Nhiều thập kỷ qua, câu chuyện về Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam đã chôn dấu một kho báu khổng lồ lên đến gần 10 tấn vàng với rất nhiều “kim ngọc bảo tỷ” ở khu vực nghỉ dưỡng hồ Lắk thuộc xã Đắk Liêng (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã gây xôn xao dư luận trong suốt một thời gian dài.
Chuyện về bãi tắm của đế vương
Trước khi đổ vào dòng Sêrêpốk hùng vĩ, các mạch nước từ dãy núi Chư Yang Sin đã tạo ra hồ Lắk thơ mộng với diện tích vô cùng rộng lớn. Nhiều tài liệu cho thấy, hồ nước hiếm hoi này là báu vật vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho đại ngàn Tây Nguyên.
Không những thế hồ Lắk đã vốn nổi tiếng bởi câu chuyện truyền thuyết. Thửa xa xưa, thần lửa đã chiến thắng thần nước sau một cuộc chiến quyết liệt kéo dài nhiều mùa rẫy, khiến buôn làng người Mơ Nông bị chìm đắm trong đại hạn. Trong lúc đó, có một chàng trai tên Y Lắk được sinh ra giữa cuộc tình ngang trái của cô gái Mơ Nông với thần lửa.
Để chuộc lại lỗi lầm của cha mẹ, chàng trai đã ra đi tìm nguồn nước để cứu dân làng thoát khỏi hiểm họa diệt vong. Sau nhiều ngày đêm vượt qua núi non hiểm trở đầy thú dữ, trên hành trình gian khổ đó, chàng đã cứu một chú lươn nhỏ nằm kẹt trong khe đá đang nằm chờ chết.
Để trả ơn cứu mạng, lươn đã dẫn chàng trai đến một hồ nước mênh mông. Vui sướng trở về, chàng trai đã dẫn người Mơ Nông đến định cư tại đây và hồ Lắk ra đời từ đó.
Từ góc độ du lịch, hồ Lắk còn hấp dẫn du khách bởi những nét hoang sơ, yên bình vẹn nguyên như từ thuở hồng hoang. Ngắm từ xa, hồ nước trông mềm mại và quyến rũ đến lạ kỳ. Còn khi lại gần, thì nước hồ xanh thẳm lại phản chiếu cảnh vật xung quanh trông lung linh, huyền ảo như cảnh tiên dưới trần thế.
Cũng vì mê đắm cảnh đẹp mà một thời cựu hoàng Bảo Đại đã tận hưởng những nét thi vị nơi đây trên những chiếc thuyền độc mộc hoặc ngồi trên lưng voi dạo ngang qua mặt hồ.
Sau năm 1945, do không chịu được thử thách của hoàn cảnh nên cựu hoàng đã chuyển sang cộng tác với Pháp, lãnh chức vụ Quốc trưởng Chính phủ Quốc gia. Thời gian này, phu nhân Mộng Điệp được Bảo Đại đón lên Đà Lạt.
Một năm sau, khi Pháp trả Tây Nguyên cho Chính phủ Quốc gia, sau khi lập Tây Nguyên thành thể chế đặc biệt Hoàng triều cương thổ (Bảo Đại ký Sắc luật thành lập ngày 15/4/1950), cựu hoàng Bảo Đại đã cử bà Mộng Điệp lên thủ phủ Tây Nguyên là Buôn Ma Thuột giúp ông giữ đất Tây Nguyên.
Cũng từ đây, phu nhân Mộng Điệp đã có quãng thời gian gần 3 năm sống trong hạnh phúc với ông vua không ngai cuối cùng của triều Nguyễn qua hàng trăm lần vào rừng săn mãnh thú. Bảo Đại đã chọn khu vực hồ Lắk là tâm điểm của những cuộc săn bắn.
Trước niềm đam mê săn bắn của cựu hoàng, để ông không phải vất vả đi đi về về chặng đường khoảng 50km từ Buôn Mê Thuột đến rừng Mê Vạn (quanh khu vực hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) săn thú nên phu nhân Mộng Điệp đã hợp đồng với một nhà thầu người hoàng tộc xây dựng ở hồ Lắk một ngôi biệt điện nguy nga, tráng lệ.
Suối B’Lao, nơi Bảo Đại xây dựng bãi tắm |
Bảo Đại đam mê săn thú đến nỗi, nhiều khi trời đã về khuya mà ông vẫn xách súng lên xe Jeep vào rừng. Theo lời những cận vệ cuối cùng thì Bảo Đại là một tay săn tầm cỡ. Hơn nữa, trong dinh thự của ông, nền nhà phủ da thú làm thảm. Đôi khi ông vào rừng chỉ để thả bộ và suy tưởng, một mình thưởng thức sự thanh vắng, u tịch trong rừng khuya.
Thời gian này, cựu hoàng Bảo Đại thường leo lên những chỗ cao để phóng tầm mắt ra xa để chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh xinh đẹp quanh hồ Lắk. Một lần, đứng trên ngọn đồi ngắm cảnh ông đã phát hiện ra một buôn làng ẩn hiện bên những cánh đồng lúa xanh rì, cạnh đó là dòng suối uốn khúc tựa như một dải lụa thiên thanh, quyến rũ đến lạ kỳ.
Sau nhiều lần đến địa phương khảo sát, ông cho xây dựng khu bãi tắm ngay tại dòng suối B’Lào (chảy trên địa phận xã Đắk Liêng, huyện Lắk ngày nay - PV) thơ mộng. Sau mỗi cuộc đi săn đầy mệt mỏi, cựu hoàng Bảo Đại lại cùng các cung nữ và phu nhân Mộng Điệp đến đây đằm mình trong dòng nước để thư giãn và thưởng lãm cuộc sống.
Những cuộc truy tìm kho báu
Không ai ngờ rằng, tại khu vực dòng suối đẹp trong như tranh vẽ, nơi diễn ra những cuộc tắm tiên của các cung nữ và cựu hoàng Bảo Đại lại xuất hiện thông tin đây là nơi chôn cất một kho báu khổng lồ có khối lượng gần 10 tấn, bao gồm nhiều vàng bạc, châu báu.
Thực tế cho thấy, sau năm 1975, khu biệt thự hồ Lắk cùng nhiều điểm nghĩ dưỡng lân cận đã bị tàn phá hầu như hoàn toàn. Theo đó, những kiến trúc mà hai vợ chồng Bảo Đại dựng nên đều bị cày nát bởi bom đạn, bởi vậy mà kho báu cất giấu gần dòng suối B’Lào cũng bị mất dấu vết giữa cánh đồng rộng lớn.
Cũng theo đó, khi những kẻ lạ mặt mới đến địa phương, để thuyết phục đồng bào ở khu vực nghĩ dưỡng suối B’Lào tin vào câu chuyện kho báo của dòng họ nhà rồng, thì kẻ đứng đầu có nói bất cứ ai tham gia vào tổ chức sẽ được bổ nhiệm chức vụ để cùng nhau hưởng kho báu trời cho này. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này đã không có được tiếng nói chung và đám người lạ mặt kia đành phải bỏ về.
Sau thời gian thất bại trong việc kêu gọi người dân tham gia, đóng góp tiền của để khai thác kho báu, thì đám người lạ trên lại xuất hiện để tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia tổ chức của họ. Với lời hứa cam đoan sẽ nhận được khối lượng vàng bạc đúng với công sức và tiền của bỏ ra thì lần này họ đã thành công.
Nhà Y Nơ Ông và các vết tích đào bới |
Một người từng có ý định tham gia cho biết, “khi nhóm người này lên, một tên đứng đầu giới thiệu với người dân là những lãnh đạo cấp cao trong tổ chức gọi là “Hoa Mai Hội” và có vị trí đặc biệt quan trọng trong “Gia đình nhà Rồng”.
Không những thuyết phục người ở xã Đắk Liêng (huyện Lắk) mà nhóm người này còn tỏa đi khắp các tỉnh Tây Nguyên cũng để tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia tổ chức của họ. Với lời nói đường mật cùng với lời hứa được hưởng giàu sang, phú quý nên tổ chức này đã lôi kéo được rất nhiều người tham gia.
Điều đặc biệt, những ai tham gia tổ chức này mà đóng góp nhiều tiền bạc thì sẽ được kẻ cầm đầu ra quyết định thăng chức. Khi có chức vụ trong tổ chức của mình, tổ chức này họp và tuyên bố tổ chức đang trực tiếp quản lý các kho báu, kho tiền USD cổ tại các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Đắk Lắk, Gia Lai... thậm chí ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Tại các kho báu, kho tiền cổ ở đây đều có các “thủ kho” là thành viên của tổ chức trông coi.
Với thủ đoạn mị dân vô cùng tinh vi trên, nhiều người có địa vị trong xã hội đã tham gia vào việc tuyên truyền cho tổ chức lừa đảo này. Để có kinh phí hoạt động cho tổ chức lừa đảo này, rất nhiều người phải bán nhà, bán đất, thu gom tài sản đóng góp cho kẻ cầm đầu để thực hiện việc truy lùng kho báu, kho tiền cổ nhằm thực hiện mong ước đổi đời, có cuộc sống vương giả.
Để thuyết phục người dân xã Đắk Liêng tin vào câu chuyện kho báu Bảo Đại có thật, những kẻ đứng đầu trong tổ chức gia đình nhà rồng đã tung tin đồn có kho báu với trữ lượng gần 10 tấn vàng được chôn giấu tại khuôn viên nhà ông Y Nơr Ông (SN 1949, ngụ xã Đắk Liêng, huyện Lắk). Một số người nhẹ dạ cả tin từ các nơi đã kéo đến đây đào xới để tìm “kho báu”, gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương.
Ông Y Nơr Ông cho biết: Cụ thể đã có tới 3 lần đoàn kéo đến đào bới trong khuôn viên đất của gia đình bà, làm gia đình rất bức xúc và lo lắng ngộ nhỡ những người tin là có kho báu thật kéo đến hãm hại để chiếm kho báu. Theo đó, sự việc xuất hiện từ những năm 2000, có một người tên là ông Hoàng (từng thường trú ở địa phương một thời gian ngắn rồi chuyển khẩu đi nơi khác).
Ông Hoàng dựng lên câu chuyện: Trong gia tộc nhà ông Hoàng có rất nhiều bà con từng phục vụ cho vua Bảo Đại, chính vì thế ông biết rất nhiều thông tin và những kho báu để lại của vị vua ăn chơi này.
Ông ta còn bày đặt, hiện tại con dấu của vua Bảo Đại đang ở nhà ông. Bắt đầu từ những năm 2000 đến nay, ông Hoàng đã cùng một nhóm người (khoảng từ 5 – 7 người) mang theo máy dò kim loại đến gia đình ông Y Nơ Ông. Họ đo đạc, kẻ vẽ với rất nhiều giấy tờ một cách nhanh chóng, rồi nói có việc bận gấp phải đi.
(còn nữa)