Năm 2015 số người lao động mắc BNN chiếm 31,9%
Xin đơn cử một căn bệnh nghề nghiệp (BNN) điển hình mà nhiều người mắc phải là bệnh bụi phổi silic - một trong những BNN lâu đời nhất cho đến nay và có thể gây tử vong.
Bệnh bụi phổi silic thường gặp ở các nghề mà môi trường sản xuất có nồng độ bụi silic cao như công nhân khai thác mỏ than, khoan các đường hầm giữa các mỏ than, công nhân khai thác quặng mỏ, công nhân khoan đường hầm đá...
Bệnh này hiện là bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong 28 BNN được bảo hiểm hiện nay ở nước ta, chiếm tới 74,40% người mắc trong nhóm BNN. Tuy nhiên, theo PGS Khương Văn Duy, Bệnh viện Lao Phổi Trung ương, hiện nay bệnh phổi nghề nghiệp còn rất mơ hồ với người dân.
Mới đây, tại cuộc họp về an toàn lao động do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã công bố số liệu BNN trong năm 2015. Theo đó, qua 167.532 trường hợp được khám 25 loại BNN thì đã phát hiện được 8.966 trường hợp nghi mắc BNN (tăng 31,9%), tập trung vào các bệnh bụi phổi silic (1.369 trường hợp), bệnh bụi phổi bông (56 trường hợp), bệnh viêm phế quản nghề nghiệp (127 trường hợp), bệnh nhiễm độc chì và hợp chất của chì (181 trường hợp), bệnh điếc nghề nghiệp (6.567 trường hợp)…
Theo báo cáo của các địa phương và ngành, tổng cộng có 997.540 lượt người lao động đến khám chữa bệnh tại y tế cơ sở, trong đó các bệnh hô hấp chiếm 29,97%, tăng 6,87%; bệnh về đường tiêu hóa 15,59%, tăng 3,49%; bệnh về mắt 6,83%, tăng 4,1%; bệnh về cơ xương khớp 6,43%, tăng 0,83%...
Tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng BNN TP HCM, nếu các năm trước tỉ lệ bệnh nhân là công nhân mắc các BNN chỉ chiếm 10 - 15% thì gần đây tỉ lệ này là 30%.
Các chuyên gia về lao động và y tế đều đưa ra cảnh báo trong xu thế hội nhập, với nhiều ngành nghề mới được phát triển, việc sử dụng nhiều hóa chất khác nhau sẽ dẫn đến số BNN tăng cao, cả cấp tính và mạn tính, đặc biệt khi để bệnh tích tụ lâu năm thì càng nguy hiểm, không có thuốc chữa, thậm chí tử vong.
Kinh phí phòng chống BNN chỉ đạt 25-30%
Theo Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam hiện có 30.000 người lao động mắc BNN. Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn gấp nhiều lần. Nước ta chỉ mới công nhận 30 BNN, trong đó bệnh bụi phổi là phổ biến và nguy hiểm nhất (chiếm 74%), kế đến là điếc do tiếng ồn (17%), rồi các bệnh khác như nhiễm độc benzen; bệnh do tia X; sạm da nghề nghiệp, viêm da…
Mặc dù đối diện với nhiều nguy cơ mắc các bệnh do nghề nghiệp tác động song vì nhiều lý do khác nhau mà sức khỏe và tính mạng của người lao động chưa được người sử dụng lao động quan tâm đúng mức.
Trong năm 2015, kết quả đo môi trường lao động cho thấy số mẫu vượt tiêu chuẩn chưa có xu hướng giảm. Số mẫu đo, kiểm tra môi trường lao động năm 2015 vượt tiêu chuẩn cho phép là 10,25%, tập trung vào các yếu tố: ồn 17,46%, ánh sáng 15,84%, phóng xạ từ trường 19,9%, vi khí hậu 9,1%, hơi khí độc 5,5%, bụi 3,67%, rung 3,24%.
Tại TP HCM, tình trạng về môi trường lao động cũng có nhiều vấn đề để nói. Trong 1.424 cơ sở gồm công ty, xí nghiệp trực thuộc Nhà nước, các công ty liên doanh liên kết với nước ngoài, hợp tác xã, công ty cổ phần, tư nhân… được kiểm tra môi trường năm 2015, kết quả xác định nhiều mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép như: điện từ trường 4,7%, hơi khí độc 5,3%, nhiệt độ 14%, tiếng ồn 13%, ánh sáng 22%.
Tình trạng ô nhiễm này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động khiến nguy cơ gây BNN như bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, nhiễm độc, điếc, bệnh về da… lên tới gần 65%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động ở hầu hết các cơ sở vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chỉ hơn 21% cơ sở có yếu tố nguy cơ thực hiện khám BNN cho người lao động.
Ở góc độ doanh nghiệp là vậy, còn ở góc độ quản lý nhà nước, theo bà Lương Mai Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, hiện nay việc chỉ đạo quản lý công tác vệ sinh lao động, phòng chống BNN ở một số tỉnh, thành phố chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến đầu tư và tổ chức khám BNN còn nhiều bất cập.
Kinh phí dành cho ngành Y tế cả Trung ương và 63 tỉnh, thành để phòng chống BNN chỉ đạt 25-30% so với nhu cầu. Nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống BNN còn hạn chế. Do vậy, các cơ sở lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám BNN.