Những chuyến xe nghĩa tình

(PLVN) - Những chuyến xe nghĩa tình lăn bánh, mang theo cả tấm lòng, sự sẻ chia và quyết tâm của cộng đồng sẽ chiến thắng đại dịch đến với các lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Sức lan tỏa, giúp sức của những tấm lòng cả nước có thêm nguồn lực để mở rộng việc hỗ trợ, hướng tới việc tiếp sức các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo, thanh niên công nhân… phương Nam chịu sự ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Người dân cả nước sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình để hỗ trợ người dân vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

TP HCM thường đi đầu trong các cuộc vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh trong cả nước. Nay dịch bệnh tại TP HCM diễn biến phức tạp, người dân cả nước sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình để hỗ trợ người dân vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Các bạn trẻ đoàn viên, thanh niên hào hứng, chung tay cùng một số doanh nghiệp, bà con nông dân, hái sản phẩm lương thực, bà con tiểu thương góp sức công của chế biến thức ăn đóng thành các thùng hàng khuân vác ra xe.

Chỉ trong một tuần, hơn 7 tấn lương thực từ tỉnh Vĩnh Long “ngược dòng” vào tâm dịch Gò Vấp - địa phương đầu tiên của TP HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nguồn vận động này, hơn 1.500 phần quà đã được trao tay người nghèo, người thất nghiệp, người dân trong khu vực phong tỏa.

Sau 2 ngày phát động, người dân Lâm Đồng đã vận động được 55 tấn rau, củ, quả, trái cây các loại, 19 tấn gạo, 500 thùng mì ăn liền, các loại nhu yếu phẩm cần thiết khác và 70,6 triệu đồng tiền mặt. Mặc dù rau, củ, quả trong thời điểm hiện tại có giá khá cao do thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến sản lượng, nhưng nhiều người vẫn nhiệt tình ủng hộ vùng “tâm dịch” của TP HCM.

Gần 300 tấn rau, củ, quả từ các huyện, thành tỉnh Đắk Lắk đã được tập kết và chở đi hỗ trợ người dân các tỉnh bạn đang căng mình chống dịch COVID -19 chỉ sau 6 ngày vận động. Các tấm lòng vàng liên tục tài trợ nguồn tiền mua rau, tiền xe vận tải, lo cơm nước cho các đội thu hoạch, phân loại, phục vụ suốt đêm ngày. Các nhà vườn ai có gì cho nấy, chở tới bằng đủ các loại xe. Nào rau, bơ, chuối, trứng, bí đỏ, bí xanh, củ cải, khổ qua, nấm, cà, chanh, ớt...

Ngày 21/7/2021, những chiếc xe đầu kéo bắt đầu lăn bánh rời phố huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lên đường “cứu trợ” miền Nam. Trên xe là nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm được đóng gói cẩn thận. Nhưng trên tất cả, đây là niềm tin yêu, lo lắng, sự cảm thông, tin tưởng TP HCM sẽ chiến thắng dịch bệnh. Tinh thần không ai bị bỏ rơi phía sau, chúng ta luôn sát cánh bên nhau để chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh.

Những chuyến hàng, những gói quà thực phẩm đượm tình nghĩa dành tặng miền Nam ruột thịt.

Sáng 17/7/2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP Huế (Thừa Thiên - Huế) làm lễ xuất phát những chuyến xe nghĩa tình lên đường mang theo hơn 30 tấn hàng cùng cá, tôm... hơn 1,3 tỉ đồng do nhân dân 36 phường, xã của TP Huế đóng góp vào Nam, chia sẻ cùng đồng bào TP HCM chống dịch COVID-19.

Sáng 14/7/2021, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, 5 “chuyến xe nghĩa tình” chở 10 tấn thực phẩm rau, củ, quả tươi và trứng gà bắt đầu xuất phát hướng về TP HCM.

Ngày 12/7/2021, Ủy ban MTTQVN TP HCM đã tiếp nhận bốn xe hàng hóa là các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận gửi tặng người dân TP HCM. Bốn chuyến xe nghĩa tình đầu tiên này của tỉnh Bình Thuận đã chở theo 4 tấn cá tươi, 4 tấn cá khô, 7.200 lít nước mắm và 500kg thanh long sấy khô với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQVN TP HCM, từ ngày 20/3/2020 đến ngày 6/7/2021, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM đã tiếp nhận số tiền hơn 991,5 tỷ đồng, trong đó đã nhận được tiền ủng hộ từ các tỉnh, thành như: tỉnh Bến Tre (500 triệu đồng), Quảng Nam (2 tỷ đồng), Quảng Ngãi (1 tỷ đồng), thành phố Hải Phòng (10 tỷ đồng), Lâm Đồng (2 tỷ đồng), Thanh Hóa (2 tỷ đồng), Bình Định (2 tỷ đồng), Hà Tĩnh (1,3 tỷ đồng).

Ngoài ra, TP HCM đã tiếp nhận hàng hóa và trang thiết bị hơn 224 tỷ đồng, trong đó đã nhận từ các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Đắk Lắk, Quảng Bình, Đà Lạt... hơn 70 tấn gạo, 20 tấn rau, củ, quả, 15 tấn khoai lang, 300kg khô, 600 chai nước mắm loại 300 lít, 1.000 quả trứng gà...

Đượm hồng yêu thương

Trong những chuyến cứu trợ từ Nam ra Bắc đối với đất nước Việt Nam, có lẽ khó ai quên được hình ảnh của bà Bùi Kim Phụng – một mạnh thường quân luôn tích cực trong công tác an sinh xã hội đã để lại ấn tượng sâu sắc. Nhiều ngày tháng qua bà đã kêu gọi, động viên và là cầu nối trao gửi hàng chục nghìn phần quà là 200 tấn hàng trị giá hơn 1,8 tỉ đồng cho người dân khu cách ly, trao tặng những suất ăn, quần áo bảo hộ cho tuyến đầu chống dịch. Đồng hành cùng bà Kim Phụng là các cá nhân, tổ chức như: nhân dân huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình; ATM gạo Huế Trường Đại học luật Huế; nhóm Tâm An - quán Sen chay Quảng Trị và nhiều mạnh thường quân trên cả nước.

Bà Bùi Kim Phụng kêu gọi, động viên và là cầu nối trao gửi hàng chục nghìn phần quà là 200 tấn hàng trị giá hơn 1,8 tỉ đồng cho người dân khu cách ly.

Không quản ngại khó khăn, dịch bệnh, đoàn thiện nguyện đã trao gửi các phần quà gồm thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và tiền mặt đến hầu hết các khu cách ly như: phường Hiệp Bình Phước, Q. 12, phường 3, Q. 11, khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân; phườngVĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; phường Tây Thạnh Q. Tân Phú; phường Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức; phường Nhơn Phú A, Q. 9; ấp Mỹ Hòa 1, Trung Chánh, Hóc Môn; khu phố 3, phường Linh Xuân, Thủ Đức; Lê Đình Cẩn ,phường Tân Tạo, Q. Bình Tân…

Được biết, nhóm thiện nguyện của mạnh thường quân Bùi Kim Phụng đã hoạt động ròng rã nhiều tháng trời từ đợt dịch 1, đợt dịch 2… Bà Kim Phụng cho biết, trong hơn 40 năm hoạt động thiện nguyện, những hình ảnh của người dân ở đâu gặp khó khăn, bà đều muốn san sẻ.

Với tấm lòng thiện nguyện, bà Bùi Kim Phụng đã và đang phát huy hết vai trò của một doanh nghiệp đứng đầu, bảo trợ, đồng hành cùng với người yếu thế mang đến thật nhiều hạnh phúc và niềm vui cho những người khó khăn.

Bà Kim Phụng đã từng tâm sự: “Nhiều người hỏi tôi, xuất phát từ đâu khi bạn dành quá nhiều thời gian cho công việc thiện. Đó là từ trái tim, sự chân thành và nỗ lực, không mưu cầu toan tính. Trên bước đường tôi đi, khó khăn, gian khổ không ít nhưng tôi hóa giải bằng trái tim chân thành”.

Sau 3 tấn cá nục đầu tiên gửi vào TP HCM, Câu lạc bộ Du lịch tỉnh Quảng Bình (CLB) đang tiếp tục thực hiện đợt 2 của hoạt động “Người Quảng Bình góp cá sẻ chia với TP HCM”. Chị Trần Thị Thùy Dung, đại diện CLB cho biết, nhóm chị đang chia nhau gom cá nục để hoàn thành các chuyến xe, chuẩn bị gửi vào TP HCM dịp cuối tuần. Mỗi ngày các tình nguyện viên thu mua khoảng 3 tấn cá nục rồi làm sạch, đóng gói, cấp đông cẩn thận. Mục tiêu của đợt này là 15 tấn cá. Hiện tại, nhóm đã gom được 6 tấn, một cơ sở khác đang gom 5 tấn cá. Tuy nhiên, tình hình áp thấp nhiệt đới khiến nhiều tàu thuyền chưa thể ra khơi. Do vậy, nếu thời tiết không thuận lợi, nhóm sẽ gửi trước 10 tấn cá nục cho TP HCM.

Số thực phẩm đượm tình nghĩa này do chính tay các chị, các mẹ, các bác, các bạn trẻ trực tiếp chế biến, thu gom với tinh thần: “Tất cả vì TP HCM thân yêu”.

“Rất nhiều năm qua, mỗi khi Huế, miền Trung bị thiên tai lũ lụt nặng nề, người dân Sài Gòn luôn nghĩa hiệp, cứu trợ. Rất nhiều năm liên tiếp thiên tai lũ lụt đổ ập vào Huế, vào miền Trung khốn khó, gần như người Sài Gòn chưa bỏ dịp cứu trợ nào. Trong sâu thẳm chúng ta cảm thấy ta nợ Sài Gòn một món nợ ân tình, nghĩa đồng bào. Nay Sài Gòn gặp nạn COVID-19, nhiều người nghèo ở Sài Gòn đang trong cơn khốn khó. Tôi đoán chắc nhiều người trong chúng ta đang day dứt: Phải làm cái chi cho Sài Gòn đi chớ!” Đó là cái nghĩa, cái tình mà bà con miền Trung thường nói “muối mặn gừng cay”, Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Thừa Thiên - Huế, chia sẻ.

Chị Hồ Thị Mến là giáo viên mầm non, quê Bình Định vào TP HCM thuê trọ được 1 tháng thì nơi ở bị giãn cách. Chị bộc bạch: “Ở nơi xa lạ giữa mùa dịch mà nhận được những phần quà thế này mình cảm thấy ấm lòng rất nhiều”. Chị Mến cũng như những người tha hương, lập nghiệp tại Sài Gòn và những người dân nơi đây đều nghẹn ngào, xúc động khi đón nhận những món quà đượm hồng yêu thương.

Đọc thêm