đã lập được một bản danh sách trên 510 liệt sỹ. 
Với thông tin có được, bác gửi thư về quê liệt sỹ và nhờ địa phương chuyển đến gia đình từng liệt sỹ. Trong thư bác ghi rõ họ, tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị trong chiến trường, số điện thoại, chỗ ở hiện nay của mình với mục đích trả lại tên, ngày hy sinh của liệt sỹ, hướng dẫn thân nhân liệt sỹ thăm viếng hoặc tổ chức di dời hài cốt liệt sỹ về quê hương…
Nhờ sự hỗ trợ của bác, nhiều gia đình liệt sỹ đã hoàn thành tâm nguyện trong niềm xúc động sâu sắc. 
Đơn cử như trường hợp của mẹ liệt sỹ Bùi Việt Hùng ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Cụ đã ngoài 90 tuổi, có hai con trai là liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và người con trai út chết do bệnh hiểm nghèo. Cụ ốm nằm liệt giường nhiều năm nay nhưng vẫn nuôi tia hy vọng mong manh rằng những đứa con nơi phương xa sẽ trở về. 
Gia đình cũng đã nhiều lần đi tìm hài cốt người thân ở nhiều nơi khác nhau trong bao năm qua nhưng vô vọng. Chính vì thế, khi bác Xuất giúp gia đình đưa được liệt sỹ Hùng về nghĩa trang quê hương cụ mới yên lòng về cõi vĩnh hằng với nụ cười mãn nguyện. 
Rồi gia đình liệt sỹ Nguyễn Hữu Phú ở Đan Phượng, Hà Nội cũng vậy. Vợ và các con, cháu liệt sỹ đã nhiều năm tìm kiếm nhiều nơi không thấy. Năm 2011, từ thông tin cung cấp của bác Xuất, liệt sỹ đã được gia đình đưa về quê trong niềm vui mừng khôn tả của người thân…
“Mỗi khi có được thông tin về kết quả do các gia đình báo về, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm, thanh thản vì đã hoàn thành được việc mà lâu nay mình hằng ấp ủ. Đó là nghĩa tình với đồng đội, là trách nhiệm của anh Bộ đội Cụ Hồ, của người may mắn sống sót sau cuộc chiến tranh tàn khốc và của người hưởng thụ thành quả mà các liệt sỹ đã hiến cả cuộc đời mình vun đắp nên…” – người chiến binh già bùi ngùi xúc động chia sẻ với tôi trong căn phòng nhỏ ấm áp nằm tận ngõ sâu hun hút thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. 
Chiến tranh đã lùi xa nhưng yêu thương mãi nồng nàn trong trái tim và huyết quản của bác. Để rồi, cứ mỗi năm đôi lần, bác lại ky cóp tiền nong, bỏ thời gian, công sức băng rừng, vượt núi lần về quá khứ, kiếm tìm đồng đội. Đôi chân đã yếu, sức lực đã cạn nhưng bác vẫn cứ góp nhặt từng chút một thông tin về đồng đội để mang đến cho gia đình những người đã khuất ngàn vạn tia hy vọng, niềm vui. 

Đọc thêm