“Chỉ có tôi và chiếc máy tính”
Gặp Trần Lê Hưng, chàng trai cựu chuyên Lý Hà Nội- Amsterdam từ “Diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu năm 2019”, khi đó Hưng đã có dự định khoảng cuối năm 2020 khi hoàn thành luận án Tiến sỹ sẽ trở về làm việc tại một trường ĐH ở Việt Nam, sau hơn 10 năm sống tại Paris- Pháp. Thỉnh thoảng Hưng vẫn trò chuyện và chia sẻ, Hưng khá hồi hộp khi có lịch Bảo vệ luận án online. Hưng tiếc là ba mẹ, bạn bè thân thiết không thể đến tham dự, và nữa là Hưng đã chuẩn bị lễ phục cho buổi bảo vệ khá chu đáo…
Đầu tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Pháp cũng là thời điểm Trần Lê Hưng chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris Est, một trong ngôi trường nổi tiếng của Pháp. “Phát triển tà vẹt tích hợp vào duy tu và bảo trì đường sắt” là đề tài mà Hưng theo đuổi nghiên cứu gần 4 năm qua. Với Hưng, buổi bảo vệ này là một kỷ niệm vô cùng đặc biệt khi diễn ra trực tuyến chỉ có anh thuyết trình cùng ba thành viên hội đồng giáo sư hướng dẫn và phản biện.
TS Trần Lê Hưng chia sẻ niềm vui với bạn bè, thầy cô |
Hưng chia sẻ trên trang cá nhân: “Và rồi cuối cùng thì tôi cũng bước những bước chân cuối cùng của cuộc đời nghiên cứu sinh tại Ecole Nationale des Ponts et des Chaussées. Những ngày tháng này thực sự đáng nhớ. Trên phòng làm việc một mình, nhớ lại từ ngày đầu tháng 6 năm 2016 đến trường phỏng vấn vòng đầu với suy nghĩ phỏng vấn cho vui chứ chắc gì đã được. Thế rồi trải qua 4 cuộc phỏng vấn khác để rồi tháng 8 chuẩn bị hồ sơ cho tháng 10 vào làm. Cuối cùng vẫn bắt đầu muộn 6 tháng, giờ thì kết thúc muộn 3 tháng. Nhớ những ngày đầu gia nhập con đường học thuật còn bỡ ngỡ, đến giờ sau hơn 3 năm rồi vẫn bỡ ngỡ như thường. Và bây giờ thì một buổi bảo vệ như bao nghiên cứu sinh khác lại không thể diễn ra như ý muốn vì dịch bệnh. Chuẩn bị trong háo hức cũng đành chịu. Tất cả như cuốn phim quay chậm lại và tôi muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc này, thật khó diễn tả”...
Và rồi, giờ G cũng tới, trước những ô hình ảnh nhỏ xíu trên máy tính, trong suốt 3 giờ đồng hồ, dù lo lắng, hụt hẫng nhưng Hưng lạc quan chia sẻ: “Phải nói rằng, tôi khá lo lắng và hụt hẫng. Chỉ có tôi và chiếc máy tính. Bố mẹ cũng như nhiều người bạn ở Pháp không thể tham dự được. Nhưng bù lại thì việc phát trực tuyến buổi bảo vệ cũng giúp tôi xóa đi phần nào cảm giác đó. Bởi tôi biết mọi người luôn đồng hành cùng tôi, dù ở khoảng cách rất xa về mặt địa lý. Hơn nữa, về mặt tích cực thì việc bảo vệ trực tuyến giúp buổi bảo vệ của tôi tới được những người bạn ở khắp năm châu”…
Và cảm giác như vỡ òa, như đang trên mây sau khi vị giáo sư giám khảo công bố kết luận: “Chúng tôi đã thảo luận và cho thấy rằng luận văn được viết rất tốt, thuyết trình của bạn rõ ràng và dễ hiểu. Bạn đã trình bày vấn đề nghiên cứu qua các hướng như giải tích, mô phỏng số và thực nghiệm (trong phòng thí nghiệm và trên thực địa). Nghiên cứu của bạn cho phép đưa ra một phương pháp trực tiếp để kiểm soát trọng lượng đoàn tàu và đưa ra đánh giá về chất lượng nền móng đường sắt. Từ đó phát triển phần mềm cho phép ứng dụng trực tiếp trong cuộc sống và hội đồng quyết định công nhận bạn là Tiến sĩ của trường Đại học Paris-Est, chuyên ngành kết cấu và vật liệu. Chúc mừng em”. Đó là nhận xét của giáo sư Jean Francois Semblant, một trong 3 thành viên của Hội đồng chấm chuyên đề tiến sĩ dành cho nghiên cứu sinh Trần Lê Hưng sau buổi bảo vệ luận án trực tuyến đặc biệt ngày 29/6.
“Khi đó, tôi như người ở trên mây, muốn được ào về chia sẻ niềm vui với mọi người, nhưng buồn là ở đây có mỗi mình. Những người tôi nghĩ đến là bố mẹ, người thân rồi tự lòng cảm ơn các thầy cô hướng dẫn tôi suốt 3 năm qua, và tôi nhớ cả các thầy cô giáo ở Việt Nam, có cả những người không còn nữa. Hơi hụt hẫng chút bởi vì không biết tiếp tới sẽ làm gì? Nhưng sau tất cả, tôi hiểu là mình cần xả hơi, để ngày mai bước tiếp trên tư thế của một người đi làm, tiếp tục lĩnh hội những kiến thức mới”, Hưng chia sẻ…
Sẽ trở về Việt Nam
Là chàng trai Hà Nội, ngay từ khi nhỏ, Hưng đã giành được khá nhiều giải thưởng và thành tích đáng nể. Với Hưng, thầy cô giáo luôn là những người thầy truyền cảm hứng, Hưng may mắn gặp được. Đó là cô giáo dạy vật lý trường cấp II, Trưng Vương và các thầy cô Hà Nội-Amsterdam.
Cuối năm lớp 12, tính cờ Hưng biết được thông tin trường đại học INSA de Lyon ở Pháp về trường Ams tuyển sinh qua một chương trình kết nghĩa, thầy giáo chủ nhiệm động viên Hưng làm hồ sơ đăng ký thử. Và rồi INSA chấp nhận hồ sơ mặc dù Hưng chưa từng học qua một buổi tiếng Pháp nào. Thế nên, với những hỗ trợ tài chính về nhà ở và tiền học, cơ duyên đưa Hưng sang Pháp là thế.
Năm học đầu tiên, những môn đại cương thực sự không làm khó Hưng, nhưng cậu lại không thể đạt điểm cao do rào cản ngôn ngữ. Sau đó, Hưng tính chuyển lên trường Paris 11 học vật lý hạt nhân nhưng do không có quốc tịch nên không được nhận, vậy nên cậu chuyển sang học xây dựng dân dụng.
Và rồi Hưng chuyển lên Paris theo học cơ khí tại trường đại học Paris 6 và tốt nghiệp thạc sỹ ngành cơ học chất rắn tại ngôi trường này. Sau đó, Hưng được nhận làm nghiên cứu sinh tại trường cầu đường Paris (Pháp) với đề tài về phát triển tà vẹt tích hợp để duy tu và bảo trì đường sắt. Đề tài này là một nghiên cứu công nghiệp, cho phép đưa ra sản phẩm có ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống, tôi viết một phần mềm để tính toán tải trọng đoàn tàu. Việc tính toán này sẽ cho phép nhà quản lý theo dõi sự ổn định, cân bằng của từng đoàn tàu, từ đó có thể kiểm soát khối lượng đoàn tàu, nhất là khi chạy trên nền đất yếu.
Với Lê Hưng, con đường công việc trước mắt khá rộng mở, có thể theo hướng nghiên cứu và phát triển trong công nghiệp (phòng R&D các công ty). Tuy vậy, Hưng vẫn muốn gắn bản thân mình với nghiên cứu và giảng dạy trong trường đại học. Dự định đến cuối năm, Hưng tiếp tục làm việc với trường đại học cầu đường Paris để phát triển đề tài tiến sỹ của mình.
“Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn luận để xin vốn để mở rộng và phát triển đề tài trong 2 năm tiếp theo. Do dịch bệnh từ đầu năm nên các công ty cũng gặp nhiều vấn đề về tài chính, do đó nếu mọi việc ổn thỏa thì tôi sẽ ở lại ngôi trường này tiếp tục công việc của mình. Trong trường hợp không khả quan thì tôi sẽ hướng ra làm nghiên cứu ở 1 số nước mạnh trên thế giới trong 1-2 năm. Về dự định lâu dài, tôi sẽ về Việt Nam để có thể truyền đạt kiến thức, đam mê và chia sẻ kinh nghiệm bản thân tới thế hệ trẻ”.
Được biết, Lê Hưng đang có một đề án hợp tác với Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với trường Đại học Giao thông vận tải về tích hợp ứng dụng đề tài nghiên cứu của mình vào sự phát triển ngành đường sắt Việt Nam....
Từ câu nói của mẹ!
Đầu tháng 4/2020, Singapore bùng phát dịch Covid-19 cũng là thời điểm chàng trai xứ Nghệ- Đinh Ngọc Khang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Nanyang, ngôi trường hàng đầu của Singapore. Khang bảo vệ luận án “Nghiên cứu và phát triển xúc tác điện hóa cho quá trình chuyển hóa năng lượng tái tạo”, mà anh đã theo đuổi hơn bốn năm nay.
TS Đinh Ngọc Khang - bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Nanyang mùa Covid |
Khang đứng trước máy tính xách tay của mình và có 30 phút để trình bày trực tuyến luận án: “Nghiên cứu và phát triển xúc tác điện hóa cho quá trình chuyển hóa năng lượng tái tạo”. Hội đồng giáo sư là những ô hình ảnh nhỏ xíu trên màn hình lần lượt đưa ra nhận xét và các câu hỏi chất vấn, phản biện… Thời khắc vị giáo sư hướng dẫn thông báo cậu đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Khang gọi điện ngay về cho gia đình, rồi phấn khởi chạy ra ngoài. Thấy không có ai mới nhớ ra đang trong thời gian cách ly xã hội vì dịch Covid-19. Hít hà không khí ngoài trời và hạnh phúc với quãng đường vừa hoàn thành, tôi lại tự đặt câu hỏi: Tiếp theo là gì”?
Trước khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Đinh Ngọc Khang đã có 22 bài báo khoa học quốc tế và 4 bài khác đang trong quá trình phản biện. Các nghiên cứu của Khang xoay quanh việc chế tạo và tối ưu hóa các vật liệu nano mới giúp quá trình chuyển hóa năng lượng tái tạo có hiệu suất cao nhất có thể.
Hiện anh cùng các nhà khoa học của Pháp và Singapore giải quyết vấn đề về tái chế, phục hồi các kim loại quý, đất hiếm trong rác thải điện tử. Mục tiêu của dự án là sau 1-2 năm sẽ có nguyên mẫu để đưa vào thực tiễn. “Trong vài năm tới, tôi vẫn sẽ tận dụng điều kiện ở nước ngoài để tiếp tục học tập, nghiên cứu. Hy vọng sau khi hoàn thành dự án, tôi sẽ mang được công nghệ này về Việt Nam”.
Khi học phổ thông, dù Khang luôn nằm trong top đầu lớp, nhưng lại mê chơi điện tử đến quên ăn, quên học. Mẹ Khang là giáo viên, chỉ đến khi nghe mẹ nói: “Con như thế thì ai tin cho mẹ đi dạy. Con mẹ mà còn không dạy được thì mẹ còn dám dạy ai...”, thì cậu mới quyết tâm dứt bỏ điện tử. Từ câu nói của mẹ, Khang lao vào học như không có ngày mai, đêm nào cũng học tới 2-3h sáng rồi dậy lúc 6h để đến trường. Những đêm đông lạnh buốt, khi buồn ngủ Khang nhúng đầu mình vào xô nước lạnh để tỉnh lại.
Và Khang thi đỗ vào lớp tài năng ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Khang ra trường tấm bằng cử nhân loại xuất sắc, đạt học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tại ĐH Nanyang năm 2016.
Sau nhiều vất vả và nỗ lực hết mình, hiện Khang tham gia dự án của Viện Khoa học Công nghệ Singapore và Đại học Sydney (Úc). Anh rất tích cực tham gia điều hành một số hoạt động cộng đồng như Quỹ học bổng Đồng hành Singapore, Operation Smile (phẫu thuật nụ cười) và giảng dạy tiếng Anh cho lao động Việt tại Singapore…
Có thể nói, tương lai với các chàng trai Tiến sỹ còn vô cùng rộng mở, nhưng trở về quê hương luôn là lựa chọn của họ! Và trên đỉnh cao của tri thức họ đạt tới, ngoài niềm tự hào là sự hụt hẫng khi họ đã đi qua một chặng đường đẹp đẽ của thanh xuân, câu hỏi của họ luôn là: Sẽ làm gì tiếp theo?... Tin rằng, với các chàng trai ấy, sẽ luôn là những thành công và đỉnh cao khác nữa, bởi phía trước luôn là bầu trời…