Bộ trưởng Phan Hiền tên thật là Lê Thụy Lan, sinh ngày 05/11/1918, quê quán ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP.Hà Nội). Ông làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ năm 1981 đến năm 1993, là Bộ trưởng đầu tiên của thời kỳ “tái lập” Bộ Tư pháp.
Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá VII (năm 1981), cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã trình Đề án tổ chức Bộ Tư pháp, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập Bộ Tư pháp. Quốc hội khóa VII Kỳ họp thứ nhất đã lập Bộ Tư pháp và thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, trong đó quy định Bộ Tư pháp có trách nhiệm quản lý các tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức. Từ cương vị Bộ trưởng phụ trách thông tin văn hóa đối ngoại Bộ Ngoại giao, ông Phan Hiền đã được Bộ Chính trị quyết định sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ngay sau khi được giao trọng trách, Bộ trưởng Phan Hiền cho thành lập tạm thời Phòng Tổ chức cán bộ và chỉ đạo xây dựng Tờ trình Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức Bộ Tư pháp (số 51- TCCB ngày 16/9/1981) kèm Dự thảo Nghị định tổ chức Bộ Tư pháp để thi hành các nghị định và luật nói trên. Trong khi chờ Nghị định, một số bộ máy đã phải nhanh chóng hình thành để vận hành: Phòng Tổ chức cán bộ, Văn phòng, Phòng Đào tạo… đặc biệt là thành lập Phòng Tổng hợp để giúp Bộ trưởng. Đánh giá cao vai trò của Phòng Tổng hợp, đến năm 1985, Bộ trưởng Phan Hiền đã ra Quyết định thành lập Vụ Kế hoạch - Tổng hợp và tăng thêm nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Thảo (nguyên Thư ký của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Trọng Truyến) được Bộ trưởng Phan Hiền giao đảm trách Phòng Tổng hợp. Các Thư ký của Lãnh đạo Bộ đều là người của Phòng Tổng hợp.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng là “Phải thuyết phục những đồng chí có trách nhiệm, những thủ trưởng ở các ngành, các địa phương về sự cần thiết xây dựng hệ thống của ngành Tư pháp từ trên xuống dưới”, Bộ trưởng Phan Hiền thường xuyên quan tâm toàn diện mọi lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, tòa án địa phương.
Với phương châm luôn hướng về cơ sở, Bộ trưởng đã chỉ thị các sinh viên khi về nhận việc ở Bộ phải có thời gian làm việc 1 năm ở Phòng Tư pháp quận, huyện của TP.Hà Nội. Bộ trưởng có tác phong đi sâu, đi sát tình hình thực tế và nắm vững các vấn đề. Trước khi đến địa phương làm việc, bao giờ Bộ trưởng cũng chăm chú nghe báo cáo toàn diện các vấn đề về địa phương sắp đến.
Mỗi chuyến đi như vậy, Phòng Tổng hợp chúng tôi chuẩn bị rất kỹ mọi vấn đề “từ A đến Z”, để không xảy ra một lỗi nhỏ nào. Tôi được Thủ trưởng Nguyễn Văn Thảo giao nhiệm vụ sang Vụ Địa phương (Văn phòng Chính phủ) mượn báo cáo để nắm thông tin tổng quát về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nơi Bộ trưởng sắp đến làm việc. Đồng thời tôi còn phải xuống Cục Bản đồ mua bản đồ giao thông và sang Khí tượng Thủy văn để nắm thời tiết sẽ diễn ra trong tuần để cung cấp cho Bộ trưởng…
Tuy bận rộn song anh chị em Phòng Tổng hợp đều rất vui và thở phào nhẹ nhõm mỗi khi báo cáo tình hình xong được Bộ trưởng khen, bởi Bộ trưởng Phan Hiền là người rất nghiêm khắc, để nhận được lời khen của ông không dễ…
Hồi đó anh chị em Phòng Tổng hợp liên tục thay phiên nhau đi địa phương liên tục với Bộ trưởng. Sau những chuyến đi địa phương về, ông tổ chức họp Đoàn công tác để rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo Vụ trưởng Nguyễn Văn Thảo phải ưu tiên tăng đầu tư kinh phí xây dựng trụ sở Tòa án huyện còn ở tình trạng tranh tre, vách đất. Thời kỳ này, các trụ sở tòa án cấp huyện trong toàn quốc có được diện mạo khang trang cũng là nhờ sự quan tâm thiết thực và hiệu quả của Bộ trưởng Phan Hiền.
Những thành tựu của Bộ Tư pháp đều có vai trò đóng góp của ông như: tham gia các Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước XHCN; xây dựng các Hiệp định Tương trợ Tư pháp với các nước XHCN; biên soạn Bộ luật Hình sự, được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ năm 1986.
Giờ đây Bộ trưởng Phan Hiền đã vĩnh viễn đi xa (ông mất ngày 2/8/2002) nhưng mỗi khi nghĩ tới ông, chúng tôi vô cùng kính phục người thầy hết lòng xây dựng Bộ Tư pháp trong thời kỳ “tái lập” đầy thử thách, gian khó./.