Những câu chuyện buồn về trọng dụng nhân tài ở Việt Nam đáng phải suy nghĩ

(PLVN) - Vào năm 2018, đề nghị công nhận Giáo sư Trương Nguyện Thành (hiện 58 tuổi) làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đã không được chấp nhận, với lý do “chưa đạt chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Trở về trường Đại học Utah (Mỹ) để nghiên cứu và giảng dạy, giáo sư Thành đã để lại nhiều nuối tiếc. Không chỉ nuối tiếc cho một người giỏi không được trọng dụng vì rào cản pháp lý; còn là sự nuối tiếc cho rất nhiều nhân tài người Việt, không thể phát huy, cống hiến năng lực của mình để phát triển nước nhà.
Giáo sư Trương Nguyện Thành phải trở lại Mỹ vì không đạt chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Giáo sư Trương Nguyện Thành phải trở lại Mỹ vì không đạt chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Lời tạm biệt của nhân tài

Giáo sư Trương Nguyện Thành (SN 1962), là tiến sĩ khoa học ngành Hóa và tính toán, do trường ĐH Minnesota (Mỹ) cấp năm 1990; ông bắt đầu tham gia giảng dạy tại ĐH Utah (Mỹ) kể từ năm 1992-2002, trong cương vị là quản lý sinh viên cao học khoa Hóa của trường.

Sau nhiều năm dài học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ, ông Thành đã trở về nước và là người thành lập Viện Khoa học công nghệ tính toán TP HCM, vào năm 2009. Năm 2017, Giáo sư Thành trở lại Việt Nam lần nữa với mong muốn xây dựng trường ĐH Hoa Sen. Ông đã đảm nhiệm chức phó hiệu trưởng điều hành từ tháng 1/2017.

Trong quá trình làm việc tại trường ĐH Hoa Sen, ông Thành đã được rất nhiều sinh viên, giáo viên và hội đồng quản trị của trường ủng hộ và tin tưởng. Vào khoảng đầu năm 2018, khi có đề nghị giáo sư Trương Nguyện Thành làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, kết quả bỏ phiếu của thành viên Hội đồng quản trị, ủng hộ ông làm hiệu trưởng đạt tới kết quả rất cao, 88,89%.

Tuy được tín nhiệm bởi Hội đồng quản trị của ĐH Hoa Sen, đề nghị này đã không được công nhận bởi Bộ/Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo Luật Giáo dục ĐH Việt Nam, ông “chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam”.

Trở lại Mỹ, Giáo sư chia sẻ: “Đây là điều đáng tiếc ngoài mong đợi của Hội đồng quản trị, toàn thể giảng viên, nhân viên, và sinh viên cũng như của riêng tôi…”. 

Nếu xét về sự chung nhất trong số các hiệu trưởng trường ĐH ở Việt Nam, thì hiếm có mấy người như giáo sư Thành, sẵn sàng bỏ “giấc mơ Mỹ” để trở về giúp sức cho đất nước. Nhưng ông đã gặp khó khăn bởi chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam.

Dư luận đã bày tỏ bức xúc “Một giáo sư, tiến sĩ khoa học do một trường Đại học thuộc cấp liên bang của Mỹ bổ nhiệm, có bề dày trong quản lý giáo dục và giảng dạy theo tiêu chuẩn Mỹ; nhưng lại không đủ tiêu chuẩn để có thể làm được hiệu trưởng của một trường đại học công lập ở Việt Nam”.

Thiết nghĩ, trong trường hợp này, tiêu chuẩn “có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm” tại Điều 20 Luật Giáo dục Đại học đã trở thành một rào cản hành chính “cứng nhắc” khiến giáo sư Thành không thể phát huy năng lực, cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.

Phát minh của người Việt khiến thế giới trầm trồ

Việt Nam dù là một đất nước bé nhỏ nhưng trên thực tế người Việt đã có nhiều đóng góp trong cuộc sống và các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, xã hội… Đáng suy ngẫm, nhiều ý kiến cho rằng, những phát minh này sẽ khó được công nhận hoặc phát huy tác dụng nếu họ chỉ ở Việt Nam.

Về lĩnh vực ngân hàng, máy rút tiền tự động hay còn gọi là máy giao dịch tự động (ATM) là một thiết bị ngân hàng giúp khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tự động như kiểm tra tài khoản, rút tiền, chuyển khoản, thanh toán dịch vụ… Ít ai biết, cha đẻ của những chiếc máy này gọi tên một người Việt. Trên thực tế, năm 1939, Luther George Simjian là người đầu tiên thiết kế và hoàn thành máy rút tiền trên thế giới.

Tiếp đến, năm 1967, John Shephrd-Barron làm ra máy rút tiền điện tử đầu tiên (Anh). Còn ông Đỗ Đức Cường lại là người hoàn thiện cơ bản cấu trúc cốt lõi và mở rộng hệ thống ATM ra thị trường. Ông Đỗ Đức Cường, một chuyên viên thông thạo nhiều lĩnh vực, sở hữu hơn 50 phát minh sáng chế có ích cho đời sống.

Người Việt có nhiều phát minh giúp ích cho thế giới.
  Người Việt có nhiều phát minh giúp ích cho thế giới.

Trước đây, ông Cường từng có 20 năm làm việc ở Citibank – một ngân hàng của Mỹ. Sau đó ông làm chuyên viên cao cấp cho ngành ngân hàng Hoa Kỳ. Một lần, ông Đỗ Đức Cường đã phải đạp gần 2000km để đưa tiền viện phí cứu mẹ nhưng không kịp. Chính vì thế, ông phát minh ra máy ATM để chuyển tiền qua lại có thể nhanh hơn.

Về lĩnh vực môi trường, năm 2011, nghiên cứu sinh Nguyễn Thành Đông và Hoàng Diệu Hưng đã vượt qua hàng trăm đề tài đến từ nhiều nơi trên thế giới để giành chiến thắng tại cuộc thi quốc tế về Giải pháp thông minh cho môi trường do Bộ Môi trường phối hợp cùng Viện hàn lâm Quốc gia Cộng hoà Séc tổ chức.

Hai nhà khoa học trẻ người Việt đã sáng chế ra công nghệ nano giúp loại bỏ triệt để thạch tín (asen) trong nước. Phát minh đó đã giúp làm sạch các nguồn nước bị ô nhiễm thạch tín bởi nhà máy nhiệt điện, mỏ than ở Cộng hòa Séc.

Về lĩnh vực y tế, chiếc xe lăn điều khiển bằng ý nghĩ hay còn gọi là xe lăn thông minh Aviator do GS.TS.Hùng Nguyễn (Nguyễn Tấn Hùng) tạo ra, đứng thứ ba trong danh sách 100 phát minh hàng đầu của Úc vào năm 2011. Theo đó, chiếc xe lăn có hai điện cực gắn vào đầu người ngồi để nhận tín hiệu từ não, sau đó truyền thông tin cho bộ phận điều khiến xe.

Phát minh cực kỳ có ích cho người bị khuyết tật nặng. Chỉ cần những hành động đơn giản như lắc đầu, suy nghĩ, ánh mắt, chiếc xe sẽ làm theo mệnh lệnh của người ngồi. Chiếc xe có thể tránh các chướng ngại vật khi di chuyển nhờ có chiếc camera được gắn trên xe. Phát minh này đã mất 10 năm để Giáo sư Hùng và các cộng sự biến ý tưởng thành hiện thực. 

Về lĩnh vực chế tạo máy bay, người nông dân Trần Quốc Hải (ngụ Suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh) từng khiến dư luận hào hứng bởi những chiếc máy bay trực thăng mang thương hiệu “hai lúa”. Xuất phát từ ý tưởng chế tạo máy bay trực thăng để bay trên vùng rẫy bón phân như ngành nông nghiệp Mỹ đã thực hiện, ông Hải dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi quy trình vận hành, nguyên tắc hoạt động của máy bay.

Chiếc máy bay “hai lúa” không nhận được sự công nhận của Việt Nam.
Chiếc máy bay “hai lúa” không nhận được sự công nhận của Việt Nam.

Sau một thời gian dài nghiên cứu, năm 2003 ông chế tạo chiếc máy bay trực thăng đầu tiên. Năm 2005 chiếc máy bay thứ hai ra đời, cải tiến, hiện đại hơn chiếc trước mà giá thành chỉ bằng một chiếc ôtô. Tuy nhiên, khi đưa máy bay ra đồng bay thử, các cơ quan chức năng kết luận máy bay “không thể bay được”. 

Nông dân chế tạo máy bay bằng phương pháp thủ công đã được một số tổ chức khoa học kỹ thuật trên thế giới ghi nhận. Dù không được đánh giá cao ở Việt Nam, ông Hải được nhiều tổ chức khoa học ở Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Singapore… mời đi triển lãm. Họ gọi ông là “kỹ sư – nhà nông”. Đáng nói, hai chiếc máy bay do ông chế tạo ra đã được Viện Bảo tàng New York (Mỹ) và Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc) mua lại. 

“Trên trải thảm, dưới rải đinh”

Những câu chuyện trên không chỉ cho thấy nhiều người Việt dù ở trong nước hay ngoài nước đều rất cố gắng, nỗ lực, sáng tạo tìm tòi để góp phần nâng cao cuộc sống. Song, có một điểm chung là những người này thường phải “tự thân vận động” để biến ý tưởng của mình thành hiện thực hoặc họ phải nhận hỗ trợ từ nước ngoài cho việc nghiên cứu, sáng chế của mình. Thậm chí, công trình được hoàn thiện có thể được thế giới công nhận nhưng lại nhận phải những cái “lắc đầu” của nhà chức trách Việt Nam.

Cha đẻ chiếc xe lăn thông minh là GS.TS Nguyễn Tấn Hùng.
 Cha đẻ chiếc xe lăn thông minh là GS.TS Nguyễn Tấn Hùng.

Lại nói, năm 2015, từng công bố số liệu đáng suy ngẫm cho thấy chỉ có 29 trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam (chủ yếu là trường hợp người Việt xin nhập quốc tịch trở lại), nhưng có tới 4.000 người xin thôi quốc tịch Việt Nam, để đi định cư ở nước ngoài.

Dù xót xa và nuối tiếc khi trong đó có thể có rất nhiều nhân tài “cuốn gói ra đi” và không có lời hẹn trở lại, nhiều người cũng bày tỏ trách móc về những người “bỏ xứ mẹ đẻ” để đi xứ người. Song, ẩn đằng sau các câu chuyện “chảy máu chất xám”, về phần cứng liệu chính sách tuyển dụng, trọng dụng nhân tài ở Việt Nam đã thực sự thu hút nhân tài, khắc phục những vướng mắc, bất cập hay chưa?

Mỗi năm, nhà nước luôn đưa ra lời kêu gọi những trí thức Việt kiều về nước cống hiến, những trí thức trẻ đang học tập và làm việc ở nước ngoài về Việt Nam đóng góp cho quê hương. Ngay chính ngành giáo dục cũng tuyên bố chào đón các chuyên gia giáo dục – khoa học về Việt Nam làm việc.

Nhưng giữa lời nói và việc làm gần như đó là một khoảng cách quá xa. Nhiều ý kiến cho rằng, hình ảnh “trên trải thảm – dưới rải đinh” là câu nói mỉa mai cho những trường hợp khi nhân tài về nhưng sau đó lại ngậm ngùi rời đi.

Đọc thêm