Những làng “Mỹ tục khả phong” giữa lòng Thủ đô

“Mĩ tục khả phong” là danh hiệu mà triều đình cho các làng xã có nhiều đóng góp với triều đình thời phong kiến. Hiện nay ở rất nhiều làng ở Hà thành vẫn nâng niu tấm biển “Mỹ tục khả phong” với sự trân trọng, tự hào, góp phần khuyến khích nhân dân địa phương mình làm việc tốt, tạo nên nét đẹp thuần hậu trong mỗi làng xã Việt Nam.

“Mĩ tục khả phong” là danh hiệu mà triều đình cho các làng xã có nhiều đóng góp với triều đình thời phong kiến. Hiện nay ở rất nhiều làng ở Hà thành vẫn nâng niu tấm biển “Mỹ tục khả phong” với sự trân trọng, tự hào, góp phần khuyến khích nhân dân địa phương mình làm việc tốt, tạo nên nét đẹp thuần hậu trong mỗi làng xã Việt Nam.

Làng Hương Ngải quyên góp tiền cứu tế

Nhà Nguyễn ngay từ buổi đầu cai trị đất nước đã rất chú trọng đến việc chăm sóc sức dân. Các tài liệu chính sử như Đại Nam Thư lục, Đại Nam nhất thống chí đã ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về quy định khen thưởng đối với các làng xã nông thôn Việt Nam.

Sử còn ghi nhận, năm Tự Đức thứ 29 triều đình định lại lệ khan thưởng chung cho các làng xã và cá nhân quyên góp được nhiều của cải. Tùy theo số tiền của các làng quyên góp được mà khen thưởng. Chẳng hạn nếu quyên được từ 700-900 quan tiền thì thưởng cho 20 quan. Trong trường hợp quyên góp được từ 1000 quan trở lên thì ban thưởng cho một tấm biển đề chữ “Mỹ tục khả phong”.

Ngoài việc quyên góp giúp Nhà nước chi dùng trong những lúc cần thiết, các xã dùng số tiền của lập thành kho dự trữ. Kho dự trữ thóc lúa của cải đó dùng để giúp đỡ dân nghèo trong địa phương, đặc biệt dùng để cứu tế trong những lúc gặp thiên tai địch họa, mùa màng thất bát. Kho dự trữ phải thường xuyên bổ sung để sử dụng kịp thời. Những xã, làng làm tốt được việc đó cũng được triều đình ban cho biển ngạch “Mỹ tục khả phong” hay “Thiện tục khả phong”.

Làng Hương Ngải
Làng Hương Ngải

Làng Hương Ngải huyện Thạch Thất là một trong số làng được nhận tấm biển này. Làng có tên Nôm là làng Ngái có quy mô rộng lớn với nhiều nghề thủ công truyền thống như nghề mộc, nghề dệt…Đầu làng có quán Nghinh Hương, tương truyền xung quanh quán có 7 cây cổ thụ được trồng theo hình sao Bắc Đẩu, tượng trưng cho một làng xã có tiếng văn học.

Quán Nghi Hương là nơi tổ chức lễ Nghinh Hương đón sĩ tử đỗ đạt cao, ghi danh bẳng vàng, hồi hương vinh quy bái tổ. Giữa làng có miếu thờ Tam vị Thần hoàng làng đón những người đó là một cái đích để các sĩ tử Hương Ngải phấn đấu học hành và các cụ trong làng gắng luyện sức khỏe để sống lâu. Tại đây có treo bức đại tự lớn do vua Tự Đức ban tặng năm 1874 với 4 chữ Hán “Mĩ tục khả phong”.

Làng Hương Ngải ngày nay còn khá nhiều những ngôi nhà xây toàn bằng đá ong truyền thống. Những ngõ xóm nhỏ lát gạch, thấp thoáng những cây cau, giàn trầu không phủ lên tường đá ong luôn mang lại một vẻ đẹp của làng quê Bắc Bộ. Bên cạnh những xóm mới khang trang, trong làng còn có những ngôi nhà gỗ vài trăm tuổi vẫn giữ được lối kiến trúc cổ kính với đá ong, gạch đất.

Làng Tiến sĩ Đôn Thư

Làng Đôn Thư xưa thuộc xã Đôn Thư, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Nội. Là một làng quê văn vật, từ xa xưa, Đôn Thư đã có nhiều người đỗ đạt, làm quan trong các triều đại.

Thời Nguyễn, làng đã được tặng bức đại tự sơn son thếp vàng với 4 chữ Mỹ tục khả phong. Theo truyền tụng, Đôn Thư có từ 2000 năm trước, thuở Hai Bà Trưng dấy binh chống xâm lược nhà Hán. Dấu ấn đất cổ còn khá đậm, làng có 9 xóm, một bên là thổ cư, một bên là đầm hồ, địa hình vừa đẹp vừa dễ dựng luỹ chống giặc. Đình và miếu làng Đôn Thư đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1992. Miếu làng uy nghi bên một gốc đa cổ kính, thờ Đức Thánh Mẫu, tương truyền là một nữ tướng của Hai Bà Trưng, từng đến Đôn Thư chiêu tập dân binh và cũng có công chiêu dân lập ấp.

Theo truyền thuyết, trong miếu có mộ Bà ở dưới ban thờ. Đình làng Đôn Thư thờ Quang ý Đại Vương, tương truyền là võ tướng triều Lý, có công dạy dân nghề làm nón ngang, tức nón thúng quai thao, và truyền cho dân cả nghề tằm tang.

Vậy là từ xa xưa người dân Đôn Thư đã có nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, và cả nghề làm nón, nên đời Đôn Thư, có nghĩa là cái giá để sách. Có lẽ vì cái tên có nghĩa chứa đựng thi thư như vậy mà làng quê này phát về văn nghiệp chăng?. Xưa kia Đôn Thư có hơn 30 người đỗ từ Tú tài, Cử nhân, tới Tiến sỹ, Thám hoa; làm quan trong triều, làm tri huyện, tri phủ ở nhiều địa phương sống sung túc…

Từ thời Trần, dòng họ Nguyễn Hầu đã đăng khoa và có tới 17 người được phong tước hầu, tước bá. Qua các thời Lê, Nguyễn, hơn 30 dòng họ ở Đôn Thư không chỉ có họ Vũ đỗ cao, danh lớn, mà hầu hết các họ đều có người đỗ đạt. Truyền thống như vậy, nên thời Nguyễn, làng đã được tặng bức đại tự sơn son thếp vàng với 4 chữ “Mỹ tục khả phong”.

Làng văn hóa ẩm thực Ước lễ 

Nổi tiếng từ lâu với nghề làm giò lụa, giò bò, giò gà, giò tai, giò thủ, chả quế, nem chua, bánh chưng… làng Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Tây cũ) từng được vua Minh Mạng ban "Mỹ tục khả phong". Không ai biết chính xác nghề giò chả có ở làng này từ thời nào.

Trên cổng làng, một chiếc cổng làng cổ, có lẽ nó là loại cổng làng cổ đẹp nhất, còn nguyên những hoa văn, chạm trổ tinh tế, lưu giữ từ thời nhà Mạc, đắp bốn chữ do vua Minh Mạng ban “Mỹ tục khả phong” (Phong tục tốt đẹp). Hẳn vua Minh Mạng từng ngự giò chả Ước Lễ cung tiến nên quý mến những tập tục đẹp, quý cái văn hoá ẩm thực của làng mà thốt viết như vậy.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, cả nước hiện có khoảng 600 gia đình Ước Lễ làm nghề giò chả. Các tỉnh phía Nam như: TP HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Lạt, khu vực Tây Nguyên… có khoảng 200 gia đình. Đông nhất là Hà Nội. Nếu Hà Nội hiện có 700 gia đình Ước Lễ sinh sống thì có đến 400 nhà làm giò chả, bánh chưng…

Người ta nói rằng, ông tổ nem chua xứ Thanh, nơi những quả nem nhỏ xíu đã trở thành thương hiệu đặc sản, cũng chính là người của dòng họ Nguyễn Như, gốc gác Ước Lễ. Khi vui bạn bè hoặc ngày Tết ngán thịt, cá thì những quả nem chua xứ Thanh lại là món ẩm thực tuyệt vời.

….Chính những tấm biển “Mỹ tục khả phong” đã làm tăng thêm lòng tự hào về quê hương yêu dấu,trở thành động lực để người dân trong làng có đủ sức mạnh vượt qua mọi gian khó để cống hiến sức lực xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bảo Châu

Đọc thêm