Những chiến sĩ quả cảm trong cuộc chiến “không tiếng súng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nơi tuyến đầu là đội ngũ y, bác sĩ âm thầm hy sinh, cống hiến tài năng và sức lực điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân. Họ không ngại vất vả, hiểm nguy, căng mình chiến đấu trong cuộc chiến “không tiếng súng”. Họ “tạm gác” nỗi nhớ nhà, hoãn cưới, “tạm quên” nỗi đau buồn không đưa tang người thân… tập trung công việc vì sứ mệnh thiêng liêng của những người mang trên mình chiếc áo blouse trắng.
Y, bác sĩ kiệt sức vì làm việc ngày đêm.
Y, bác sĩ kiệt sức vì làm việc ngày đêm.

101 nỗi vất vả, hiểm nguy

4 đợt dịch vừa qua, hàng chục ngàn thầy thuốc và nhân viên y tế các bệnh viện trong cả nước đã không quản nguy hiểm tới tính mạng, để lại gia đình và cuộc sống đời thường, ngày đêm “chi viện”, trực tiếp có mặt tại điểm nóng các bệnh viện cũng như tại các ổ dịch, các cơ sở điều trị, phòng thí nghiệm, các trung tâm cấp cứu.

Việc phòng, chống dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân là rất khó khăn, phức tạp. Vừa điều trị, vừa tìm tòi phác đồ phù hợp, đòi hỏi phải tập trung trí tuệ, có sự quyết tâm, đồng lòng cao của các y, bác sĩ. Họ có nhiệm vụ đảm bảo cách ly kịp thời các ca nghi nhiễm, ca nhiễm; chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, phù hợp với từng người bệnh; chăm sóc toàn diện, hiệu quả; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do COVID-19 gây ra.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, 42 tuổi, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tâm sự về công việc của những bác sĩ tuyến đầu điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh khiến cộng đồng không xúc động và biết ơn. Theo chia sẻ của bác sĩ Thanh Bình, nhiệm vụ của anh là thư ký tổ điều trị, gồm khoảng 150 y, bác sĩ bệnh viện tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Các bác sĩ khi chuẩn bị vào ca đều phải mang đồ bảo hộ kín mít. Mỗi ca trực thường kéo dài 4-5h, nhưng khi dịch lên cao, ca trực thậm chí kéo dài 12h. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, bức bối, mồ hôi nhễ nhại, việc di chuyển, thao tác công việc cũng khó hơn bình thường.

Những y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện không quản vất vả, hiểm nguy điều trị bệnh nhân.

Những y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện không quản vất vả, hiểm nguy điều trị bệnh nhân.

Đồ bảo hộ chỉ mặc 1 lần, khi thay ra là phải vứt bỏ luôn. Chính vì thế, các bác sĩ ở đây nghĩ ra cách hạn chế uống nước để kéo dài thời gian mặc đồ, đỡ tốn kém chi phí và cũng hạn chế đi vệ sinh. Vì mỗi lần đi vệ sinh, người mặc sẽ phải vứt bỏ luôn bộ đồ bảo hộ.

Mặc đồ đã là cả một quy trình thì cởi đồ bảo hộ còn phức tạp hơn nhiều vì nếu sơ sẩy, bác sĩ có thể bị lây nhiễm vì virus từ người bệnh có thể vướng trên quần áo bảo hộ. Họ phải làm việc xuyên ngày đêm trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt dưới tiết trời nóng bức…

Khi có nhiều ca bệnh nặng, họ quên bữa ăn lao vào cứu chữa bệnh nhân. Nhiều người làm việc thông ngày đêm... Họ chỉ có thể ngả lưng chợp mắt một chút để lấy sức “chiến đấu” tiếp. Mặc trang phục bảo hộ bức bối, ăn uống thất thường, không được ngủ đủ giấc, không ít người trong số họ lả đi vì kiệt sức, ngất xỉu.

Trong trận chiến với COVID-19, vai trò của các điều dưỡng rất quan trọng, vừa là hậu thuẫn chuyên môn cho bác sĩ, vừa chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân do không có người thân. Do đó, điều dưỡng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nhất do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiều nhất, phục vụ dài ngày, làm tất cả công việc chăm sóc, thủ thuật… nên rất dễ bị văng giọt bắn từ bệnh nhân.

Hoãn cưới, xa gia đình, bố mẹ mất không thể về làm tang lễ

Bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân (Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) đầu năm có kế hoạch tổ chức đám cưới cùng chồng đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh. Tuy nhiên, dịch bệnh bất ngờ bùng phát, không một chút ngần ngại chị đã hoãn cưới, ngay lập tức tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Băng Ngân tâm sự: “Tôi vào viện từ giữa tháng 2, lúc đấy cũng không xác định thời điểm nào sẽ trở về nhà, chỉ nghĩ là cùng các đồng nghiệp đồng hành chống dịch đến khi nào các bệnh nhân khỏi bệnh mới chịu rút quân. Khi tôi hết thời gian cách ly thì đã là tháng 5”.

Gần 2 năm dịch bệnh diễn ra, việc xa nhà, gặp con, gặp người thân qua màn hình điện thoại dường như đã trở thành điều “bình thường” với các chiến sĩ áo trắng. Chị Đỗ Thị Thanh Vân và nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã lên đường tới Bắc Giang hỗ trợ tiêm phòng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Là một người mẹ nhưng trên hết là một cán bộ y tế, vì trọng trách với người dân và đất nước, chị gửi 3 con nhỏ về quê cho ông bà chăm sóc để lên đường vào tâm dịch.

“Những ngày đầu khi nhận được điện thoại của mẹ, con cũng hay hỏi khi nào mẹ về. Khi đấy thì không biết phải nói thế nào và trong lòng mình cũng nghẹn lại… Dù rất nhớ thương con nhưng chúng tôi cũng không biết khi nào có thể trở về” - chị Vân nghẹn lòng tâm sự.

Con ốm đau ở nhà, các y, bác sĩ không thể về nhà. Lo lắng, sốt ruột, họ đành gửi gắm sự chăm sóc con mình cho những người thân trong gia đình.

Không thể về nhà làm đám tang cho bố mẹ, người thân là nỗi đau xé lòng của các y, bác sĩ, cán bộ trong bệnh viện. Cộng đồng mạng xã hội xúc động trước dòng trạng thái chia sẻ của một nữ bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Chị kể lại câu chuyện cặp vợ chồng phải gửi lại 2 con nhỏ nhờ bà ngoại trông để đi chống dịch, bà ngoại không may qua đời nhưng họ cũng không thể về chịu tang mẹ.

Cũng không thể về chịu tang mẹ là chị Phạm Thị Thơ (Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh”. Chị Thơ đang tham gia đi lấy mẫu xét nghiệm dịch cùng đồng nghiệp thì nhận được tin dữ mẹ chị qua đời đột ngột. Lòng chị như bị xé nát muốn về bên mẹ nhưng vì phòng chống dịch bệnh cộng đồng nên chị đành nén lại nỗi đau.

“Tôi đau xót lắm, nhiều ngày tôi đã không được gặp mẹ, chỉ mong dịch yên ổn để về thăm mẹ. Ấy vậy mà sức khỏe mẹ tôi yếu quá không thể chờ ngày tôi trở về. Bây giờ vì công việc, vì cộng đồng tôi đành phải chấp nhận bái lạy mẹ từ xa”, chị Thơ nói trong nước mắt.

Ông Lê Quân Thành - Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi nhận được tin mẹ chị Thơ mất, chúng tôi đã đến chia sẻ, động viên, đồng thời bố trí cán bộ đến phụ gia đình lo việc hậu sự, lập thờ riêng tại nhà để chị chịu tang mẹ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đối với người đến thăm viếng”.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên vừa khóc và xem những tấm hình về đám tang của mẹ do người thân gửi qua điện thoại.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên vừa khóc và xem những tấm hình về đám tang của mẹ do người thân gửi qua điện thoại.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên cũng nén nỗi đau mất mẹ để ở lại bệnh viện cùng thực hiện nhiệm vụ chống COVID19. Ngay trong đêm nhận hung tin, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cùng các đồng nghiệp gửi lời chia buồn đến chị Nguyễn Thị Liên. Chị như chết lặng trong những giọt nước mắt lăn dài trong nhiều giờ liền. Giữa khuya, nữ điều dưỡng quyết định nợ tang mẹ để ở lại cùng 20 đồng nghiệp Khoa Truyền nhiễm chống dịch.

Tri ân chân thành từ trái tim

Cuộc chiến với COVID-19 tuy không có bom đạn nhưng có sự giành giật cuộc sống, sự hy sinh của các y, bác sĩ. Họ cống hiến hết mình vì trách nhiệm và vì sứ mệnh thiêng liêng của những người mang trên mình chiếc áo blouse trắng. Họ đã được rất nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân viết thư, tri ân chân thành từ đáy tim.

Đang cách ly tại Thuận Thành (Bắc Ninh), bà Hoàng Thị Ngư, 45 tuổi đã dành thời gian viết một bức thư dài kín 2 mặt giấy để gửi đến các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì đã chữa bệnh, cứu sống con trai bà. Đây là bức thư người phụ nữ 45 tuổi đã thức đêm, trau chuốt từng từ, từng chữ để gửi cho các bác sĩ, điều dưỡng... “Công ơn này gia đình chúng tôi không biết lấy gì báo đáp. Chỉ biết ghi lòng tạc dạ. Mong sao hết ngày cách ly, gia đình chúng tôi được đến bệnh viện thăm khoa, để tri ân các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ”. Bà coi họ là những ân nhân lớn nhất cuộc đời mình, đã chịu bao vất vả để cứu sống con trai mình khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Sau tất cả những vất vả, nhọc nhằn, lời cảm ơn từ người dân và gia đình bệnh nhân chính là động lực to lớn nhất để các bác sĩ tuyến đầu tiếp tục đối đầu với dịch bệnh, tiếp tục chiến đấu đưa tất cả các bệnh nhân trở về mạnh khỏe.

Mỗi một sự quan tâm, động viên đối với các chiến sỹ áo trắng lúc này đều rất cần thiết, để họ khỏe mạnh, yên tâm hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn sự khỏe mạnh cho Việt Nam thân yêu và họ cũng sớm được trở về với tổ ấm của mình. Không chỉ vậy, mỗi người dân đều có ý thức sống khỏe mạnh, phòng dịch tốt là cũng đã tiếp thêm cho họ sức mạnh tinh thần để chiến thắng dịch bệnh.

Đọc thêm