Những cảnh đời long đong theo cây xanh trên phố

(PLO) - Không chỉ những gánh hàng hoa nhỏ xinh bán dạo trên phố phường Hà Nội, từ rất lâu rồi, những chiếc xe đạp, xe máy chở cây cảnh, thậm chí chỉ là một số cây chanh, ớt… cũng được chở bằng xe đạp lóc cóc ra phố. Phố phường thật muôn kiểu mưu sinh nhọc nhằn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năng nhặt chặt bị, lấy công làm lãi

Ở nhiều tuyến phố không cấm hàng rong như dọc đường Kim Ngưu, Hoàng Hoa Thám, Đê La Thành, Nguyễn Trãi, Bưởi… thường xuất hiện những người bán cây cảnh rong. Họ từ vùng quê Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên) hoặc phía huyện Thường Tín và làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân đi hành nghề. Không cần cầu kỳ, đối tượng của họ nhằm vào những người có thu nhập khá bình dân, cần cây cảnh trang trí, tạo màu xanh trên ban công hoặc trong nhà. Bà Bùi Thị Hải người dân ở Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên), làm nghề bán cây cảnh rong hơn 10 năm nay, cho biết: “Nhà nào ở phố dường như cũng có nhu cầu sử dụng cây xanh, không ít thì nhiều. Bởi thế mà chúng tôi có đất sống. Bây giờ không ít người còn trồng cả cây ớt cảnh, ớt ăn, chanh, khế, ổi… vừa để làm cảnh lại vừa có thể dùng làm gia vị, rất tiện”.

Cũng theo bà Hải, vì nhu cầu của người dân rất đơn giản, nên người phục vụ cũng phải chọn lựa các loại cây đơn giản. Thêm nữa, các loại cây này chỉ cần dùng xe đạp, thong rong, tiện dừng đỗ mà không tốn tiền mua xăng. Nhiều người dân cũng chỉ thích trồng cây mua từ những người bán rong.

Hỏi mua một cây khế có chiều cao chừng 70cm, bầu to, bảo đảm sống tốt chị Lê Thị Nghĩa, đi bán hàng cùng bà Hải phát giá 80 nghìn đồng. Khách mặc cả 40 nghìn đồng, sau cùng cây khế được bán với giá 50 nghìn đồng. “Đấy, người ta mua rẻ lắm, để chăm được một cây khế như thế cũng không đơn giản. Rồi lại phải đánh bầu, chở từ Hưng Yên lên đây là hơn 30 cây số. Mỗi chuyến xe đạp chỉ chở được hơn chục cây to như thế. Nhưng sợ ế, tôi chở mỗi thứ một tí, năng nhặt chặt bị, gọi là lấy công làm lãi. Kiếm được đồng tiền thật không đơn giản” - chị Nghĩa bộc bạch.

Muôn nỗi nhọc nhằn

Do phải tiếp xúc nhiều với người đi đường và phố bụi, mưa nắng thất thường nên dường như da người nào cũng sạm lại. Người bán cây cảnh rong lựa chọn những ngày trời không quá nắng để hành nghề. Thứ nhất là để cây dễ sống, không bị khô héo. Bản thân người đi bán cũng đỡ vất vả. Trừ một số người đi xe máy, bán rong những loại cây có giá trị hơn, đắt hơn như sung, sanh, si, khế tạo dáng…được trồng sẵn ở trong chậu. Chở bằng xe máy thì phải mang nhiều hàng, khá nặng nên đa số người đàn ông điều khiển.

Nhiều trong số những cây cảnh được uốn, tạo dáng cầu kỳ, vào thời hoàng kim có giá cả triệu đồng, nhưng ở thời điểm này không còn đắt đỏ nữa, mang ra phố chúng chỉ có già vài trăm nghìn đồng. Trong đó rất nhiều người ở mạn huyện Thường Tín lên, hay ở trên Vĩnh Phúc, Bắc Ninh mang xuống. Không ít ngày đi, tiêu tốn khá nhiều tiền xăng mà chỉ bán được một cây, thậm chí không bán được cây nào. Hay nhiều người bán rong bằng xe đạp,  chuyện ế phải chở về là bình thường.

Trời tạnh ráo còn đỡ, đi lỡ gặp trời mưa, cây cối rũ rượi, chẳng ai hỏi đành phải mang về chăm sóc lại chờ ngày phục hồi lại… mang ra phố. Anh Nguyễn Văn Khải, người bán cây rong tâm sự: “Việc đi bán rong vốn đã vất vả, cuối ngày lại nặng nhọc chở về, với tâm trạng uể oải thì thật buồn. Nhưng đã là nghề thì phải làm, phải phấn đấu để kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi nói thật, rất nhiều chuyến lỗ chẳng đủ bù tiền xăng”.

Nhiều người bán rong thổ lộ, muốn bán hàng tốt họ phải hiểu tâm lý của đối tượng khách mà mình hướng đến. Để phục vụ người lớn tuổi, thì phải chịu khó lặn lội đi sâu vào các ngõ ngách, các khu chợ cóc, chợ tạm. Nghề bán rong cây cảnh cũng phải tạo mối quen. Có người còn tạo mối thân quen với người dân để thi thoảng đến mời họ mua cây, hoặc nhờ giới thiệu thêm cho họ hàng, bạn bè cùng mua.

Người bán hàng rong không thống kê được thu nhập theo ngày. Bởi họ cũng không tính được công chăm sóc cây để đến khi mang lên phố bán thì tính toán được lãi bao nhiều, trừ vốn liếng thế nào. Có ngày cả vốn lẫn lãi, do ế hàng họ chỉ thu được vài chục nghìn đồng, không đủ tiền ăn cơm bình dân buổi trưa và uống nước. Bà Bùi Thị cho biết: “Biết là khó, nhưng làm gì có nghề nào kiếm tiền dễ. Tôi đã cố gắng nuôi được hai đứa con học đại học, giờ các cháu cũng đang đi làm. Các cháu bảo tôi không đi nữa nhưng nhớ nghề thì phải đi. Chị em họ còn sức thì còn đi. Chứ đến khi hết sức sao còn rong ruổi được nữa”.

Đọc thêm