Những con người giữ bình yên cho bản làng vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không quản ngại khó khăn, vất vả, đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền vận động bà con chấp hành pháp luật, hòa giải những mâu thuẫn phát sinh, tham gia tố giác tội phạm, bài trừ hủ tục lạc hậu, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Đó là những gì mà người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ tại tỉnh miền núi Sơn La đã làm trong những năm qua.
Bản làng yên bình ở Sơn La.
Bản làng yên bình ở Sơn La.

Trong tiết trời se lạnh tháng 11, chúng tôi đến xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La), từng được biết đến là nơi có tình hình phức tạp về ma túy. Chúng tôi đã tới nhà ông Mùa A Chia, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lóng Luông, người già làng luôn sát cánh cùng lực lượng công an góp phần kiềm chế tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Nhớ lại chuyện ma túy bủa vây bản làng cách đây hơn 10 năm về trước, ông Chia nói: Ngày đó, Lóng Luông được coi là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Không ít người trong xã độ tuổi từ 18 - 40 tham gia buôn bán ma túy. Nhất là hai bản Lũng Xá, Tà Dê, có 140 hộ thì 50 hộ có người tham gia vận chuyển ma túy. Có thời điểm, cả xã trên 30 đối tượng bị truy nã về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Già bản Tráng Lao Lử ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Già bản Tráng Lao Lử ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Ông Mùa A Chia kể: “Thời điểm đó, tôi thường xuyên cùng lực lượng công an xã, chính quyền địa phương kiên trì đến từng gia đình, gặp gỡ trưởng các dòng họ, các tổ chức đoàn thể lồng ghép các hội nghị tuyên truyền về tác hại của ma túy. Nói với dân là phải có chứng cứ rõ ràng, chỉ ra bằng chứng là những người dân tham gia vận chuyển ma túy đã bị bắt, đi tù, gia đình tan nát, nếu bà con không dừng lại cũng sẽ bị như vậy. Từ đó, nhiều người dân đã từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Giờ đây, tội phạm ma túy ở Lóng Luông đã giảm, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng bản giàu đẹp”.

Chia tay Lóng Luông, chúng tôi tiếp tục đến huyện biên giới Sốp Cộp, gặp ông Giàng Sộng Câu, người có uy tín ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Người dân nơi đây luôn yêu quý ông Câu - một già làng đáng kính. Còn với lực lượng Công an, Biên phòng ông như cột mốc sống đang ngày đêm góp công, góp sức bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh biên giới. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Câu vẫn còn khỏe và minh mẫn.

Một già bản ở xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La luôn sống gương mẫu, động viên con cháu làm.

Một già bản ở xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La luôn sống gương mẫu, động viên con cháu làm.

Ông Câu kể: Cách đây 18 năm, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng xấu đã trà trộn dụ dỗ, lôi kéo bà con tham gia hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chính quyền cơ sở, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Thanh niên trong bản lúc ấy truyền tai nhau về một cuộc sống sung sướng nơi đất khách, rồi rủ nhau vượt biên sang Lào tìm “miền đất hứa”.

“Trước tình hình đó, tôi đã vận động một số trưởng dòng họ cùng đến từng nhà động viên, khuyên bảo người dân yên tâm ở lại sinh sống. Cùng với các lực lượng chức năng kêu gọi, vận động những người vượt biên sang nước CHDCND Lào trở về. Bằng uy tín và lời nói của mình, dần dần mọi người nghe theo và quay trở về quê hương làm ăn, phát triển kinh tế tại quê nhà. Giờ cuộc sống người dân bản Pu Hao thực sự đã đổi thay”, ông Câu chia sẻ.

Tương tự, tại bản Pha Khuông (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu), ông Vừ Sua Ly, 71 tuổi, được bà con nơi đây ví như cây cổ thụ, là chỗ dựa tinh thần cho dân bản, bởi khi ông nói, ông làm, dân bản đều hưởng ứng và làm theo. Ông Ly kể: Trước kia, Pha Khuông không chỉ là bản đặc biệt khó khăn của xã Co Mạ mà còn phức tạp về nạn trồng cây thuốc phiện, nghiện ma túy và tà đạo. Một số đối tượng xấu ở địa bàn khác đến bản tuyên truyền, lôi kéo bà con tham gia tà đạo. Các đối tượng gieo rắc những thông tin vô cùng hào nhoáng, không cần làm cũng có cái ăn, cái mặc và giàu có. Nhiều bà con nhận thức hạn chế, đã tin và nghe theo. Biết được những ý đồ đó, ông Ly cùng lực lượng công an tích cực “đi từng bản, gõ từng nhà”, vận động, tuyên truyền bà con dần nhận ra những lời hứa hẹn của những kẻ truyền đạo trái phép chỉ là lời dối trá và không tin theo nữa. Không những vậy, ông còn giúp nhiều bà con trong bản xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Già bản Vừ Sua Ly ở bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Già bản Vừ Sua Ly ở bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Có thể nói, những năm qua, hơn 500 người có uy tín, già bản, trưởng dòng họ trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Họ là “cánh tay nối dài” của chính quyền và cơ quan chức năng trong giữ gìn trật tự thôn bản. Bởi họ là những người sống trực tiếp ở địa bàn, rất am hiểu về văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán và có mối liên hệ chặt chẽ trong dòng họ, cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, họ là những người có khả năng quy tụ, tập hợp nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La khẳng định: Người có uy tín trên khắp các bản làng trong tỉnh là nhân tố tích cực, “cánh tay nối dài”, nhịp cầu nối gắn kết với lực lượng công an trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Quan tâm và phát huy tốt vai trò của người có uy tín, già bản, trưởng dòng họ trong cộng cồng, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Đây là lực lượng đã và đang, sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng trực tiếp của Đảng, Nhà nước với nhân dân trong tiến trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt là đối với một tỉnh miền núi như Sơn La lại càng có ý nghĩa quan trọng, bởi để xây dựng một địa phương phát triển nhanh và bền vững cần có sự tham gia đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, mà trong đó không thể thiếu vai trò của những người có uy tín, già bản, trưởng dòng họ, những con người thầm lặng giữ bình yên nơi bản làng vùng cao.

Được biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương tại tỉnh Sơn La luôn quan tâm vai trò của già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân tố không thể thiếu trong vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tham gia tố giác tội phạm… xây dựng thôn, bản bình yên.

Đọc thêm