Anh Nguyễn Văn Sơn, 35 tuổi (Tp Vinh - Nghệ An) sống ở nước ngoài hơn 10 năm. Năm nay anh mới có cơ hội về quê ăn Tết cùng gia đình, anh em họ hàng. Vì lâu lắm anh mới về quê nên nhân dịp đầu năm mới anh cố gắng đến tất cả nhà anh em họ hàng hai bên để chúc Tết và chào hỏi. Nhưng điều khó khăn với anh là không thể nhớ hết anh em họ hàng mình, nên buộc anh phải đi chúc Tết cùng với một số anh chị thân thiết khác trong họ hàng.
Khi đến nhà người cậu là em họ của mẹ mình, nhưng vì thời gian quá lâu nên anh Sơn không còn nhớ là mình từng gặp người cậu họ của mình từ nhỏ, bên cạnh đó người cậu này chỉ hơn anh 2 tuổi và còn trẻ, nên khi gặp anh Sơn lại chào cậu mình bằng anh. Nhiều người nghe thấy đã phải phá lên cười, sau khi được nói lại mối quan hệ của anh với người cậu của mình, anh Sơn đã phải xin lỗi cậu mình trong ngày đầu năm.
Trái ngang hơn trường hợp của anh Sơn, câu chuyện của anh Trần Văn Trường, 24 tuổi (Cầu Giấy - Hà Nội) khiến người lớn phải suy ngẫm. Do anh Trường chưa được bố mẹ giới thiệu anh em họ hàng. Nên anh Trường đã va chạm với con của người chú họ của mình (em họ của bố - PV) khi đi trên đường nên đã xảy ra cãi cõ và đánh nhau. Tết năm nay vì đã lớn nên bố mẹ anh Trường đã bắt anh đến chúc Tết anh em họ hàng cùng với một số anh chị lớn khác trong nhà.
Khi anh Trường đến nhà người chú họ của mình để chúc Tết cùng các anh chị, thì anh Trường bắt gặp đúng người mà mình đã từng đánh nhau trên đường, trái ngang hơn đó lại là con trai của chú họ. Hai bên tỏ ra ngượng ngùng, nhưng sau đó nghe người lớn nói về mối quan hệ họ hàng thân thiết nên anh đã tự đứng ra xin lỗi em họ của mình.
Nói về lý do xảy ra trường hợp trên anh Trường chia sẻ: "Tôi là người ít khi đi đến các bữa cỗ lớn của anh em họ hàng, vì tính tôi không thích đến chỗ đông người, nên bố mẹ tôi cũng không ép đi. Đúng là anh em họ hàng tôi không thể biết hết được, vì chỉ có dịp Tết là dịp anh em họ hàng xa gần chúc Tết nhau. Nhưng các Tết trước đây anh chị tôi hay đi cùng với bố mẹ tôi, còn tôi thường ở nhà ôm máy tính. Nên tôi chỉ biết một số anh em họ hàng thân cận hay qua lại với nhà mình thôi. Đây là năm đầu tiên tôi đi cùng anh chị chúc Tết tất cả anh em họ hàng liên quan đến nhà mình. Gặp trường hợp này trớ trêu quá tôi cũng ngại".
" Lần này sau Tết thì tôi cũng biết cơ bản một số anh chị em họ hàng của mình. Tôi sẻ hỏi bố mẹ rõ hơn về tất cả anh em họ hàng mà mình mới biết" anh Trường đề xuất ý kiến cho bản thân.
Câu chuyện chúc Tết chị gái của bố mình hai lần trong ngày mùng 1, có lẽ cũng là câu chuyện hy hữu xảy ra ở nhà anh Ngô Thanh Long, 23 tuổi (Tp Vinh - Nghệ An). Do ông bà ngoại và ông bà nội của anh là thông gia kép của nhau (2 lần làm thông gia của nhau, bác gái là chị gái ruột của bố anh Long, bác trai là anh trai ruột của mẹ anh Long - PV). Ngày Tết sau khi đi chúc Tết ông bà nội ngoại xong, anh Long được bố mẹ giao đi chúc Tết anh em họ hàng bên nội của bố, còn em gái được giao đi chúc Tết anh em họ hàng bên ngoại.
Vì thế anh đi chúc Tết anh em họ hàng bên nội của mình và anh cũng đến chúc Tết cả người bác của mình, thì được bác của mình cho biết em gái mình vừa chúc Tết xong và đi ra. Do nhiều năm đều xảy ra tình huống đó nên anh cũng không còn ngại ngùng nữa.
Anh chia sẻ: "ông bà nội và ông bà ngoại của mình làm thông gia với nhau hai lần, đây là trường hợp đầu tiên mình thấy. Năm nào hai anh em cũng đến chúc bác hai lần, biết thế nhưng mình cũng vẫn vào chúc bác vì đó là bác mình, mà hai anh em đại diện cho hai bên nội ngoại nên cứ đến chúc. Nhà mình và bác đã quen với việc này, vì thế anh em họ hàng nhà bác đều là anh em họ hàng nhà mình".