Những đứa trẻ bị lừa dối

(PLVN) - Nhiều bậc người lớn vẫn nghĩ rằng, trẻ con thì không biết gì cả. Để rồi từ đó, họ cho mình cái quyền được sống như ý mình muốn, được hành xử với trẻ một cách thiếu tế nhị và thiếu sẻ chia, thậm chí cả dối lừa. Mà không biết rằng, trẻ bây giờ không như xưa nữa, mỗi một hành vi của người lớn là gương soi chiếu tâm hồn trẻ, là những vết thương tâm hồn mà người lớn tạo cho trẻ con.
Khi những đứa trẻ bị tổn thương. Ảnh minh họa
Khi những đứa trẻ bị tổn thương. Ảnh minh họa

Đừng nghĩ trẻ con “không biết gì”

Có những đứa trẻ không thiếu ăn, thiếu mặc, thậm chí là vật chất không thiếu gì, nhưng buồn thay, các em lại thiếu đi một điều quan trọng, đó là sự ấm áp yêu thương, sự quan tâm gần gũi và chia sẻ của các bậc sinh thành.

Lê Hoài N. là một cậu bé thông minh, xinh trai. Từ năm lớp 1 đến lớp 4, em luôn là học sinh giỏi tràn đầy tự tin tại một trường quốc tế tại quận 2. Thế nhưng, bắt đầu từ giữa năm lớp 4 trở đi, em trở nên trầm lặng, buồn bã. Em học hành sa sút, ít khi tham gia các trò chơi cùng bạn bè, các hoạt động trường lớp, mặc dù các thầy, cô giáo đã động viên, khuyến khích. Sau một thời gian tìm hiểu, tỉ tê chuyện trò cùng N., cô giáo mới phát hiện ra, hóa ra N. phát hiện cha mẹ mình ngoại tình. 

Trước đó, vì để che giấu người ngoài, cha mẹ N. dù không hạnh phúc cũng luôn tỏ ra là một gia đình lý tưởng. Hai vợ chồng vẫn luôn khoác vẻ ngoài hạnh phúc trong mắt bạn bè, bà con, cũng như thường xuất hiện cùng nhau trong các sự kiện hay việc kinh doanh. Cạnh đó là những bức ảnh du lịch, gia đình hạnh phúc trên Facebook.

Mọi chuyện cứ diễn ra như thế, nhưng bé N. càng lớn thì càng thấy gia đình mình “không ổn” từ cách cha mẹ cư xử lạnh nhạt, thờ ơ với nhau trong nhà. Cho đến mới đây, cậu bé phát hiện cả ba và mẹ đều có tình yêu ngoài luồng.

Vì các bậc người lớn vẫn đinh ninh “trẻ con không biết gì” nên “ăn vụng” mà chẳng thèm chùi mép kĩ. Để rồi, N. không ít lần nghe thấy ba gọi điện trò chuyện yêu đương cùng cô nhân tình trẻ, còn mẹ thì vài lần được “người yêu” đưa đến tận cổng nhà, còn hôn chào tạm biệt nhau. Những lần chứng kiến các cảnh tượng ấy đã khắc vào tâm hồn non nớt của N. những thắc mắc, cậu bé tự suy diễn từ cái đầu non nớt của mình, tự tìm ra đáp án, rồi tự bị tổn thương.

Để rồi, N. ôm lấy sự tổn thương ấy một mình, không biết nói cùng ai, vì cả cha lẫn mẹ đều bận rộn với công ăn việc làm, với những mối quan hệ mới, với việc diễn kịch gia đình hạnh phúc cùng nhau, và mong con mình cũng là một đứa trẻ ngây thơ không bao giờ nhận ra vở kịch ấy. Họ có ngờ đâu cậu con trai nhỏ, vì sự lừa dối của cha mẹ dành cho nhau, cho gia đình mà ngày càng trở nên buồn bã, u uất, thu mình vào vỏ ốc…

Nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ “trẻ con không biết gì”, từ đó có những hành xử sai trái, không hay một cách lộ liễu, thiếu tế nhị, kín đáo, thiếu chia sẻ chân thành cùng con. Không biết rằng, trẻ con có những nhạy cảm của riêng mình. Huống hồ, giờ đây trẻ con được tiếp xức với cuộc sống, với phim ảnh, công nghệ từ sớm, nhận thức xã hội đã không như trẻ em của những năm xưa.

Chị Nguyễn Lan Hà, một giáo viên cấp 2, mẹ của một cô con gái 4 tuổi chia sẻ: “Sau ngày mẹ tôi mất, tôi sợ cháu buồn nên vẫn nói với cháu, bà ngoại về quê, phải lâu lắm mới lên. Nhưng có lần, tôi tình cờ thấy cháu tâm sự với “em búp bê”: “Búp bê ơi, mình biết bà ngoại mất rồi, bà ngoại lên thiên đường rồi. Mình buồn lắm, mà mẹ mình không nói thật với mình, mẹ nói dối là bà mình về quê, mẹ nghĩ mình trẻ con búp bê ơi. Mình buồn lắm”.

Thế là tôi mới giật mình, hóa ra con mình nó biết hết, có phải trẻ con là không biết gì đâu. Tôi đành lựa lời xin lỗi con, rồi giải thích cho con hiểu, không thì mình lại hằn sâu trong tâm trí con, mình là một người mẹ không thành thật, rồi con trẻ học theo”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Những đứa trẻ cô đơn

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Hằng Nga chia sẻ, trong quá trình tư vấn tâm lý, chị đã gặp những chuyện buồn đến từ việc cha mẹ để trẻ cô đơn trong thế giới riêng của mình, bằng sự thiếu thành thật với con trẻ. Một cháu bé lớp 5, từng được xem là niềm tự hào của một lớp học ở quận Tân Bình vì thành tích học xuất sắc, hát rất hay và chơi thể thao thành tích cao. Nhưng một ngày em bỏ nhà đi, cả gia đình, thầy cô chạy đôn chạy đáo tìm, mới phát hiện em đi về ngôi nhà cũ của em cách đó 10km.

Cha mẹ em là những người cũng khá nổi bật, có vị trí trong xã hội, cũng bày ra bức tranh hạnh phúc, nhưng đùng một cái ly hôn, rồi lên mạng xã hội tố nhau không thiếu lời lẽ xấu nào để giành tài sản về mình. Căn nhà cũ, từng là tổ ấm hạnh phúc của gia đình ấy phải bán đi để tài sản chia làm đôi vì cả hai không ai chịu nhường ai. Cậu bé ở chung với mẹ, một người mẹ bận rộn tối ngày.

Thế là một lần, chờ mãi mà người mẹ bận rộn chưa đến trường đón mình, em quyết định tự đi bộ về nhà, nhưng bước chân đưa em đến ngôi nhà cũ, nơi em từng có những ngày tháng tuổi thơ thật hạnh phúc. Nhà chưa có ai dọn vào, nên em quyết định leo rào vào, ngủ luôn trong ấy. Khi gia đình tìm được em, em nhất quyết cự tuyệt, như một con thú nhỏ hung dữ, em bảo em chỉ muốn sống ở căn nhà cũ này cùng cha mẹ mà thôi.

Chuyên viên Nguyễn Thị Hằng Nga chia sẻ, không ít đứa trẻ sống trong những gia đình có cha mẹ không hạnh phúc, hành xử với nhau không ra gì hoặc ly tán đã nảy sinh các vấn đề về tâm lý như bạo lực, trầm cảm…

“Một đứa trẻ, cũng con nhà giàu có nhưng cha mẹ thường xuyên đối xử với nhau bằng chửi bới, nhục mạ, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Dù họ thực hiện hành vi ấy sau lưng, giấu không cho con biết, nhưng cậu bé vẫn nhận ra và đã trở thành một đứa trẻ bạo lực, hung hãn với bạn bè.

Nhà trường nhiều lần mời phụ huynh lên làm việc vì thái độ, hành xử của cháu, nhưng đâu vẫn vào đấy, vì cái gốc rễ có được giải quyết đâu, cha mẹ cháu cũng đâu dám thừa nhận với nhà trường là mình cũng có những hành vi như thế với nhau.

Cha mẹ đối xử với nhau hằng ngày bằng bạo lực ngôn từ và bạo hành thì làm sao bắt con chấm dứt các hành vi ấy với bạn bè mình được, cha mẹ là tấm gương soi chiếu tâm hồn con trẻ mà! Mà thực ra, hành vi bạo lực ấy cũng không chỉ là bắt chước, mà nó thể hiện lòng mong muốn được mọi người chú ý, quan tâm đến mình của đứa trẻ ấy”, chuyên viên Hằng Nga nhấn mạnh.

Hãy tôn trọng con

Suy nghĩ “trẻ con không biết gì” đã khiến nhiều bậc cha mẹ không coi trọng cảm nhận của con trẻ. Để rồi, từ đó gây nên những nỗi đau đớn, cô đơn và tổn thương trong tâm hồn trẻ thơ. Có nhiều lý do để cha mẹ dối gạt con trẻ. Có những bậc cha mẹ thản nhiên lừa dối con không chớp mắt, lừa dối một cách lộ liễu mà vẫn nghĩ con mình chẳng biết gì.

Như trường hợp của cậu bé N. nói trên. Hay nhiều cha mẹ khác, nghĩ rằng nói dối là một cách để bảo vệ con mình. Như trường hợp người mẹ là cô giáo nói dối con gái bà ngoại đã về quê. Hay nhiều bậc cha mẹ không hạnh phúc, trên bờ vực ly tán, nhưng vẫn luôn đóng kịch, che giấu trước mặt con, để rồi khi gia đình tan vỡ, đứa trẻ mới bị sốc, mới vỡ òa.

Cũng có khi, dối gạt trẻ là do cha mẹ quá vô tâm, nghĩ rằng lời nói dối là thường, là thói quen, không nghĩ đến hậu quả. Đâu biết rằng, sự lừa dối gieo vào lòng trẻ những hạt mầm đen tối, ảnh hưởng đến nhận thức, tình cảm của trẻ như thế nào.

“Cha mẹ cần tôn trọng và thành thật với con trẻ, tránh nói dối và lừa dối, nếu không đến mức bất khả kháng. 

Thực tế, trẻ con giờ đây trí não phát triển, trẻ có khả năng tiếp nhận, thích nghi rất cao. Nếu cho con sống trong sự lừa dối sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không hay: Thứ nhất, hình thành thói quen nói dối, lẩn tránh, che giấu. Thứ hai, trẻ bị sống trong sự lừa dối và dễ dàng bị sốc khi mọi sự phơi bày. Thứ ba là, một khi nhận ra, trẻ dễ bị tổn thương, dẫn đến các vấn đề về tâm lý. Và nữa, nhiều cha mẹ, khi gặp những vấn đề lớn trong cuộc sống vẫn không nói thẳng, nói thật, vẫn giấu giếm, che đậy, để rồi trẻ bị ru ngủ trong ảo tưởng, trở thành đứa trẻ xa rời thực tế, thậm chí ích kỉ, không biết chia sẻ khó khăn cùng mẹ cha. 

Sự tôn trọng và sự thật luôn cần cho trẻ, quan trọng là người lớn để các em tiếp nhận khéo léo và phù hợp với lứa tuổi các em mà thôi”, chuyên viên Nguyễn Thị Hằng Nga chia sẻ. 

Đọc thêm