Những năm gần đây, người dân đã được chứng kiến những đám cưới “khủng” về mọi mặt. Đám cưới đã vậy, đám tang cũng không kém về sự chơi trội, “hoành tráng” và đôi lúc phản cảm…
Những năm gần đây, người dân đã được chứng kiến những đám cưới “khủng” về mọi mặt. Đám cưới đã vậy, đám tang cũng không kém về sự chơi trội, “hoành tráng” và đôi lúc phản cảm…
|
Rất nhiều đám cưới lãng phí được tổ chức trong thời gian gần đây |
Những đám cưới… khoe mẽ
Những ngày cuối tháng 2 vừa qua, người dân Hà Tĩnh xôn xao về một đám cưới “siêu hoành tráng” tại một huyện miền núi. Theo người thân của chú rể, chi phí đám cưới khoảng hơn 25 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí cho rượu ngoại là hơn 2 tỷ, chi phí phần âm nhạc, ca sĩ hơn 1 tỷ đồng... Ngoài ra, trang sức mà cô dâu, chú rể đeo cũng lên đến hàng chục cây vàng. Đám cưới đã làm náo nhiệt vùng quê yên tĩnh và thu hút sự chú ý của hàng nghìn người dân nghèo.
Cũng có tên trong danh sách “thích khoe mẽ” là đám cưới Hoa hậu biển Vũ Ngọc Diệp. Ngày 14/10/2008, Vũ Ngọc Diệp lấy chồng - là người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Đám cưới của cô được thông tin trên hàng trăm trang mạng bởi lẽ lễ rước dâu quy tụ hơn 30 chiếc ôtô "khủng", mang các nhãn hiệu cao cấp nhất … mà trong đó, chiếc rẻ nhất cũng có giá vài tỉ đồng. Đoàn rước dâu sau khi dàn hàng đã diễu hành một vòng quanh các phố chính tại Hà Nội trên đường từ khu đô thị Linh Đàm tới khách sạn 5 sao Sheraton, nơi tổ chức tiệc cưới.
Đám ma như… vũ trường ?!
Đám tang ngắn nhất cũng 3 ngày, đám dài nhất là chẵn 5 ngày với đủ các màn từ điếu văn cho đến dàn nhạc của các đạo sĩ và cuối cùng là màn “karaoke đám ma”. Đó là trình tự một số đám ma ở miền Nam.
|
Tiết mục múa phản cảm khi "nhà có việc tang" |
Trong một số đám ma ở miền Nam, buổi sáng là thời gian thăm viếng, chia sẻ nỗi buồn, sự thành kính với người đã khuất và buổi tối thường tổ chức các chương trình ca nhạc, nhảy múa, ăn uống, có khi còn rình rang và nhộn nhịp hơn... đám cưới. Những tiết mục múa lửa, vũ sexy, thoát y... được nhóm “pê đê” biểu diễn công khai trong đám tang ở một khu dân cư ngay đầu hẻm có gắn bảng “Khu phố văn hoá”.
Tối 9/11/2009, tại một con hẻm nhỏ trên đường Trường Chinh, P.13, quận Tân Binh (TP.HCM), chương trình của một đám tang được mở màn bằng những ca khúc từ buồn đến vui, từ nhạc nhẹ đến nhạc mạnh, cả tân nhạc lẫn cổ nhạc...
Các "ca sĩ" pê đê còn liên tục ngỏ lời xin xỏ đám đông xung quanh bằng cái giọng ồ ồ, ngai ngái nửa trai nửa gái: "Lì xì đi anh", "Cho con đi má", hay thậm chí là "10 ngàn bóp ngực thoải mái".. Tiết mục đầu tiên của “cô nàng” là dùng miệng để giữ thăng bằng cho... vòng hoa tang. Sau đó, cô tiếp tục với một bài múa lửa khá nóng bỏng. Mọi người vỗ tay ầm ầm. Cánh mày râu thi nhau lên nhét tiền "bo", không quên tranh thủ “nghịch ngợm".
"Cô" ra giá 500 ngàn đồng cho hai mảnh vải cỏn con còn lại trên người, tiền tươi là cởi bằng hết. Ngay lập tức, đám đông trở nên ồn ào hẳn. Vài người đàn ông khích nhau: "Chơi đi ông, có 500 ngàn đồng!". Một trong số đó mở bóp, rút tiền… Cứ thế, phải tận đến rạng sáng là giờ đưa ma khu chung cư mới yên ả dần.
Điều gì đã làm cho một vài đám cưới, đám tang thời nay thay đổi đến mức kỳ lạ như thế?
Ngày 27/4/2012, TP Hà Nội có Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn như: không được đốt vàng mã trong lễ hội, không dùng công quỹ làm quà mừng cưới, không sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan để dự đám cưới, lễ hội; không mở nhạc đám cưới trước 6h sáng và sau 22h đêm; trong vòng 12 giờ sau khi có người qua đời phải tiến hành khâm liệm và nhập quan; không tổ chức làm cỗ, mời khách ăn uống trong việc tang… TP Hà Nội còn quy định chi tiết việc khen thưởng những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt và xử lý nghiêm những người vi phạm, bắt đầu triển khai từ tháng 6/2012 này. Quy định là vậy nhưng dể thực hiện được hay không là cả một câu chuyện dài. PLVN cùng bạn đọc nhìn nhận lại câu chuyện này để cùng có một tư duy trong việc quyết tâm thực hiện cho bằng được Quyết định số 07… |
Thùy Dương