Những 'cột mốc' đặc biệt ở biên giới Việt - Lào

(PLO) - Với đường biên giới giáp nước CHDCND Lào dài gần 200km, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có đường biên dài nhất Việt Nam. Sau nhiều năm nỗ lực, Chính phủ Việt Nam và nước bạn Lào đã xây dựng được hàng trăm cột mốc biên giới, đánh dấu chủ quyền của hai quốc gia. Để bảo vệ trông coi những cột mốc nơi phên dậu của Tổ quốc luôn vững vàng, có những câu chuyện cảm động nơi miền biên giới.
Già Hự đã có hơn 30 năm gắn bó với công việc chăm sóc bảo vệ cột mốc 304

“Hàng rào” Tổ quốc

Tuyến biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn dài 192km; tỉnh Thanh Hóa có 5 huyện biên giới gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân, có 16 xã biên giới, tiếp giáp với 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn (Lào) gồm: Xốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ. Địa hình các khu vực đường biên giữa hai tỉnh chủ yếu là rừng, núi độ dốc lớn xen kẽ giữa sông, suối rất phức tạp. 

Trong  kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam – Lào, hai tỉnh Thanh Hóa- Hủa Phăn được giao xác định và xây dựng 88 vị trí/92 cột mốc, trong đó có 2 vị trí cắm mốc đại, 16 vị trí mốc trung và 70 vị trí cắm mốc tiểu. 

Trong những năm qua tại 16 xã biên giới công tác bảo vệ, giữ gìn cột mốc đã được các già làng, người có uy tín, trưởng bản, bí thư chi bộ của 150 bản quan tâm tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc cùng tham gia, đã có 56 già làng tự nguyện đăng ký tham gia tự quản 56 cột mốc trên tổng số 88 vị trí cột mốc quốc giới.

Theo Trung tá Lê Thế Dân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quang Chiểu: Đồn có nhiệm vụ quản lý gần 45 km đường biên với 22 cột mốc, nhiều cột mốc có địa hình hiểm trở, như: Cột mốc 304 được xem là cột mốc cao, xa và khó đi nhất, phân định ranh giới giữa xã Quang Chiểu với bản Phiềng Khạy (cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn); cột mốc 287 nằm trên đỉnh đồi Poom Dưới, đây là điểm phân định giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (huyện Mường Lát) với bản Suối Sạn, huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn... 

Cùng với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, trong suốt thời gian qua, nhân dân miền Tây Thanh Hóa đã đem hết sức mình, tích cực bảo vệ những cột mốc thiêng liêng. Và cũng chính từ “nơi hiểm địa sáng tình đất nước” này, là nơi khởi nguồn cho phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên cột mốc từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước và bền bỉ trường tồn. 

Ngược lên Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn). Nơi đây có chiều dài đường biên lên tới 30 cây số. Có tới 16 cột mốc để phân định với nước bạn Lào. Ngoài cột mốc 327 đóng tại cửa khẩu thì những cột mốc còn lại đều có vị trí địa hình hiểm trở, đòi hỏi việc bảo vệ phải nghiêm ngặt. Để có thể đảm nhiệm tốt trọng trách bảo vệ đường biên, mốc giới, Đồn Biên phòng Na Mèo đã nhận được sự trợ giúp đắc lực từ 13 già làng, trưởng bản, trong đó có những già làng tuổi đời đã ngoài 70, 80 với hơn 30 năm gắn bó.

Vững vàng những cột mốc lòng dân

Lực lượng chức năng xác định công tác bảo vệ cột mốc đường biên là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để gìn giữ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trách nhiệm nặng nề đó thuộc về các lực lượng chức năng chuyên trách, tuy nhiên để “hàng rào, phên dậu” của Tổ quốc luôn vững vàng thì sự đóng góp của nhân dân vùng biên, đặc biệt là các già làng, các cao niên là hết sức lớn lao. 

Trong số 88 vị trí cột mốc quốc giới đã được tôn tạo mới tại Thanh Hóa, có 56 già làng, trưởng bản, người có uy tín tự nguyện đăng ký tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc. Trong đó, tiêu biểu như cụ Lâu Văn Hự, ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu; cụ Lương Văn Sôi, ở bản Cang, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát; cụ Vi Văn Hợi, ở bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn...

Hành trang các già mang theo trong mỗi chuyến lên cột mốc, chỉ đơn sơ con dao quắm để phát quang bụi rậm, chiếc radio để theo dõi các thông tin chính trị xã hội của đất nước, cây gậy làm bạn đường trường và nắm cơm để ăn trưa, chai nước để giải cơn khát giữa đường rừng... 

Công việc của các già trước đây là phát quang cỏ dại mọc xung quanh, đắp đất vào chân cột mốc, kiểm tra hiện trạng cột mốc. Nếu có gì thay đổi, già Hự đều báo cáo đầy đủ cho cán bộ Biên phòng. Nay có cột mốc mới bền đẹp, chân mốc được đổ bê tông cốt thép vững chãi thì công việc đỡ vất vả hơn.  

“Bộ đội biên phòng đã phải trải qua bao gian nan, vất vả mới xây dựng được các cột mốc biên giới. Vì địa hình ở đây rất hiểm trở, thời tiết lại hết sức khắc nghiệt, công tác khảo sát, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Đã có người hy sinh trong quá trình xây dựng cột mốc. Thế mà sau khi xây xong, có người vô ý thức lấy cột mốc làm nơi néo giữ gỗ khai thác trong rừng, rồi người dân chăn dắt, buộc gia súc vào cột, hoặc thi thoảng cột lại bị những người vô ý thức đập phá sứt sẹo. Buồn lắm! Chỉ tại họ chưa hiểu hết ý nghĩa của các cột mốc biên giới thôi”, già Hự chia sẻ.

Khi các già tuổi cao sức yếu, những người con của các già, như: Anh Lâu Văn Lâu, anh Phan Văn San... đang tiếp nối tự nguyện bảo vệ đường biên mốc giới. Từ những việc làm của già Hự, già Xiết, già Xôi... và các con, phong trào tự nguyện nhận bảo vệ cột mốc đã được nhân rộng trên địa bàn xã Quang Chiểu, hiện đã có 19 gia đình tự nguyện đăng ký bảo vệ 22 cột mốc chủ quyền cùng với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc 2 bên biên giới Việt Nam – Lào bảo vệ sự bình yên biên giới quốc gia. Việc làm của các già và người dân nơi đây đã giúp bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc. 

Trong căn nhà nằm ở lưng chừng núi, già Hự năm nay đã bước sang tuổi 95, mỗi buổi sáng khi ánh bình minh vừa lên, già lại hướng mắt nhìn xa xăm về đỉnh núi Đá Đỏ. Nơi đó, suốt hơn 30 năm ròng rã, nhịp bước chân đều đặn của già đã vượt núi băng rừng, tự nguyện mỗi tháng 2 lần lên chăm sóc, nắm tình hình cột mốc 304. Đến nay, khi đôi chân ấy không còn được như con nai, con hoẵng, sức khỏe dần khuất phục trước tuổi tác thì chặng hành trình mới chịu dừng lại. 

Dẫu vậy, sâu thẳm trong tâm trí của già vẫn hướng về G8 bằng một tình yêu thủy chung, son sắt. Lâu Văn Lự, Lâu Văn Lâu, Lâu Văn Lênh... ba người con trai của già Hự giờ cũng lần lượt được giao trọng trách thay cha bảo vệ đường biên mốc giới. Già Hự cũng đã lên Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin ý kiến và được đồng ý với việc chuyển giao này. 

Giao nhiệm vụ cho thế hệ kế cận già Hự yêu cầu con cháu mình phải khắc ghi lời dạy: “Biên giới của Tổ quốc là mảnh đất thiêng liêng mà các thế hệ cha ông đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt và hy sinh biết bao xương máu mới có được, thế nên chúng ta cần phải biết trân trọng, giữ gìn”.  

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, người từng giữ chức vụ Đồn trưởng Đồn BP Quang Chiểu trong nhiều năm cho biết: “Những già làng như cụ Lâu Văn Hự, cụ Phàn Định Xiết cùng con cháu các cụ sau này đều là những điển hình tiêu biểu trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”. Không chỉ tình nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, các cụ còn vận động con cháu, người dân trong xã tích cực bảo vệ đường biên, mốc giới và xây dựng tình đoàn kết trong thôn bản cũng như tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới...”. 

Đọc thêm