Những gia đình "khuyết mà tròn"
Đến với nhau từ những ngày theo học lớp tiếng Anh buổi tối tại Viện đại học Mở Hà Nội, cặp vợ chồng khiếm thị Ngô Quang Hiếu và Lương Thị Thu Hương (quận Hoàng Mai) đã phải vượt qua nhiều khó khăn để có hạnh phúc như hiện tại. Anh Ngô Quang Hiếu vốn quê ở Đà Nẵng, còn chị Hương quê ở Phú Thọ, ra lập nghiệp tại Hà Nội vào những năm 2010.
Khó khăn vào thời điểm đó, những người khiếm thị như anh chị chưa có nhiều cơ hội học đại học chính quy, hơn nữa cả hai đều phải vừa đi học, vừa lao động kiếm sống khi xa quê. Anh Hiếu nhớ lại, bản thân đã làm đủ mọi nghề như mát-xa, trực điện thoại, bán hàng, phụ quán ăn, trông trẻ...
Và cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn, họ đồng cảm với nhau, nương tựa vào nhau và cùng nhau vượt qua khó khăn. Được biết, anh Hiếu đã miệt mài học tập và nhận tấm bằng cử nhân Anh văn loại khá và đã từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội người mù quận Hoàng Mai.
Ngoài ra, anh Hiếu cũng duy trì công việc hằng ngày là dạy chữ nổi, kết nối nhóm tình nguyện, phát triển CLB tiếng Anh, hướng dẫn công nghệ thông tin cho người khiếm thị. Còn chị Hương, ngoài thời gian làm việc tại Bệnh viện Việt-Pháp, lại tranh thủ đi dạy gia sư để có thêm thu nhập.
Cả hai đang đồng hành cùng học một khóa nghiệp vụ sư phạm tại Trường đại học Quốc gia Hà Nội vào cuối tuần, cùng nhau học tiếng Nhật, rèn luyện tiếng Anh trên mạng. Họ đang dần ổn định cuộc sống gia đình mới, nhưng không quên động viên nhau tiếp tục trau dồi kiến thức để có điều kiện giúp đỡ người khác. Hiện gia đình anh chị vẫn tiếp tục cuộc sống bên tổ ấm nhỏ với những thành viên mới với niềm hạnh phúc tròn đầy.
Cũng có những gia đình khuyết tật, cuộc sống còn vất vả khó khăn. Thế nhưng, động lực từ chính những đứa con bé bỏng, họ lại cùng nhau vượt lên nghịch cảnh để chạm đến sự hạnh phúc. Khuyết 1 bàn tay, cuộc sống vất vả với bộn bề khó khăn nhưng chị Phạm Thị Thủy (45 tuổi, ngụ khu phố Tân Trà, phường Tân Bình, TX. Đồng Xoài) luôn tự hào vì có một gia đình hạnh phúc với người chồng hết mực yêu thương và những đứa con chăm ngoan, học giỏi.
Chị là phụ nữ khuyết tật tiêu biểu của thị xã Đồng Xoài được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên dương, khen thưởng người khuyết tật có nhiều thành tích trong lao động và thành đạt trong cuộc sống.
Quê tỉnh Ninh Bình, năm 1993, chị Thủy không may mất bàn tay trái sau một tai nạn. 1 năm sau, chị xa gia đình vào Gia Lai lập nghiệp bằng việc hái đậu, trồng lúa, làm rẫy thuê... và nên duyên vợ chồng cùng người đàn ông biết cảm thông, chia sẻ và dành tình yêu thương chân thành cho chị. Cuộc sống khó khăn, vất vả với 5 miệng ăn, hằng ngày, chị cùng chiếc xe đạp cũ rong ruổi khắp ngõ hẻm, khu dân cư từ sáng sớm đến chiều tối để thu mua ve chai.
Khi có người thuê lau dọn nhà cửa, chị lại tranh thủ nhận việc để kiếm thêm thu nhập. Anh Trần Văn Ánh - chồng chị, xin làm công nhân thu gom rác thải tại Xí nghiệp Công trình công cộng thị xã. Công việc của anh thường bắt đầu từ 1 giờ và tan ca khi mọi người đi tập thể dục buổi sáng. Chỉ chợp mắt được vài chục phút, ăn vội chén cơm, anh lại tiếp tục đi phụ hồ. Chị Thủy nói: “Cuộc sống khó khăn nhưng nghĩ đến 3 đứa con và gia đình, vợ chồng lại động viên nhau cùng cố gắng”.
3 người con luôn là niềm tự hào của anh chị bởi đều học giỏi, chăm ngoan. “Bữa cơm gia đình rất quan trọng, không chỉ là thời gian để mọi thành viên chia sẻ thông tin sau 1 ngày làm việc mệt nhọc, học tập của con cái, mà còn để “hâm nóng” hạnh phúc gia đình, dạy dỗ các con” - chị Thủy chia sẻ.
Kinh tế gia đình ổn định nên chị có thời gian tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. “Tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề liên quan đến phụ nữ, người khuyết tật, tôi được chia sẻ, gặp gỡ nhiều người. Thấy nhiều việc phụ nữ khuyết tật có thể làm được, chỉ cần chị em nỗ lực vượt qua “rào cản” tự ti và cố gắng vươn lên” - chị Thủy nói.
Thông qua các hoạt động hội, chị bàn và chung tay cùng các tổ chức hội thành lập Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tự lực vào tháng 4-2018, đến nay đã có thêm nhiều thành viên tham gia. Với vai trò chủ nhiệm, chị đã và đang tích cực đến từng gia đình khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thế mạnh của mỗi người để cùng các tổ chức hội định hướng, làm cầu nối giúp các thành viên có việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập.
Hạnh phúc đơn giản của người mẹ khuyết tật
Có những người phụ nữ khuyết tật không may mắn có một gia đình đầy đủ. Thế nhưng, trong cái khuyết thiếu đó, họ vẫn cố gắng tìm kiếm niềm hạnh phúc nhờ đứa con của mình. Chị là Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội), chị cả trong một gia đình có 5 chị em. Hương và 2 người em gái của mình không may mắn đã bị khuyết tật ngay từ khi sinh ra.
Cuộc sống của chị trôi qua trong buồn tủi, không được đi học cùng chúng bạn, không nghề nghiệp, tiền bạc. Có lẽ chị sẽ sống thầm lặng như thế đến cuối đời nếu không có một ngày chị được giới thiệu cho một anh bộ đội đóng quân trên địa bàn để kiếm một đứa con nhằm có chỗ nương tựa tuổi già.
|
Những cặp vợ chồng khuyết tật hạnh phúc. |
Sức khỏe yếu, thân hình nhỏ bé lại không ăn được, lúc mang thai 3 tháng, chân tay chị bị tê cứng, không thể đi lại, phải nằm ở sở y tế một thời gian dài. Khi thai 8 tháng, chị lại bị đau bụng, người nhà sợ nên cho chị vào Bệnh viện Sơn Tây nằm luôn. Chị phải sinh mổ đứa con thiếu tháng. Không đủ sữa cho con bú, phải nhờ bà con làng xóm...
Khi con được 18 tháng tuổi, chị Hương quyết định chuyển ra ngoài thuê nhà sống dù gia đình phản đối kịch liệt. "Gia đình tôi rất khó khăn. Tôi không muốn mình, rồi con mình là gánh nặng cho mẹ. Nếu tôi không tự vươn lên bằng sức lực của mình thì sẽ vất vả cho mẹ, cho các em", chị chia sẻ.
Ngày chuyển đi, tài sản quý giá nhất với mẹ con chị chỉ là vài bộ quần áo cá nhân. Hơn 30 tuổi, chị Hương bắt đầu học kiếm sống. Chị học may, mở quán nước để kiếm thêm. Đời sống của hai mẹ con rau cháo qua ngày. "Thời gian đầu tôi tưởng như mình không trụ được. Cuộc sống bên ngoài bỡ ngỡ, tôi lại què quặt, yếu đuối. Nhưng giờ mọi chuyện đã đâu vào đấy rồi. Tuy khó khăn nhưng cuộc sống mẹ con tôi rất vui vẻ", chị tâm sự.
Câu chuyện của chị Hương không phải là cá biệt. Nhiều phụ nữ khuyết tật kém may mắn trong tình duyên, nhưng với khát khao có đứa con để nương tựa cuối đời, có người đã phải đi xin con; chấp nhận làm vợ hờ, vợ lẽ; hay thậm chí bị gia đình từ bỏ, hàng xóm dè bỉu vì không chồng mà chửa, “ốc chưa tha nổi ốc mà đòi tha cọc rêu”...
Thế nhưng, cũng chính từ khao khát đó, họ tìm thấy hạnh phúc trong chính gia đình nhỏ của mình, nỗ lực vun vén và xây đắp. Từ niềm vui đó, họ có thêm động lực để hòa nhập cộng đồng, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng người khuyết tật.
Chương trình "Xương rồng vẫn nở hoa" là một trong những dự án hướng đến những người phụ nữ khuyết tật, đặc biệt là những bà mẹ đơn thân. Bà Nguyễn Lan Anh (Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng), Ban tổ chức chương trình "Xương rồng vẫn nở hoa" cho biết: "Phụ nữ khuyết tật đã khổ nhưng phụ nữ khuyết tật đơn thân còn khổ hơn gấp bội. Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình này nhằm gây quỹ từ thiện, phụ giúp họ cải thiện cuộc sống, giúp họ tự tin, hòa nhập với cộng đồng".
Lấy tên chương trình là "Xương rồng vẫn nở hoa", bà Anh chia sẻ hình ảnh những người phụ nữ khuyết tật cũng như cây xương rồng, dù chịu nhiều đau khổ, khắc nghiệt của cuộc sống, họ vẫn không từ bỏ, cố gắng vươn lên. Những thành quả của họ, những đứa con của họ là bông hoa xương rồng rất bền, rất đẹp.