Những chuyến bay đặc biệt và nữ tiếp viên hàng không Việt Nam đầu tiên

Nguyễn Phi Phượng được biết đến là một trong hai nữ tiếp viên đầu tiên của hàng không Việt Nam, cũng là người từng vinh dự có mặt trên rất nhiều chuyến bay của Hồ Chủ tịch. Hơn 50 năm đã trôi qua, những kí ức về vị lãnh tụ trang nghiêm, đức độ mà gần gũi, giản dị vẫn sống nguyên vẹn trong bà...
Nguyễn Phi Phượng được biết đến là một trong hai nữ tiếp viên đầu tiên của hàng không Việt Nam, cũng là người từng vinh dự có mặt trên rất nhiều chuyến bay của Hồ Chủ tịch. Hơn 50 năm đã trôi qua, những kí ức về vị lãnh tụ trang nghiêm, đức độ mà gần gũi, giản dị vẫn sống nguyên vẹn trong bà...
Ảnh chụp Bác, đồng chí Vũ Kì và Phi Phượng trên một chuyến chuyên cơ
Vị  khách đặc biệt 
Nguyễn Phi Phượng năm nay đã ngoài 70, nhưng bà còn nhạy bén, trẻ trung. Về những chuyện xưa, bà kể rất rõ ràng, mạch lạc như chuyện mới hôm qua. Trong ngôi nhà nhỏ ở khu sân bay Tân Sơn Nhất, treo trang trọng trên tường và trong tủ kính là những bức ảnh chụp cùng Bác trên những chuyến bay. Hồi ấy, Hồ Chủ tịch đã ngoài 70 nhưng còn rất tinh anh, ánh mắt còn sáng, nụ cười còn tươi, đôn hậu...
"Năm 16 tuổi, tôi đang học tại trường Chu Văn An, Hà Nội thì được Bộ Công an đến trường tuyển đi làm tiếp viên hàng không. Ngành hàng không hồi ấy còn sơ khai, nhân viên ngành thiếu thốn, cực khổ lắm chứ không như bây giờ. Có khi trước giờ bay, tổ lái còn ăn cơm độn mì. Nhưng chính trong những ngày gian khổ ấy, tôi đã được gặp Bác..." - bà Phi Phượng kể lại.
"Lúc mới nghe cấp trên báo mình được vinh dự có mặt trong tổ lái chuyên cơ chở Bác đi Trung Quốc ngày 2/11/1960, tôi vừa bất ngờ, lại vừa hồi hộp, lo lắng đến không ngủ được. Lo rằng với một vị lãnh tụ, mình phục vụ như thế nào cho tốt, lo bao sơ suất xảy ra sẽ khiến Bác phiền lòng... Nhưng khi gặp Bác rồi, tôi mới thấy những lo lắng của mình là hão huyền. Người ta kể rất nhiều câu chuyện về Bác, nhiều người còn bảo đó gần như là huyền thoại. Nhưng những ai từng bên cạnh Người sẽ hiểu rằng những chuyện kể ấy không được thần thoại hoá, thậm chí còn chưa phản ánh hết nhân cách của Người, một vị lãnh tụ gần gũi, giản dị đến lạ lùng. Trước Bác, tất cả chúng tôi cảm thấy mình không phải là những tiếp viên, phi công phục vụ cho Người mà là những đứa con, đứa cháu của vị cha già kính yêu..."
Phi Phượng thời là tiếp viên đầu tiên của Hàng không Việt Nam
Bà Phi Phượng, thời ấy còn là cô  nữ sinh (vừa làm tiếp viên vừa đi học) chưa tròn 18 tuổi, trong sáng, hiền hậu và nhiệt thành nên rất được Bác yêu mến. Trong những chuyến bay, Bác đều ngồi hỏi han Phi Phượng chuyện gia cảnh, chuyện học hành. Biết Phi Phượng vừa đi làm vừa đi học, Bác dặn dò: "Học như thế vẫn chưa đủ đâu, cháu phải học thêm để sau này còn tiếp xúc rộng rãi với bên ngoài. Việc học là việc suốt đời, Bác bây giờ vẫn còn phải học cháu ạ". Lời của Người đã ghi khắc vào tâm khảm non nớt của cô nữ sinh, khiến cô quyết chí, ngày ở sân bay Gia Lâm, đêm đêm đạp xe, hôm không có xe thì đi bộ vào trung tâm Hà Nội mà học bổ túc, học nâng cao. Sau này, khi chuyển qua phòng vé, Phi Phượng vẫn miệt mài học tập để nhuần nhuyễn cả ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga.
Đau đáu với miền Nam
"Bác luôn nghĩ đến mọi người chung quanh trước khi nghĩ đến mình. Trong chuyến bay đến các nước, sau khi Bác yên vị ở nhà khách, vẫn thường bảo anh Vũ Kỳ (Thư kí của Bác) gọi điện sang khách sạn hỏi thăm từng người trong tổ lái xem ăn ở thế nào, có khoẻ không. Tôi cảm động nhất là mình chỉ là một tiếp viên, thế mà Bác thương quý cho tôi ở cùng nhà khách các nước với Bác và các đồng chí lãnh đạo. Đi thăm thú các nơi, Bác cũng cho tôi đi theo. Tôi nhớ mãi, cứ đến nơi nào, Bác cũng dặn tôi: Cháu nhớ chuẩn bị nhiều kẹo nhé. Kẹo ấy Bác dành để gặp trẻ em thì phát cho các cháu, gặp người già thì biếu. Bác rất quan tâm, yêu quý người già và trẻ em. Và, Bác đến đâu cũng được người già quý trọng, trẻ em quấn quýt, yêu mến..." - bà Phi Phượng bồi hồi nhớ.
Bà Phi Phượng cũng còn nhớ rằng, Bác Hồ không thích ăn cao lương mỹ vị mà chỉ thích những món ăn quê nhà như canh chua cá quả. Bác dậy rất sớm, và mỗi chuyến đi xa, Phi Phượng đều hiểu thói quen để sáng sáng pha cho Bác một cốc cà phê nóng. Bác ăn mặc lịch sự mà đơn giản, chưa bao giờ Phi Phượng thấy Bác mặc comple, đi giày tây, chỉ có bộ kaki và đôi dép cao su...
Năm 1964, Phi Phượng lập gia đình, bà nghỉ bay trong nỗi tiếc nuối tưởng rằng sẽ không còn được gặp người cha già kính yêu. Hồi ấy, gia đình nhỏ của bà thuê nhà ở ngoại thành Hà Nội, còn rất vất vả. Một ngày, bà đi làm về, chợt nghe con chạy ra bảo: “Mẹ ơi, có ông nào như ở nhà quê lên đến nhà ta thăm mẹ.” Bà vào nhà, thì gặp ngay ông... Vũ Kỳ. Phải nói rằng phong thái giản dị của Bác ảnh hưởng sâu sắc đến những người sống gần Bác nên ông Vũ Kỳ đến nhà, bị nhầm là... nhà quê. Hoá ra, Bác phái ông Vũ Kỳ đi xem tình hình gia đình cô Phi Phượng sống ra sao.
Ông Vũ Kỳ còn ra tận sau bếp xem nhà Phi Phượng ăn uống thế nào để về "báo cáo" Bác. Đó cũng là một phần trong chuyến khảo sát cuộc sống người dân nghèo Hà Nội mà Bác thường bảo người thư kí Vũ Kỳ đi khi Bác không có thời gian. Rồi thi thoảng, Phi Phượng vẫn được Người bảo ông Vũ Kỳ gọi đến nhà sàn Bác chơi, hay cùng cả gia đình vào Phủ Chủ tịch xem phim với Bác và các vị lãnh đạo...
Bà Phi Phượng hiện nay
"Tôi nhớ rằng, trong những lần bay, những cuộc trò chuyện, Bác luôn đau đáu về miền Nam ruột thịt. Bác bảo tôi nấu những món ăn của miền Nam, hát những bài hát của miền Nam. Miền Nam yêu dấu mà Bác luôn mong ngóng, hướng về, luôn day dứt miền Nam chưa được giải phóng... Ngày Bác mất, tôi đamg chạy xe đạp ngoài phố. Bỗng mọi người rộ lên, tin nghe qua radio Bác mất rồi, tôi muốn khuỵu xuống. Rồi mọi người chung quanh, bất kể quen lạ, ôm lấy nhau mà khóc nức nở. Cảm xúc tiếc nuối, ngậm ngùi ấy còn quay lại với tôi lần nữa, vào ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Trước niềm vui giải phóng, tôi chợt thấy thiếu trọn vẹn, thấy lòng chùng xuống: Giá mà Bác kính yêu còn sống để thấy ngày miền Nam ruột thịt của Người được giải phóng. Giá mà Bác có mặt trong ngày vui này..." - nước mắt chực rơi trên khuôn mặt còn nhiều nhan sắc của Phi Phượng. 
Giờ đây, bà Phi Phượng sống cùng con cháu mình trong một căn nhà đầm ấm. Bà tham gia sôi nổi các hoạt động, phong trào địa phương, tham gia Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, các công tác từ thiện xã hội với những bằng khen và sự nể trọng của các lớp con cháu. Cả đời bà học theo gương Bác, luôn  trau dồi và phấn đấu. Các con bà cũng kế thừa những điều ấy.
Bà Phi Phượng kể, lần cùng tổ lái đưa Người thăm Trung Quốc, các em thiếu nhi bên ấy tặng Người chiếc khăn quàng đỏ, Bác đã tặng cho Phi Phượng với lời dặn, nhớ quàng lên vai các con của cháu. Chiếc khăn quàng ấy, lần lượt được quàng lên cổ hai người con của bà thuở thiếu thời. Giờ đây, nó nằm ở Bảo tàng Hàng không Việt Nam, như một phần của kí ức bất hủ về Hồ Chủ tịch kính yêu…/. 
 Ngọc Mai

Đọc thêm