Những đứa trẻ nông thôn mong “lớn lên” từ sách

(PLVN) - Ở nhiều vùng xa xôi của đất nước, bên cạnh cái đói, cái nghèo về vật chất, còn có thể nhắc đến cái nghèo “con chữ”. Với những đứa trẻ nông thôn, sách chính là một vật báu, một thức ăn tinh thần nuôi dưỡng ước mơ, nuôi dưỡng con người. Thế mới biết, mỗi quyển sách về đến nông thôn, đến bản xa quý báu đến thế nào, giá trị thế nào.
Niềm vui của những trẻ em vùng sâu, vùng xa khi đón nhận những quyển sách do các chương trình đưa sách về bản trao tặng
Niềm vui của những trẻ em vùng sâu, vùng xa khi đón nhận những quyển sách do các chương trình đưa sách về bản trao tặng

Những đứa trẻ nghèo “đói” sách

Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần,… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.

Hiện người Việt thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa, đồng nghĩa mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách mỗi năm. Trung bình mỗi năm, một người Việt đọc hơn một quyển sách!!! Câu nói ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên truyền thông đại chúng, trên cửa miệng nhiều người, để nhắc nhở chúng ta về thực trạng văn hóa đọc đáng báo động của người Việt.

Nhiều người thành thị có vẻ không mấy tin tưởng vào cái kết quả khảo sát đầy bi quan này, bởi lẽ như họ trông thấy từ bản thân mình và những người chung quanh, sách vẫn còn hiện diện rất thường trong đời sống. Nhưng nên nhớ rằng, đây là một trung bình cộng trên cả nước. Và thực tế hơn cả cái thực tế mà ta đang nhìn thấy, có rất nhiều vùng nông thôn, làng nghèo, bản xa, trẻ em hoàn toàn không có sách để đọc!

Hà Thị Lem năm nay 17 tuổi. Em làm phục vụ tại một quán cafe ở xã Quảng Khê, huyện Đắc Glong, tỉnh Đắk Nông. Ở tuổi 17, em đã đi làm được 3 năm. Trước khi phục vụ quán, em từng phụ bán quán cơm, giúp việc. Cũng ngần ấy thời gian em giã từ mái trường để bước vào cuộc đời vì gia cảnh khó khăn. Lem kể, cả cuộc đời em chưa từng được đọc một quyển sách nào ngoài sách giáo khoa em học ở trường.

 Em Lem ở một xã đồng bào miền núi xa xôi. Ở đó, chung quanh em là cảnh cha mẹ đi rừng, là trâu bò lợn gà. Ngơi việc học ra là làm lụng phụ giúp cha mẹ. Không ai chung quanh em đọc sách, cũng chả ai có sách mà đọc. Quyển sách đầu tiên em đọc là một quyển tạp chí về thời trang em tình cờ thấy tại quán cafe. Và em đọc một cách say mê. Khi tôi tặng em quyển sách “Chuyện con mèo dạy con hải âu bay” của nhà văn Luis Sepulveda, em có vẻ rất thích thú và hứa sẽ đọc. “Em đọc chậm lắm vì lâu rồi em không đọc, nhưng em sẽ cố gắng dành mỗi buổi tối để đọc cho hết quyển sách này”, em nói.

Còn rất nhiều đứa trẻ như Lâm trên khắp mọi miền đất nước này. Các em không biết đến thế giới thú vị của những quyển sách. Những năm vừa qua, các đơn vị làm sách đã nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao văn hóa đọc, đem lại những đầu sách hay, mới lạ, hình thức hấp dẫn cho người đọc. Tuy nhiên, hầu hết người đọc được thụ hưởng những giá trị này vẫn là người dân thành thị. Sách phát hành về nông thôn hầu như không được chú trọng. Và cũng không thể trách người làm sách, bởi nông thôn, miền núi không phải là điểm tiêu thụ lý tưởng, không giúp họ giải quyết được bài toán kinh doanh. 

Một thực trạng có thể thấy hiện nay, là mặc dù đời sống ở nhiều vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện, người dân được tiếp cận với công nghệ ít nhiều, nhưng trẻ vẫn “đói sách”. Có những đứa trẻ nông thôn, tay cầm điện thoại thông minh bấm nhoay nhoáy, nhưng nói đến sách là lắc đầu quầy quậy, là thờ ơ. 

Có nhiều nguyên nhân để bọn trẻ không thích đọc sách. Không phải vì lười biếng, mà có thể từ bé đến lớn các em không về được tiếp cận với sách, với sách hay. Chung quanh các em không ai đọc sách và các em không hề có thói quen này. Thậm chí, nhiều em chia sẻ, các em cũng từng tò mò, tìm sách mà đọc nhưng đọc phải quyển sách không phù hợp, nhàm chán khiến các em không đọc nữa, và xa rời sách từ ấy. Thế mới thấy, trẻ nông thôn “đói” sách đến thế nào. Không chỉ thế, các em còn “đói” cả những người hướng dẫn cho các em đọc, “đói” một văn hóa đọc để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

 

Những đôi cánh của tâm hồn

Chị Vũ Thu Hà là một trong những người tích cực đóng góp cho chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam. Trong suốt những năm gắn bó với chương trình, chị đã từng chứng kiến sự đổi thay của nhiều vùng nông thôn Việt trong văn hóa đọc, cũng từng chứng kiến nhiều trẻ em vùng nghèo lớn lên nhờ sách. Thuở ban đầu là những rào cản giăng lên khắp nơi khi chị và đồng đội nỗ lực đưa sách về nông thôn. Nhiều làng quê mà trưởng thôn, trưởng bản nghe đến sách thì lắc đầu bởi “không có ích” như miếng cơm manh áo.

Rồi những trường học quê nghèo, nhà trường nghe đến việc bổ sung sách, mở rộng thư viện thì gạt đi, bởi trường cũng có thư viện rồi, còn nhiều việc khác cần phải quan tâm hơn là những quyển sách. Thế rồi, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, những người đưa sách về nông thôn dần dà đã thay đổi được nhận thức của người dân, của trẻ nhỏ. Những chuyến về nông thôn gần đây, khi chị nhìn thấy những đứa trẻ miền quê tay cầm những quyển sách tranh thường thức khoa học, đọc say mê, bàn luận rôm rả, chị càng thấy ý nghĩa con đường mình đang đi.

Ở rất nhiều miền quê nghèo, sự thay đổi đã đến từ những quyển sách như thế. Có ai ngờ, một ngôi trường ở nông thôn như trường trung học cơ sở An Dục (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) lại trở thành ngôi trường đầu tiên trong cả nước có tủ sách mang tên "Tủ sách phụ huynh". Mô hình tủ sách là chương trình tài trợ một khoản kinh phí, số tiền còn lại do phụ huynh đóng góp.

Chương trình từ đó lan rộng khắp huyện và sau đó, nhiều trường học ở Quỳnh Phụ đã dành khoảng 15 phút trong giờ chào cờ để các học sinh giới thiệu những cuốn sách hay. Hàng ngàn tủ sách nhỏ đã được thành lập ở huyện Quỳnh Phụ, hàng chục ngàn trẻ đã được tiếp cận sách. Quỳnh Phụ trở thành một trong những “vùng đọc sách”. Ở nơi đó, trẻ em ngoan hơn, thông minh hơn và biết nuôi dưỡng nhiều hơn cho mình những ước mơ đẹp đẽ.

Tháng 11 năm 2019, nhóm Chủ nhật yêu thương có một chuyến hành trình mang thư viện về bản xa, đến với trẻ em miền núi tỉnh Yên Bái. Trong chuyến đi ấy, không chỉ có hành trang là gạo, nhu yếu phẩm mà có cả con chữ. Những con chữ được chứa đựng trong những quyển sách tươi đẹp, là món quà vô giá mà nhóm giành cho trẻ em miền núi trong dự án 1001 Thư viện về bản xa.

Họ đã tổ chức một “ngày hội” đúng nghĩa với những món quà nhỏ, những quyển sách hay và các trò chơi dành cho các em nhỏ miền núi. Ở ngày hội ấy, những đôi mắt trẻ lấp lánh khi tay đón nhận những quyển sách còn mới tinh tươm với màu sắc tươi đẹp. Những đứa trẻ rón rén lật giở từng trang sách, bắt đầu hành trình khám phá ra một thế giới mới, bao la và tuyệt vời bên ngoài cuộc đời mà chúng đang sống.

Chưa bao giờ chúng có được những quyển sách như thế trong tay, và cũng chưa bao giờ, chúng được vui chơi trong một không gian ngập tràn niềm vui tuổi thơ rực rỡ như thế. Những người làm chương trình, có người rơi nước mắt. Bởi cả niềm vui và sự xót xa. Vui, bởi niềm vui hồn nhiên của các em hôm nay. Xót xa, bởi những quyển sách, những ngày hội như thế đáng ra là một phần nên có của tuổi thơ các em, đáng lẽ ra các em cần được thụ hưởng trong đời sống của mình thường xuyên rồi.

Trong cuộc hành trình đưa sách về nông thôn của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đang chung tay đeo đuổi mục tiêu để trẻ em nông thôn có quyền đọc sách và có sách đọc như trẻ em thành phố, sẽ không ít lần bắt gặp những giọt nước mắt như thế. Sách về nông thôn là một hành trình nhiều gian khổ, nhưng cũng là hành trình mang ý nghĩa lớn lao, thay đổi số phận con người. Từ những hành trình ấy, bao đứa trẻ đã lớn lên, bay xa.

Đọc thêm