Khi xe buýt, sân trường được tận dụng…
TP Hồ Chí Minh - những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội cùng với việc đóng cửa 3 chợ đầu mối, hàng chục chợ truyền thống đã thực sự khiến cho tình hình cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân trở nên căng thẳng. Một Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương được thành lập nhưng cũng vẫn lúng túng mất thời gian đầu. Tiếp cận hàng hóa theo kiểu truyền thống khó khăn. Đặt hàng online thì phải chờ vài ngày mới nhận được hàng.
Đại diện Tổ công tác đặc biệt chia sẻ với PLVN: “Thật sự rất khó để tìm cách “thông thương” cho TP Hồ Chí Minh ở giai đoạn đầu thực hiện giãn cách xã hội!”. Chợ đầu mối đóng cửa - tình huống mà ít người ngờ tới nhất đã xảy ra. Chợ truyền thống cũng đóng khiến cho áp lực cung ứng hàng hóa đã đổ toàn bộ lên các hệ thống bán lẻ hiện đại. Đơn hàng tăng, nhân lực giảm (vì nhiều nhân viên trở thành các F) khiến cho các hoạt động của hệ thống bán lẻ hiện đại cũng… loạng choạng. Chưa kể hàng hóa tập kết tại kho cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình lưu thông vận chuyển giữa các địa phương không đồng nhất.
Trong tình huống đó, Tổ công tác (biệt phái trong miền Nam) của Bộ Công Thương đã phải ngồi họp với nhau rất nhiều và đưa ra nhiều hình thức để hàng hóa có thể đến tay người dân sớm hơn, để người dân không phải xếp hàng dài ở các siêu thị chờ đến lượt vào mua hàng (và đến lúc vào được thì hết). Cuối cùng, hình thức sử dụng các xe buýt thành hệ thống siêu thị mini di động đã được đồng ý mang ra thử nghiệm.
Theo đó, mô hình này sẽ bày bán với hơn trăm mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên các xe buýt. Ngoài ra, chương trình có 1.000 phần quà, tổng trị giá 300 triệu gửi đến những hộ gia đình khó khăn. Mô hình này dự kiến kéo dài trong 2 tháng và sẽ tăng quy mô lên 3-4 chiếc xe buýt, chủ yếu phục vụ tại quận, huyện vùng ven, mỗi chiếc bán tại 1-2 điểm.
Ngoài ra, một số siêu thị cũng mở thêm mô hình bán hàng mới “bán theo combo” để vừa tiện lợi cho khách hàng cũng như siêu thị trong việc cung ứng hàng hóa cho người dân. Một số sàn thương mại điện tử cũng “chớp thời cơ”, tham gia cung ứng “combo nông sản”, combo thực phẩm và rau quả và đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người tiêu dùng bởi sự tiện lợi và rút ngắn thời gian mua hàng và giao hàng cho các sàn thương mại điện tử cũng như siêu thị.
Mô hình “bê” chợ ra mọi chỗ thoáng, |
Bên cạnh đó, mô hình “bê” chợ ra chỗ thoáng cũng được triển khai ở rất nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội. Ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ… đã có nhiều đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu tổ chức bán hàng theo mô hình này. Địa điểm lựa chọn làm “chợ tạm” (với việc phải đảm bảo công tác phòng chống dịch) có thể là sân các trường học, các khu vui chơi của khu dân cư hay là một vỉa hè rộng rãi của khu phố… Thậm chí, khu vực sảnh, hành lang, khuôn viên trung tâm thương mại cũng được mang ra trưng dụng làm chợ tạm cho người dân.
Theo đánh giá của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, hơn một tháng qua, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn, lượng lớn thực phẩm thiết yếu đã được đưa đến tay người dân qua các kênh bán hàng được sáng tạo ra trong mùa dịch này. Đây đều là những mô hình rất thông minh, cần được cân nhắc áp dụng với các địa phương có dịch, với biến chủng Delta có nguy cơ lây lan nhanh.
Bưu điện cũng giúp dân “đi chợ”
Trong những hình thức sáng tạo về cung ứng hàng hóa thì việc các hệ thông bưu cục trong cả nước bất ngờ trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng háng hóa là điều ít người dám nghĩ đến.
Bà Lê Việt Nga - Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cho biết, tận dụng tối đa hệ thống vận chuyển của doanh nghiệp bưu chính viễn thông cho công tác phân phối, lưu chuyển hàng hóa trong khu vực có dịch và hệ thống các điểm bán của bưu điện làm điểm phân phối hàng hóa chính là mô hình được 2 Bộ Công Thương và Thông tin Truyền thông phối hợp thực hiện.
Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu ra thị trường, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cũng cung cấp các liên hệ đầu mối của Sở Công Thương các tỉnh phía Nam để cung cấp cho các doanh nghiệp bưu chính để 2 bên trực tiếp liên hệ hỗ trợ các tỉnh thành kết nối, tiêu thụ nông sản, hàng hóa thiết yếu.
Bên cạnh 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã tham gia vào hệ thống cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các địa phương đang giãn cách xã hội từ trung tuần tháng 7, đến nay hoạt động này đã có thêm sự chung tay của 3 doanh nghiệp bưu chính khác gồm Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm và Netco. Lượng hàng bán tại các bưu cục và đặt hàng đã tăng lên mỗi ngày.
Điển hình phải kể đến là Bưu điện TP Cần Thơ. Bưu điện này đã lường trước được nhu cầu của người dân tăng cao nên đã làm việc với các nhà cung cấp lớn để đảm bảo nguồn hàng càng ngày càng phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, với ưu thế về mạng lưới trải dài trên khắp các quận huyện, Bưu điện TP Cần Thơ cũng đảm bảo có ít nhất 2 điểm bán hàng đã được đăng kí với Sở Công Thương, cung cấp đầy đủ các mặt hàng từ những mặt hàng khô như gạo, mỳ gói, nước mắm đến những mặt hàng tươi sẵn hàng ngày như rau củ quả, trứng…
Riêng mặt tươi sống như thịt cá, Bưu điện TP Cần Thơ đã lên kế hoạch tăng tuần suất đặt hàng với mục tiêu người dân có thể đặt các mặt hàng tươi sống như thịt gà, thịt lợn, cá… hai lần/tuần. Sau khi đặt hàng thành công, nhân viên của Bưu điện giao đến tận nơi vào 2 ngày cố định trong tuần.
Thậm chí ở một số khu vực nóng của Cần Thơ, các bưu cục đã triển khai chương trình “đi chợ hộ” cho người dân. Theo đó, khách hàng có thể gọi điện đến các Bưu cục để đặt hàng. Với những mặt hàng không sẵn có, nhân viên Bưu điện sẽ lập danh sách, tổ chức phân tuyến để “đi chợ hộ”. Toàn bộ các mặt hàng, sản phẩm mua giúp người dân đảm bảo sẽ không phát sinh thêm chi phí.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thời gian hệ thống bưu cục được xác định là một trong những kênh phân phối tiện lợi nhất trong điều kiện giãn cách xã hội. Hệ thống bưu cục này sẽ được phát huy tối đa hiệu quả nhằm cung ứng hàng hóa kịp thời đến cho người dân các địa phương đang thực hiện cách ly theo các chỉ thị của Chính phủ.