Tạm xa thành phố
Khoảng 6 giờ sáng thứ 2, cô Đặng Thị Hồng Hạnh bắt chuyến xe khách đầu tiên từ thành phố Yên Bái lên Mù Cang Chải để kịp thời gian cho những tiết học buổi chiều. Cô Hạnh là một trong những giáo viên tiếng Anh của thành phố Yên Bái được tăng cường lên Mù Cang Chải đầu năm học 2022 – 2023. Hành trình hơn 400km cả đi cả về mỗi tuần đối với cô Hạnh đã trở nên quen thuộc từ 3 tháng qua.
Hơn 20 năm trong nghề giáo, cô Hạnh gắn bó hoàn toàn với trường Tiểu học Yên Ninh của thành phố Yên Bái nên khi nhận lệnh “biệt phái” cô không khỏi lo lắng về môi trường mới. Trong khi đó, bố chồng hơn 90 tuổi bị liệt, mẹ chồng lại mù lòa, người con thứ 2 đang trong giai đoạn chuẩn bị bước vào trung học phổ thông càng làm cô Hạnh thêm băn khoăn. Vì thế khi quyết định lên dạy học trên bản Mông cô Hạnh cùng chồng sắp xếp đưa bố mẹ sang nhà anh trai để có người chăm sóc.
Đến Mù Cang Chải, cô Hạnh được phân công dạy học tại trường PTDT bán trú THCS Khao Mang, với đa phần học sinh là người Mông. Cô Hạnh nhanh chóng bắt tay vào công việc, ứng dụng phương pháp dạy học trực quan sinh động nhằm giúp học sinh gia tăng vốn từ vựng. Cô Hạnh nhận thấy cách phát âm tiếng Mông có những nét tương đồng với tiếng Anh nên đây là một trong những lợi thế của học sinh Mông.
|
Ngoài thời gian dạy chính khóa, buổi tối cô Hạnh còn dạy kèm cho các em học sinh người Mông bán trú tại trường. |
Là một trong những giáo viên “biệt phái” cùng dịp với cô Hạnh, cô Trần Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Nam Cường, thành phố Yên Bái, cho biết cô được phân công tới giảng dạy tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Cao Phạ, Mù Cang Chải. Cô Hương tâm sự, khi có thông báo về việc biệt phái giáo viên lên giúp đỡ các trường ở vùng cao, ban đầu cô không khỏi lo lắng, băn khoăn nhưng nhờ sự quan tâm, động viên của gia đình, đồng nghiệp và lãnh đạo cô đã tự tin để đến với học sinh vùng cao và bắt nhịp với môi trường giảng dạy mới.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, khi tiếp nhận các 9 thầy cô “biệt phái”, phòng đã bố trí, sắp xếp nhân sự tại các trường sao cho linh động và hiệu quả. Vì các thầy cô “biệt phái” ở dưới xuôi lên nên được bố trí tới dạy tại các trường gần với quốc lộ 32, thời gian dạy cũng được các trường sắp xếp vào các ngày giữa tuần để các thầy cô có điều kiện về thăm gia đình dịp cuối tuần. Trong khi đó, các thầy cô sở tại sẽ là những giáo viên cơ động tới dạy tăng cường tại các trường có địa hình phức tạp hơn nên việc dạy và học tiếng Anh đảm bảo dung lượng chương trình theo quy định.
Xây dựng ngôi trường hạnh phúc
Cách trung tâm huyện Mù Cang Chải gần 20km, Trường PTDT bán trú THCS Khao Mang được xây dựng khang trang nằm sát bên con suối Nậm Kim. Trường có 575 em học sinh được chia làm 14 lớp, trong đó phần lớn các em là người dân tộc Mông sinh sống tại xã Khao Mang và có khoảng 30 em sinh sống tại xã Lao Chải, Mù Cang Chải.
Một học sinh lớp 7 người Mông, thuộc bản Háng Tráng Lừ, xã Khao Mang, cho biết trước kia mỗi sáng em phải đi bộ hơn chục cây số đường núi từ trên bản xuống trường học, sau đó lại đi bộ trở về. Từ khi trường có phòng học, phòng bán trú thì em ở lại trường cuối tuần mới trở về gia đình. Ở đây tiện lắm, các thầy cô quan tâm dạy cả chữ dạy cả cách ăn uống, đi lại, sinh hoạt, buổi tối có cô giáo “biệt phái” ở tại trường dạy kèm, cô Hạnh bảo chịu khó học tiếng Anh sau còn làm hướng dẫn viên vì huyện sắp trở thành huyện du lịch.
|
Trường PTDT bán trú tạo điều kiện để các em vùng cao có điều kiện phát triển toàn diện. |
Thầy Phạm Xuân Trường, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS Khao Mang, chia sẻ về cơ bản trường của thầy được đầu tư khang trang với đầy đủ chức năng, gồm cả phòng học bộ môn và nhất là 2 khu nhà bán trú cao 3 tầng dành cho các em học sinh nhà xa trên 5 cây số. Thầy Trường cho biết thêm tại các trường bán trú vùng cao ngoài việc giảng dạy trên lớp bình thường, thầy cô còn phải quan tâm chăm sóc đến cuộc sống của các em học sinh. Năm nay trường may mắn có thêm cô giáo “biệt phái” ở trực tiếp tại trường nên cũng đã giúp rất nhiều trong việc quản lý và hỗ trợ học sinh.
Thầy Trường nhận xét, sự xuất hiện của các thầy cô tăng cường như làn gió mới giúp nhà trường và các giáo viên sở tại có thêm những bài học kinh nghiệm. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và các học liệu hiện đại đã góp phần giúp học sinh người Mông nhanh chóng bắt kịp với xu thế phát triển. Nhà trường và các thầy cô sở tại đã nỗ lực và cộng tác để các cô giáo “biệt phái” có điều kiện tốt nhất trong việc trau dồi kiến thức cho học sinh và trao đổi phương pháp giảng dạy. Tất cả vì học sinh thân yêu, đồng lòng quyết tâm xây dựng trường học hạnh phúc – Thầy Trường nhấn mạnh.
Chỉ tay về khu đất trống nằm giữa trường Mầm non và trường THCS Khao Mang, Ông Sùng A Sử, Phó Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang, cho biết các cấp đang chuẩn bị tiến hành xây dựng trường PTDT bán trú Tiểu học Khao Mang. Khi trường tiểu học mới hoàn thành thì trường tiểu học cũ cũng sẽ tu sửa, xây dựng lại làm trường Mầm non của xã. Ông Sử nhận định chỉ vài năm nữa Khao Mang sẽ hoàn thiện hệ thống trường học khang trang giúp các cháu học sinh địa phương có điều kiện để phát triển.
Bà Phạm Thị Thanh, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, cho hay toàn tỉnh hiện có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% nhân sự trong toàn ngành giáo dục của tỉnh. Đa số các thầy, cô giáo đều gắn bó với vùng cao. Không ít thầy cô đã tình nguyện cống hiến và dành trọn những năm tháng thanh xuân với giáo dục vùng cao để thực hiện khát vọng gieo mầm con chữ, góp công xây dựng trường học hạnh phúc.