Từ tình cảm yêu thương trong gia đình…
Bà Thành xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Được mọi người trong gia đình yêu thương, dạy dỗ, bà sớm thoát ly, lên Hà Nội học trường Trung cấp cơ điện. Trong thời gian học, bà gặp và có cảm tình với một quân nhân đóng quân ngay doanh trại bộ đội gần đó. Ban đầu là cùng chơi với nhau, rồi cảm mến nhau lúc nào không hay. Khi ấy, chuyện anh bộ đội góa vợ, một mình nuôi 4 người con càng khiến tình cảm bà Thành dành cho người mình yêu lớn hơn.
Hai người quyết định cưới nhau. Hơn 30 năm chung sống, họ có chung một người con. Bà yêu thương những người con riêng của ông như của mình và cũng nhận lại tình cảm tương tự. Bà tâm sự: Cứ cho đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương, bởi chẳng ai lại đi ghét người suốt ngày lo lắng, vun vén cho mình cả. Rồi bà tự hào cho biết, suốt thời gian chung sống, ông bà gần như chưa bao giờ to tiếng, cãi vã nhau khiến các con phải buồn rầu hay lo lắng cho tình cảm của bố mẹ.
Bà xúc động kể lại về những ngày ông bị bệnh phải nằm viện cả tháng trời, một tay bà chăm ông, không nhờ cậy đến bất kỳ người con nào. Mỗi lần bà về nhà tắm giặt, thấy vắng bà là ông hỏi ngay và bảo các con gọi bà ra với ông. Khi ông được về nhà, bà vẫn tham gia công tác đoàn thể, đồng thời vẫn tận tình chăm sóc ông.
Hình ảnh ông bà dắt tay nhau đi thể dục có lẽ đã trở thành hình ảnh đẹp ở khu dân cư của bà. Dù sức khỏe yếu nhưng ông vẫn động viên bà tham gia tích cực công tác ở địa phương. Nếu bà phải đi lâu, ông xin đi cùng để được ở bên bà nhiều hơn. Ông luôn thức cùng bà trong những đêm bà phải miệt mài viết báo cáo về các hoạt động của mình. Tất cả những hình ảnh của người chồng thân yêu luôn theo bà, động viên bà đến tận bây giờ, khi ông đã mất gần 2 năm nay.
Bà nghẹn ngào tâm sự: “Tôi tự hào về gia đình của mình nên cũng mong những người xung quanh tôi có một gia đình hạnh phúc làm điểm tựa. Cuộc mưu sinh vốn đã khó khăn cực nhọc lắm rồi, hãy để gia đình thành nơi mọi người được giải tỏa căng thẳng, là nguồn tích trữ năng lượng để tiếp tục cuộc chiến khắc nghiệt trong thời buổi cơm áo gạo tiền này”.
Có lẽ từ tình yêu thương chồng con nên bà đã có một mái ấm không thể hoàn hảo hơn. Và có lẽ cũng từ câu chuyện thật, những trải nghiệm từ chính mái ấm gia đình mình mà bà Thành đã trở thành mối nối cho biết bao nhiêu gia đình trên bờ vực tan vỡ. Bà tâm niệm, để có được hôn nhân hoàn hảo phải thuộc nằm lòng kim chỉ nam “trẻ thì yêu nhau, già phải thương nhau”. Lời các cụ dạy “cơm sôi bớt lửa” cũng luôn được bà thực hành hàng ngày.
Đây chắc hẳn là bí quyết để bà “hạ hỏa” được nhiều “đám cháy” hôn nhân? Hỏi bà câu hỏi này, bà cười và bảo “cũng tùy thuộc vào nhiều trường hợp chứ. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, không phải bài học nào cũng áp dụng cho mọi đối tượng được. Tôi luôn phải suy xét rất kỹ khi quyết định biện pháp nào trước mỗi cuộc hòa giải”.
… đến những lần “thêm lửa” thành công
Rồi bà kể, có những lần bà không hạ hỏa cũng không bớt lửa mà còn quyết định “thêm lửa” khi khuyên họ họ tạm thời chiến tranh lạnh với nhau khi gặp một cặp đôi “nóng tính ngang ngửa nhau”. Và trong thời gian họ chiến tranh lạnh, bà dùng chiến thuật du kích để lắng nghe từ 2 phía, để xem ai là người khiêu khích trước rồi mới quyết định hướng hòa giải.
Hoặc cũng có khi bà quyết định “can thiệp mạnh” vào cuộc hôn nhân đang bên bờ vực tan tành bởi cả người chồng và mẹ chồng quyết liệt ly tán. Đấy là câu chuyện về một gia đình cũng đã chung sống được với nhau gần 20 năm. Khi người chồng, chỉ vì vài chuyện linh tinh mà lớn tiếng đuổi người vợ về nhà mẹ đẻ. Cô vợ không vừa cũng xách đồ đi luôn.
Bà Thành nghe tin vào làm công tác hòa giải. Khác với mọi lần, lần này bà vào đề luôn về những ấm ức, bí bách mà người vợ phải chịu khi chung sống cùng gia đình chồng trong một căn nhà chật chội. Khi người chồng hiểu ra đã gọi điện bảo cô vợ về nhà. Nhưng bà mẹ chồng không vừa, lập tức bảo “ai cho nó về”. Bà Thành không ngần ngại quyết định: “Tôi đưa nó về. Nó được cưới xin đàng hoàng nên giờ muốn đuổi nó đi thì phải có lời với nhà người ta”.
Sau quyết định dứt khoát của bà Thành, đôi vợ chồng ấy lại hòa thuận, chung sống với nhau. Bà hiểu tình cảnh của cô con dâu nên vẫn hẹn gặp, chuyện trò để người vợ ấy thông cảm sâu sắc hơn cho hoàn cảnh gia đình nhà chồng. Bà cho biết, sau mỗi lần hòa giải thành công, bà luôn để ý quan tâm xem tình hình gia đình ấy ra sao để can thiệp kịp thời.
Bà làm công tác hòa giải mọi lúc, mọi nơi, có khi đến tận nhà, khi gặp ngoài đường, khi lại ngồi hàng nước... Thường trước khi tiến hành, bà đều tìm hiểu nguyên nhân bắt nguồn từ đâu, sau đó đến gặp từng người để mỗi người nói ra vấn đề của mình, rồi xin ý kiến mẹ đẻ, hoặc mẹ chồng về việc bất hòa của các con. Sau đó đến nhà mời mẹ chồng, mẹ đẻ và mời cả hai đối tượng bất hòa đó cùng ngồi lại với nhau để tìm ra chìa khóa giải quyết vấn đề.
Bà chia sẻ: “Quan trọng là để người trong cuộc nói lên nguyên nhân của sự bất hòa và tự nhận thức về vấn đề đó. Sau khi nghe ý kiến thì người cầm trịch phải khéo léo để cuộc hòa giải không biến thành cuộc đấu tố nhau. Sau đó lắng nghe ý kiến của phụ huynh để tìm hướng giải quyết phù hợp nhất”. Và hướng của bà là xung đột từ đâu, giải quyết từ đấy, ví như xung đột vì người chồng không công ăn việc làm lại nhậu nhẹt rượu chè thì bà cùng tổ dân phố tạo điều kiện cho làm công việc của khu phố như bảo vệ chung cư…
Một trong những nguyên tắc của người làm hòa giải là phải khéo léo. Bà Thành bắt đầu câu chuyện bằng sự hỏi thăm, không biến cuộc hòa giải thành cuộc tra hỏi mà chỉ động viên, từ đó tham gia ý kiến với các cặp vợ chồng về sự việc gia đình, đồng thời ngọt nhạt phân tích về tình, về lý để họ hiểu. Bằng cách này, hơn 10 năm qua, bà đã miệt mài mọi hang cùng ngõ hẻm hàn gắn, dựng lại hạnh phúc cho biết bao nhiêu gia đình…