Những Đền thờ Bác được dựng ngay trong lòng địch ở Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện nay, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có khoảng 30 Đền thờ, Phủ thờ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều công trình ra đời trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Tất cả đều thể hiện tình cảm trân quý, kính trọng của người dân miền sông nước đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.
Phiên bản Nhà sàn Bác Hồ được dựng trong khuôn viên Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh.
Phiên bản Nhà sàn Bác Hồ được dựng trong khuôn viên Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh.

Mỗi đền thờ đều có những nét riêng ở cách trưng bày những tư liệu về Bác, về thiết kế, bố trí cảnh vật và không gian xung quanh khuôn viên đền thờ nhưng đều thể hiện được sự tôn nghiêm, trang trọng và luôn sẵn sàng đón người dân, du khách đến để dâng hương tưởng nhớ Bác.

Tại tỉnh Trà Vinh, Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Với diện tích rộng 5,4ha, ngoài Đền thờ, ở đây còn có một số hạng mục như: nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; khuôn viên cây xanh, ao cá, khu vui chơi… và đặc biệt là mô hình Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng với tỉ lệ 97% so với nguyên bản nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội).

Đền thờ được xây dựng từ ngày 10/3/1970. Tuy lúc này là cao điểm lấn chiếm, bình định của địch nhưng khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, bất chấp sự cấm đoán gắt gao của địch, nhiều gia đình ở Long Đức, ở Trà Vinh đã lập bàn thờ tưởng nhớ Bác và có ý nguyện có một nơi khang trang để thờ cúng và tưởng nhớ Bác.

Đền thờ được xây dựng ngay giữa lòng địch và đã bị địch nhiều lần càn quét, đốt phá. Tuy nhiên, khi địch vừa đốt xong thì quân dân địa phương xây dựng lại, vừa bảo vệ Đền thờ, vừa chống lại nhiều trận tấn công của quân địch. Ngày 5/9/1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Long Đức đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Tại Hậu Giang, Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Ngay sau khi Bác mất, địa phương quyết định dựng đền thờ Bác nhưng do lúc đó, địch tổ chức phản kích quyết liệt nên chưa có điều kiện xây dựng. Bàn thờ Bác được lập tại cơ quan Đảng ủy xã Lương Tâm, nhưng mùa hè năm 1972 nơi này bị bom pháo Mỹ đánh sập. Cơ quan phải dời đi nơi khác, bàn thờ của Bác được lập lại và đều đặn tổ chức các hoạt động thăm viếng Bác.

Đến năm 1990, Đền thờ được chính thức được xây dựng. Tuy nhiên, do Đền có qui mô nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân đến viếng Bác nên lãnh đạo tỉnh đã quy hoạch tổng thể khu Đền thờ mới gần rộng gần 2ha với kiểu kiến trúc truyền thống, trang trọng, tôn kính. Ngày 07/07/2000, Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận Đền thờ là di tích lịch sử Quốc gia.

Tại Bạc Liêu, Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) được khánh thành năm 1970. Trải qua chiến tranh, tuy nhiều lần bị giặc đánh phá nhưng Đền thờ vẫn tồn tại uy nghiêm nhờ quyết tâm và sự anh dũng của Đảng bộ, quân dân địa phương. Đến năm 1998, Đền thờ được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích Đền thờ Bác được khởi công vào đầu năm 2010 với tổng diện tích hơn 45.000m2, gồm Đền thờ, Nhà trưng bày (về cuộc đời, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quân dân xã Châu Thới chiến đấu bảo vệ Đền thờ Bác), hai bức phù điêu lớn…

Có thể nói, trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì Cà Mau là tỉnh có nhiều đền thờ Bác Hồ nhất. Trong khoảng 18 ngôi đền, phủ thờ Bác Hồ thì có đến 13 ngôi đền được xây dựng trong kháng chiến (sau khi Bác vừa mất đến cuối năm 1974), có 5 Đền thờ, Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Ngôi đền Bác Hồ tại Cà Mau đầu tiên được xây dựng ở hậu Nà Chim (xã Đất Mới, huyện Ngọc Hiển) do một bộ phận Tỉnh đội và Tổ Đảng cùng bà con địa phương hợp sức thi công giữa tháng 9/1969.

Từ đó, hàng loạt Đền thờ Bác Hồ được dựng lên ở rạch Ngã Quát, ấp Hàm Rồng; ngôi đền Bác Hồ ở Tắc Năm Căn (rạch Lô Ráng - Tắc Ông Kiểng), xã Năm Căn; ngôi đền Bác Hồ ở Máng Chim, ấp Cái Xép, xã Viên An; ngôi đền Bác Hồ ở ấp Rau Dừa (Đầu Sấu), xã Hưng Mỹ… Những Đền thờ Bác Hồ vừa là di sản văn hóa của địa phương, vừa là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân trong tỉnh.

Đọc thêm