Lao vào những điểm nóng
Nhiệm vụ của Quan sát viên quân sự, hay Sĩ quan liên lạc tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan và Trung Phi phải thường xuyên có mặt tại các thực địa, các điểm nóng về an ninh, khu vực bất ổn, thậm chí cả những điểm đang giao tranh giữa các phe nhóm. Các Sĩ quan liên lạc phải nắm bắt tình hình an ninh trên các địa bàn và đời sống của người dân để báo cáo lại Phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS).
Các Sĩ quan liên lạc có nhiệm vụ phối hợp cùng với các cơ quan, tổ chức khác của Phái bộ tiến hành quan sát, giám sát và báo cáo tình hình an ninh và tình hình nhân quyền trên địa bàn. Cụ thể, việc sử dụng, tuyển mộ trẻ em làm binh lính, các khu vực nguy hiểm có bom mìn và thực hiện các nhiệm vụ của chỉ huy trưởng các lực lượng quân sự tại địa bàn.
Họ thường tiến hành các phiên tuần tra đường bộ, đường thủy, đường không... để đánh giá tình hình an ninh, nhân đạo, tình hình giao thông đường bộ, đường thủy phục vụ cho các hoạt động nhân đạo. Đồng thời, nhiệm vụ của họ cũng bao gồm việc thực hiện hộ tống việc đưa đón đoàn, vận tải hàng hóa, khí tài, hộ tống công binh khảo sát các tuyến đường...
Khi có xung đột vũ trang xảy ra giữa các nhóm vũ trang, sĩ quan liên lạc phải tiến hành điều tra, xác minh thông tin về nguyên nhân, cũng như tình hình thương vong sau mỗi cuộc đụng độ để báo cáo kịp thời. Trong nhiều trường hợp họ phải đi đến địa bàn để xác nhận thông tin về tình hình an ninh và nhân quyền tại đó. Bởi đặc thù công việc như vậy mà họ có thể bị điều động đi bất cứ lúc nào.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hằng cho biết, một trong các sứ mệnh chính của Phái bộ UNMISS là bảo vệ thường dân, thiết lập môi trường hòa bình để giúp người dân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Còn nguyên tắc của LHQ là trung lập, không tham gia ủng hộ bất cứ phe phái nào trong xung đột.
Bởi vậy, nhiệm vụ của các thành viên phái bộ được thực hiện thông qua đàm phán, sao cho đoàn tuần tra vượt qua được chốt canh gác, đến địa điểm cần thiết. Đặc biệt, tại các nơi đang xảy ra xung đột họ phải tới để bảo vệ người dân, không để tình hình ở đó diễn biến xấu hơn.
|
Mỗi khi đi làm nhiệm vụ, anh Vinh và đồng đội phải mặc áo chống đạn, mang theo dụng cụ cứu thương (Ảnh: Cục GGHB) |
Dù tới đất nước Nam Sudan với nhiệm vụ cao cả là thế nhưng nguy hiểm vẫn luôn rình rập các Quan sát viên quân sự khi họ đi trên đường hay lúc xuống xe đàm phán tại các trạm kiểm soát. Trong quá trình tuần tra, họ phải tiếp xúc với người dân, thủ lĩnh các nhóm phiến quân, quân đội chính phủ. Dù đã ký kết thỏa thuận về việc triển khai lực lượng và cơ chế chia sẻ thông tin giữa LHQ và Chính phủ Nam Sudan nhưng quân chính phủ thường xuyên cản trở việc đi lại của nhân viên phái bộ LHQ.
Tại các chốt chặn trên đường tuần tra, quân chính phủ thường yêu cầu có thêm con dấu của chính quyền địa phương hoặc từ chối cho qua vì lí do đang triển khai hoạt động quân sự. Họ cũng nói không muốn cho sĩ quan LHQ đến các vùng phiến quân kiểm soát. Do đó, việc đi qua các trạm kiểm soát để hoàn thành nhiệm vụ được giao phải thường xuyên có những cuộc đàm phán căng thẳng.
Trung tá Trương Anh Tuấn (trợ lý Phòng Huấn luyện - Cục GGHB Việt Nam) nhớ lại tình huống khi anh thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan: “Stop! Get out of the car”. “Hands up or I shot!” (Dừng lại! Ra khỏi xe. Giơ tay lên, không tôi bắn). Tiếng hô từ viên sĩ quan thuộc lực lượng quân Chính phủ Nam Sundan cùng toán lính được trang bị vũ khí tiến lại gần và ra lệnh cho đoàn xe của Phái bộ GGHB của LHQ tại Nam Sudan”.
Theo Trung tá Tuấn, trong tình hình này, chỉ cần có biểu hiện kháng cự là quân chính phủ sẽ bất chấp tất cả và nổ súng. Để làm dịu tình hình Trung tá Trương Anh Tuấn đã chỉ đạo đoàn xe dừng lại, vừa mở cửa xe bước xuống vừa hô to: “We are United Nations Mission in South Sudan” (Chúng tôi thuộc Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan).
Khi nghe thấy vậy, toán lính Chính phủ cũng bớt căng thẳng nhưng anh Tuấn phải mang theo toàn bộ hồ sơ, giấy tờ đã được chuẩn bị trước đó xuống đàm phán. Quan trọng nhất trong số đó là giấy tờ chấp thuận cho đoàn xe làm nhiệm vụ của Sư đoàn trưởng quân Chính phủ để đàm phán với sĩ quan chỉ huy lực lượng này. Bằng những giấy tờ và lý lẽ thuyết phục, đoàn công tác của LHQ được đi qua.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lần các chiến sĩ mũ nồi xanh của ta và đồng nghiệp phải lập lán trại ở qua đêm, hoặc phải tạm dừng chuyến tuần tra, báo cáo về vi phạm tự do đi lại gửi lên trụ sở Liên Hợp Quốc để họ làm việc với nước chủ nhà.
Hành trang của Quan sát viên quân sự
Trung tá Lương Trường Vinh Nhận nhiệm vụ Quan sát viên quân sự (Sỹ quan liên lạc) tại phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan (UNMISS) từ tháng 6/2019, cho biết, trong mỗi chuyến tuần tra, để đảm bảo an toàn cho các Sỹ quan phái bộ UNMISS sẽ cử lực lượng bảo vệ của tiểu đoàn bộ binh đi cùng họ. Quân số bảo vệ khoảng từ 30 đến 60 người tùy theo tính chất nhiệm vụ và tình hình an ninh. Đi đầu và cuối là xe bọc thép chở quân, ở giữa là xe chở sỹ quan, xe cứu thương.
Các Quan sát viên quân sự thường đi tuần tra theo tổ hai người, và tham gia các chuyến tuần tra tích hợp với các cơ quan dân sự của Phái bộ. Vì vậy, kĩ năng làm việc nhóm là một yêu cầu rất quan trọng.
Nội chiến kéo dài, đất đai hoang hóa, đói nghèo cũng là nguyên nhân chính khiến các lực lượng vũ trang và người dân nơi đây trở nên quá khích, lúc nào cũng lăm lăm cây súng và sẵn sàng nhả đạn khi thấy bị đe dọa hay bực tức. Họ thậm chí còn chặn đường bất cứ đoàn xe nào để “xin” lương thực, quần áo, trang bị thiết yếu... cả ngày và đêm.
Để đảm bảo an toàn, anh và đồng nghiệp dành nhiều thời gian nghiên cứu trước tình hình, đặc điểm các nhóm vũ trang, đầu mối liên lại tại vùng tuần tra qua các bản báo cáo và cập nhật an ninh từ những chuyến tuần tra trước... Các sỹ quan phải mặc áo chống đạn và di chuyển trong các xe ô tô bọc thép có thể ngăn chặn được các làn đạn từ súng tiểu liên bắng thẳng. Nếu không có tình huống bắt buộc họ sẽ hạn chế rời khỏi xe.
Những cái nắng hơn 60 độ C, làm tan chảy cả lớp da bên dưới kính chắn gió của những chiếc xe bọc thép Nissan Patrol. Loại dùng phổ biến ở các Phái bộ gìn giữ hoà bình LHQ, đã bị nắng nóng làm phồng rộp lớp da bên dưới kính chắn gió. Ngồi trong những chiếc xe đó và di chuyển trên các cung đường đất gồ gề của Nam Sudan yêu cầu các chiến sĩ mũ nồi xanh phải có một sức khỏe tốt.
|
Vào mùa mưa việc di chuyển của các chuyến xe Quan sát viên quân sự tại Nam Sudan vô cùng vất vả |
Theo Trung tá Vinh, trên đường đi công tác họ còn phải mang theo dụng cụ cứu thương, đặc biệt là các lọ sát trùng vì ở đây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Ebola, sốt rét... rất cao.
“Khi phải ngủ lại dọc đường, chúng tôi chú ý quan sát các hướng có thể bị mai phục, cố gắng tạo vật cản che chắn. Mặc dù đây là nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ, nhưng trước hết mình phải tự lo an ninh cho bản thân và tư vấn cho chỉ huy lực lượng bảo vệ”, anh nói.
Do quá trình tuần tra chủ yếu di chuyển trên đường, thức ăn cũng được anh Vinh cùng các đồng nghiệp chuẩn bị những món tiện lợi như trứng luộc, lương khô, bánh quy, hoa quả... Có hôm xe chạy cả ngày, anh chỉ dùng lương khô và nước uống.
Bên cạnh đó, Thiếu tá Nguyễn Văn Hằng cũng cho rằng, việc được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết trong quá trình tập huấn tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài (về kỹ năng sinh tồn trong rừng, trong những điều kiện khắc nghiệt, kỹ năng sửa chữa xe, kỹ năng đàm phán...) đã giúp các sĩ quan Việt Nam thích nghi với tình hình thực tế và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.