Những dấu chấm hỏi lớn về đấu thầu một dự án hàng trăm tỷ ở Tp. HCM

(PLO) - Tháng 8 vừa qua, Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn thuộc Sở Giao thông thành phố HCM (sau đây được viết tắt là CĐT) đã tổ chức đấu thầu gói “Tổng thầu EPC (Thiết kế - Cung cấp thiết bị công nghệ và Thi công công trình)” thuộc dự án “nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành đô thị” (sau đây được viết tắt là gói thầu). Điều gì bất thường xảy ra trong quá trình đấu thầu dự án này? 
Những dấu chấm hỏi lớn về đấu thầu một dự án hàng trăm tỷ ở Tp. HCM

Gói thầu được mời dự theo hình thức một gói giai đoạn hai túi hồ sơ, tức là theo Điều 29 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (sau đây được viết tắt là LĐT)“Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá”

Đã có nhiều nhà thầu nộp hồ sơ và ngày mồng 5 tháng 12 năm 2017 CĐT đã ra văn bản số 59/TB-TTQLĐHSSG “Thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật”, trong đó đưa ra tên của một nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Điều đáng nói ở đây là trong số 6 nhà thầu được thông báo là không được tiếp tục xét về hồ sơ tài chính (giá bỏ thầu) thì có 2 nhà thầu bị loại vì không đáp ứng về năng lực kinh nghiệm, 1 nhà thầu không đáp ứng về kỹ thuật, còn 3 nhà thầu bị loại vì không đáp ứng tính hợp lệ của hồ sơ (đơn dự thầu hoặc một văn bản trong hồ sơ không đúng theo mẫu yêu cầu). Thông báo trên cũng ghi rằng vào hồi 14h00 ngày 06/12/2017 mời nhà thầu có hồ sơ đạt yêu cầu đến để mở Hồ sơ đề xuất tài chính, tức là từ lúc ký thông báo bước xét túi hồ sơ bước 1 đến lúc tiến hành bước 2 của quy trình xét hồ sơ dự thầu chỉ có chưa đến 1 ngày.

Ngay sau khi nhận được thông báo số 59, đã có nhiều nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến CĐT và Ủy ban ND Tp. HCM theo đúng quy định của Điểm a, khoản 1, Điều 91 LĐT, trong đó khiếu nại về việc bị loại vì không đủ năng lực kinh nghiệm, vì một tài liệu trong hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu của HSMT. Theo quy định của Điều 92 Luật Đấu thầu về Quy trình giải quyết kiến nghị, quy trình giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu: “Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu”. Tuy vậy, đến hôm nay, 20 tháng 12 tức là 14 ngày kề từ khi các kiến nghị được gửi đến CĐT, chưa nhà thầu nào nhận được văn bản theo luật định.

Ngày 06 tháng 12 CĐT nhà thầu ITD-PVM (kiến nghị về việc bị loại vì không đáp ứng về năng lực kinh nghiệm)  đến tham gia dự thủ tục mở Hồ sơ đề xuất tài chính đã bị CĐT từ chối cho phép vào với lý do đã bị loại. Điều này cũng là trái với Khoản 4, Điều 5. Đánh giá hồ sơ dự thầu, Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT: “Các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật có thể cử đại diện tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất về tài chính.”.

Được biết, gói thầu được dự toán đầu tư lên đến hàng trăm tỷ, việc lựa chọn chỉ một nhà thầu duy nhất vào để mở giá tài chính có thể làm chênh lệch giá trị đầu tư và hạn chế gần như tuyệt đối về giải pháp công nghệ. Theo yêu cầu của HSMT, nhà thầu đáp ứng yêu cầu về năng lực bắt buộc phải có được các hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ đã thực hiện tại Việt Nam trong điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Các nhà thầu đã tham gia các dự án lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tai Việt Nam thì bị loại bỏ, trong khi theo chúng tôi được biết nhà thầu duy nhất được lựa chọn qua vòng 1 của xét thầu là FIS-VTCO thì lại chưa có tham gia một hợp đồng lớn nào trên tại 3 thành phố lớn: Tp. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Hợp đồng năng lực tối thiểu cần có trị giá lớn hơn 165 tỷ VNĐ trong Điều khiển tín hiệu đèn giao thông đã triển khai tại Việt Nam có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay và dễ dàng kiểm chứng.

Đọc thêm