Tôi nhớ mỗi khi Tết về, lại thấy mẹ như phải lo nghĩ nhiều hơn, tính toán nhiều hơn để co kéo sao cho cả nhà có cái Tết vui vẻ và tiết kiệm. Cái thời ấy nó thế, cả nước như thế, tất cả như bị xô đẩy bởi các con sóng thời bao cấp chứ chẳng riêng nhà mình. Và dưới cái rét căm căm, vẫn thấy mẹ còng lưng rửa lá dong, đãi đỗ để còn kịp gói bánh chưng, làm dưa hành...
Mẹ vẫn phải dành dụm vài đồng bạc lẻ bán thóc, bán lợn để cho các con mỗi đứa đều có áo mới, quần mới. Và quan trọng hơn là có những đồng tiền mới tinh mừng tuổi người già, con trẻ vào dịp đầu xuân.
Sớm mùng Một tết năm nào cũng vậy, chị em tôi không cần ai đánh thức, đứa nào cũng nơm nớp cả đêm với nỗi lo sáng mai không ai được dậy muộn kẻo giông cả năm. Trong khi bố mẹ tôi soạn mâm cơm để cúng gia tiên, chị em tôi tíu tít diện quần áo mới và có lẽ đợi chờ nhất là lúc cả nhà rộn ràng đến nhà ông bà nội.
Nhà ông bà nội cách nhà tôi không xa, qua một rặng tre làng, một con đường đất. Dù đã được bố mẹ hối thúc ăn cho nhanh để vào “mở hàng” nhà ông bà, nhưng chúng tôi không khỏi giật mình khi nhìn thấy những đứa trẻ quần áo mới tinh chạy nhảy đầy sân trên tay chúng là những phong bao lì xì. Theo lệ, mẹ tôi sẽ mừng tuổi ông bà, rồi đến lượt những đứa trẻ như chúng tôi cũng được người lớn mừng tuổi cho những đồng tiền mới coóng lấy may.
Những đồng tiền được lì xì của bọn trẻ ngày đó không nhiều, chỉ đủ để chúng chạy ra đầu làng mua quả bóng bay, cái kẹo lạc... Nhưng khi được mừng tuổi thì nét mặt đứa nào, đứa ấy đều rạng ngời, sung sướng lắm. Chị em chúng tôi, được mẹ dặn, không được tiêu linh tinh tiền mừng tuổi bởi đó là những đồng tiền may mắn. Thường thì sau đó, tiền mừng tuổi được mẹ cất đi chờ đến dịp mẹ sẽ mua sách, truyện hoặc bút mực cho chị em tôi.
Tôi vẫn nhớ cái bút mực chấm, ngòi lá tre mẹ mua cho bằng tiền mừng tuổi, cái bút mà mỗi khi viết lại phải chấm một cái vào lọ mực tàu, có nhiều hôm mực rây vào cả quần áo, sách vở. Nhớ có lần, mực tắc tôi cứ phảy phảy, thế là ngòi bút văng đâu mất, tìm mãi không thấy, cho đến 1 hôm tôi trực nhật, đang quét lớp tôi chợt thét lên sung sướng khi nhìn thấy cái ngòi bút lá tre của mình nằm im ỉm trong xó lớp. Đó cũng là “kỷ vật” mua bằng tiền mừng tuổi mà tôi giữ mãi đến tận sau này.
Thời đó là thế, tiền lì xì chỉ đủ để chúng tôi mua được những món đồ nho nhỏ như cái bút mực ngòi lá tre, nhưng không hiểu sao giờ đây mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy lòng lâng lâng hạnh phúc. Tôi tự nhủ, khi mình có gia đình, có con sẽ đem theo “nếp” mừng tuổi của gia đình mình cho bọn trẻ.
Nhưng thời gian trôi qua, việc mừng tuổi đầu năm cũng có nhiều đổi thay. Mừng tuổi đầu xuân đang là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh mỗi khi tết đến xuân về. Với nhiều người việc mừng tuổi còn là cái cớ để người ta đền đáp, trả ơn ai đó, mừng tuổi cũng là dịp để người ta trả nợ và “xu nịnh” lẫn nhau.
Chính vì thế, nhiều đứa trẻ giờ đây khi được mừng tuổi nếu nhận được tờ tiền “xanh” thì vui mà “đỏ” thì buồn. Nhiều em ngây thơ đến mức nhận được lì xì của khách là mở ngay, rồi mặt buồn thiu vì tờ tiền trong phong bao không như chúng mong muốn.
Những đồng tiền đó cũng nào đâu được bọn trẻ trân trọng như chúng tôi hồi xưa, và chúng chẳng cần giữ gìn lâu làm gì. Bọn trẻ được mừng tuổi là chạy ngay ra đầu xóm, cuối phố chơi điện tử, mua siêu nhân, tậu logo giáp hình. Nhiều đứa “ngoan” hơn thì cũng ra điều kiện mới để bố mẹ cất giữ hộ.
Chị bạn tôi buồn buồn kể rằng, trẻ em bây giờ “cáo” hơn thời mình ngày xưa, giờ mừng tuổi 10.000đ nhiều cháu cũng chưa cảm thấy vui. Vì thế, để hài lòng con trẻ, đằng sau đó là cả núi áp lực đối với người lớn.
Ý nghĩa của tiền mừng tuổi không phải ở chỗ nó ít hay nhiều mà nằm ở tình cảm của người lì xì và ước mong đồng tiền sẽ mang đến niềm vui, sự may mắn, sung túc trong cả năm cho người nhận. Tiền lì xì còn tượng trưng cho tài lộc – người nhận được hay cho đi đều tin rằng mình sẽ phát tài phát lộc trong năm mới. Đó là lí do phong tục tốt đẹp này được người Việt lưu truyền muôn đời nay.
Vì thế hãy coi tiền mừng tuổi là một món quà tặng đắt tấm lòng thay vì chỉ chăm chăm soi vào mệnh giá. Cũng nên nói cho con trẻ biết, ý nghĩa của tiền mừng tuổi, để chúng không gợi ý hay nài ép người lớn phải mừng tuổi thật nhiều.