Những “canh bạc” dưới chân núi Bạc

Trong số doanh nghiệp (DN) được cấp phép khai thác khoáng sản ở Hà Giang, có DN đang đứng trước nguy cơ phá sản, bởi những “canh bạc” với lòng đất cao nguyên. Hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân và không ít hộ dân vùng mỏ... 

Trong số doanh nghiệp (DN) được cấp phép khai thác khoáng sản ở Hà Giang, có DN đang đứng trước nguy cơ phá sản, bởi những “canh bạc” với lòng đất cao nguyên. Hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân và không ít hộ dân vùng mỏ... 
Lòng người "nóng" vì những vạt chè sè sè úa lá
“Nước nguồn ở đập Khuổi Điểm bị ô nhiễm và cạn rồi. Nắng hạn cứ kéo dài mãi thế này thì trâu, ngựa và 0,4 ha chè của nhà mình sẽ vàng úa, chết héo mất thôi”, anh Lý Minh Tiến, người dân tộc Dao chở 60 kg chè búp tươi vừa hái, đi nhập cho Cty Hùng Cường được 168.000 đồng (2.800 đồng/kg) để lo bữa cơm chiều cho bốn miệng ăn của gia đình, tâm sự về vạt chè dưới chân núi Bạc của mình.
Anh Tiến cũng đang rất lo lắng cho 69 hộ dân người H’Mông, người Dao, người Cao Lan và người Kinh ở bản Ngọc Hà (xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên) thường ngày phải dùng nguồn nước ô nhiễm ở đập Khuổi Điểm trên núi Bạc để sinh hoạt, tình trạng này lâu ngày sinh bệnh thì nguy lắm. 
các hộ dân bản Ngọc Hà đang phải dùng nước sinh hoạt nhiễm bẩn do khai thác quặng gây ra
Các hộ dân bản Ngọc Hà đang phải dùng nước sinh hoạt nhiễm bẩn do khai thác quặng gây ra
Minh chứng cho lời nói của mình, anh Tiến tiếp tục dẫn đường cho chúng tôi đến nhà Trưởng thôn Vi Thị Xuyên tìm hiểu nguyên nhân của sự việc ô nhiễm nguồn nước quanh chân núi Bạc.
Theo bà Xuyên, các cụ cao tuổi người H’mông, người Dao, người Cao Lan ở bản Ngọc Hà truyền rằng, sở dĩ có tên gọi là “núi Bạc” là vì trên lưng núi có hình thù giống như con trâu mộng, những ngày có giông tố sấm chớp thường hay nổ đùng đùng trên lưng núi, khiến cỏ cây không mọc được, đất đá trơ ra một vùng bạc trắng.
Các cụ còn kể lại, thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã bắt các nông phu bản địa cùng công nhân thuộc địa đem máy đào, máy khoan, máy ủi xới sâu vào lòng núi thông ra tận đập Khuổi Điểm để khai thác quặng mangan và bạc trắng.
Từ hai nguồn truyền miệng đó, ngày nay các tộc người sống trong bản Ngọc Hà đều gọi ngọn núi bên đập Khuổi Điểm là núi Bạc.
 
Anh Lê Minh Tiến
Anh Lý Minh Tiến, người dân tộc Dao.

Theo bà Xuyên, từ tháng 5/2011, Dự án khai thác và tuyển quặng Mangan trên núi Bạc của bản Ngọc Hà đi vào hoạt động, thì đường máng dẫn nước nguồn từ đập Khuổi Điểm về từng hộ dân trong bản bổng nhiên ngả màu vàng nâu kèm mùi hôi rất khó chịu. 

Các hộ dân người H’mông, người Dao, người Cao Lan không còn nước sạch theo đường máng về bản Ngọc Hà để sinh hoạt. Họ tìm được người biết cái chữ làm đơn cho họ ký, đồng loạt khiếu nại về việc Cty CP đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản Quang Long (gọi tắt là Cty Quang Long) trong quá trình mở đường lên mỏ đã san lấp mất phần lớn lòng đập Khuổi Điển, mà trước đây đập này được Nhà nước đầu tư xây dựng hơn 400 triệu đồng.

Giờ đây, lòng hồ đang bị san phẳng, nguồn nước sót lại trong lòng đập bị ô nhiễm, hệ thống kênh mương nội đồng bản Ngọc Hà khô cạn. Các nương ngô vụ hè thu của người H’mông và những vạt chè sè sè úa lá của người Dao như của nhà anh Tiến đang chờ trời đổ mưa về.

Bài học đắt giá về khai khoáng
Về phía DN, ông Ngô Thanh Khanh  - Giám đốc điều hành Cty Quang Long - ôm đống tài liệu và tìm đưa cho chúng tôi Bản cam kết khắc phục lại tình trạng ban đầu cho đập nước nguồn Khuổi Điểm, để bà con bản Ngọc Hà sớm có nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cây cối, hoa màu.
Ngoài ra, ông Khanh nói: “Dự án khai thác và tuyển quặng Mangan ở bản Ngọc Hà mà Cty đang triển khai được ví như một “canh bạc” với lòng núi của cao nguyên đá Hà Giang”.  
b
Cty Quang Long mở đường lên núi Bạc làm vùi lấp đập nước Khuổi Điểm, khiến nguồn nước sinh hoạt của bản Ngọc Hà bị ô nhiễm.
Trong tâm trạng của người sắp bị ngân hàng phát mại tài sản, ông Khanh tâm sự, năm 2009, Cty được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang cấp phép thực hiện dự án khai thác và tuyển quặng mangan với diện tích 50,68 ha tại bản Ngọc Hà (xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên) với tổng số vốn đầu tư theo đăng ký là 9,847 tỷ đồng.
Theo đó, ông Khanh nuôi ước mơ làm giầu với “canh bạc” dưới chân núi Bạc này và đã bàn với vợ để mượn hồ sơ căn nhà của em vợ đi thế chấp ngân hàng vay 20 tỷ để đầu tư vào hoạt động khai thác mangan, bao gồm các khoản: thuê Liên đoàn Địa chất Đông Bắc khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng mangan; đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng xưởng tuyển, mua máy móc thiết bị… và làm đường giao thông lên núi Bạc.
Liên đoàn Địa chất Đông Bắc đã khảo sát, thăm dò tại 50,68 ha của dự án, đánh giá trữ lượng mangan có khoảng 5000 – 6000 tấn. Thế nhưng, trong năm 2011, Cty Quang Long đi vào khai thác hơn 30 ngày mà không tìm thấy quặng. Do vậy, năm 2012, Cty đang tạm ngừng các hoạt động khai thác kéo theo hàng loạt công nhân phải tạm thời nghỉ việc; khoản nợ ngân hàng đang phình to hàng ngày.  
Địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 62 dự án khai thác khoáng sản kim loại và  khoáng chất công nghiệp với 46 DN được cấp phép hoạt động khoáng sản. Trong đó, có 10 dự án mới được cấp phép trong năm 2011 và hiện ở các dự án này DN đang triển khai thực hiện hoàn thiện các thủ tục sau cấp phép, đền bù giải phóng mặt bằng.
52 dự án còn lại có tổng số vốn đã đăng ký đầu tư là 2.394,75 tỷ đồng; trong đó có 3 dự án đã bị Sở TN&MT trình UBND tỉnh Hà Giang thu hồi giấy phép theo quy định.
Theo Sở TN&MT tỉnh Hà Giang cho biết, trong số 49 dự án đến nay có 29 dự án đã đi vào hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và đã sử dụng trên 1.300 lao động tại địa phương nơi có hoạt động khoáng sản; nhưng hiện nay có 15 dự án đang tạm dừng hoạt động kéo theo hàng trăm lao động phải nghỉ việc.
Số các dự án đang phải tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản trong đó có dự án của Cty Quang Long có nguyên nhân chính là công tác đánh giá khoáng sản trước đây tại điểm mỏ chưa đảm bảo chính xác về trữ lượng, chất lượng khoáng sản (đối với các dự án thực hiện ở các mỏ mới tính ở cấp tài nguyên dự báo) nên khi đưa mỏ vào hoạt động khai thác khoáng sản đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Hệ lụy thiếu nguồn nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường của bản Ngọc Hà từ việc khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản không sát với thực tế mà Cty Quang Long đang vướng vào thực sự là “canh bạc” điển hình dưới chân núi Bạc. Đây cũng đang là sự cảnh báo cho các DN bắt đầu vào nghề khai thác khoáng sản ở cao nguyên đá Hà Giang có thêm bài học, để tránh việc đổ bể, phá sản.
Hà Giang, tháng 7/2012
Phóng sự của Lê Trọng Hùng

Đọc thêm