Mẹ, con chết đây, con tiêu rồi, con không sống nổi nữa, con đã trót dại…" - Là những cụm từ mà đứa con gái bé bỏng đang mang đồng phục học sinh của bạn thông báo về việc con mang thai ngoài ý muốn.
Làm thế nào để giải quyết vấn đề này một cách êm đẹp mà không mang lại hậu quá đáng tiếc cho con gái của bạn và tránh những cú sốc cho các thành viên trong gia đình. Đây là lúc bạn phải tỉnh táo để giúp con đưa ra lựa chọn. Hãy giúp con đưa ra lựa chọn, chứ không chọn thay cho con!
Sau đây là những lời khuyên của chuyên gia giáo dục giới tính và sức khỏe người Mỹ Debra Haffner, tác giả của những cuốn sách "Từ cái nôi để các cuộc hẹn đầu tiên... (2013)" và "Từ buổi hẹn hò đầu tiên đến cuộc sống trưởng thành (2016)".
Hãy hít thở thật sâu, cố gắng bình tĩnh và hơn hết phải lắng nghe con bạn. Hãy đặt những câu hỏi như: "Sao con lại nghĩ mình có thai?", "Hãy kể cho mẹ có chuyện gì đã xảy ra?", hay "Con có dự định gì chưa?". Phần lớn các em bị chậm kinh nguyệt và nghĩ rằng mình có thai. Hãy làm những kiểm tra khác tại nhà như dùng que thử thai… và cùng con đi xét nghiệm.
Trong lúc này, tâm lý của con thường không ổn định, mẹ hãy ở bên để cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn. |
Trong trường hợp có thai ngoài ý muốn, con gái của bạn có 3 hướng lựa chọn sau:
1. Giữ lại đứa bé, sinh con và nuôi con một mình, hoặc nuôi con với đối tượng là cha đứa bé, hoặc với một đối tượng khác sau này.
2. Giữ lại đứa bé, sinh con cho con nuôi, hoặc gửi đến các trại mồ côi…
3. Phá thai.
Một lần nữa, tôi muốn lưu ý rằng: Hãy để cho con gái của bạn tự lựa chọn! Bạn sẽ muốn làm tất cả thay cho con, quyết định và giải quyết tất cả. Hãy giúp đỡ con bạn mọi thứ, trừ lựa chọn cuối cùng.
Ở Việt Nam, có thể các bậc cha mẹ tự quyết định và làm mọi thứ, nhưng theo luật của những nước tiên tiến và họ áp dụng luật một cách triệt để. Trường hợp phá thai với lứa tuổi bất kì cần có sự đồng ý của mẹ thai nhi, còn trong trường hợp mẹ thai nhi muốn giữ lại đứa trẻ thì không ai có quyền can thiệp vào lựa chọn này. Cha của thai nhi không có quyền quyết định hay cấm đoán việc phá thai. Anh ta chỉ có quyền phản đối việc cho con nuôi.
Hãy cố gắng có một cuộc trao đổi thẳng thắn và bình tĩnh với bố đứa trẻ, cho dù bạn đang rất tức giận với anh ta.
Điều này không có nghĩa là bạn tách mình ra khỏi chuyện này, phó mặc tất cả cho con bạn và bố đứa trẻ. Con gái bạn cần sự giúp đỡ của bạn để quyết định chọn lựa một hướng giải quyết và hãy giúp con bạn nhìn thấu hậu quả mà mỗi hướng lựa chọn mang lại. Hãy cố gắng bình tình với cha đứa trẻ và nhắc nhở anh ta phải có trách nhiệm với những gì mà mình đã làm, đã gây ra với con gái của bạn. Sự bình tĩnh và tôn trọng của bạn, và của gia đình bạn đối với cha đứa trẻ, sẽ giúp xóa tan sự sợ hãi, trốn tránh trách nhiệm của anh ta.
Lý tưởng nhất trong những cuộc bàn bạc đưa ra hướng giải quyết không chỉ có cha đứa bé, mà còn cần có bố mẹ của anh ta (đặc biệt trong trường hợp anh ta không tự lập, hoặc cũng còn trẻ con như con bạn). Quyết định đưa ra không nên vội vã nhưng càng sớm càng tốt. Phá thai an toàn nhất trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Và có thể không cần tiến hành phẫu thuật nếu trong 7 tuần đầu tiên.
Nếu con gái bạn quyết định giữ lại đứa trẻ, hãy nhanh chóng ổn định tâm lý và có kế hoạch cho việc chăm sóc sức khỏe của mẹ thai nhi. Nếu con bạn quyết định cho con nuôi hoặc gửi đến những trại trẻ mô côi, bạn hãy giúp con tìm hiểu những vấn đề này; Sẽ gửi đến đâu và làm những thủ tục gì. Và đặc biệt, hãy để ý đến tâm lý của con gái bạn, hơn lúc nào hết, con cần được quan tâm, chăm sóc và yêu thương.
Chính con là người đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. |
Đưa ra lựa chọn
Hãy giúp con lựa chọn bằng cách đưa cho con những gợi ý và thời gian suy nghĩ. Hãy hỏi con những câu hỏi mang tính trung gian và cố gắng loại bỏ ý muốn của bạn trong trường hợp này:
- Con muốn phương án nào? Giữ lại em bé rồi mình nuôi hay bỏ em bé đi?
- Lựa chọn nào phù hợp với con?
- Với mỗi lựa chọn, nó sẽ ảnh hưởng lên con như thế nào? Rồi ảnh hưởng lên bố đứa trẻ và cả cuộc sống của bố mẹ nữa?
- Kế hoạch và hy vọng của con trong tương lai là gì? Đứa trẻ có thể làm thay đổi hay ảnh hưởng nên những kế hoạch này như thế nào?
- Niềm tin tôn giáo, trách nhiệm sống, vấn đề đạo đức của con nói gì trong vấn để này?
- Lựa chọn nào sẽ giúp con tốt hơn trong tương lai, không chỉ tốt hơn trong 3 năm, 5 năm mà cả cuộc đời của con sau này?
- Con có mong muốn cho đứa bé có một gia đình không?
Nếu con quyết định giữ lại và sinh đứa trẻ
Việc sinh nở sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của con bạn. Những nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ sinh con ở tuổi teen có thu nhập sau này thấp, luôn cần phải hỗ trợ tài chính và ít có khả năng kết hôn hơn với những người mà tự quyết định sinh con ở tuổi trưởng thành. Hãy lưu ý là con gái bạn đang ở tuổi vị thành niên từ 13-18 tuổi.
Những bé gái ở độ tuổi 13-18 tuổi vẫn có thể sinh nở an toàn và trở thành người mẹ tốt nếu được sự giúp đỡ cần thiết từ phía gia đình. Con gái của bạn vẫn cần phải có trình độ giáo dục phổ thông và tốt hơn nữa là giáo dục ở bậc đại học. Quan trọng hơn cả để giúp một bà mẹ teen thành công đó là sự cộng tác, giúp đỡ và thấu hiểu từ phía gia đình.
Con gái của bạn cần phải suy nghĩ về việc liệu con có sẵn sàng nuôi dạy đứa trẻ, sẽ cố gắng giải quyết những vấn đề tài chính, vấn đề sức khỏe... Và cố gắng học tập để trau dồi kiến thức về sinh nở, nuôi dạy con sau này.
Dù quyết định thế nào, việc ổn định cuộc sống sau này là quan trọng hơn cả. |
Bạn hãy hỏi con những câu hỏi về tương lai. Khi con bạn quyết định giữ lại và nuôi đứa trẻ rồi, bạn hãy đưa ra cho con và mọi người những câu hỏi:
- Con có sẵn sàng nuôi dậy đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi trưởng thành?
- Các thành viên trong gia đình của mình sẽ giúp đỡ con chăm sóc đứa trẻ như thế nào?
- Ai có thể chăm sóc đứa trẻ, khi con ốm, con đi học hay con đi làm?
- Con có sẵn sàng đặt lợi ích của đứa trẻ trên lợi ích của con không?
- Con có sẵn sàng từ bỏ những cuộc gặp gỡ bạn bè, hội họp, vui chơi giải trí để có thời gian hơn chăm sóc con của con không?
- Riêng bản thân con và cả gia đình có áp lực gì khi con giữ lại em bé, và chúng ta vượt qua áp lực đó được không, và bằng cách nào?
- Con có thể kết hôn với bố đứa trẻ không? Nếu con không muốn con có thể làm mẹ đơn thân được không?
Hôn nhân với cha đứa bé
Bạn không nên thúc ép và bắt buộc cha đứa bé kết hôn với con gái mình, tất cả đều phải trên cơ sở tự nguyện, tình yêu cùng trách nhiệm. Việc kết hôn sớm cũng không phải là một giải pháp hay nếu trong trường hợp cha đứa bé cũng còn trẻ. Nhưng hãy xem xét trường hợp của con gái bạn một cách cụ thể và sáng suốt như tình yêu của con bạn với cha đứa bé thế nào… để nghĩ đến vấn đề hôn nhân.
Khi con bạn quyết định sinh con, nuôi dạy con ở tuổi teen, bạn và con đi vào một hành trình khám phá mới đầy khó khăn, thử thách. Bạn và con sẽ luôn phải học hỏi, khám phá nhưng đừng quá sợ sệt, lo lắng, mọi thứ rồi sẽ có cách giải quyết. Tự bản thân đứa trẻ đã là một món quà!
Nếu quyết định phá thai
Phương án cuối cùng là phá thai và con bạn lựa chọn nó. Khi lựa chọn phá thai, chủ yếu là thanh thiếu niên đang lo lắng rằng em bé sẽ thay đổi cuộc sống của họ. Con bạn không cảm thấy đủ tuổi và đủ tự tin để cung cấp cho đứa trẻ về mặt tài chính.
Sau đây là một số câu hỏi mà bạn nên xem xét đưa ra cho con gái mình trước khi tiến hành phẫu thuật phá thai.
- Có ai gây sức ép cho con phải phá thai không?
- Con có tôn trọng những phụ nữ phá thai không?
- Con có thể bình thường sống tiếp sau khi đã phá thai không?
- Con thử nghĩ, cha đứa bé và bố mẹ nghĩ gì về việc phá thai?
- Con có chắc rằng, con muốn thoát khỏi sự mang thai này?
- Niềm tin tôn giáo, vấn đề đạo đức của con nói gì về việc phá thai này?
Các bậc cha mẹ đừng bỏ qua niềm tin tôn giáo và vấn đề đạo đức khi trẻ lựa chọn việc phá thai. Hãy giúp trẻ làm sáng tỏ vấn đề này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn đứa trẻ sẽ không có cuộc sống bình thường sau khi phá thai. Chúng bị ám ảnh bởi tiếng khóc trẻ em, những giấc mơ chết chóc… và đối mặt với vấn đề về sự hòa hợp với bạn đời sau này.
Ổn định lại cuộc sống
Dù con bạn lựa chọn bất kì quyết định nào, đừng quên giúp trẻ hiểu rõ từng lựa chọn. Hãy ủng hộ con và giúp con hòa nhập lại với cuộc sống.
Không lên án và trách mắng con vì việc mang thai. Sự việc đã xảy ra, đừng nên truy tìm nguyên nhân với những câu hỏi đay nghiến: "Tại sao mày lại làm thế?", "Tại sao lại hư đốn như vậy?"... Tốt hơn hết là tìm giải pháp và chuẩn bị cho tương lai.
Nói cho con những khó khăn mà con phải đối mặt với từng lựa chọn. Hãy để con bạn tự lựa chọn. Chúng phải có trách nhiệm với những việc mình đã làm.
Thạc sĩ tâm lý Nga Ngô