Khách du lịch trở thành “người hùng thầm lặng”
Elena Brook-Hart Rodriguez sinh ra và lớn lên ở Valencia, Tây Ban Nha, chuyển đến London sau khi tốt nghiệp đại học. Ở tuổi 30, cô đã quyết định dừng công việc chiến lược gia quảng cáo để đi du lịch giải tỏa tâm lý. Chuyến đi mà cô lựa chọn là du lịch tình nguyện đến Peru. Cô chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ tình nguyện trước đây, nhưng tôi thực sự rất thích ý tưởng có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp đỡ người khác trong khi tìm hiểu về văn hóa của họ”.
Elena đến Peru vào tháng 2 năm 2020, ngay khi Covid-19 bắt đầu lây lan trên toàn cầu. Cô đã trải nghiệm du lịch đi bộ tại đường mòn Inca và được giao nhiệm vụ giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ ở các vùng xa xôi của dãy Andes. Khi đại dịch trở nên trầm trọng hơn ở quốc gia này, Elena đã chọn cách ở lại đây bởi cô nhận ra sự khó khăn của người dân bản địa: nghèo và thiếu thông tin.
Cô bắt đầu dạy tiếng Anh cho phụ nữ và trẻ em. Cô cũng bắt đầu dạy những người phụ nữ cách sử dụng thiết kế đồ họa để quảng bá các gói du lịch của mình. Khi các khu chợ đóng cửa và du lịch ngừng hoạt động, Elena bắt đầu tìm cách để những người phụ nữ này bán đồ thủ công của họ với giá hợp lý. Đến nay, cô ấy cũng đang quản lý một thương hiệu thời trang riêng với các loại trang phục và chi phí phù hợp với những người phụ nữ nông thôn ở đây.
“Tôi đã gặp những người phụ nữ quyết tâm làm việc chăm chỉ để mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình và đóng góp vào tài chính gia đình của họ”, Elena tâm sự. Đến nay, Elena đã giúp cho rất nhiều phụ nữ sống trên dãy Andes có được công việc thủ công hợp lý, thành lập liên doanh các nhà xưởng kim hoàn, tạo công việc và thu nhập cho những gia đình phải đóng cửa do Covid-19.
Câu chuyện của Elena không phải là điều hiếm thấy. Rất nhiều khách du lịch nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, môi trường bản địa trong chuyến du lịch. Những chuyến du lịch đó có thể khơi gợi trong họ tình yêu thương, mong muốn được lan tỏa kiến thức và kinh nghiệm đến những vùng đất còn khó khăn, giúp con người cải thiện đời sống.
Chính vì thế mà trên thế giới đã và đang có rất nhiều dự án du lịch tình nguyện với quy mô lớn trên nhiều quốc gia như: Tổ chức WWOOF (World Wide Opportunities on Organic Farms) – nơi liên kết những người tình nguyện với các trang trại trồng trọt hữu cơ, giúp mọi người chia sẻ cách sống bền vững; Hướng dẫn viên du lịch các tour đi bộ đường dài ở châu Âu cho hãng du lịch HF Holidays; Dự án tình nguyện viên dạy tiếng Anh tại các trường học ở Sudan – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và đem đến cho người dân nơi đây những thay đổi tích cực trong cuộc sống.
Không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương, nhiều khách du lịch cũng khuyến khích người dân nâng cao trách nhiệm về vấn đề môi trường hiện nay. Chẳng hạn, các tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ môi trường sống và quảng bá hình thức du lịch sinh thái ở Australia và New Zealand đã tạo ra một chương trình du lịch rất hiệu quả và tích cực.
Sự có mặt và tác động của các blogger du lịch cũng mang lại nhiều yếu tố tích cực đối với xu hướng du lịch bền vững. Kathrin Heckmann, một blogger du lịch với hơn 23.000 người theo dõi trên Instagram đã lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa qua những chuyến đi bộ đường dài trên núi hoặc đạp xe. Không chỉ thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, Heckmann cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng bởi cô đề cập đến các vấn đề như bảo tồn thiên nhiên và các loài sinh vật.
Cô chỉ trích những người đi du lịch cố tình phá hủy môi trường để có những bức ảnh đẹp mà không quan tâm đến hậu quả gây ra đối với hệ sinh thái. Cô ấy nhấn mạnh rằng, là người có tầm ảnh hưởng đến công chúng, các “influencer” cần quan tâm nhiều hơn đến những giá trị tích cực mà họ mang lại cho cộng đồng du lịch.
Heckmann cho biết: “Có rất nhiều người dùng tầm ảnh hưởng của mình để lan tỏa những việc tốt, họ đã giáo dục mọi người về tính bền vững, bảo vệ môi trường hoặc các vấn đề chính trị đang diễn ra, lan tỏa tri thức của mình”.
Du lịch chung tay bảo vệ môi trường. |
Du lịch có trách nhiệm không hề khó
Rõ ràng, để trở thành những người du lịch có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường là điều không khó. Rất nhiều khách du lịch đã rất quan tâm đến việc làm thế nào để mọi người hiểu và thấy được lợi ích của việc chung tay bảo đảm phát triển du lịch bền vững. Du lịch hơn cả một chuyến đi là sự lan tỏa giá trị cho cộng đồng địa phương thông qua việc giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lí, đảm bảo sinh kế lâu dài và ổn định cho đời sống người dân.
Tại Việt Nam, sự chung tay của người du lịch đối với việc cải thiện môi trường, văn hóa du lịch cũng ngày càng được khuyến khích. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Huế đã kêu gọi khách du lịch hành động có trách nhiệm, góp phần cùng cộng đồng địa phương xây dựng điểm đến. Du khách nước ngoài có thể tham gia dạy tiếng Anh, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải… Những hoạt động này được nhiều du khách ủng hộ, cùng tham gia một cách thích thú.
Từ những việc nhỏ nhất, khách du lịch có thể lan tỏa ý nghĩa của mình đối với sự phát triển bền vững. Chẳng hạn, việc mua vé vào các điểm tham quan cũng là cách để họ chung tay phát triển du lịch một cách bền vững. Vé tham quan chính là nguồn kinh phí để trùng tu di tích, di sản bị xuống cấp và cũng chính là để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan của du khách. Hơn nữa, sự hiện diện của khách du lịch cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn. Chẳng hạn, các chuyên gia quốc tế cho rằng, sự hiện diện của các thuyền lặn, các tour du lịch ngắm cá heo là một biện pháp ngăn chặn hoạt động đánh bắt bất hợp pháp.
Du lịch góp phần bảo tồn giá trị văn hóa cộng đồng bản địa. |
Ngược lại, du lịch hướng tới sự bền vững cũng mang tính giáo dục lớn đối với những du khách trực tiếp tham gia, không những tăng cường sự giao lưu văn hóa mà còn mở mang kiến thức xã hội, nâng cao kĩ năng sống. Qua những chuyến du lịch, họ nhận thức rõ những giá trị của tự nhiên, văn hóa địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân đối với môi trường và xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với việc hình thành tính cách, giá trị sống, quan niệm và lập trường sống nhân văn, từ đó giúp hình thành nên những thế hệ tương lai sống tích cực, góp phần xây dựng cộng đồng du lịch văn minh.
Một xu hướng tích cực nhìn thấy rõ hiện nay là người du lịch đã chuyển hướng sang các dịch vụ bền vững. Khách du lịch ngày càng nhận thức cao về mặt trái mà ngành du lịch gây ra với môi trường. Bởi vậy, ngày càng có nhiều nhóm du khách trẻ có ý thức hơn, tìm cách lan tỏa các hành động hướng tới sự bền vững khi đi du lịch. Những du khách trẻ được kỳ vọng sẽ là nhóm dẫn đầu xu hướng “du lịch xanh”, mở ra tương lai về một ngành du lịch bền vững, hướng tới bảo tồn giá trị tài nguyên và văn hóa bản địa.