Những đứa trẻ rồi đều phải đi xa nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày cuối năm chộn rộn, MV Mang tiền về cho mẹ đang gây bão mạng xã hội bởi những ý kiến trái chiều. Và cả những nỗi nhớ khôn nguôi, nhắc nhở mỗi chúng ta mong mỏi được về với mẹ, với những yêu thương thơ ấu, với nguồn cội. Và hơn cả, không phải là tiền, mà bởi hạnh phúc, sự bình an, sự tử tế của các con luôn là món quà vô giá với mẹ cha…
Hình minh họa
Hình minh họa

Chỉ cần mang ấm áp về cho mẹ!

“Mang tiền về cho mẹ, mang tiền về cho mẹ.

Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ…”

“Mang tiền về cho mẹ” được Đen Vâu ấp ủ trong 4 năm, vừa nói lên tấm lòng của những người con với đấng sinh thành, vừa nhắc nhở người trẻ đang mưu sinh ngoài kia, dù khó khăn, dù bận rộn nhưng không được quên gia đình.

Trong sáng tác lần này, Đen gửi gắm đến những người trẻ một thông điệp vô cùng ý nghĩa: “Những đứa con khi ra đời, hãy cố gắng kiếm tiền một cách lương thiện, sống tốt cho mẹ yên lòng”. Đen viết đầy xúc cảm về tình mẫu tử: “Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? (Chính là mẹ)/ Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? (Chính là mẹ)/ Vấp ngã đầu đời là được ai nâng? (Luôn là mẹ)/ Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè/ Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về...”.

Thế nhưng, tên bài hát Mang tiền về cho mẹ, và ca từ được lặp lại đã gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng lời lẽ này biểu hiện cho tư tưởng sống thực dụng cũng như làm gia tăng áp lực lên người trẻ trong thời khắc lẽ ra họ nên được gia đình giang tay đón về để đoàn viên sum vầy. Dẫu “mang tiền về cho mẹ” có thể được hiểu là mang sự trưởng thành, những giá trị của bản thân về cho mẹ chứ không chỉ là “mang tiền”…

Trên diễn đàn Góc của Rư, một bà mẹ nói hai câu hát mở đầu của bài này không hẳn là điều một người mẹ thấy cần thiết. Chị hiện đã có hai con. Chị đã chuẩn bị kế hoạch cho việc nghỉ hưu trong 10 năm nữa, tự lo cho bản thân. Chị nói những đêm ôm con, những ngày cho bú, nghe con khóc, nhìn con cười… thì đều muốn thấy con sống đời tự do, được đi đó đây mở mang tầm mắt, chứ không phải còng lưng làm lụng rồi lại ki cóp mang về cho mẹ, cũng đừng vì không có tiền mà không dám về gặp mẹ.

“Mình đang đọc gần hết cuốn Đại Dương Đen của TS Đặng Hoàng Giang, rất nhiều câu chuyện anh kể về các bạn trẻ, các bạn du học sinh, thậm chí con nhà giàu có tài phiệt… nhưng lại sống trong một gia đình độc hại. Người lớn luôn áp đặt, luôn sĩ diện, xem con như trang sức để đem đi khoe, và kết quả là những bạn trẻ đều chịu áp lực khủng khiếp, dẫn tới trầm cảm, tự tử, và rồi ngày càng xa cách bố mẹ nhiều hơn. Một năm nặng nề đi qua, có những bạn vĩnh viễn không còn được thấy mẹ mình, có những bạn may mắn gia đình đủ đầy, nhưng vì kinh tế sụt giảm mà áp lực nặng nề chẳng dám về quê. Mình tự hỏi, tết năm nay, mọi người có nên nghĩ khác đi?”, chị bộc bạch.

Còn Đức Nhân kể câu chuyện về T. một người bạn của anh đúng hình mẫu “con nhà người ta”: Ngoài 30 đã làm kế toán trưởng cho một công ty lớn, mua đất, xây nhà, gửi tiền về cho cha mẹ. Nhưng ít ai biết để có thể “mang tiền về cho mẹ”, anh T. đã phải uống thuốc chống trầm cảm thường xuyên, đi bác sĩ điều trị tâm lý.

Anh Nhân kể lại anh T. gặp nhiều áp lực trong công việc, không thấy hạnh phúc nhưng vừa phải lo cho gia đình nhỏ, vừa phải lo cho cha mẹ ở quê. “Sau buổi nói chuyện, T. kết luận rằng điều cậu ấy hối hận nhất là đã không quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim mình trong việc lựa chọn ngành nghề. Có thể tớ không kiếm được nhiều tiền như bây giờ. Có thể tớ không giúp đỡ được bố mẹ, nhưng tớ có lý do và cảm hứng để sống cuộc đời của chính mình”, anh Nhân kể.

Anh Nhân cho rằng, sự bất hạnh của một đứa trẻ với anh là cố trở thành đứa con ngoan dựa trên những giá trị phổ quát. Vì thế, anh mong rằng mỗi người hãy cố sống, tìm hạnh phúc theo lẽ riêng. Có thể, tết về không mang được tiền cho cha mẹ, nhưng hãy cho họ an tâm rằng chúng ta vẫn hạnh phúc, bình an.

Chị Phạm Thuỳ Chi (một chuyên viên hướng nghiệp) chia sẻ: “Tại sao cha mẹ không khuyến khích con tự lập và chăm lo cho bản thân thật tốt, bản lĩnh đương đầu với một thế giới mơ hồ và bất định phía trước. Áp lực sống với kỳ vọng đã khiến cho các con mệt nhoài đi rồi, sao còn phải tăng thêm áp lực mang tiền về cho mẹ? Thay vì vậy, cha mẹ nên cho các con thấy mỗi khi về nhà là về với tổ ấm, với tình yêu thương vô điều kiện?

Mình thuộc thế hệ 7x, nhưng mình thật may mắn khi mẹ luôn bảo mình: “Con cứ sống cuộc sống của con. Mẹ không cần gì cả, chỉ cần con sống tốt là mẹ vui”. Có thể mẹ mình thiệt thòi thật. Mình chưa nuôi mẹ được ngày nào, chưa từng gửi tiền hàng tháng... thậm chí lúc khó khăn nhất còn vác cuốn sổ đỏ duy nhất của mẹ đi cầm cố ngân hàng. Mẹ chưa trách mình ngày nào, còn bảo: “Con buồn quá đừng cố giấu, có gì cứ nói với mẹ, chia sẻ sẽ đỡ nặng nề hơn”. Mình cũng nói như vậy với Khoai và Bẹp, nói ngắn hơn: “Sau này, con đừng mang tiền về cho mẹ, hãy chia sẻ nỗi buồn với mẹ!”…

Và những hoài nhớ về mẹ

Chia sẻ về ca khúc, Đen Vâu kể câu chuyện của riêng bản thân, gửi gắm nhiều kỷ niệm. Đó là chiếc máy tính đầu tiên mẹ mua để tôi đến với âm nhạc, thu âm những bản ngây ngô; những lần mẹ ngất đi vì nhịn ăn nhịn mặc lo cho con; là ngày bé quây quần bên bếp lửa cạnh nồi cơm mẹ nấu. Đó cũng là những con chữ được mẹ cầm tay nắn viết, những buổi chiều mong mẹ đi chợ về vì biết sẽ có cái kẹo, cái bánh trong giỏ xách.

“Tôi nghĩ nhiều người sẽ thấy sự thân thuộc với những kỷ niệm đó, như tôi. Chẳng hạn như câu “Mang tiền về cho mẹ”. Khi nhận những đồng lương đầu tiên con gửi về gia đình, mẹ tôi vui lắm, không phải vì cầm tiền của con, mà vì bà biết đứa trẻ đó đã khôn lớn, tự nuôi sống bản thân. Tôi nhớ như in lần đầu mua được máy giặt cho mẹ đỡ vất vả, lần sơn lại nhà cho đỡ cũ, mua được bộ bàn ghế mới cho tươm tất. Cảm giác được đóng góp vào tổ ấm gia đình khiến tôi hạnh phúc.

Mẹ tôi là dân lao động nên chẳng dạy tôi gì nhiều ngoài việc phải sống đàng hoàng, không ăn chơi, đua đòi, phung phí. Bà cũng không mong mỏi gì hơn ngoài việc con mình có cái nghề, tự lo được cho bản thân. Trong âm nhạc, mẹ lại càng không cho tôi lời khuyên gì vì tôi cũng không chia sẻ nhiều về điều mình đang làm. Mẹ chỉ dặn tôi ăn uống đầy đủ, đừng thức khuya để có sức mà làm, ra ngoài nói chuyện lịch sự, ăn mặc gọn gàng, tôn trọng khán giả.

Trước khi đi hát, tôi mang về cho mẹ rất ít tiền, có khi còn xin thêm. Lúc mới vào nghề, thu nhập của tôi không đều, phần lớn dành ra để làm nhạc. Mẹ không bao giờ yêu cầu gì, vẫn tìm việc để làm, kiếm thu nhập. Nhìn mẹ tuổi đời ngày càng cao, xương khớp đau mỏi, bệnh tật, nhiều khi tôi thấy muộn phiền về bản thân. Đỉnh điểm là khi tôi nghỉ việc cách đây hơn 5 năm, bà buồn, mất ngủ nhiều đêm, lo con khổ vì không có thu nhập.

Sau này, có lúc nhà gặp khó khăn, ba tôi - làm tài xế chở khách - phải bán xe, thất nghiệp. Lần đó, tôi gom góp được một khoản, đưa cho mẹ để mua một chiếc xe. Bà rất bất ngờ, hạnh phúc vì có thêm phương tiện kiếm sống cho gia đình. Ba mẹ tôi là dân lao động, không có đồng hưu, tiền dành dụm. Nếu tôi không chăm lo cho họ thì ai lo đây? Dù những người mẹ có mong đợi, cần tiền hay không, đó vẫn là điều mà tôi nghĩ mình nên làm và tôi thấy vui vì được làm”.

Có thể nói, “nước mắt chảy xuôi”, mang gì về cho mẹ tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Điều còn quý giá hơn nữa, không phải những gì to tát, mà đôi khi đó là bữa cơm cả nhà quây quần bên nhau. Ở đó, cha tất tả chạy ra chợ tìm mua con gà thả vườn hay bó rau tươi để mẹ nấu những món con thích ăn nhất, cả nhà có thể gắp thức ăn cho nhau như những ngày con còn nhỏ. Với cha mẹ, không còn gì vui hơn là được tận tay nấu cho con những mâm cơm nóng hổi, trò chuyện sum vầy bên bàn ăn.

Và dù con có tiền cho mẹ hay không, không quan trọng bằng những sự nhắc nhở rằng các con luôn bên mẹ cha. MC Nguyễn Mỹ Linh sống ở Pháp nhưng điều cô có thể làm cho mẹ là thường xuyên gọi điện cho mẹ, đặt những đồ ăn mang tính ký ức mà mẹ hay nhắc từ những năm tháng gian khó. Chứ cô tặng gì mẹ cũng không nhận, vì chẳng đi đâu mà dùng…

Còn nhà báo Hoàng Hải Vân đã xa mẹ từ lâu, chia sẻ: “Cho tới giờ tôi cũng chỉ có một ước ao, là được kéo xe bò nuôi mẹ, được ăn những bữa cơm mà ba mẹ con một con cá nục xẻ ba, mình gắp khúc đầu, chị gắp khúc đuôi, dành cho mẹ khúc giữa. Ước mơ ngược đó làm sao mà với tới, nhưng suốt đời không khép lại được, mà nén lại trong chiêm bao, mấy chục năm rồi thỉnh thoảng nửa đêm tỉnh dậy trào nước mắt”…

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu: Gia tài quý giá nhất mà bố mẹ dành cho con cái đó chính là hạnh phúc của riêng họ. Món quà lớn nhất đứa con dâng lên cha mẹ là hạnh phúc của chính nó.

Và như thế, hơn tất cả, mỗi người con có thể mang về cho mẹ nhiều hơn những yêu thương, những sum vầy, sự tử tế và thiện lương. Đã có rất nhiều thay đổi, khi những người mẹ ngày nay đã sẵn sàng cho cuộc sống về già của mình, đó là mỗi thế hệ sẽ có cuộc sống tự do của riêng mình! Chỉ cần các con được hạnh phúc, được yêu quý bởi những giá trị và sự thiện lương, mà mỗi con người sẽ luôn vươn tới! Tất cả những điều đó đều bắt nguồn từ lòng mẹ…

Đọc thêm