Những con số "khủng" trong vụ bê bối ở phòng bán vé hãng Hàng không China Airlines

(PLO) - Bằng thủ đoạn lợi dụng việc chênh lệch tỷ giá giữa USD và VND, giữa giá thị trường và giá do Công ty qui định các thu ngân của phòng bán vé từ năm 1998 đến năm 2011 gồm Phó Vi Nhất, Diệp Kinh Chi và Lữ Cẩm Hy đã bàn nhau rút bớt tiền của Công ty. 
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Công ty China Airline là Công ty cổ phần hàng không quốc gia Đài Loan 100% vốn nước ngoài. Từ năm 1991 bắt đầu hoạt động tại Việt Nam đến 07/11/1994 chính thức hoạt động theo Giấy phép mở Văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài do Cục hàng không dân dụng Việt Nam cấp, có trụ sở đặt tại số 37 Tôn Đức Thắng, TPHCM. 
Từ khi chính thức đi vào hoạt động, China Airlines bổ nhiệm các Tổng Giám đốc qua từng thời kỳ, riêng phòng bán vé thì sử dụng nhân sự kế toán trưởng là người Đài Loan, nhân viên bán vé là người Việt gốc Hoa. Do sơ hở trong công tác quản lý, ngày 30/11/2011 China Airlines phát hiện có dấu hiệu bất thường trong báo cáo kế toán của Công ty, qua đó thất thoát số tiền gần 6 triệu đô la Mỹ (tương đương 200 tỷ đồng Việt Nam). 
Bằng thủ đoạn lợi dụng việc chênh lệch tỷ giá giữa USD và VND, giữa giá thị trường và giá do Cty qui định các thu ngân của phòng bán vé từ năm 1998 đến năm 2011 gồm Phó Vi Nhất, Diệp Kinh Chi và Lữ Cẩm Hy đã bàn nhau rút bớt tiền của Cty. Đồng thời gian lận trong hạch toán công nợ bằng cách lấy tiền người sau trả tiền người trước. Khi phát hiện sự việc, China Airlines đã làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan CSĐT, sau đó cả 3 nhân viên nói trên bị khởi tố và bị bắt tạm giam, 4 tháng sau thì được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú. 
Điều đáng nói là, tuy lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Công ty lên đến gần 6 triệu đô nhưng theo kết luận của Cơ quan CSĐT và theo cáo trạng số 19/VKSTC-V1A của VKSND Tối cao thì tổng số tiền cả 3 đối tượng trên làm thất thoát trong 4 năm (từ 2008-2011) chỉ có 17 tỷ đồng? Trong số đó, cả Chi, Nhất và Hy chỉ chiếm đoạt có 50% tổng số tiền, phần còn lại chia cho các kế toán trưởng người Đài Loan nhưng không có chứng từ gì chứng minh việc đã chia chác lại, trong khi cả 3 đều là người thu tiền và người nộp. Trong quá trình điều tra vụ án, lời khai của các Kế toán trưởng (có hợp pháp hóa lãnh sự) đều khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ các bị cáo, thậm chí Ông Chen En Horng còn có bản tường trình khẳng định đã biết việc chiếm đoạt của Diệp Kinh Chi và Lữ Cẩm Hy, đã yêu cầu các đối tượng này viết bản tường trình và buộc thôi việc từ tháng 12/2011.
Bức xúc trước việc kết luận thiệt hại khác xa thực tế, China Airline đã cung cấp toàn bộ chứng từ, báo cáo thuế cho Cơ quan CSĐT để tiến hành điểu tra bổ sung, Cty này cũng thuê cả kiểm toán vào cuộc nhưng kết quả này không được chấp nhận do không đảm bảo tính chính xác theo kết luận của Giám định viên ? 
Căn cứ hồ sơ vụ án cho thấy, trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Giám định viên đã bỏ qua các chứng cứ quan trọng do China Ailines cung cấp, dẫn đến số tiền thiệt hại do các bị cáo gây ra không chính xác. 
Cụ thể, trong quá trình thu thập, xem xét đánh giá chứng cứ làm cơ sở cho việc giám định, CQĐTđã thu thập và tiếp nhận 02 nguồn chứng cứ bao gồm: Toàn bộ hồ sơ chứng từ kế toán của 04 năm  do China Airlines cung cấp và Kết quả kiểm toán từ năm 2008 - 2011do Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (“AASCS”) thực hiện. 11 chứng từ và biên bản kiểm tra từ máy vi tính được lưu trữ tại máy tính tại văn phòng China Airlines tại Tp. Hồ Chí Minh do các các đối tượng chiết xuất và cung cấp. 
Tuy nhiên, CQĐT chỉ cung cấp cho Giám định viên nguồn chứng cứ dựa trên chứng từ thể hiện trên các máy tính do chính các bị can “tự kiểm tra”, thừa nhận đã làm giả chứng từ (voucher) mà không công nhận các chứng từ do China Airlines cung cấp.Trong văn bản trả lời về nguyên tắc giám định,  
Giám định viên Trần Văn Nam đã xác nhận “chỉ nhận các tài liệu liên quan đến nội dung trưng cầu giám định do cơ quan CSĐT  cung cấp làm chứng cứ giám định, tài liệu có bao nhiêu giám định bấy nhiêu”.  
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Cơ quan điều tra đã không cung cấp cho Giám định viên toàn bộ hồ sơ chứng cứ là chứng từ kế toán của China Airline trong 04 năm dẫn đến số tiền thiệt hại chênh lệch quá lớn của China Airlines. Bởi theo các chứng cứ do China Airlines cung cấp và Báo cáo kiểm toán đều thể hiện số tiền bị thất thoát mà các bị can chiếm đoạt là: 5.783.533,75 triệu Đô la Mỹ của Công ty China Airlines và: 184.038,30 USD của Hãng hàng không Madarin do Công ty China Airlines làm đại diện.  Tuy nhiên, với Kết quả giám định khoản tiền thiệt hại của China Airlines chỉ là: 17.041.256.872 đồng. 
Không những số tiền thiệt hại của China Airlines theo Kết luận điều tra có sự chênh lệch rất lớn so với kết quả Kiểm toán và theo hồ sơ sổ sách do Công ty quản lý mà còn có sự chênh lệch khó hiểu giữa lời khai nhận của bị can so với Kết luận giám định. Ví dụ như trường hợp của bị can Phó Vi Nhất.  Bị can Nhất thừa nhận đã chiếm đoạt của Công ty số tiền lên tới: 66.000 USD (bút lục số 463, bút lục 708), đã khắc phục hậu quả với số tiền là: 1.390.000.000 đồng, nhưng Kết luận điều tra và Cáo trạng chỉ xác định số tiền do Phó Vi Nhất chiếm đoạt là 1.051.102.000 đồng (theo Kết luận điều tra); 549.015.000 đồng theo Kết luận điều tra bổ sung và cuối cùng là 478.890.000 đồng theo Bản cáo trạng.  
Như vậy, có thể thấy rằng Kết luận điều tra hoàn toàn chưa điều tra xác minh một cách có căn cứ để xác định chính xác số tiền các bị can đã chiếm đoạt mà chỉ dựa vào lời khai của bị can. Mặt khác, nếu căn cứ vào phạm vi nghĩa vụ và trách nhiệm của các bị can trong thời gian làm việc cho China Airlines, các bị can được giao trách nhiệm quản lý tài sản của Công ty, nên khoản tiền China Airlines bị thất thoát, các bị can phải có trách nhiệm bồi thường hoặc Cơ quan điều tra phải chứng minh được các khoản tiền thất thoát đó còn có những người khác chiếm đoạt chứ không thể chỉ dựa vào duy nhất lời khai của các bị can, mà không có bất cứ tài liệu nào chứng minh việc đã chia lại 50-50 cho kế toán trưởng qua các thời kỳ. 
Tóm lại, nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan của vụ án, thiết nghĩ Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra cần tiến hành điều tra bổ sung để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật . 

Đọc thêm