Những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ….

Lang thang khắp các ngõ ngách, công viên, hàng quán; đeo trên mình những giỏ hàng nặng trĩu mời mọc, van xin khách mua hàng. Đó là cuộc sống thường ngày của nhiều đứa trẻ bán hàng rong. Tuổi thơ của các em không được đến trường, không được ăn ngủ như bạn bè cùng lứa. Tuổi thơ của em bị đánh cắp bởi hoàn cảnh éo le và sự vô tâm của những ông bố, bà mẹ...

Lang thang khắp các ngõ ngách, công viên, hàng quán; đeo trên mình những giỏ hàng nặng trĩu mời mọc, van xin khách mua hàng. Đó là cuộc sống thường ngày của nhiều đứa trẻ bán hàng rong. Tuổi thơ của các em không được đến trường, không được ăn ngủ như bạn bè cùng lứa. Tuổi thơ của em bị đánh cắp bởi hoàn cảnh éo le và sự vô tâm của những ông bố, bà mẹ...

Những đứa trẻ lang thang hàng đêm ở Văn Quán

Đi học chỉ là ước mơ…

Tại các khu vực như hồ Hoàn Kiếm, hồ Văn Quán, công viên Hoà Bình… (Hà Nội), hàng ngày có hàng chục em nhỏ đi bán hàng rong với những giỏ kẹo đầy, nặng trĩu đôi vai, gặp ai cũng chào đón, năn nỉ khách mua hàng cho dù bị xua đuổi như thế nào đi chăng nữa. Có lẽ vì cuộc sống, vì gánh nặng cơm áo đã ghì chặt những đứa trẻ này khiến các em chai sạn hơn những đứa trẻ cùng tuổi được sống trong sự bao bọc của gia đình.

Tiếp xúc với một cậu bé bán hàng rong tại Hồ Hoàn Kiếm, tôi hỏi han về cuộc sống của em nhưng cậu bé lặng thinh không trả lời. Rồi bất chợt cậu bé nói “Chú cứ mua cháu mấy vỉ kẹo rồi hỏi gì thì hỏi”. Sau khi mua hai phong kẹo cao su, tôi được biết, cậu bé tên Tuấn, 11 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hoá. “Cháu  ra Hà Nội được hơn hai năm rồi. Ở  nhà chán lắm! Bố cháu hay uống rượu, đập phá và đánh mẹ cháu! Bố cũng đánh cháu nhiều nên mẹ cháu gửi cháu ra đây đi làm ” Tuấn nói.

Khi hỏi về việc học hành, Tuấn lặng lẽ đáp: “ Nhà cháu nghèo lắm, bố cháu lại không  cho đi học. Cháu còn một đứa em nữa, nhưng cũng không được đi học” vừa dứt lời, Tuấn liền chạy vội đi khi thấy một nhóm khách du lịch vừa thoáng qua….

Tình trạng trẻ em đi bán hàng rong có ở khắp nơi từ khu du lịch lớn cho đến những quán ăn nhỏ trên địa bàn nhiều thành phố lớn, đã trở thành một hình ảnh khá quen thuộc. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh giống nhau, do gia đình khó khăn nên phải mưu sinh sớm và bỏ dở giấc mơ được đến trường.

Cũng như Tuấn, Nguyễn Thu Hường (Hậu Lộc, Thanh Hoá) dù mới có 10 tuổi nhưng đã phải mưu sinh cùng bà ngoại mình hơn một năm, em tâm sự: “Cháu theo bà lên Hà Nội kiếm sống được 1 năm rồi, hàng ngày bà đi bán báo dạo, còn cháu bán kẹo thuê. Mỗi tháng họ nuôi ăn và trả cháu 1 triệu đồng, số tiền này hàng tháng cháu lại gửi về cho bố mẹ.”

 Nói về việc đi học, Hường chia sẻ: “Đi học vui hơn đi bán kẹo nhiều, nhưng mà đi học rồi cháu không có tiền gửi cho mẹ nữa…”

Trở thành công cụ kiếm tiền

Do hoàn cảnh gia đình, nhiều đứa trẻ  phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh nơi đất khách và cũng chính từ đó, các em trở thành những miếng “mồi ngon” cho những kẻ chăn dắt, sống ký sinh bằng sức lao động của các em.

Công sức lao động của các em lại bị những kẻ khác chiếm lĩnh, các em chỉ nhận được phần thưởng khi kiếm được nhiều tiền. Không kiếm được thì  bị mắng mỏ thậm chí đánh đập tàn nhẫn.

Theo điều tra của chúng tôi thì hầu hết  các em đều đi bán hàng dưới sự chỉ đạo của một “thủ lĩnh”. Đó chính là những kẻ chăn dắt các em ở từng địa điểm, cung cấp hàng hoá cho các em đi bán với giá cao.

Hầu hết những em đi bán hàng đều được lựa chọn kỹ càng, tuổi đời càng nhỏ càng tốt. Để vừa lòng các “đại ca”, các em phải làm việc hết công suất, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm phơi mặt ra đường.

Thay cho việc vui chơi, học hành, hàng ngày cậu bé này phải đi bán hàng kiếm tiền

Không hoàn thành “chỉ tiêu”, bị chúng đánh đập không thương tiếc. Không chỉ có vậy, những kẻ chăn dắt này còn ra sức tìm kiếm những địa điểm “màu mỡ” có nhiều người qua lại như hội chợ, quán nhậu, đồng thời hoá thân thành những xe ôm để giám sát, doạ nạt khi các em mải chơi không tập chung bán kẹo hoặc ngăn chặn các em giấu tiền khi được khách cho thêm.

Khi bố mẹ là những kẻ chăn dắt

Những kẻ chăn dắt kiếm lời bất chính trên thân xác các trẻ nhỏ không phải chỉ là những tay anh chị, gian xảo, lưu manh mà còn là những ông bố, bà mẹ vô lương tâm, biến con mình thành những đứa trẻ lang thang. Đánh cắp đi tuổi thơ của chính con mình.

Trên trục đường Nguyễn Trãi – Hà Đông, hình ảnh một cậu bé chừng 6 tuổi, khoác lên mình một giá kẹo, bông vệ sinh hàng ngày lầm  lũi đi bán suốt cả chặng đường dài đã quá quen thuộc với nhiều người thường xuyên qua lại bằng xe bus.

Tình cờ tôi gặp cậu bé khi em đang đi bán hàng, trên tay cầm miếng xốp bóc ra từng mảnh rồi tung lên trời, mặt nở nụ cười hớn hở. Thấy vậy, tôi định hỏi han nhưng chưa kịp thì một người phụ nữ khoảng 40 tuổi chạy lại giằng lấy miếng xốp và nạt nộ cậu bé “Mẹ mày! thích nghịch à! Tao vả cho mấy cái giờ, đi lên phía trên mà bán đi”.

 Sau khi người phụ nữ phóng xe bỏ đi, cậu bé tiếp tục lầm lũi đi dọc phía đường Nguyễn Trãi. Tiếp cận cậu bé với tư cách người mua kẹo, tôi biết được em tên Dương (7 tuổi, quê Thái Nguyên) và người phụ nữ lúc quát nạt chính là mẹ của em. Dương tâm sự: “Gia đình cháu xuống Hà Nội được hơn một năm, mẹ cháu chưa tìm được việc làm nên mở quán bán trà đá. Cháu có một anh trai nữa…hai anh em cháu đều đi bán hàng rong, cháu bán được ít lắm nên hay bị mẹ mắng lắm”

Tại khu đô thị Văn Quán cứ đến tầm 7h tối là có 5 em nhỏ đêm nào cũng có mặt để bán hàng. Theo anh Minh, hành nghề xe ôm tại đây cho biết “Ngày nào cũng thấy bọn nó, mình người lớn đi kiếm cơm mà mưa nắng quá cũng chả muốn bước ra khỏi nhà, còn bọn trẻ này ngày nào cũng thấy đi. Chúng lang thang quanh hồ và các hàng quán ở đây,  gặp ai cũng van nài, chèo kéo… Ngày nào cũng thấy có người đưa đón, hình như đó là bố mẹ chúng nó…

Trẻ em như búp trên cành… Thế nhưng những đứa trẻ này không được đi học, không được ăn ngủ thoải mái như những đứa trẻ khác. Trái lại chúng còn phải lang thang mưu sinh, bị những kẻ cơ hội bóc lột sức lao động và đau lòng hơn hết bố mẹ những đứa trẻ này đã dìm các em xuống nỗi cơ cực, vứt bỏ tương lai và đánh trách hơn là đánh cắp tuổi thơ của các em.

Văn Hùng

Đọc thêm